BỨC HỌA MÙA THU


 BỨC HỌA MÙA THU

=====

Có những ngày mưa cũng ngại đi ngang

Hoa trinh nữ bỗng chẳng buồn khép cánh

Bản nhạc ấy ai vừa thêm dấu lặng

Khóa sol rơi hồi kết đã xong lời...


Có những ngày...

hoa xấu hổ biếng cười

Bông khép nép sợ làm người thức giấc

Hiên cúc cũ thẫm vàng hoa cúc tiếc

Vết rêu bầm trên khe nứt thời gian


Đã có gì đâu cơn gió lạnh phím đàn 

Tiếng chuông gió ngỡ ai vừa gọi cửa

Ngoài sân vắng chú mèo nằm tư lự

Vệt lông hồng như vệt nắng ai thêu


Bức tranh mùa Thu em vừa mới bôi mầu

Lênh loáng nước hay mắt ai vừa khóc

Nhưng bài hát vẫn khuyết vài nốt nhạc

Anh đi rồi...

Ai lau mắt

Cho em?

----

Ka

21.9.2020

#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên

XẾ CHIỀU


 XẾ CHIỀU

=====

Chiều như mảnh lưới cạn

Ai vứt lên nóc bờ

Buồn tay ta cất vó

Nhặt về một dảnh thơ


Chiều em, lênh láng nhớ

Chiều anh, thảng thốt chờ

Chí có con sóng nhỏ

Ngấu nghiến hôn vào bờ


Ta đã từng rất vội

Bên nhau lâu lắm rồi

Sao bây giờ mới hiểu

Thương rồi, giận hờn ơi...


Có buổi chiều rất nhạt

Chan vào lênh láng tình

Hoàng hôn đang giãy chết

Bên kia- là bình minh...

~~~~

Ka

15.9.2020

#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang

Photo: hoàng hôn ở Schwarzwald

NƠI CHỐN

 NƠI CHỐN


Hai năm sau vụ thảm sát bằng xe tải, tôi đặt chân đến Nizza.


Rời khỏi Marseille ổn ào và hầm hập gió nóng, với những quãng đường chỉ vài chục mét lại vấp đèn đó cuồng hết cả chân ga, Nice đón chúng tôi với dải bờ biển sạch tinh mùi khơi xa. Mama có sợ không, con gái hỏi tôi, làm như khi nào cũng có thảm sát vậy. Có sợ không, phải mất đến mấy giây tôi mới nhớ đến vụ thảm sát đã vĩnh viễn găm vào địa danh này một ký ức đau thương. Phải,, tôi sẽ không biết đến Nice nhiều đến thế, nếu không có sự kiện mùa hè năm ấy.


Vừa bắt đầu chán ngấy núi sau những ngày ngồi trên xe mà hai bên đường điệp trùng vách đá dựng đứng. Cũng vừa kịp tan cơn say mùa Oải Hương tím ngát thiêu đốt tầm nhìn, đốt hết trong ba ngày một thứ đam mê tưởng chừng quá ư phù phiếm- Nice như một quà tặng xinh xắn cho nửa cuộc hành trình đi về miền Nam nước Pháp.


Chẳng phải đến khi tận tay mở những cánh cửa chớp màu xanh đã long sơn của ngôi biệt thự trong khu phố đi bộ, tôi mới chạm vào được một cảm xúc ngỡ đã bỏ quên đâu đó trong ký ức. Chao ơi cái mùi gây thương gây nhớ, cái mùi quá vãng lẩn quất đâu đó bỗng ùa ra như lũ, không sao ngăn lại được.


Mùi đô thị. Mùi của những quán ăn đêm ồn ĩ. Những quầy tạp hóa bán đủ thứ từ hạt dẻ đến táo dầm, ô mai và những tấm bưu thiếp ngô nghê đầu phố. Mùi của những kiến trúc cũ kỹ mà thời gian và mưa nắng đã phủ lên một lớp bụi lưu cữu không có cách gì gột đi cho được. Cái mùi theo tôi từ Marseille theo sang, từ Paris theo xuống, từ Provence kéo qua. Một thứ ảo giác ngai ngái, ngầy ngật vừa hư vừa thực rất thị thành vương giả trộn với mùi cống rãnh, rác rưởi luẩn quất, mùi những ngõ hẹp đầy ứ hơi người và khói xe, mùi của những đêm trăng mái phố... Còn gì nữa? Mùi những khu chợ nhộn nhịp mà kẻ mua người bán ơ hờ, quán cà phê túc tắc nhàn rỗi, mùi Trúc Anh Đào dễ dãi, Sưa trắng nồng gắt, Kim Ngân chập chờn và những bụi Oải Hương lạc lõng...Tất cả trộn lẫn thành một thứ mùi mà ở Đức không bao giờ có.  


Ở đây là mùi nhà quê, mùi của nền văn minh lưu cữu như một mẩu Hà nội đã được pha chế và nhập cảng bởi một chế độ thực dân vẫn còn dai dẳng đâu đó nơi Kinh Kỳ một thủa, vừa được tái hiện tươi rói ở nơi đây. Tôi chợt muốn xem lại bộ phim Người Tình, ở đây, ngay đêm nay. Để cảm nhận những âm thanh nhễ nhại lọt qua thứ ánh sáng cũng nhễ nhại như từ dưới nhà đang vọng lên mà tôi không thể bóc tách những lớp thời gian ra được.


Nice còn một thứ mùi nữa, mùi biển nhàn tản, sạch bong và đầy kiêu hãnh. Tôi ghen với Nice vì điều đó.


Nơi tôi sống không có biển. Nên mùi khơi xa bất chợt làm tôi thấy mình bắt đầu nhớ, dù đêm còn chưa qua hết, trăng vẫn cong cớn soi mình qua khung cửa chớp mở toang đón gió, trong tiếng sóng biển rì rào cào vào chân vách đá như van lơn, như hờn giận, như giãi bày.


Tôi nhớ... Mà nhớ gì ta?


Phải chăng, hình như, là một chốn để đi về.


CÓ NHỮNG NGÀY, RẤT XA

 CÓ NHỮNG NGÀY, RẤT XA...

====

Có những ngày chả biết viết gì

Chạm vào chỗ nào cũng trống

Dĩ vãng như căn nhà từ lâu khóa cổng

Chìa khóa đa mang đánh mất ở bìa rừng


Có những ngày chỉ nắng cũng rưng rưng

Mưa rất ngọt như làn môi con gái

Cơn gió xiết trên ngực trời trễ nải

Ngon như chưa từng hôn ai...


Có những ngày...

Có những ngày trôi

Ta tiếc lắm thời gian lăn quá vội

Chỉ sống thôi và yêu mê mải

Gọi mưa chan vào lộng lẫy cầu vồng


Đã qua rồi những ngày chạm đến hư không

Cho đi quá nhiều để ôm về trống rỗng

Tấn trò đời méo cười  cũng làm tim bật khóc

Chỉ biết thương người sao học cách thương ta?


Có những ngày.... Có những ngày rất xa

Cánh chuồn bay đậu chìm ao quá khứ

Cơn mưa bóng mây cũng hóa thành thác lũ

Run rảy chạm vào. Run rảy ùa ra ...


Có những ngày đã vĩnh viễn lùi xa

Niềm tin trao đi cũng là điều quá mệt

Câu thơ chết trên cánh đồng chưa gặt

Thơ viết chưa xong. Hồn chữ lại bay về.

~~~

Ka

010820

#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên


Nguyệt

 NGUYỆT, MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

~~~


Tôi quyết định viết về Nguyệt đầu tiên, trong serie ÔSIN NGOẠI TRUYỆN. 


Nguyệt chưa bao giờ lấy chồng, dù chị không quá xấu. Lúc ấy, đã quá chán với các đợt tuyển dụng osin tràn lan và thất bại, tôi nhận chị, chỉ vì Nguyệt là người Hà nội. Hà nội, vì chị gọi canh cá là dấm cá, thay vì canh chua, hay canh riêu cá. Cũng có thể vì chị có cái vẻ lơ ngơ ỡm ờ của người đàn bà quá lứa. Thôi thì đần một tý, còn hơn tinh quái. Giao nhà giao con vào tay một người tinh quái, khác gì gửi trứng cho ác. Nhất là những người đi làm osin ở Đức đa phần là dân tỵ nạn, không giấy tờ, mà từ chuyên môn gọi là cởi truồng (không quần áo).


Buổi đầu tiên đi làm về, thằng Cua lấm như ma vùi. Con Bơ và con Sữa đánh nhau rách cả mắt. Nhà cửa lanh tanh bành không dọn, bếp núc lạnh như tờ. Chị ngồi ngơ ngẩn bên cửa sổ, cười một mình. Hai vợ chồng lao vào dọn dẹp. Đứa nổi lửa nấu cơm, đứa chơi với con. Ôsin chuyển chỗ từ cửa sổ ra bàn bếp, co chân lên ghế, cười nói như ngô rang.


Bữa cơm đầu tiên, tôi nấu. Nguyệt không đụng đũa.


- Chị ăn đi. - Tôi mời.


- Chị không ăn cơm. Chỉ ăn cháo hay là xôi. 


Tôi dỗ: Mai bác ở nhà thích ăn gì tự nấu. Gạo nếp nhà thiếu gì.


- Chị không ăn được thịt mỡ. Bị đi ngoài.  


Tôi nhìn đĩa thịt kho trứng vừa hì hục làm rất ngon lành, cố dỗ Nguyệt: 


- Vậy chị ăn gì ạ?


- Bác chỉ ăn thịt vịt thôi!!!


Nhà tôi không ăn thịt vịt, vì hôi. Mà vịt rất đắt, 10€/con. Trong khi thịt gà 10€ mua được 4 con.


Hôm sau tôi mua vịt. Tối về, chỉ thấy mỗi cái lườn úp trong đĩa. Chả lẽ chị ăn hết con vịt hai ký? Không, chị vứt hết vào thùng rác vì đau bụng. Chỉ ăn mỗi hai cái lườn. Miệng nói, chị hồn nhiên mở đĩa thịt bốc ăn, mặc kệ tôi đứng nhìn. Hai ký lô vịt nhẹ nhàng chui vào cái miệng rất xinh của người Hà nội.


Tối đó, tôi ngậm ngùi định cho chị nghỉ. Không phải vì con vịt, mà vì chị không biết chăm trẻ con. Không nấu cơm, không dọn nhà. Tôi đi làm về lại lao vào bếp hầu hạ cả nhà trong đó có cả chị, y như tôi mới là osin.


Chưa kịp nói, thì chị kể chuyện đời chị. Chị yêu một anh, rất con nhà. Sắp cưới thì phát hiện ra anh gay. Chán đời, sang Đức nhờ mối mai ở với một anh tây. Nó chả động đến chị em ạ. Mấy đêm liền, chị đành mò vào giường nó, mò mẫm mãi, chim nó bé như quả ớt chỉ thiên. Bé hơn cả chim thằng Cua nhà em (Cua khi ấy chưa đầy 3 tuổi). Thấy chị thuỗn mặt ra, nó ôm mặt khóc hu hu.


Chưa hết em ạ. Lại có người giới thiệu cho thằng tây khác. Thằng này vừa có chim vừa có bướm. Cái nào cái nấy nhũn nhùn nhùn như con cá chết. Trông hãi lắm.


Số chị nó thế em ạ. Một người thì còn bảo không may. Ba lần đều thế, là do cái số nó vô duyên.


Nguyệt ngơ ngẩn cười, nước mắt ròng ròng. Tôi dỗ chị:


- Khi đến đây chị nói ở nhà có chuyên môn trông trẻ em mới nhận. Nhưng nói thật, chị không hề biết trông trẻ con. Hỏi cái gì chị cũng không biết. Cháu nó ốm, chị cũng không hay. Em có cần chị làm việc nhà đâu, em bận đến mấy cũng cố được. Nhưng các cháu thì bác phải cho ăn uống đầy đủ chứ.... Thôi, chị cứ ở đây với em. Chị cố học lấy cái nghề. Ở Đức không có giấy tờ không đi trông trẻ thì làm gì hả chị?


Nguyệt đi nằm. Ngẩn ngơ cười, ngẩn ngơ khóc một mình như ma làm. Tôi ngó vào, thấy người đàn bà nằm ngửa, co chân lửng lơ như đánh đu, ngủ mà mở mắt trừng trừng, nước dãi rớt ra giường, thật trong mơ tôi cũng không thể hình dung nổi. 


Chưa biết xử trí với cô trông trẻ này thế nào, bỏ thì thương, vương thì tội. Tôi tự nhủ, thôi thì người ta hoàn cảnh. Sa thải thì dễ, nhưng rồi ngẩn ngơ ngây dại thế, chị đi đâu? 


Nhưng rất bất ngờ, Nguyệt lại là người xin nghỉ vì đã có chỗ làm mới. Thấy tôi lưu luyến, chị giải thích, mang tiếng đi làm thuê, nhưng đây là chị đi làm vợ người ta hẳn hoi. Ban ngày làm lao công ở cửa hàng, tối ngủ với ông chủ. Chả gì cũng là ông chủ của cái siêu thị mini. Chị đã 42, không nhanh thì rụng hết mẹ nó trứng. Mà có con thì dễ được ở lại Đức. Ông này có vợ con ở Việt nam, kiếm người ngày làm đầy tớ tối làm bạn tình, nhất quyết không cưới xin.


Ngày chia tay ba đứa con tôi không đứa nào thèm theo bác. Người đàn bà suốt ngày ngồi cửa sổ cười một mình, chưa bao giờ nấu cho chúng một bữa ăn.


Ít lâu sau, Nguyệt về thăm. Gái phải hơi giai như thài lài gặp cứt chó. Thài lài phinh phính thịt da, ngồi ăn cơm ngoe ngóe, cắn giò mỡ ngập răng, không thấy ngỏn nghẻn rằng là kiêng cơm, rằng chỉ ăn mỗi lườn vịt. Nguyệt khuỳnh khoàng ngồi tám chuyện với cô ôsin mới nhà tôi, tâm đầu ý hợp lắm. Tôi mừng cho chị. Hóa ra, người đàn bà dù ngây dại đến đâu cũng có quyền hạnh phúc, mà chìa khóa của bí mật hạnh phúc nhất định phải nằm trong tay một thằng đàn ông.


Nguyệt ra về. Cô Ôsin bảo, người hâm dở thế mà chị cũng nhận về trông trẻ, niều nĩnh thật. Tôi thở dài. Thì cũng là bí dí tốt, rồi lúc nhận người ta, ở với nhau đâm có tình cảm, không nỡ.


Chị cứ thương người. Bà Nguyệt xúi em cho con chị uống thuốc ngủ đấy, bà ấy bảo toàn nàm thế, tha hồ chơi. 


Tôi chết lặng. Cảm thấy mình là bà mẹ vô trách nhiệm nhất trên đời. Tôi đã rước một con rắn vô nhân tính vào nhà. May, mà đống thuốc ngủ mà Nguyệt cho con tôi uống hồi đó chỉ là một loại trà an thần, tôi mua cho Nguyệt để người đàn bà ấy khỏi cười khúc khích cả đêm, trong khi mắt vẫn mở và hai chân co lên đung đưa khò khò ngáy như kéo bễ.

---

Ka

Trích "Ôsin ngoại truyện"

Vì đó là yêu

 Có những thành phố không phải để sống, mà chỉ để đến, và chỉ nên đến một lần, đừng nên trở lại.


Có những khoảnh khắc, khi xa rồi, mới biết, đó là yêu... :)

---

Straßburg, thành phố lớn nhất Grand Est, Pháp, trong nhiều thế kỷ giống như một quả bóng được đá đi đá lại giữa hai đội tuyển Đức Pháp. Về nguyên tắc, đây là mảnh đất nói tiếng Đức vì ngay cái tên thành phố cũng vẫn là tên Đức, nhưng tiếng Đức lại là thứ tiếng không được ưa chuộng ở nơi đây (nơi đã từng thuộc về). Mặc dù vậy, sự cổ kính của Straßburg không che giấu được sự trẻ trung và sự pha trộn hai nền văn hóa Pháp- Đức.


Nằm sát biên giới Đức, Straßburg giống như "ao nhà" cho những cư dân Đức muốn tranh thủ sang xơi Croisser Pháp ngày cuối tuần. Khách du lịch đến Đức, mà lại muốn có mấy tấm ảnh check in vừa Thụy Sĩ (Zürich), vừa Pháp trong vẻn vẹn có một ngày, thì đây là sự kết hợp lý tưởng. Ba quốc gia trong một ngày liệu có thể ở đâu nếu không phải là ở đây?


Có điều, ở Strábourg, tiếng Đức không ai muốn nghe, như một dạng tự kỷ nhằm xóa đi dấu tích của lịch sử xâm lăng, còn tiếng Anh thì dân Pháp kiêu căng không thèm học. Bạn sẽ phải đánh vật với những thực đơn toàn tiếng Pháp kiểu CôGiơMôngTôiXoa dù là ngồi hóng gió bên con sông Rhine thơ mộng hay trong những khu phố cổ Petite-France (Nước Pháp Nhỏ). Ngồi ở đây, nếu cảnh quan tuyệt diệu có làm bạn bị tẩu hỏa nhập ma, bạn sẽ tưởng mình đang dạt về thế kỷ 18, bởi sự cổ kính và yên tĩnh lạ lùng trong lòng một Straßburg náo động.


Strasbourg, di sản văn hóa thế giới, thủ đô của Liên minh châu Âu, với nào là Nghị Viện châu Âu, Tòa án Nhân Quyền, Thanh tra châu Âu..., kèm theo nhiều ban bệ rất lằng nhằng nhức đầu, đại loại là một ràng buộc có tính pháp lý của hai nhà nước Pháp Đức, khiến cho đôi bên cứ phải gặp nhau đến 12 lần một năm (Chắc để ôn lại lịch sử bóng đá!!!). 


Straßburg còn có tới ít nhất 10 nhà thờ, trong đó nhà thờ Đức Bà (Cathédrale Notre Dame) là sự kết hợp hoàn hảo của hai kiến trúc Pháp Đức, đủ làm xiêu lòng những du khách mê kiến trúc Gothic. Còn tôi mỗi lần đến đây lại thấy bực mình ghê gớm, nhà thờ gì cao thế, nghển mỏi cả cổ. Và lần nào cũng bực dọc vì chỉ chụp được mỗi cái chân nhà thờ.


Ít nhất hai lần, trong nhiều thế kỷ, Straßburg đã thuộc về Đức. Sau mỗi lần thua trận, đế chế Đức hùng mạnh lại ngậm ngùi xẻo thịt cắt đất chia cho kẻ thù như một sự bồi thường và... sám hối. Và Straßburg giống một cô gái đẹp luôn được Pháp ưu ái giành giật. Cuối cùng, người đẹp Straßburg bị cưỡng hôn về hẳn với người chồng ngoại bang Pháp từ 1944 đến nay và vẫn giữ nguyên tên, chỉ viết theo kiểu Pháp là Strasbourg.


Biết đâu, còn có một ngày nào đó, mảnh đất lịch sử này lại trở về với Đức, để ta được ngồi bên dòng sông Rhine xơi xúc xích nướng, nhá bắp cải chua, và khoan khoái đọc thực đơn bằng tiếng Đức, nói thứ tiếng mà dân Pháp rất ghét nhưng vẫn ngậm ngùi: Bitte schön!

---

Ka

Straßburg, 2018


TÌNH CỜ

 TÌNH CỜ

===

Có phải mùa Thu vẫn trốn quanh đâu đây

Biết ta buồn nên vừa quay trở lại

Heo may nhốt trong bình ùa ra rất vội

Lạnh dọc bàn tay


Thu chưa về nắng đã tớn lên đua đòi

Bỏ ta đi không kịp lời giã biệt

Phong Lữ Thảo đã vàng đi mấy lượt

Rụng một tàn hương


Chim bồ câu nằm chết ở trên đường 

Bạn tình cũng bay đi mất dạng

Sau cái chết là những gương mặt khác

Thay thế sinh linh mới lìa đời


Lá vàng quên mùa Thu đã một năm rồi

Quên cả những ngày chỉ còn mưa xám ngoét

Hũ rượu chôn dưới cơn say rất đượm

Ngược vào hồn như một nỗi đau...

~~~

Ka

25.8.2019

(Bài thơ viết nháp, nhân vô tình trên đường gặp một con chim bồ câu nằm lẻ loi chết trên lề đường. Tình cờ fb nhắc lại. Vừa tròn một năm.)

#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên


GHÉT THU


 Ghét Thu

----

Ta ghét mùa Thu quá

Trơ tráo chẳng ai mời

Giá mà người cũng thế 

Bỏ đi một lần thôi...


Sáng ra mặc thêm áo

Lạnh tràn lên mép giường

Chăn gối chừng thấm mệt

Rã rời từng mảnh hương


Bồ câu ngoài hiên vắng

Gừ gừ rất hoang đàng

Đôi tình nhân cũ kỹ

Không biết rằng Thu sang?


Còn thừa bao nhiêu nắng

Ta đã xài rất hoang

Mải chơi không giữ lại

Để sáng nay, Thu tràn


Có thể một chiếc lá

Chưa thể thành mùa Thu

Nhưng lòng đã rất tệ

Rơi ngang dốc sương mù.

....

Ka

26.8.2018

#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên

VỀ NHÀ ĐI ANH

 VỀ NHÀ ĐI ANH

=====

Mỏi chân rồi muốn về nhà chưa anh

Về nhà đi anh...

Ngoài kia có gì vui hơn

Mà như con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng

Trời đã hửng tim đèn còn thoi thóp 

Tự đốt mình để xua đi bóng đêm vừa rạng


Chờ anh


Về đi anh,

Lối cũ nhện đã giăng mành

Thềm cửa long sơn không còn ai lai vãng nữa 

Hồn thu thảo dấu xưa một thời in xe ngựa

Hồn em hoang phế rồi...

Nào thấy bóng ai đâu?


Những người đàn bà của anh họ là ai em chẳng muốn biết, mặc dầu

Họ xinh tươi hay hơn em ít nhiều vô số tuổi

Họ đến và đi mặc kẻ đa tình dày công giăng mắc lưới


Là anh


En biết có một ngày ngựa chiến sẽ chùn chân

Anh sẽ dừng lại một nơi quen,

Và nghỉ

Căn nhà đó có thể không vui nhưng bình an hơn nơi anh từng vãi vung tuổi xuân hoang phí


Là em

~~~

Ka

31.8.2020

#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang



Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang