Kính tặng bố.
Mùa hè năm 2010, một lần đi nghỉ cùng bố và cả gia đình, trong hành trang rất gọn nhẹ của chuyến đi dọc bãi biển miền Trung, bố còn mang theo một tập vở và cây bút, rồi cứ loay hoay ấn bằng được vào tay tôi.
Tôi hiểu cái thông điệp mà bố ngầm gửi gắm, nhắc nhở đứa con gái đa cảm nhất nhà. Đứa con gái mà trước ngưỡng cửa cuộc đời, bố đã từng không muốn nó theo nghiệp viết lách bởi vì theo ông, "lập thân tối hạ thị văn chương"...
Sau bao khúc quanh, giờ ông muốn con gái viết, dù chỉ là tay ngang, dù sẽ chạm vào cái nghiệp chướng mà ngày đó cách đây gần nửa thế kỷ, ông đã vì nó mà thất bất sang bang.
Và những điều đầu tiên, con muốn viết, đó là một bài viết, không bao giờ kết thúc, về Cha.
Năm tôi 3 tuổi, cha trở về sau một chuyến đi xa.
Tôi đu mình trên cánh tay cha, ngỡ ngàng nhìn người đàn ông đen như bồ hóng, đôi mắt dữ dội và hàng lông mày đặc trưng của dòng họ, hãnh diện khoe:
- Bố ơi con biết xì mũi rồi!
Ba tuổi và biết xì mũi, đó là cả một chiến tích với con bé đen nhẻm, tóc tai như lông quạ và "bẩn như ma" như mẹ tôi vẫn rền rĩ hồi đó. Bố tôi ôm tôi trên tay, quàng tay ôm hai con vịt giời là hai bà chị gái của tôi, dạt dào nỗi niềm đoàn tụ và trở trăn của một cuộc sống mới sau khúc quanh cay đắng của một chuyến đi nghiệt ngã.
Bây giờ, khi đã trải đời, nếm đủ buồn vui cay đắng của cả thành công lẫn thất bại, tôi thương cha đến thắt lòng. Người đã sống như thế nào những tháng ngày tăm tối đó, với những xa lánh, những dị nghị, với một lý lịch u ám, bên người vợ trẻ đẹp hiền lành cam chịu và ba đứa con thơ...?
Những dấu ấn thấp thoáng của tuổi thơ tôi là những cơn nóng giận thất thường đến vô lối của cha. Người được mệnh danh là "ông hét ra lửa". Với cha, thường ít khi thấy ông phân trần khuyên giải, với ông, chỉ là mệnh lệnh; cha tôi dùng mệnh lệnh thiết quân luật từ nhà ra đến cơ quan, nơi ông bắt đầu lại cuộc đời với chức danh công nhân cơ điện. Lúc nào ông cũng lấm lem dầu mỡ, trần sì mầu xanh công nhân, người khét mù mùi mồ hôi dầu. Hầu như suốt ngày ông ở cơ quan, đánh vật với đủ thứ sách kỹ thuật mà ông mày mò tự học, hết chế tạo đông cơ đi-e-den, đến sửa chữa điện, động cơ đốt trong... Ông còn trau giồi thêm tiếng Pháp và dậy công nhân trong nhà máy cùng học. Chính sự cố gắng phi thường và lòng đam mê học hỏi này đã nâng bước ông dần dần, ông làm quản đốc phân xưởng cơ điện rồi vào ban giám đốc những năm cuối đời.
Giản dị, nhưng ông luôn toát lên vẻ ung dung thư thái. Quần áo công nhân nhưng luôn thẳng thớm và đặc biệt gọn gàng. Ông thích ngăn nắp, cẩn thận, kỹ tính, nhà cửa lúc nào cũng bóng lộn như soi gương và đặc biệt rất đảm đang nội trợ. Có lẽ đó là luật bù trừ, vì mẹ tôi, vốn cũng tự nhận mình là người "đoảng".
Cả khu tập thể nhà tôi lúc đó, các bà các cô thường truyền miệng nhau, ông D. đi chợ khéo lắm! Khéo ở đây là mua được rẻ, chứ không phải là... ngon. Mãi sau này mọi người mới phát giác ra, kỳ thực ông bao giờ cũng mua đắt hơn người ta, vì ông không bao giờ mặc cả, nhưng về nhà, chỉ nói có... non nửa giá! Hi hi, cái mẹo của đàn ông! Mà đã là đàn ông, phải đi chợ, nào có danh giá gì! Cha cứ đảm đang chợ búa thế vì ông chiều mẹ, hay vì mẹ đoảng, như mẹ vẫn tự nhận, tôi không biết! Có lẽ vì ngay từ khi mới chưa đầy tuổi tôi, ông đã dấn thân vào cuộc đời mồ côi nên phải tự lo cho mình, vạn bất đắc dĩ thành ra thế chăng?
Vâng, năm cha còn chưa thôi nôi, ông nội mất sau một bạo bệnh. Bà nội lúc đó mới ngoài hai chục xuân xanh, đã dứt áo bỏ lại đàn con lít nhít 4 đứa để đi bước nữa. Để rồi trong những hồi ức cơ cực về tuổi thơ côi cút, lang thang hết nhà ông chú nọ đến nhà bà bác kia, cha luôn mang một nỗi oán hận người mẹ không nhớ mặt vì không thể nhớ nổi mặt. Thật ra bà cũng có về thăm các con đôi lần, nhưng bị dân làng ghẻ lạnh và các con quay lưng, nên cuối cùng, người mẹ bất hạnh, bà nội của chúng tôi đã đành một đi không trở lại....
Bây giờ, gia đình tôi có thêm một ngày giỗ nữa, đó là ngày giỗ bà nội. Không biết từ bao giờ, cha đã tha thứ cho bà, đã lấy một ngày làm giỗ cho người mẹ bỏ con. Cha đã từng khước từ mọi thăm nom của bà, khi có người từ trong Nam, nhắn tin lặn lội tìm gặp các con của bà, đặc biệt là cậu Bốn, tức là cha, con út. Cha đã không tha thứ cho bà suốt những năm bà còn sống. Để rồi đến cuối đời, cha đã chọn cho bà một ngày để tưởng nhớ... Có phải, cái ta căm thù nhất đôi khi lại chính là cái ta yêu thương, khao khát nhất....
Cha, hay tính cách của dòng họ Kiều là thế? Quyết liệt, khảng khái, yêu đến tận cùng và cũng rất khó tha thứ nếu bị tổn thương. Cả dòng họ Kiều Hà nam nhà tôi, đàn ông cái gì cũng rậm, đàn bà cái gì cũng... ngăm ngăm, ai nấy đều có cái Tôi rất lớn. Nhưng để làm cho dòng họ ngày càng khăng khít, lớn mạnh, bề thế, võng lọng áo gấm về làng... phải kể đến công sức và đóng góp không nhỏ của cha.
Cha không phải là con trưởng. Càng không thuộc hàng chi trưởng. Nhưng cha luôn đầu tầu, đứng mũi chịu sào, quên mình trong hết thảy mọi việc. Cha sống đầy đam mê, đầy nhiệt huyết. Chưa bao giờ thấy cha bỏ cuộc giữa chừng, từ việc lớn đến việc nhỏ. Ông cặm cụi, tỉ mẩn, nhẫn nại lạ lùng. Và sức vươn lên của ông bền bỉ đến khâm phục.
Ông truyền cho chúng tôi niềm đam mê sách vở ngay từ nhỏ. Thời chiến tranh, cái gì cũng thiếu. Ông có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng không bao giờ để các con đói sách. Tôi vẫn nhớ những cuốn sách đầu tiên cha mua tặng : "Tặng KTAG con gái yêu quý của bố nhân ngày 1.6". Hay: "Tặng công chúa Ba nhân ngày sinh nhật". Đó là những món quà vô giá, vì trong ba chị em chỉ có tôi được hưởng niềm hạnh phúc ấy. Sau này, trong đời, tôi còn được nhận rất nhiều món quà giá trị khác, cả những cuốn sách khác với những lời đề tặng khác. Nhưng những cuốn sách đầu tiên của cuộc đời với nét chữ không bao giờ lẫn với bất cứ ai của cha tôi, là dấu ấn tôi không thể nào quên.
Hồi đó ông còn ứng khẩu thành văn, dỗ tôi bằng câu truyện cổ tích đầy hoang đường mà hai bà chị gái của tôi bây giờ có dịp vẫn nhắc lại với giọng điệu đầy... ghen tị:
"Ngày xửa ngày xưa có một gia đình nhà nọ sinh hạ được ba nàng công chúa. Hai cô đầu thì vừa xấu lại vừa lười. Riêng nàng ba đi đến đâu, chim chóc bay rợp trời đến đấy...!!!"
Hic, đúng là hoang đường! Vì nàng Ba, đen nhem nhẻm, gầy như que củi, mắt như hai cái đèn pha, trông chả hứa hẹn một điều gì khả dĩ. Trong khi hai bà chị tôi đúng là hai con thiên nga. Vì mẹ tôi trắng nõn trắng nà, còn tôi được thừa hưởng nguyên bản dòng họ Kiều. Cha tôi vẫn an ủi: "Gái giống cha giầu ba đụn". Than ôi cái ba đụn giống cha!
Ông kiên quyết khép chúng tôi vào kỷ luật, "thiết quân luật" theo cách của ông. Kỷ luật ở đây được hiểu như nếp sống như trong quân đội. Kỷ cương, gọn gàng, phán đấu nỗ lực hết mình. Ông không chấp nhận con ông đứng hạng hai trong lớp. Ông cũng không bao giờ đi họp phụ huynh bởi ông quan niệm, con ông học giỏi rồi thì ông không cần phải đi gặp ai hết! Ôi, một trong những cái ngang, cái chảnh, cái gàn của họ Kiều!
Ông quá quen với việc chúng tôi thường xuyên đứng đầu lớp. Quá quen với những lời phê vừa hồng vừa chuyên của các thầy cô. Gia đình tôi khá nổi tiếng những năm ấy vì cơ quan bố mẹ tôi, vốn là cơ quan sơ tán, được ưu tiên điện cho sản xuất nên địa phương nhờ vậy cũng được "nhờ vả" để cung cấp điện cho cả xã. Ngày mùa mà không có điện thì...
Cả xã biết tiếng bố tôi, còn cả trường biết tiếng mấy chị em tôi, không chỉ vì chúng tôi học giỏi, mà còn vì cái họ Kiều rất lạ, và cũng vì chúng tôi là con của cha tôi.
Cho đến bây giờ, mấy chị em tôi, mỗi khi có dịp ngồi với nhau, vẫn hay đùa là "ôn nghèo kể khổ". Nhưng đều ngậm ngùi thừa nhận rằng, nếu không có sự nghiêm khắc đến mức hà khắc của cha, sự hy sinh vô bờ bến của mẹ, liệu chúng tôi có được như ngày hôm nay? Một gia đình nghèo, rất nghèo, bố mẹ chỉ là CBCNV nhà nước, mà nuôi được cả năm đứa con ăn học đàng hoàng, là một điều tự hào rất chính đáng, đâu phải ai cũng làm được?
----
(còn nữa)
Thymyanka
Trả lờiXóaKhói từ bếp lữa vây quanh
Bạc thêm tóc mẹ nhọc nhằn giấc mơ
Khói từ điếu thuốc vật vờ
Trắng trang giấy trắng thẫn thờ dáng cha.
Tôi từ trong khói bước ra
Giã từ năm tháng nõn nà tuổi thơ.
Thắp nén nhang
Trả lờiXóaTrước mộ cha già
Lòng nghe tủi hổ
Khóc mình mà chi.
Tấm thân ba thướt làm gì
Vai mang nghiệp dĩ chưa đi vội về
Lỡ làng...
Duyên nợ phu thê
Trách ai
Ai trách?
Câu thề ngày xưa
Nén nhang trước mộ cha già
Cuối đầu tạ tội cũng là ...hư không
Bao giờ đứng trước mồ cha
XóaKhói hương thấp thoáng như là hư không
Một đời sắc sắc không không
Buông tay thoắt bỗng ngàn trùng âm dương....
Bài viết cảm động. Chúc 30 năm nữa Bơ nghĩ về Ka cũng bằng với Ka nghĩ về Bố ..
Trả lờiXóaNghe thêm bản nhạc nữa nhé
[youtube]http://youtu.be/IigRv6B763k[/youtube]
Cám ơn K vềd một cảm nhận.
XóaMay còn có cha, mà cũng chẳng biết đến bao giờ còn được gọi cha....