HAI ĐỨA TRẺ





HAI ĐỨA TRẺ

Hầu như ngày nào tôi cũng gặp thằng bé dắt chó đi dạo. Giống chó mặt xệ cụt đuôi to lớn, nó lôi xềnh xệch thằng bé đi, hai đứa vật nhau dưới nhà một lúc thì thằng bé kết thúc việc chăm chó bằng cách đi mua cho mẹ một bông hoa từ tiền tiêu vặt. Trông nó như một người đàn ông thu nhỏ, vừa đăm chiêu vừa tự trọng và hết sức lễ độ ở cái tuổi lên 10.

Tôi không kìm lòng được mỗi khi nhìn thấy nó. Nó từ chối Schokola, nhưng rất thích đống Pokémon mà con trai tôi thải ra. Một cách đầy giáo dục, mỗi lần nó chỉ nhặt đúng một con, dù tôi khuyến khích nó lấy thêm. "Nó là bờ vai vững chãi của tôi", mẹ nó bảo thế, tự hào, dịu dàng và trìu mến nói về con mình.

Khi nhà tôi dọn đến đây, mẹ nó còn nhỏ hơn nó bây giờ. Học chưa xong trung học, cô thiếu nữ có mái tóc vàng óng và gương mặt thanh tú đã hẹn hò. Một thằng ku lai Nga, da bợt. Rồi cô mang bầu. Mẹ cô, cũng còn rất trẻ, tươi cười: ngày xưa tôi cũng bắt đầu rất sớm. 16 tuổi đã sinh con! Tôi thầm nghĩ, nếu con gái tôi 16 đã mang bầu thì đó là một tai họa!

Thằng bé ra đời khi mẹ nó mới 17 và một năm sau thì thằng bố da bợt bỏ đi. Bà mẹ trẻ ngày đi bồi quán, tối đi học thêm lấy bằng phổ thông. Gương mặt thanh tú hôm nào giờ lất phất nếp nhăn mỏi mệt. Thằng bé không cha nhưng có tới hai bà mẹ, mẹ nó và bà nó. Trông nó già giặn nhưng rất điềm đạm, nhất là từ khi có con chó. Tôi đã vui đến thế nào khi thấy nó dường như lớn lên mỗi ngày, nó đã kéo được con chó thay vì bị chó kéo. Chó cũng giống chủ, ít nói, nhưng tự tin. Một dạng thần thái toát ra đầy sức mạnh tự thân khiến không kẻ nào dám coi thường.

Rồi mẹ nó lại có bồ, và nhanh chóng có bầu. Một thằng mặt lạnh cô hồn, màu tóc như màu tóc Donald Trump. Không hiểu sao, tôi thấy bất an. Hình như con bé lại chọn sai người. Lại vội vàng có thai như sinh ra chỉ để mỗi làm mẹ vậy.

Hôm nay gặp ba mẹ con nó đẩy nhau đi qua nhà. Thằng em da trắng như vôi, tóc chóe lọe hơn cả Donald Trump, ngồi trên xe ngậm cái núm vú cao su, mắt lờ đờ buồn ngủ, tay khư khư túm chặt con búp bê bé xiu. Thằng anh đứng bên cạnh dỗ dành trông chừng em, y như một thằng bố tý hon. Hai màu tóc, một vàng chóe, một nâu thẫm trông đầy nghịch cảnh bên một con chó và bà mẹ còn rất trẻ đầy mỏi mệt.

Có cái gì sai sai ở đây. Tôi hỏi mẹ nó, em có khỏe không?

Con bé ngần ngừ, rồi nói. Em không khỏe. Em sắp phải vào viện xạ trị. Cái gì? Em không ung thư chứ? Còn tệ hơn cả ung thư. Em trả lời, vẻ mặt buồn nhưng vẫn nở nụ cười héo hắt.

Em đừng buồn, em có hai đứa con. Và mẹ em luôn ở bên em, bà ấy thật tuyệt vời. Em mạnh mẽ lên. Chúa phù hộ em!

Tôi đưa cho thằng bé phong Schokola, thứ duy nhất mà tôi nghĩ ra lúc ấy. Thằng bé bỗng mếu xệch định khóc. Thằng anh vội dỗ em ngay lập tức, y một người bảo mẫu tận tụy. Mẹ nó bảo, thằng bé mệt. Nó cảm nhận là mẹ nó không khỏe. Rồi em chỉ vào thằng bé con, khẽ nói: không ai trông nó khi em đi nằm viện vì mẹ em cũng phải đi làm. Bố nó đâu? Tôi hỏi. Bố nó bỏ đi lâu rồi. Từ hồi nó mới được 6 tháng kìa!

Ôi trời. Vậy là điều lo sợ của tôi đã đúng, dù tôi những mong em hạnh phúc! Hai thàng con trai không bố. Hai thằng đàn ông chỉ làm mỗi việc phóng tinh truy hoan trên bụng em xong là bỏ đi. Sao em lúc nào cũng vội vàng? Đời ơi là đời!

Tôi cố giữ mà nước mắt vẫn trào ra. 27 tuổi. Hai đứa con còn quá nhỏ. Không thằng đàn ông nào ở cạnh. Và căn bệnh gì còn tệ hơn cả ung thư.

Tự nhiên tôi giận em. Giận em hay giận Chúa của em. Người ở đâu khi bắt một cô gái hiền lành dễ thương và những đứa trẻ vô tội phải chịu nhiều thử thách đến thế?

Chẳng lẽ tôi sắp phải chứng kiến cái chết của người hàng xóm thứ ba trong vòng 3 năm?

Có những điều còn buồn hơn cả cái chết. Đó là ta không thể chọn lựa được số phận và điều tệ nhất là ngay cả khi chết đi rồi, ta vẫn không nguôi day dứt về những gì ta để lại.

THÁNG CHẠP





THÁNG CHẠP
===
Bầy sẻ nâu rúc hết vào bụi cây
Kêu chiêm chiếp dưới đám mây xám bạc
Mùi thành phố ẩm nồng như rạ mục
Những hàng cây vặt trụi lá trơ cành


Bà cụ già quấn chặt tấm khăn bông
Vẫn ửng hồng làn da như thoa phấn
Người gác cổng mở toang hai cánh cổng
Nắng mùa Đông lăn dọc cả hiên nhà

Em váy hồng dắt chó mở cửa xe
Găng tay da trên đùi trần rất mát
Mẹ tiên sư cái thằng Anh quốc
Thế là Châu Âu mất nó thật rồi!

Thì báu gì. Không ở thì đi thôi
Hai ông lão ngồi tâm tình trên ghế gỗ
Mặc lũ chó cong đuôi vờn nhau ngoài bãi cỏ
Sủa gâu gâu như thể rất đồng tình!

Rồi mưa xuống. Ngang ngược.
Bất thình lình
Không ỡm ờ cũng chẳng hề báo trước
Bức tranh chiều vẫn còn chưa se mực
Gặp trời mưa nên lại phải bôi dầu!

Em vai trần môi đỏ như quết trầu
Đá lông nheo vào mặt người họa sĩ
Tôi nghèo lắm. Anh ta toét miệng cười. Kể lể
Về nhà thôi. Trời lạnh lắm. Tôi mời!

Sắc đẹp mua chuộc hòa bình. Cứu rỗi. Sinh sôi...
...
Ka
Tháng Chạp. 2019
#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên

GHẾ



GHẾ
===
Tôi thích ghế.

Không, đúng ra là tôi bị mê hoặc bởi ghế. Người gieo vào đầu tôi sự mê muội dở hơi này là hai câu thơ, của người mà ai cũng biết là ai đấy: ghế đá đôi ta ngồi hôm trước/ Hôm nay cũng lại đón một đôi. Tôi ngạc nhiên, sao người ta có thể viết về ghế hay đến thế. Hẳn đó phải là một người rất yêu người, yêu đời, và yêu ghế.

Bây giờ người ta làm hoen ố cả ghế bởi những chiếc ghế quyền lực, ghế nóng, dù thật ra, ghế đâu có tội gì. Nó sinh ra để cho người ta ngồi. Thế thôi. Trừ những cái ghế làm cảnh như ở bờ biển Nice. Tôi không hiểu người Pháp nghĩ gì khi làm những chiếc ghế khổng lồ che hết tầm mắt lại không thể ngồi được. Trừ khi chúng có một thông điệp nào đó, còn đúng ra, xét về bố cục, chúng làm cho bờ biển xinh đẹp ấy bị thô lậu và cằn cỗi đến nghèo nàn. Nhưng thôi kệ người Pháp. Ta nói về ghế.

Trong tiệm hoa có một cái ghế gỗ, xưa là ghế ngồi ăn của bọn trẻ. Khi bọn trẻ lớn hết, cái ghế cần bỏ đi và tôi dùng nó để kê những lọ hoa. Năm tháng làm cho nó bong ra từng lớp, mốc loang mốc lổ và hẳn nhiên, nó chả còn một xu giá trị. Thế mà có người hỏi mua nó và tôi, với một tình yêu hoài cổ rất khó hiểu, tôi đã từ chối. Cả hai chúng tôi, ngớ ngẩn và dở hơi như nhau, đứng nhìn nhau một lát, rồi cùng phá ra cười. Tôi không hỏi sao người ta đòi mua một cái ghế cũ. Và người khách cũng không thể nói lý do tại sao lại thích một cái ghế đã mục. Riêng tôi, tôi không bán cái chỗ mà các con tôi đã từng ngồi lên.

Có ai từng nhớ một chỗ ngồi, một chiếc ghế đâu đó, ở một nơi chốn cũ, một thành phố nào đó ta đã dừng chân? Chính xác là ta nhớ chiếc ghế, chứ không phải nhớ địa danh đó, như thể giữa ta và ghế, từng có một liên kết âm thầm, một sự đồng lõa ngấm ngầm dù công bằng mà nói, ghế là kẻ ba vạ, nó đón mọi cái mông ghé xuống, với sự thỏa thuận câm lặng như nhau. Hệt một cô gái điếm biết điều, khiến khách hàng nào cũng đinh ninh mình mới là người được phục vụ tốt nhất.

Ghế không có lỗi. Chúng vốn vô tri, vô tình và vô duyên. Chỉ có ta, đã đi, ta vẫn cứ nhớ chỗ ta đã ngồi. Không phải nhớ cái ta được nhận về mà chính là, nhớ cái đã cho đi.

Không gì buồn bằng những chiếc ghế không người ngồi. Nó toát ra sự cô đơn. Bạn nghĩ thế nào về một chiếc ghế đơn độc? Chúng không phải là kẻ cô đơn nhất đâu. Cô đơn nhất là khi cả trăm chiếc ghế cùng trống không. Tôi từng có cảm giác hoang lạnh khi đứng trước những chiếc ghế trên đại lộ Unter den Linden, một ngày lễ. Chúng úp mặt vào nhau, ngập trong lá vàng, được quàng vào nhau và vào chân bàn bởi những vòng khóa. Sự sống như biến mất khỏi giây phút ấy. Tương tự, tôi thấy mình không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trong phòng họp của Bundesrat, với những hàng ghế được đánh số không một bóng người. Nơi đây, trên những chiếc ghế, là những con người quyền lực ban ra những quyết định sinh tử của một đất nước. Ngay cả khi trống không, luẩn quất đâu đó là vẫn là những hơi hướm của quyền năng. Chúng không mất đi vẻ uy nghiêm mà trái lại, vẫn mạnh mẽ nhất là khi quần tụ bên nhau cả vài trăm chiếc, đỏ rực màu chính trường.

Tôi thích những chiếc ghế gỗ. Chúng có linh hồn của cây dù chỉ để đỡ lưng khách bộ hành.

Những chiếc ghế cô đơn nhất thế gian là những chiếc ghế có khi cả năm chả có ai ngồi tới. Ghế công viên là những chiếc ghế hạnh phúc. Tưng bừng nhộn nhịp suốt ngày. Chúng chứng kiến những lứa đôi, hợp tan và ly biệt. Đó là những chiếc ghế thành thị, bận rộn và ô hợp. Tôi không ưa chúng.

Ghế đá là ghế vô duyên nhất thế gian. Lạnh, trơ lỳ, không cảm xúc. Không phản ứng với nắng mưa. Tôi thường tránh không ngồi lên chúng bởi tôi cần một thông điệp từ ghế. Đá thì biết gì. ;)

Nếu được là một chiếc ghế, tôi sẽ là một chiếc ghế gỗ, nằm lặng lẽ nơi thanh vắng, không cần cả trăm người ghé thăm. Nhưng trong tất cả số ấy, tôi chỉ cần một người quay trở lại. Chỉ vì ghế.
....
Ka
27.12.2018

EM ĐỪNG...



EM ĐỪNG...
===
Em đừng viết những vần thơ ly biệt
Như dòng mưa nhỏ dột thế gian này
Để sáng nay cây Sồi Đông thức giấc
Hoa trái mùa đau nhói một bàn tay...


Trời vặn gió trở mình làm bão đổ
Một giọt sương lăn dọc sống lưng gầy
Ta vừa lúc đường đời đang rất vội
Em lại đòi ta trả thứ không vay!

Không biển báo không người canh tốc độ
Đường ta đi đã tưởng suốt đời nhau
Sao em nỡ bắt ta dừng đột ngột
Khi mới vừa liễu lĩnh chạm cuộc yêu!

Thôi tình ạ!
Biển "Cấm vào" đã đỏ 🚫
Hãy chờ anh gài số đợi đi lùi
Dẫu không thể thoái lui dù kiệt sức
Vẫn cùng em check lại vé khứ hồi!

Em cứ viết những dòng thơ cuồng nộ
Những suối tình cuồn cuộn dẫn mình đi
Đừng nghiệt ngã đoạn tình nhau nữa nhé
Đường ta đi cỏ mọc đã xanh rì...
....
27.4.2018
Ka
#kiềuthịangiang
#thymiankathảonguyên
#emđừng

CÓ MỘT ĐIỀU EM MUỐN NÓI CÙNG ANH



CÓ MỘT ĐIỀU EM MUỐN NÓI CÙNG ANH
====
Có những chiều như buổi chiều cuối năm
Khăn quấn vụng hình như không đủ ấm
Mùi khói bếp ám đầy trong giấc mộng
Nhớ gì hơn là nỗi nhớ nhà?


Những ngày này lạnh đã chạm vào da
Cây bàng cũ đỏ lừ đầu ngõ gạch
Trong vườn ươm quất vàng tươm như mật
Bụi đào phai mập ú đợi bung tình

Mẹ không còn tất bật nồi bánh chưng
Đôi tay bợt nhăn nheo vì đãi đỗ
Khi tuổi già đã đầy lưng áo gụ
Được thảnh thơi là lúc lại nao buồn...

Gốc chanh đào góc bể nước còn không?
Hoa vẫn kín giấc mơ con bé dại
Thiết mộc lan cha trồng thơm inh mũi
Chậu mai vàng vụng nở lúc vào Đông

Nhớ quá nhiều nỗi nhớ vẫn như sông
Từ biển lớn vòng vèo quay trở lại
Cay mắt lắm,
Khói ơi. Đường xa tứ hải
Biết hôm nay ngược gió. Vẫn bay về...?

Cuối năm rồi phơ phất dọc triền đê
Mùi cỏ nướng chui vào thương nhớ cũ
Biết là cũ mà không sao dứt bỏ
Ta đành gom.
Trĩu nặng.
Một ôm đầy...
----
29.12.2019
Ka
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

HÌNH NHƯ LÀ NỖI NHỚ



HÌNH NHƯ LÀ NỖI NHỚ
====
Hình như là sắp tết
Pháo nổ inh mũi rồi
Ngoài đường vũng nước đục
Đêm qua thành băng tươi


Chị hối hả ra chợ
Khuân bia với tôm hùm
Đêm giao thừa chúng bạn
Sẽ đến quậy om sòm

Mẹ ngồi bên lò sưởi
Canh tàn lửa lom đom
Lũ con dọn đi hết
Năm mới ư? Chán òm!

Hàng xóm cài chặt cửa
Đột nhiên ló ra chào
Năm mới. Vui vẻ nhé!
Chúc xong, lại thụt vào!

Chó lớn và chó bé
Dưới sân gầm ghè nhau
Hoa hồng đang nghẽn nụ
Rét thâm cả chân rào

Ào ào bầy trẻ nhỏ
Hót vang một góc vườn
Những quả bóng xanh đỏ
Bay vèo cực dễ thương!

Pháo đã ùng oàng nổ
Mùi thơm khác ngày thường
Chết rồi. Hình như nhớ
Bắt đầu từ cố hương...
----
Ka
30.12.2019
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

TẤN TRÒ ĐỜI MANG TÊN ÔNG



TẤN TRÒ ĐỜI MANG TÊN ÔNG
===
Những ngày cuối năm, cái tên NGẠN bỗng dưng gây sóng gió trên mạng.

Ngạn của Mắt Biếc gây xôn xao thương nhớ cho những kẻ từng có một miền thơ ấu, mơ một tấm vé đi tuổi thơ.

Ngạn của Thúy Nga Paris báo động về tình trạng khan hiếm gạch đá, cạn kiệt tình người.

Cá nhân tôi thích một ông Ngạn chừng mực trên sân khấu, tỉ mỉ đến nhẫn nại khi viết văn, và điêu luyện đến mẫu mực khi đọc văn của chính mình phục vụ miễn phí cho hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Từ ông già be bé đến các em tre trẻ, từ cô nàng vui vẻ đến các dư luận viên, có thể nói không ai chưa từng một lần nghe nhắc đến tên ông. Thậm chí, tận hưởng thành quả sáng tạo của ông.

Những người hân hoan khênh đá ném giập đầu ông già hơn 70 có khi lại là những kẻ đã từng hau háu chờ từng truyện ma mới nhất của ông. Những người lên mặt dạy dỗ ông lòng tri ân và kính trọng tổng thống Mỹ, có khi cũng là những người tìm xem cho bằng được mỗi cuốn Thúy Nga Paris mà không nghi ngờ gì nữa, ông chính là linh hồn. Tôi chắc chắn sẽ không theo Paris by night lâu đến thế nếu không có Nguyễn Ngọc Ngạn. Tôi cũng không hình dung Thúy Nga Paris trong hình hài như thế nào nếu vắng bóng MC độc đáo có ba chữ N. Ông là người tìm và mang cô Kỳ Duyên về cho Thúy Nga. Dù trước ông, người ta đã tổng kết: mỗi gia đình Vn ở hải ngoại đều có hai thứ không thể thiếu đó là chai nước mắm và cuốn băng Thúy Nga Paris.

Nước mắm thì phải có mùi
Thúy Nga có Ngạn cuộc vui mới tròn.

Người viết những vở hài kịch cho Thúy Nga không ai khác chính là Nguyễn Ngọc Ngạn. Kịch của ông vừa hài hước sâu cay, lại có nốt trầm nhân văn và đẫm triết lý răn đời. Chính vì thế, nó là cái đinh của từng đêm diễn. Có vở, lượng wiew lên đến gần trăm triệu tính đến thời điểm này. Mỗi vở, ông đều đo ni đóng giầy cho từng nhân vật. Ông biết tìm người, dùng người và tạo ra người. Từ Chí Tài chuyên vai ngu đến Bằng Kiều vừa ngây ngô vừa tinh quái, ông còn khai sinh ra cái tên cho nhóm kịch Thúy Nga. Trong số những người được ông bồi da đắp thịt và dựng lên đó phải kể đến cô Bé Tý mới vừa đăng đàn mạt sát ông: "Có thể ăn bậy nhưng không được nói bậy".

Hơn 20 năm đứng trên sân khấu, ông thổi hồn vào từng cuốn băng với chủ thức "hữu chiêu thắng vô chiêu". Chiêu ở đây là kiến thức. Ông mang văn hóa Việt đến cho người Việt bằng con đường văn nghệ. Nhiều điều ông nói là mực thước. Ông chịu tra tài liệu, giỏi sưu tầm, khảo cứu, hòng mang đến cho khán thính độc giả Việt khắp năm châu những lý giải chuẩn xác nhất.

Nguyên là một nhà giáo, sĩ quan tâm lý chiến, nhà văn, MC, biên kịch, trợ lý văn hóa văn nghệ... của một sân khấu lớn nhất không chỉ riêng Hải Ngoại (nhiều chương trình chi phí hàng triệu US $, thuê cả đạo diễn vũ công người ngoại quốc dựng vũ đạo....)- không thể nói ông không am tường chính trị. Vụ việc gần đây chỉ có thể nói là một tai nạn nghề nghiệp.

Sểnh chân khó đỡ. Sểnh miệng khó lường. Tôi luôn nghĩ một lúc nào đó phải viết đôi dòng về ông vì lòng biết ơn. Một nhà văn có lẽ là duy nhất mà tôi đã nghe đến thuộc lòng tất cả các bản Audio có giọng đọc của chính ông. Nếu có một cái tên nào đó đáng tri ân nhất ở hải ngoại trong công cuộc truyền bá và giữ gìn văn hóa Việt, tôi chọn ông Nguyễn Ngọc Ngạn.

Nhưng tôi không ngờ lại viết về ông trong hoàn cảnh này, một ngày cuối cùng của năm 2019. Là nhà văn, trái tim ông hẳn nhạy cảm. Tôi biết, ông đau. Đau vì ông tưởng, ông có nhiều kẻ thù. Nhưng hóa ra, bây giờ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông mới biết, ông có nhiều kẻ thù thật.

Có lẽ tôi và ông không có duyên gặp mặt. Hôm vừa rồi, ông đến Berlin với vai trò MC, tôi đã không có mặt, dù chỉ để gửi đến ông một lời cám ơn.

Ông là người rành rẽ, khiêm cung, như tính cách của nhiều trí thức phía Nam tôi đã biết. Biết nhiều nhưng không huênh hoang vỗ ngực, luôn tự lấy mình ra giễu cợt và để cho người ta giễu cợt, ông thấu hiểu cái hài bình dân của người Việt nhưng dù vậy, ông có đôi chút nhầm lẫn ở đây. Ông lầm, vì ông tưởng người Việt ưa đùa và biết cách đùa. Có lẽ, ông sẽ phải học lại sự hài hước mà ông là cha đẻ. Ở vở bi hài kịch lớn nhất này, ông bị đóng vai nạn nhân.

Có lẽ ông sẽ chọn cách im lặng. Để viết về một vở bi kịch đầu tiên của nghiệp sáng tác.

Biết đâu, đó lại là tác phẩm suất sắc nhất trong nghề cầm bút mang tên: tấn trò đời
....
Ka
31.12.2019

YÊU



YÊU
===
Khi những nốt nhạc cuối cùng của màn trình diễn 26 phút tuyệt đích đã hết, khán giả vẫn ngồi im trong khán phòng, không ai nhúc nhích. Màn ảnh chạy đến hơn 10 phút chỉ toàn chữ giới thiệu và liệt kê những người đóng góp cho bộ phim nhưng không một ai muốn ra về. Màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn, thậm chí, Queen hơn cả chính Queen. Cảm xúc của bộ phim đã ghim chặt mọi người xuống ghế, một điều mà lâu lắm màn ảnh đã không làm được.

Bohemian Rhapsody, bộ phim mang về doanh thu khổng lồ bất chấp vô số lời chỉ trích từ phía các nhà phê bình, nhưng vẫn không ngừng kéo người ta đến rạp bởi nó chan đầy cảm xúc và hơn hết, truyền một cảm hứng tuyệt vời đến tất cả mọi lứa tuổi. Sau buổi xem phim, các con mình, những đứa trẻ sinh ra khi MF đã chết vì AIDS từ những thập niên trước, đã tìm kiếm thông tin và bắt đầu nghe nhạc của giọng ca huyền thoại vĩ đại 4 quãng 8.


Thấy mắt mẹ đẫm nước, bọn trẻ không ngạc nhiên nhưng cũng hơi bối rối. Trên xe ra về, gần như là lần đầu tiên, câu chuyện xoay quanh chủ đề tình yêu.

Con gái út, vốn quậy phá bất tử, thích nhất cảnh khi anh chàng lêu lổng trở về nhà, thú nhận với cha mẹ mình là người dị tính, và hai bố con họ đã ôm nhau, hai người đàn ông. "Con đã suýt khóc". Con gái thú nhận.

Mình thấy tim như liệng đi. Con ạ, là con người không ai không mắc sai lầm. Nhưng quan trọng là ta dám nhìn thẳng vào sai lầm ấy, rốt cuộc, ta sẽ tìm ra được hướng đi.Trong đời, chỉ cần có lòng dũng cảm và sự thành thật, ta sẽ sống tốt. Và các con biết đấy, như mẹ từng nói nhiều lần, nếu ai trong số các con hay bạn bè của các con là người đồng tính, thành thật mà nói, bố mẹ có vui không? Không, vì đó vẫn luôn là sự khác biệt, nhưng bố mẹ ủng hộ, chỉ cần các con thực sự thấy hạnh phúc.

Con gái lớn cự nự. Sao Mama khóc. Chú ấy (MF) cũng không muốn người ta thương hại chú ấy mà? Không, khóc vì cảm xúc, vì âm nhạc quá hay, vì mẹ cảm thấy thật may mắn khi được sống trên đời, mỗi ngày. Mọi cái đều có thể làm lại được, trừ cái chết. Cho nên, chúng ta đừng vung phí và đừng làm những điều ngu xuẩn. Hãy vui sống mỗi ngày chỉ vì ta đang được sống.

Con trai út, cả ngày cậy răng chả được một câu, đột ngột hỏi: Mama có yêu Papa không? Thằng bé chưa tốt nghiệp trung học và chắc chắn cũng chưa biết yêu.

Các con có biết giá một quả thận là bao nhiêu không? (Bọn trẻ ngơ ngác nói không, chúng không biết ăn nội tạng ;) . Giả dụ nhé, nếu bây giờ mẹ cần một quả thận, Papa sẽ cho mẹ quả thận đó. Hoặc con mắt, hoặc cánh tay... Và ngược lại, mẹ cũng thế. Đó không phải là yêu nữa, các con ạ. Đó là sự chết vì nhau.
---
Giá thận đang lên. Hãy yêu nhau đi, yêu hết lòng, dâng hiến và tận lực. Rồi sẽ có lúc ta được nhận như ta cho đi mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì...
...
01012019

Link phim xem ở dưới Cmt. Rất nên xem, để yêu hơn cuộc sống này.

Đọc



Đọc
----
Càng ngày việc đọc với tôi càng trở nên khó khăn hơn. Tôi không đọc tất cả những thứ rơi vào tầm mắt như xưa. Và cũng đọc rất chậm, đọc như người ta ăn cơm cháy. Sợ vấp phải sạn, sợ nhai quá nhanh không cảm nhận hết vị ngọt của tinh bột chuyển hóa thành đường. Sợ đọc xong không đọng gì lại trong đầu...


Nhưng tôi vẫn đọc. Và vui thích khi thấy người khác cũng đọc. Không phải đọc stt trên fb, những cái đó đa phần làm ta bấn loạn hơn là bình an, và chúng đầy oặc năng lượng màu xám. Bạn có tin là tâm hồn của người viết đổ thẳng vào con chữ? Ngay cả những diễn viên chơi trò nhào lộn thượng thặng đóng vai thiên sứ, thì cái năng lượng ấy vẫn là thứ không thể lừa dối.

Tâm hồn con người tạo ra sóng từ trường. Cảm nhận là một năng lực trời cho, mài dũa chúng bằng sự quan sát và vốn sống. Đó là vũ khí của lòng tự trọng. Đôi khi, nó là một bí mật, một chìa khóa.

Đọc ai, đọc gì và đọc như thế nào, phải luôn là một nguyên tắc. Có thể bạn đọc không nhiều, nhưng thà rằng thế, bạn đừng đọc thứ ba láp. Tâm hồn bạn đáng được đối xử tử tế hơn, đúng không?

Cô bạn mình xử lý tình huống trong cuộc sống của cô ấy rất kém, rất tiêu cực bởi thay vì tìm cách thoát ra, cô ấy lại chìm sâu trong rắc rối. Đối xử tệ với chính mình là một sự trừng phạt nặng nề với người ít đọc, hoặc đọc toàn thứ méo mó. Nhưng người ta không thay đổi khẩu vị đâu! Sở thích đọc cũng như cơn nghiện của dục tính. Chúng bị bản năng dẫn dắt.

Dù sao thì, tôi cũng đang đọc một cuốn sách đã gần một năm nay. Đọc mãi chưa xong. Tôi gần như không đọc, tôi xay nhuyễn và húp lấy thứ chất lỏng từ tâm hồn và trí tuệ của người viết chảy ra. Tôi thích đọc khi di chuyển. Đôi khi, tôi gấp sách lại, nhìn ra bên ngoài. Cuộc sống không có gì thay đổi, kể cả những người ăn mày, vẫn ngồi nguyên chỗ quen thuộc. Nhưng khi bạn đi qua chỗ ấy, bạn sẽ nhớ câu văn này ta đã đọc ở đâu.

Đọc, là một dấu ấn.

Những dấu ấn lành lặn làm cho tâm hồn trở nên lành lặn. Đọc để chữa lành và con người trở nên lương thiện, phụ thuộc vào bạn đang cầm thứ gì trên tay.
....
Đàn bà đẹp hơn khi cầm sách. Cầm và không đọc gì cũng đã là hình ảnh rất đẹp. Đúng không? ;)

06012019

THƠ TÌNH TRONG THÙNG RÁC





THƠ TÌNH TRONG THÙNG RÁC
===
Lạc mất nhau rồi có tìm lại được đâu
Mà sao ta không thể nắm tay nhau, ngày ấy...
Những giận hờn như đám mây tích lại
Để hôm nay đổ nhớ xuống giông tình...


Giây phút này. Ngày ấy. Năm tháng lênh đênh
Ta đã xóa hình nhau trong bộ nhớ
Đã Delete. Đã Enter. Exits trên con phím trỏ
Thùng rác entleeren. Virut nhớ vẫn tung hoành

Thôi trả nhau về nơi sản xuất đi anh
Đừng Download quá nhiều. Đừng speichern đầy bộ nhớ
Đã gieo rắc mầm tương tư nhưng phần mềm không đồng bộ
Ổ cứng Modern nhưng lỗi hệ điều hành

Virut ái tình như a xít tung hoành
Để lâu rồi thành di căn, mãn tính
Chống virut quét xong lại lây lan như dịch bệnh
Sẹo cũ chưa bong sẹo mới lại lên rồi!

Nếu biết một ngày luyến tiếc cắn rứt tim côi
Lục thùng rác đi tìm dư ảnh cũ
Thì đâu phải cứ Delete bộ nhớ
Muốn quên nhau phải cài lại phần mềm

Ta đã tắt màn hình. Ngắt điện. Tìm nhớ trong quên
Mà người ấy vẫn về như ảo ảnh
Welcome thôi. Đời là trang giấy lạnh
Xóa hay bôi hà tất phải dối lòng?
---
Ka
08012020
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

ĐỪNG HỎI CON TẾT Ở ĐÂU



ĐỪNG HỎI CON TẾT Ở ĐÂU
===
Tết này mẹ ăn tết ở đâu?
Lộc Hưng, Đồng Tâm hay Tiên Lãng
Mẹ có ấm lòng khi ở trong túp lều dựng tạm
Mảnh đất chôn rau họ cướp mất rồi!


Tết này em ăn tết ở xứ người
Biển độc hết cá tôm đành chui thùng đi xuất ngoại
Mẹ ôm tro con trong căn nhà sắp sang tên người cho vay nặng lãi
Nắm hương cay lả tả giống phận người

Anh ăn tết ở đâu? Lịch bóc mỏi tay rồi
Chờ đến lượt đợi người ta kết án
Ở cái xứ mặt trời chói chang đang rực sáng
Yêu nước kêu oan là bị tống ngục hình!

Ăn tết ở đâu hỡi muôn vạn sinh linh
Mùi tử khí chưa tan từ Mậu Thân 68
Nhờ ơn ai áo no và cơm ấm
Thắp nén hương lên con réo gọi đủ ba lần!

Thôi tết này được ăn tết ở dương trần
May mắn lắm vì còn chưa bị chết
Khi mọi con đường đều tối đen phía trước
Đừng hỏi mùa xuân này ăn tết ở đâu con?
...
Ka
09.01.2020
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

BIỂN. NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG



BIỂN. NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG
--------
Biển mùa nào cũng đẹp. Nhưng biển mùa Đông là một vẻ đẹp khác. Như một người đàn bà đẹp bị hắt hủi. Vì đẹp, nàng kiêu hãnh. Vì kiêu hãnh, bị bỏ rơi nàng vẫn không nguôi đẹp. Vẻ đẹp ấy, nếu bạn không đủ từng trải và tự tin, tốt nhất đừng đến gần. Bạn sẽ không tìm gì được ở nơi ấy đâu.

Giáng sinh đã qua rất lâu rồi. Hôm qua, dưới nhà người ta đã mang hết đi những cây thông Noel. Khi chiếc xe màu vàng đã nghiền xong đống gỗ thành bột, tôi tự nhủ, thôi, thế là sắp hết mùa Đông. Thế mà vẫn không có tuyết.


Bạn đón tuyết lần cuối cùng khi nào? Lần gần nhất cách đây chắc cũng đã hơn một năm, đúng không? Bây giờ ở Úc rừng vẫn đang cháy, Irac vừa xin lỗi thế giới vì phóng nhầm một quả tên lửa làm gần 200 người chết. Đồng Tâm cũng chết, nhưng không nhầm và không ai xin lỗi ai đâu. Ở Nga, lẽ ra tầm này phải -20 độ. Nhưng bây giờ họ đã đang rất gần với mùa Xuân. Còn ở đây, không có tuyết. Tuyệt nhiên không. Trơ tráo như một kẻ phản bội.

Mùa Đông không có tuyết là một kinh nghiệm không thú vị, dù tuyết lại là một kinh nghiệm không hề thi vị, không gây nghiện, chỉ là một thói quen, một nỗi nhớ. Thế thôi.

Khi mùa Đông không có tuyết, thành phố buồn như góa phụ. Biển buồn như mỹ nhân bị phế truất trong lãnh cung. Tôi bỏ góa phụ để đi tìm gặp mỹ nhân. Nhan sắc biển một ngày mùa Đông như một làn roi lạnh quất dọc ngang phiến má hồng. Lạnh, nhưng huy hoàng. Vẻ đẹp của sự nguy hiểm bởi còn quá nhiều điều hứa hẹn nếu ta còn đủ thật thà và đam mê khám phá.

Biển mùa Đông đầy gió. Xám đen và quằn quại sóng. Một thứ sóng mê dụ khắc nghiệt nhất mà ta chưa từng được biết. Những doi cát câm lặng trắng xóa bóng hải âu. Những con tàu đói khách nằm phơi buồm như những phế binh. Cầu cảng phủ kín phân chim bạc phếch. Những người câu tôm im phắc trên nên trời đầy mây vụn vỡ. Họ câu gì? Hay chỉ để thời gian trôi qua bớt vô nghĩa hơn thôi?

Nếu cô đơn, bạn đừng ra biển. Nếu có lứa đôi, bạn càng không nên ra biển. Biển cho ta sức mạnh của sự quy hàng. Hãy hôn. Hoặc tựa vào bờ vai ai đó đi cùng. Đừng ngần ngại. Biển không biết che đậy điều gì, dù là hạnh phúc hay nỗi đau...

Biển mùa Đông không phải nơi ta đến để làm duyên. Không phải nơi cho ta sức mạnh nếu ta chưa đủ mạnh.

Nhưng nếu bạn cần một boong tàu buông neo trong vịnh đời tĩnh lặng, sao không tìm về biển.

Mùa Đông?
-------
Ka
12.01.2020
(Viết vội ở biển. Lạnh tê cả ngón tay)

QUANH KHÚC



QUANH KHÚC
======
Chẳng có ai hiểu ta bằng mẹ
Cũng không xa cách nào như mẹ của ta
Trong giấc mơ vẫn vòng tay không chặt
Đôi mắt buồn ngơ ngác tháng năm qua


Mẹ biết nhiều nhưng gói vào lặng lẽ
Cơn sóng ngầm nén lại dưới đáy sâu
Không lên chùa mỗi ngày đều hoá Phật
Tỏa nhân từ lặng lẽ dẫn con theo

Mẹ chưa từng học những điều giáo lý
Bằng cấp nọ kia học vị cũng chưa qua
Nhưng rất lạ cả đời người chân thật
Đường con đi tránh được những gian tà

Con đã đến những nơi mẹ chưa đến
Đọc rất nhiều cuốn sách mẹ chưa từng
Có những lúc biển đời như vũng mực
Quầng sáng nào rọi ấm phía sau lưng?

Nhưng mẹ ạ trong giấc mơ bé dại
Con vẫn còn mơ lại một vòng tay
Đôi môi khát vẫn chưa nguôi thổn thức
Hố sâu trong hốc ngực vẫn chưa đầy!

Không có lẽ suốt đời con tìm mẹ
Suốt đời con mơ ước cuộc vuông tròn
Suốt đời con vẫn khát thèm hơi ấm
Sưởi cho mình đỡ lạnh.
Suốt đời con?
...
Ka
14.01.2020
#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên

BỐ MẸ ƠI, TỰ LẬP ĐI !



BỐ MẸ ƠI, TỰ LẬP ĐI !
======
Cách đây không lâu, người anh họ của mình bị tai nạn giao thông chết. Ngay lập tức, chỉ chờ có thế, cô con dâu đuổi bố mẹ chồng đã gần 90 ra đường vì ông bà đã sang tên toàn bộ tài sản cho con trai khi họ vẫn đang sống. Theo luật, chồng chết, vợ được hưởng gia tài. Ông bà thành người ăn nhờ ở đậu vô tích sự ngay chính trong ngôi nhà mà cả đời đã tích cóp gầy dựng. Người già, cần nhất là an toàn phòng thân, hai bác đã làm ngược lại, đưa mình vào thế bị động, trao hết tài sản cho người khác, dù đó chính là con ruột mình thì cũng là một sự đặt cược đầy rủi ro. Vô gia cư do con cái bạc đãi, có lẽ chuyện xảy ra như cơm bữa ở xứ mình.

Một người bạn ở Vn quen qua fb nhờ mình tìm nhà cho con gái cô, con bé đang học đại học ở Berlin. Trong tin nhắn, cô khẩn khoản đến tội nghiệp vẽ ra một hoàn cảnh bi đát nào là con không có nhà, sắp trở thành vô gia cư, nào là con bé nhút nhát, ít giao tiếp, y như một thảm họa khiến mình cũng phát hoảng. Sau khi chờ mãi mới liên lạc được với cô nàng, vì sợ nó đang ôm túi ngủ ngoài gầm cầu, mới biết nàng đang vi vu tận Spanien với bạn trai, còn nhà sở dĩ chưa thuê vì nhà cũ vẫn chưa cắt hợp đồng và cô nàng còn đang kén chọn. Khi mình phản hồi, bà mẹ mới nhỏn nhẻn rằng mẹ lo cho con nên mới thế. Vâng. Lo nên mới điều khiển từ xa, mới cầm đèn chạy trước máy bay, mới tưởng tượng ra những bi kịch trong khi con gái đã trưởng thành và đi du học được những 8 năm rồi! Người mẹ trẻ ấy không hề biết cách buông con, cũng không biết cách sống cho mình. Cô tâm sự, cô là mẹ đơn thân, cô sống cuộc sống của con gái, không có quan hệ nào khác ngoài quan hệ mẹ con, cho con đi du học, tám năm đối với cô là cơn ác mộng. Cô chới với.

Một người bạn khác khoe vừa tặng quà sinh nhật cho con gái, làm ruốc cho cháu ngoại, chi tiền cho mẹ con nó đi taxi về thăm ông bà. Hỏi sao phải chi tiền, chúng nó không có tiền sao? Chúng nó có tiền. Nhưng tao nhớ cháu quá, không làm thế chúng nó không về. Lại hỏi thế sinh nhật mày chúng nó tặng gì? Chưa bao giờ tặng gì. Lại còn vay tiền thường xuyên không bao giờ giả. Hôm rồi tao mua cái xe, mơ ước tích cóp cả đời tao. Thế là nó tị, nó bảo, mẹ ích kỷ, mẹ chỉ biết lo cho mẹ, con xin tiền thì mẹ không cho. Mày dạy lại con đi. Mình bảo. Làm mẹ sai rồi bạn ơi! Biến con thành một thứ tầm gửi, nhỏ thì ăn hại, lớn thì ăn bám, vô ơn, chỉ lo bòn rút và trách móc là lỗi ở cha mẹ đã không dạy dỗ đến nơi đến chốn. Dạy con biết quan tâm, tặng quà cha mẹ dù chỉ là một món quà tinh thần chính là dạy con làm người tự lập, sống biết ơn và có trách nhiệm. Lúc bé đã không dạy, đến khi con đã làm cha làm mẹ vẫn y nguyên sự vô trách nhiệm và vô ơn như thế. Mày biết sao không sửa. Không cắt viện trợ? Tao biết nó hư nhưng tao không làm được. Mà chúng nó có nghèo đâu. Có tiền mang con đi du lịch khắp nơi, trong khi mẹ chẳng dám đi đâu vì xót của.

Những câu chuyện trên đây chỉ là những ví dụ trong muôn vàn câu chuyện về công cuộc làm cha mẹ của người Việt ở trong nước. Người thì thì trao hết tài sản cho con rồi bị đuổi ra đường. Kẻ khác lại quá phụ thuộc vào quan hệ mẫu tử đến mức rời con ra là chới với không nơi nương tựa, chỉ còn biết ngóng theo con héo hắt qua ngày. Người khác lại răm rắp tuân theo mọi đòi hỏi của con kể từ hầu hạ đến tiền bạc, dù bị con cái thờ ơ vô tâm vô trách nhiệm cũng nghiến răng chịu tổn thương chứ quyết không thay đổi. Bởi họ tưởng rằng như thế mới là yêu con. Thế đã bao giờ bạn tự hỏi, còn mình, ai sẽ chăm sóc yêu thương mình? Đến mình còn không biết tự yêu và lo cho mình thì sẽ là ai?

Những gia đình người Đức họ không như vậy. Họ tự lập về kinh tế, chỉ chăm sóc con cháu chứ không hầu hạ. Con cái ngược lại cũng không ai biến cha mẹ thành ô sin của mình, như thế là bóc lột, bạc đãi. Ông bà có thể giúp đưa đón trẻ con, trông cháu những khi bố mẹ chúng có việc bận, nhưng chỉ làm với sự vui thích và như là một sự trợ giúp. Nuôi dưỡng con cái là bổn phận của cha mẹ, không phải việc của ông bà.

Người Đức chuẩn bị rất tốt cho tuổi già. Họ thảnh thơi chăm sóc nhau, đi du lịch khắp nơi, tận hưởng mọi dịch vụ y tế để được trường thọ. Đức là quốc gia thuộc top tuổi thọ cao nhất thế giới.

Người Đức phân minh về tiền bạc, không ai sang tên toàn bộ gia tài cho con khi mình còn đang sống. Ngược lại, họ viết di chúc từ rất sớm. Một người bạn học của mình trong ví luôn có tấm thẻ hiến tạng đã nhàu nhĩ. Đấy cũng là một dạng di chúc.

Người Đức cũng chuẩn bị tốt kỹ năng sống cho con, để khi chúng trưởng thành là tự lập, không phải dựa vào cha mẹ. Tuy là dạy con tự lập nhưng chính là một cách để bố mẹ tự lập. Không dựa vào con cái, không trở thành gánh nặng của con cái, bắt chúng phải phụng dưỡng, cũng là một cách giúp cho tuổi già của người Đức thanh thản đúng nghĩa nghỉ hưu sau cả một đời cống hiến. Khi quá già không thể tự chăm sóc cho mình thì vào viện dưỡng lão, chấp nhận cô đơn nhưng không nhờ vả làm phiền bố con thằng nào. Mà khi đã vào đây rồi, tức là đã gần đất xa trời, thì cũng vui vẻ và thanh thản chấp nhận vì đã được sống một cuộc đời trọn vẹn, viên mãn.

Tất nhiên cũng còn tùy hoàn cảnh, nhiều gia đình không có điều kiện ra ở riêng, vài ba thế hệ quần tụ trong một mái nhà. Nhưng ngay cả như thế cũng cần rạch ròi, nhất là đừng sang tên nhà đất cho con ngay khi mình còn đang sống, để rồi biến thành ô sin đứa ở trong nhà. Luôn phải dành cho mình một chỗ lùi cũng như tích cóp ít nhiều phòng thân.

Để có một tuổi già yên ấm, người Việt cần học cách dạy con tự lập và lòng biết ơn. Có được hai điều ấy, mọi đứa trẻ đều vào đời tự tin và ít vấp ngã. Ngược lại, cũng nhờ đó, cha mẹ học được cách tự lập cho chính mình, không bấu víu và phụ thuộc con cái, điều ngăn cản cả hai bên cùng được hạnh phúc, thay vì làm khổ nhau.

Có quá khó không, các bạn?
----
Ka
17.01.2020
2020

NGƯỜI CHÓ. CHÓ NGƯỜI



NGƯỜI CHÓ. CHÓ NGƯỜI
===
Nhà chẳng còn gì để bán
Tết nhất xộc đến nơi rồi
Lũ trẻ cần manh áo mới
Mơ gì đến chuyện xa xôi


Vàng ạ. Thân con bé dại
Trót sa gầm chạn nhà nghèo
Đến chủ cơm còn chả đủ
Nữa là thân phận chó mèo

Thương mày chưa rời vú mẹ
Đi còn run rẩy nguều ngoào
Nhưng duyên đến đây đứt đoạn
Mong mày đứng trách gì tao!

Bế con ra ngoài chợ cóc
Biết đâu thoát cảnh chủ nghèo
Người ta thương là có phúc
Đại gia thỏa sức mà theo

Nhưng giầu họ chơi chó cảnh
Chăm nom như thể cục cưng
Ngữ này chỉ nuôi đủ nhớn
Rồi lên bàn nhậu tưng bừng

Thì ra vẫn là số cả
Chó người có khác gì đâu
Bao giờ vận đời thay đổi?
Người sang phận chó.
Gâu gâu.
------
Ka
20.01.2020

NGƯỜI HÀNG XÓM SỐ NHÀ 69





NGƯỜI HÀNG XÓM SỐ NHÀ 69
===
Hồi mồ ma bà cụ Weiss còn sống, thỉnh thoảng tôi được cụ cho ăn bánh táo. Bánh cụ làm thơm phức, thoảng vị ngọt dịu chứ không ngọt đến nhức đầu kiểu khẩu vị của người Đức. Giống táo Jonagold cụ trồng ở vườn nhà, chua dịu và mọng nước làm bánh rất hợp. Tôi mê đã đành, bạn bè tôi cũng mê, nhất là sau lần triển lãm tranh, cụ mang đến một khay còn đang hôi hổi nóng và nhưng nhức thơm mùi táo, mùi bơ, và nhất là mùi bột quế xay nhỏ mịn phớt trên bề mặt như một làn sương mầu nâu nhạt. Sợ bí quyết bị thất truyền vì cụ đã gần 80, tôi đề nghị cụ dạy làm bánh và thế là tôi được cụ mời đến nhà.

Cụ Weiss sống một mình, như tất cả mọi người già ở Đức. Không chó, không mèo, không đàn ông, không con cái. Nhà cụ sạch phát sợ. Tôi cảm giác một sợi tóc rơi ra cũng là thất lễ nên đi lại rón rén y như khách. Nhưng trái lại, cụ rất thoải mái. Tôi được phép làm tất cả mọi thứ tôi thích, kể cả nằm cuộn tròn trên đi văng xem vô tuyến hay lôi đống ảnh trắng đen cụ vẫn để ở phòng khách ra ngắm nghía, tra hỏi.

Cụ chỉ vào một người sĩ quan SS rất đẹp trai, mặt lành lạnh, bảo, đấy là người đàn ông duy nhất của tôi. Ông ấy đã chết ở Kiev. Chết trận. Cụ ôm tấm ảnh vào lòng, vẻ như hối lỗi vì đã có một ông chồng là phát xít Đức. Bông hồng trắng cắm trong lọ trước tấm ảnh vẫn còn rất mới. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước nỗi uẩn ức của cụ chỉ vì là vợ một phát xít Đức dù đã tử trận. Không biết phải nói gì lúc ấy, tôi đành im lặng rồi lảng sang chuyện khác.

Sau đợt làm bánh ấy, tôi chính thức trở thành bạn của cụ, nghĩa là có thể đến chơi không cần hẹn trước, trêu ghẹo cho cụ cười sằng sặc và nghe cụ tâm sự bập bõm về chuyện đời. Cụ không nhắc đến chồng nữa nhưng ảnh ông bao giờ cũng có hoa tươi.

Một hôm, đang ngồi chén món bánh táo trứ danh với cà phê ở hiên nhà cụ, bỗng thấy cụ đang cười tự nhiên im bặt, rồi gọi tôi vào trong nhà, kéo rèm, vẻ kém vui. Thấy tôi ngơ ngác, cụ bảo, lại thằng cha ấy.

Tôi không biết thằng cha ấy là thằng nào, kiên quyết vạch rèm ngó ra. Chả có ai trên ban công đối diện, ngoài một cụ ông râu bạc, tóc bạc và ngay cả lông mày cũng bạc nốt.

- Có ai đâu cụ? Tôi hỏi.

- Thằng chả đấy. Lão Schwarz.

- Có một ông râu tóc bạc phơ thôi. Ổng này không đen.

- Cháu chả hiểu gì cả. Schwarz là tên lão. Cũng như Weiss là tên bà vậy.

- Ông Đen tóc trắng ông ấy làm gì bà ạ?

- Tuần nào cũng tặng hoa hồng trắng.

Tôi ớ người. Ra tặng hoa cũng là một dạng khủng bố.

Schwarz là người khách thường xuyên chống gậy mua một bông hồng trắng, hóa ra là để tặng bà Weiss. Ông đi còn không vững, có hôm phải có người dìu.

- Ông tặng hoa bà? Là ổng có ý gì với bà? Ổng tán bà?

Bà cụ đỏ mặt, tay vân vê cái tạp dề:

- Rồi bấm chuông, rồi ngồi lại đến nửa đêm. Có hôm còn ngủ gật trên ghế, bà phải lay gọi rồi dìu ông ấy về tận nhà.

Tôi khoái chí nhìn bà cụ bẽn lẽn kể chuyện bị giai tán mà cố không lộ ra nét vừa sững sờ vừa buồn cười.

- Bà ơi, sao bà và ông không dọn về ở cùng nhau? Cho có bầu có bạn. Vừa vui lúc tuổi già vừa đỡ tốn tiền nhà?

- Để làm gì hả cháu? Để hầu lão ấy hay để làm tình? Lại còn nhìn nhau qua ánh nến, mở nhạc Valze nữa chứ. Cháu ơi, bà chỉ có một người đàn ông trong đời thôi. Ông ấy là người đến sau.

Bà cụ đọc một câu thành ngữ, nói theo kiểu ngôn ngữ bọn trẻ trâu bây giờ là "không có cửa".

- Nhưng ông ấy đến với bà không phải để làm tình đâu. (Tôi che miệng cười). Cho đỡ cô đơn thôi.

- Lão sám hối đấy. Chính lão là người đã bắn ông Weiss.

Cả hai chúng tôi đều im bặt. Lần này thấy mắt cụ có nước.

Khoảng một tháng sau, tôi không thấy ông Đen đến mua hồng trắng nữa. Lần này thì bà cụ Weiss mua. Hai bông.

- Họ chết cả rồi cháu ạ. Hai người đàn ông của đời bà.

- Cụ Đen cũng mất rồi ạ?

- Ừ. Mất rồi. Họ chết cả rồi.

Tôi nhìn hai bông hồng trên tay bà.

Bà cụ lại đỏ mặt:

- Ông Đen là mối tình đầu của bà đấy. Nhưng bà lại lấy ông Trắng. Họ là bạn và sau này là kẻ thù của nhau.

Trông cụ thoắt già xọm đi. Không biết gánh nặng trên vai cụ, mối thù của hai người đàn ông, hai người tình, với mối thù bên kia chiến tuyến, mối thù nào nặng hơn. Lúc ấy, tôi biết cụ sẽ không sống được bao lâu nữa.

Tôi nghĩ mình sẽ hỏi chuyện cụ thật nhiều để biết thêm về cuộc tình thế chiến éo le của cụ. Nhưng chưa kịp thì bà cụ Weiss đã mất sau đó không lâu, mang theo cả bí mật về hai người đàn ông trong cuộc đời cô độc của bà.

Ngôi nhà số 69 của cụ có gia đình khác dọn đến, nghe bảo đó là người thừa kế duy nhất của cụ. Hôm họ dọn nhà, tôi thấy họ vứt đi một xe đầy rác, có cả những tấm ảnh trắng đen và những bông hồng trắng đã héo khô.

Sau này tôi không thích ăn bánh táo nữa. Chúng vô hồn, nhạt nhẽo, không bao giờ còn ngon như bánh táo của cụ Weiss, người hàng xóm số nhà 69.
...
Ka
19.01.2020
KiềuthịAnGiang

TỰ KHÚC



TỰ KHÚC
===
Lá nhiều quá xum xuê thân gỗ cội
Phải đâu nhiều là bớt cô đơn
Phải đâu nhiều là sẽ biết buông
Khi xa lá cành không đau. Không tiếc?


Từ quấn quýt đến tận cùng xơ xác
Lá đương xanh mà tình bỗng dưng vàng
Lá buông mình khỏi tổ ấm thênh thang
Xếp như lá- thảm vàng trên mặt đất

Rồi như lá cuối trời yêu đã tắt
Môi tìm môi mà có thấy gì đâu
Hơi ấm sau cùng cũng kịp nguội từ lâu
Muốn nhen lửa sợ rừng cây táp lá

Muốn gọi nắng mà ráng chiều sập cửa
Sợ tàn lên lay động cả cả cánh rừng
Thôi ta nằm...
Xin người giẫm chân lên
Lòng chắc bớt hả hê trong phút ấy!

Trăm năm nữa biết người còn qua đấy
Nhớ thảm rừng từng lồng bóng trong nhau
Nhớ yêu xưa chưa kịp nụ hôn đầu
Dưới lớp lớp những thời gian đã mục

Trăm năm ạ. Trăm năm. Ta van vái
Đến và đi sương khói cuộc chơi này
Tình đã rụng như mùa Thu đã rụng
Người vẫn ngờ đâu có, cuộc đổi thay?
---
Ka
13.11.2109
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

KHÔNG ĐỀ NOVEMBER



KHÔNG ĐỀ NOVEMBER
====
Lá đã vàng sắp trụi hết thân rồi
Em ở đâu không về cùng anh đi nhặt lá
Chim bắt đầu di cư về nơi xứ lạ
Vẫy lên không trung một dấu lặng buồn


Những đám rêu cũ mèm trên nóc phố xám đen
Nước trên đài phun đêm qua bắt đầu thôi nhỏ giọt
Hồng rụng cánh nẫu nồng trên vườn muộn
Quạ vón hòn trên quảng trường đầy lá rụng vừa gom

Gió bắt đầu xé toạc cả không gian
Bứt lá oằn khô rải đầy trên mặt đất
Người hay tượng? Bồ câu sà trước mặt
Vụn bánh mì mua chuộc cả hồ nghi!

Biết vẽ thêm gì mùa tất tả đang đi
Nhanh hay chậm cũng thuộc về quá khứ
Còn chiếc lá cuối cùng
Làm sao ta cất giữ
Cho người đi nhất định
Chẳng quay về?
----
Ka
27.11.2019 #ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀU DA CAM





NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀU DA CAM
===
Lần đầu tôi gặp em là trong một quán ăn Việt.

Quán Cô Ba nổi tiếng với món bánh xèo giòn tan, chén nước mắm pha đậm kiểu miền Trung, đựng trong cái bát bé xíu như mấy lóng tay nhưng bù lại, rất nhiều rau sống. Một mẹt đầy tú hụ đủ cả cải xanh, kinh giới, tía tô, mùi và húng bạc hà.

Khi mẹt bánh được bưng ra, nước miếng bắt đầu tứa ra chào đón món ăn trứ danh quen thuộc của nhà hàng thì tôi nhìn thấy em.

Trên người em, chỗ nào cần phồng đều phồng căng hết cỡ. Mắt em xếch, răng em chắc, khỏe, đầy sinh lực. Tóc uốn thành búp xoăn, bóng nhờn một thứ dầu gì trông nhễ nhại. Lông em cũng bóng như thế, ý tôi muốn nói là lông trên mi em. Và phủ lên trên căng phồng, bóng mượt ấy, là một chiếc đầm màu vàng. Vải satin không hiểu sao cũng bóng nhãy nhụa. Màu vàng chói gần như ngả sang cam chín. Nó ngắn dưới khoang đùi một tý, ngăn cách với tất lưới màu da người bởi một đôi bốt đen, cao quá gối. Ngoài trời tuyết đang rơi. Không khí lập tức nóng lên.

Tôi nhúng cả miếng rau cải cuộn bánh xèo vào bát nước chấm. Nước dây vào đầu ngón tay. Cuộn bánh khá to. Đủ cả giòn, cay, mặn và ngọt. Tôi nhìn em, nhìn xuống cặp đùi tròn, lướt lên quầng tóc nhễ nhại và đôi mắt xếch ngây thơ vô số tội. Nước chấm rịn ra đầu ngón tay. Tôi mút ngon lành, chậm rãi. Mẹt rau vơi đi trông thấy.

Chủ nhà giới thiệu tôi với mọi người, không quên kèm theo chức danh. Em nhìn tôi, vô tình ngồi xuống bên cạnh, như một tình cờ.

- Anh đi một mình?- Em hỏi. Giọng Bắc kỳ chênh vênh.

- Ừ, vì anh không thích chia sẻ bánh xèo cho ai.

- Em giống anh. Nhưng em lúc nào cũng chỉ một mình- Em nhấn nhá từng chữ một: "lúc nào cũng một mình."

Em nheo mắt, hiêng hiếng nhìn tôi. Cái nhìn không biên giới, đầy hứa hẹn và rồi em cúi xuống rất nhanh, như chợt e thẹn vì sự dạn dĩ của mình. Xung quanh, thực khách ồn ào nâng cốc. Những bàn xa xa, bọn Tây khẽ khàng gắp gắp như sợ làm đau những ngọn rau.

Những lọn tóc xoăn nhũng nhĩnh tuột khỏi vai như văng cả dầu bóng ra ngoài màng tai khi em cúi xuống. Tôi cũng nhìn xuống em, sâu vào những chỗ căng phồng, ít vải, bất giác muốn cắn vào ngón tay. Sống một mình. Căng phồng và bóng nhẫy. Đàn bà không tình yêu họ xơ xác khô héo lắm cơ. Đôi mắt em xếch nhưng trông em ngây thơ, thật thà. Cái ngây thơ vô số tội làm đàn ông muốn phạm tội y như Ngọc Trinh. Bất giác tôi nén tiếng thở dài.

Vợ tôi không ươn ướt không ngây thơ như thế. Nàng bị cắt toàn bộ buồng trứng và hơn ai hết, tôi biết, sự khác nhau giữa người còn và không còn buồng trứng là một khoảng cách rất xa. Tôi chậm rãi cuốn một miếng bánh xèo, dúi vào bát nước chấm, suýt cắn vào ngón tay lần nữa.

Đến cuối buổi thì em đứng lên, vô tình làm rơi trước mặt tôi mảnh giấy, trong khi vội vã băng qua bàn để lên xe của một thằng cha nào đó đang rồ máy bên ngoài. Tình nhân? Chồng? Kệ. Tôi nhét mẩu giấy vào túi.

Tôi thích phụ nữ chủ động trên giường. Nhưng một cuộc hẹn thuần túy toàn tình dục thì phải cần cả lòng dũng cảm lẫn cơn khát tình. Tôi mới đang chỉ có một nửa.

Tôi không cho em cái quyền được đong đưa ỡm ờ. Cuộc hẹn của chúng tôi sớm hơn cả dự đoán. Em cho một địa chỉ. Đấy là đâu vậy, khách sạn? Không, đấy là nhà em. Em trầm giọng, khàn đến mức tôi tưởng trong cổ họng em có hẳn một đàn mèo.

Thế rồi bà chị nhờ tôi mang hoa đến viếng một đám tang khi mà bà đang du hý ở Paris. "Cậu giúp chị, chỉ một vòng hoa thôi. Đấy là một người bà con bên chồng. Anh ta chết rất thảm". Ai chết mà chả thảm. Tôi làu bàu, tay mân mê mẩu giấy của người đàn bà màu da cam. Em có hẹn rồi. Cậu đừng quên đấy. Nghĩa tử là nghĩa tận. Vòng hoa chị đặt rồi, cậu chỉ việc đến lấy.

Chết tiệt. Vòng hoa tang và ái tình. Không có chút can hệ gì. Tôi nhắn tin cho em: "Anh có thể hình dung ra em thế nào? Hôm nay em mặc màu gì". Tít tít. "Em là thứ mà anh đang hình dung. Nhưng nóng hơn nhiều". Mẹ kiếp. Ngôn với chả ngữ. Anh làm gì còn hình dung nào ngoài chuyện em không mặc gì. Nghĩ vậy, tôi viết: "Em mặc màu cam chín đúng không?". "Em không nói đâu. Anh tưởng tượng đi".

Vòng hoa tang bà chị đặt trông rất buồn. Chết mà buồn thế thì thà đừng chết. Đó là một mớ hoa cúc trộn với cành thông thành mớ hổ lốn. Một dòng chữ màu nhũ bạc chạy trên dải nơ đen vắt ngang. Không kính viếng hương hồn, vô cùng thương tiếc, thành kính phân ưu gì hết, mà là "An nghỉ trong vĩnh hằng" bằng tiếng Đức. Một sự nghỉ ngơi vô nhiễm. "Anh đang chuẩn bị hoa cho hội nghị. Thế nếu anh đoán trúng thì sao? Em thưởng gì nào?". "Em cũng đang hội thảo. Anh đoán trúng thì muốn gì em cũng chiều". Em hứa hẹn, kèm một cái đá lông nheo. "21 h có muộn quá không anh?". "Ôi, anh sẽ cầu nguyện để mình sống đến lúc ấy". Giờ ấy, vợ tôi bắt đầu lên giường. Không sao, tôi luôn có hẹn bất thường với khách. "Được chứ em yêu, chỉ là anh sẽ cháy trước khi gặp em". "Em cũng thế." Lạy chúa. Tôi ước gì mình đừng gặp em. Nhanh đến mức chính tôi cũng thấy có gì đó tiêng tiếc. Lúc vờn nhau mới là lúc cái máu chinh chiến của con đực nó rộn ràng. Nhưng hoãn làm sao được nữa. Cỗ máy phưu lưu đã kích hoạt và chỉ có chúa mới biết cách làm thế nào để dừng lại.

Tôi mua thêm bông hồng đỏ. Không phải để tiễn đưa người chết, mà để cho người đàn bà lúc nửa đêm. Đến nhà một người đàn bà tay không là khiếm nhã. Hoa tang đưa đến nhà tang lễ là xong nợ, rồi kiếm chỗ làm cốc cà phê, có khi phải làm nửa con gà quay cho lại sức, đợi nộp mạng cho cam chín.

"Anh đang chủ trì cuộc họp cổ đông. Sẽ xong sớm thôi." "Em cũng đang thảo luận về business với nhân viên. Trí tưởng tượng của anh đến đâu rồi?"

"Bọn trẻ nhà em thế nào, anh muốn làm quen với chúng". Tôi đưa đẩy, đóng vai người đàn ông gia đình, thăm dò gia cảnh. Tôi thường không thích những chỗ lạ. "Giờ ấy thì chúng ngủ hết rồi. Để lần sau nhé." kèm theo là icon trái tim to tướng, đập thình thịch. Tôi lặng người.

Hóa ra là em đang sống với con thật. Và cuộc hẹn 21 giờ là để canh me cho lũ trẻ đi ngủ.

Tôi hình dung ra nàng. Nếu nàng cũng đưa một thằng đàn ông về nhà vào lúc nửa đêm, sau khi lùa thằng Bi và thằng Bin vào phòng trẻ con, vặn cho chúng một bản nhạc thánh thót cho yên chuyện. Tự nhiên tôi muốn quăng mẹ nó bông hồng vào thùng rác.

Tôi bê vòng hoa thảm hại vào nhà tang lễ. Không khí nằng nặng, tanh tanh mùi tử khí. Nguyễn văn Hiền, tôi xướng tên. Người gác cổng cho tôi một địa chỉ, kèm cái trỏ tay vô nghĩa.

Toàn người Việt, độ chục người. Mặt ai cũng buồn như đưa đám. Tôi bê vòng hoa đến bên quan tài và giật mình, nhận ra người quen.

Anh ta đóng bảo hiểm nhân thọ kèm rủi ro ở văn phòng tôi. Làm quán ăn, một vợ, ba con, nhưng tài sản và bảo hiểm không để lại cho con, cho vợ, mà cho một người đàn bà tên Anje Hà. Toàn bộ bảo hiểm, nghe đâu lên đến gần nửa triệu €.

Anh ta chết rồi ư? Bao giờ? Sao tôi không biết gì về vụ này. Ít nhất là chưa nghe nhân viên của tôi báo cáo.

Người đàn ông nằm trong quan tài có bộ mặt rất đau khổ, y như chết là một tai họa, dù sống, chắc gì đã vui. Trông anh gầy và già đến cả chục tuổi so với cách đây mới ba năm, lúc đến làm bảo hiểm. Gặp lại một người quen trong hoàn cảnh này, thật không mấy dễ chịu gì. Tôi tìm cách đặt vòng hoa lên quan tài, hỏi một bà đứng cạnh xem ai là người thân của người chết, để gửi lời chia buồn.

- Đã đến đâu?

- Ý chị là...?

- Là bà vợ.

- Vợ con gì. Đâm đầu vào đấy, hầu hạ dạ vâng hàng chục năm trời. Chết có khi còn đỡ khổ.

Một bà bên cạnh tiếp lời. Giọng khẽ khàng nhưng vẫn đầy chì chiết.

- Đi với giai ngang nhiên, dẫn cả về nhà. Ông này cứ một thân một mình lùi lũi lắc chảo, đảo mỳ, cung phụng cho cả mẹ lẫn con nhà nó. Nghe bảo chết gục ngay cửa quán, tuyết vùi cả đêm, sáng ra người ta đi rải sỏi mới biết.

- Đang yên đang lành, bỏ vợ bỏ con, đâm đầu vào con này. Mê gái trẻ cho lắm vào. Nó bòn cho không còn cái lông dái.

Tôi bắt đầu hiểu ra. Họ nói về Anje Hà chăng? Người đàn bà mà anh ta đã ký thác tài sản?

"Anh yêu. Trí tưởng tượng của anh đến đâu rồi? Có cần em hâm nóng lên không?". Tin nhắn tít tít. Tôi vội thò tay vào túi áo để tắt chuông. Nghĩ thế nào, nhắn lại. "Em mặc màu cam đêm nay nhé". "Bí mật. Em chờ đợi một sự sáng tạo hơn nữa kìa". "Đồ lót cũng màu cam, đúng không?". Đáp lại, là ba trái tim bay phấp phới. Trong lòng tôi đang có cả ngàn bong bóng bay.

Đám đông đang xì xào bỗng lặng đi và tôi biết nhân vật quan trọng, tai tiếng nhất của sự kiện đã đến. Lần này trí tưởng tượng của tôi thảm bại thê thảm. Có chết tôi cũng không hình dung được, Anje Hà, người đang nhắn tin từ cuộc hội thảo Business lại là người đàn bà đến muộn trong chính đám tang của chồng mình.

Anje mở to mắt nhìn tôi, ngây thơ, vô tội, và ngay lập tức đôi mắt ấy kịp phủ một màn khói đau thương cùng cực như cách một quả phụ cần làm. Nhưng bộ đầm màu da cam như một cái tát giáng thẳng vào đám người đưa tang. Có ai đó rít lên, rồi tiếng xô xát. Tiếng khóc. Những người đàn bà cùng khóc rất to. Trong quan tài, người đàn ông vẫn nằm bất động. Anh chết vì đắm đuối, chết vì lao lực hay chết cho đỡ buồn tủi phận người?

- Cô muốn gì? Làm sao cô có thể hẹn hò với giai khi mà chồng cô vừa nằm xuống?

- Ông ta không phải là chồng em.

- Người đàn ông ở với cô, phục vụ cô, làm đến chết gục để cho cô sung sướng, không gọi là chồng thì gọi là gì?

Em khóc, một người đàn bà đẹp khóc càng thêm đẹp. Nhìn Anje khóc, tôi chợt nghĩ đến những cái gai hồng đang móc vào đùi đau nhức. Tôi đã nhét bông hồng vào túi quần.

- Cô biết chồng cô làm bảo hiểm chỗ công ty luật của tôi, nên cô mồi chài tôi đúng không?

- Không, chính là em xui ông ấy đến chỗ anh.

- Cám ơn ân huệ của cô. Business của cô thật đáng sợ. Nó có mùi tử khí.

- Trí tưởng tượng của anh quả thật rất tệ nhưng em vẫn là người thua cuộc.

Em kéo váy. Màu da cam mịn như nhung trên nền da đùi trắng nhễ nhại. Tôi chợt nhớ đến Harold Robbins, người đã viết cuốn tiểu thuyết Người Lữ Hành Kỳ Dị mà tôi đọc năm 16 tuổi. Tôi đã kích thích đến thế nào khi đọc đến đoạn Jonart Cord hãm hiếp người tình ngay bên xác cha mình khi ông vừa nằm xuống. Anh ta đã giật lại người yêu từ tay cha, người đã nẫng tay trên người yêu của con trai mình khi nó mang cô ta về ra mắt. Ông cưới con dâu tương lai làm vợ để con trai khỏi sa đà vào yêu đương mụ mị hỏng mất sự nghiệp. Nhưng tôi không phải là nhà văn.

- Khi anh chọn chị ấy, em biết em không còn hy vọng gì. Nhưng giờ thì em có tiền. Em tự do. Và chị ấy thì bị cắt hết như đàn ông rồi. Em yêu anh. Anh không biết là khi nào em cũng yêu anh.

Anje thầm thì.

- Cô biết về tôi rõ quá nhỉ. Nhưng xin lỗi, cô nhầm rồi. Tôi không thể ngủ với người đàn bà dám mặc màu da cam đi dự đám tang của chồng mình.

Mai cô lên văn phòng làm thủ tục. Chúc mừng cô. Anh ta để lại cho cô rất nhiều. Tôi nói thật, cô đừng đánh tráo khái niệm. Cái anh ấy dành cho cô dù rất nô lệ và ngu muội nhưng đấy mới là chính là tình yêu.

Tôi gọi điện về nhà cho nàng. Sung sướng khi nghe thấy tiếng nàng. Em không biết anh cần em đến thế nào đâu. Vì sao, nàng dịu dàng hỏi.

Vì em chưa bao giờ mặc đồ lót màu da cam.
...
Ka
(Ghi theo lời kể của Kh., luật gia, kiêm chủ công ty tư vấn và dịch vụ cộng đồng.)

THÁNG CHẠP



THÁNG CHẠP
===
Bầy sẻ nâu rúc hết vào bụi cây
Kêu chiêm chiếp dưới đám mây xám bạc
Mùi thành phố ẩm nồng như rạ mục
Những hàng cây vặt trụi lá trơ cành


Bà cụ già quấn chặt tấm khăn bông
Vẫn ửng hồng làn da như thoa phấn
Người gác cổng mở toang hai cánh cổng
Nắng mùa Đông lăn dọc cả hiên nhà

Em váy hồng dắt chó mở cửa xe
Găng tay da trên đùi trần rất mát
Mẹ tiên sư cái thằng Anh quốc
Thế là Châu Âu mất nó thật rồi!

Thì báu gì. Không ở thì đi thôi
Hai ông lão ngồi tâm tình trên ghế gỗ
Mặc lũ chó cong đuôi vờn nhau ngoài bãi cỏ
Sủa gâu gâu như thể rất đồng tình!

Rồi mưa xuống. Ngang ngược.
Bất thình lình
Không ỡm ờ cũng chẳng hề báo trước
Bức tranh chiều vẫn còn chưa se mực
Gặp trời mưa nên lại phải bôi dầu!

Em vai trần môi đỏ như quết trầu
Đá lông nheo vào mặt người họa sĩ
Tôi nghèo lắm. Anh ta toét miệng cười. Kể lể
Về nhà thôi. Trời lạnh lắm. Tôi mời!

Sắc đẹp mua chuộc hòa bình. Cứu rỗi. Sinh sôi...
...
Ka
Tháng Chạp. 2019
#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên

CÓ MỘT ĐIỀU EM MUỐN NÓI CÙNG ANH



CÓ MỘT ĐIỀU EM MUỐN NÓI CÙNG ANH
====
Có những chiều như buổi chiều cuối năm
Khăn quấn vụng hình như không đủ ấm
Mùi khói bếp ám đầy trong giấc mộng
Nhớ gì hơn là nỗi nhớ nhà?


Những ngày này lạnh đã chạm vào da
Cây bàng cũ đỏ lừ đầu ngõ gạch
Trong vườn ươm quất vàng tươm như mật
Bụi đào phai mập ú đợi bung tình

Mẹ không còn tất bật nồi bánh chưng
Đôi tay bợt nhăn nheo vì đãi đỗ
Khi tuổi già đã đầy lưng áo gụ
Được thảnh thơi là lúc lại nao buồn...

Gốc chanh đào góc bể nước còn không?
Hoa vẫn kín giấc mơ con bé dại
Thiết mộc lan cha trồng thơm inh mũi
Chậu mai vàng vụng nở lúc vào Đông

Nhớ quá nhiều nỗi nhớ vẫn như sông
Từ biển lớn vòng vèo quay trở lại
Cay mắt lắm,
Khói ơi. Đường xa tứ hải
Biết hôm nay ngược gió. Vẫn bay về...?

Cuối năm rồi phơ phất dọc triền đê
Mùi cỏ nướng chui vào thương nhớ cũ
Biết là cũ mà không sao dứt bỏ
Ta đành gom.
Trĩu nặng.
Một ôm đầy...
----
29.12.2019
Ka
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

HÌNH NHƯ LÀ NỖI NHỚ



HÌNH NHƯ LÀ NỖI NHỚ
====
Hình như là sắp tết
Pháo nổ inh mũi rồi
Ngoài đường vũng nước đục
Đêm qua thành băng tươi


Chị hối hả ra chợ
Khuân bia với tôm hùm
Đêm giao thừa chúng bạn
Sẽ đến quậy om sòm

Mẹ ngồi bên lò sưởi
Canh tàn lửa lom đom
Lũ con dọn đi hết
Năm mới ư? Chán òm!

Hàng xóm cài chặt cửa
Đột nhiên ló ra chào
Năm mới. Vui vẻ nhé!
Chúc xong, lại thụt vào!

Chó lớn và chó bé
Dưới sân gầm ghè nhau
Hoa hồng đang nghẽn nụ
Rét thâm cả chân rào

Ào ào bầy trẻ nhỏ
Hót vang một góc vườn
Những quả bóng xanh đỏ
Bay vèo cực dễ thương!

Pháo đã ùng oàng nổ
Mùi thơm khác ngày thường
Chết rồi. Hình như nhớ
Bắt đầu từ cố hương...
----
Ka
30.12.2019
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang