TẠM BIỆT, NOVEMBER

 TẠM BIỆT, NOVEMBER

====
Lá đã vàng sắp trụi hết thân rồi
Em ở đâu không về cùng anh đi nhặt lá
Chim bỏ đàn di cư về nơi xứ lạ
Khoét lên không trung một dấu lặng buồn
Những đám rêu cũ mèm trên nóc phố xám đen
Nước trên đài phun đêm qua bắt đầu thôi nhỏ giọt
Hồng rụng cánh nẫu nồng trong vườn muộn
Quạ vón hòn trên quảng trường đầy lá rụng vừa gom
Gió bắt đầu xé toạc cả không gian
Bứt lá oằn khô rải đầy trên mặt đất
Người hay tượng? Bồ câu sà trước mặt
Vụn bánh mì mua chuộc cả hồ nghi!
Biết vẽ thêm gì vào tất tả mùa đi
Nhanh hay chậm cũng thuộc về quá khứ
Còn chiếc lá cuối cùng
Làm sao ta cất giữ
Bởi người đi thấp thỏm
Hay về?
----
Ka
Khúc Thụy Du, Bopha Lang và 50 người khác
3 bình luận
5 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Mưa thất tình



Mưa thất tình
~~~
Có những ngày mưa rất, rất buồn
Đổ tràn lên cả kiếp mưu sinh
Hồn phơi từ bữa em đi vắng
Gặp nước đâm ra dột cả mình

Em sợ. Tôi biết, đâu dám trách
Chỉ tiếc tình tôi bấy nay thôi
Tôi buộc xác phàm bằng tơ nhện
Hồn nặng nên tơ đứt mất rồi!

Tất cả là tại bà Nguyệt Lão
Vụng se nên trói được ai đây
Tình mỏng tình hờ tình bay mất
Ướt mẹ đêm nay
Một góc giầy...
...
Ka

Một lời kinh



Một lời kinh

Mình vẫn nhớ cảm xúc lần đầu tiên đọc Tướng Về Hưu. Hay đến rùng mình, cái hay của một thứ văn chương vừa ám ảnh vừa đột phá ngỡ ngàng. Anh bạn nghiên cứu sinh ngành kiến trúc của chồng mình thì bảo thích cô Thủy con dâu là bác sĩ trong truyện. Thủy vừa hiện đại, vừa xốc vác vừa lẳng mà ẩn đâu đó vẫn còn cái tâm. "hôm nay nhà mình hầm chim bồ câu với tâm sen. Tâm đấy, ăn là trên hết". Những câu văn rờn rợn găm vào lòng người đọc những thập niên 80, như một ám ảnh mang tên thời cuộc.

Văn Thiệp hồi ấy như một nhát dao chém vào bầu trời văn học bàng bạc nước nhà. Nhân vật của ông không giàu sang vinh hiển trai xinh gái hot, cũng không bị ông tàn nhẫn đẩy xuống tận cùng của bi thống nhằm lấy nước mắt dễ dãi của độc giả, mà như những bức tượng đầy hồn cốt sừng sững trong lòng người đọc. Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Không có vua... truyện nào cũng bằn bặt đau đời, đau tình, ngấu nỗi niềm thân phận. Thiệp như lên đồng chữ nghĩa, rút ruột rút gan mà viết. Rồi cũng đột ngột như thế, ông dừng, sau khi cho ra đời một số cái gọi là tác phẩm bệ rạc và nhạt nhẽo đến không ngờ.

Thiệp là một hiện tượng văn học. Không ai có thể phác họa chân dung xã hội Việt nam đầy sắc màu chỉ trong một Tướng về hưu như ông. Hình ảnh cô bác sĩ mỗi ngày đi làm đều mang theo phích đá để tha về một đống thai nhi tươi đành đạch, rồi sẽ dùng kéo cắt nhỏ xác người ấy ra nuôi đàn chó béc giê béo tốt, tố cáo tỉnh bơ cái xã hội vừa man rợ, vừa mông muội vừa cùng quẫn một thời. Trong Không có vua, thì ông bố góa vợ và một bầy 5 thằng con trai đua nhau rình cô con dâu trẻ tắm táp, rồi tuyên bố một câu xanh rờn, làm xây xẩm cả một thế hệ vì sự thật trần trụi: "làm thằng đàn ông, chẳng nên xấu hổ vì cái con B..!"

Văn Thiệp ít thoại vì thoại chính là văn. Cái lối kể mà không kể, không biết nhà văn là nhân vật hay nhân vật là nhà văn, không một ranh giới hay một định hướng nào rằng sẽ thế này hay thế kia, như thể người viết đã tràn ứ ra rồi cứ thế cầm bay mà xúc chữ trát vào giấy, nó mới duyên, mới sống và ăm ắp nhựa đời đến mức không thể có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai, dù Thiệp phết Thiệp phẩy thì ăn theo cả đống. 

Mình rời Việt nam đúng lúc những năm "đầu đường đại tá bơm xe, cuối đường đại úy bán chè đỗ đen". Hình ảnh Việt nam là một giấc mơ buồn bã mà yêu dấu đầy khắc khoải, trong đó, thấp thoáng có cả những nhân vật của Thiệp. Sau nay mình vẫn còn đọc Thiệp khi đã ở Đức rất lâu.
Giờ đây, cha đẻ của Chảy đi sông ơi đã và đang nằm hôn mê, trong khi những người yêu mến và cả người nợ ông, đợi ngày ông thoát cảnh nợ đời thì vợ ông, không chịu nổi gánh nặng trần ai, đã buông ông mà đi trước.

Người đàn ông phải chôn vợ, đã là nghịch cảnh. Người đàn ông không được chôn vợ, mới thật là bất hạnh.

Trong truyện Không có vua, mình nhớ mãi một chi tiết. Lão Kiền, ông bố chồng vẫn cùng năm thằng con trai mất dạy rình trộm con dâu tắm, cuối đời bị một khối u não to vật khiến ông đau đớn. Cả đàn con biểu quyết xem ai đồng ý để cho bố chết. Cuối cùng, người ta mời sư đến tụng kinh để cái tâm hồn đau khổ tội lỗi và cũng rất đương- nhiên- Người ấy sớm được siêu thoát. Ông thôi vật vã, ra đi thanh thản như nhận một đặc ân từ thượng đế.

Mình bắt đầu để ý đến đạo Phật, đến sức mạnh của tôn giáo, niềm tin tâm linh từ lúc đó. Từ cái chi tiết vô cùng ẩn dụ mà nhỏ nhoi của truyện ngắn ấy. 

Nhưng không biết khi đó, Nguyễn Huy Thiệp đã có dự cảm gì cho những trang cuối đời của chính mình buồn đến vậy. Hay vì dự cảm, ông mới viết như là bao nhiêu tinh hoa dồn hết cho một kiếp người.
Lại vẫn trong tác phẩm của ông, Không có vua, mô tả một gia đình vô luân, hỗn loạn, nhưng ẩn khuất sau đó vẫn là một thứ tình mà thế nào nhà văn cũng kín đáo đưa vào đằng sau những câu chữ lạnh lùng tàn nhẫn và cả nghiệt ngã nữa. Đó là lời cô con dâu tên Sinh, bông hoa non nớt như một chú cừu giữa những gã đàn ông đầy phần con thô lỗ: thương lắm!

Thương lắm. Sau cùng và trên hết thì vẫn còn tình thương. Nhờ nó mà xã hội tồn tại. Nhờ nó mà truyện của Nguyễn Huy Thiệp sống mãi. Sau những cái rùng mình bằn bặt nỗi niềm, người ta vẫn thẩm thấu được giọt tình đau đớn cô chắt nhỏ qua ngòi bút tưởng là thản nhiên của ông.
Sinh thời, nhiều truyện ngắn của ông đã dựng thành phim, thành kịch. Nhưng cuộc đời ông còn bi kịch hơn chính những gì ông đã viết.

Một lời kinh cho ông.

(Chi tiết vợ Nguyễn Huy Thiệp mất mình đọc qua fb của nhà thơ Bảo Sinh Nguyễn, bạn thân của gia đình nhà văn).

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀU DA CAM

 





NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀU DA CAM
===
Lần đầu tôi gặp em là trong một quán ăn Việt.

Quán Cô Ba nổi tiếng với món bánh xèo giòn tan, chén nước mắm pha đậm kiểu miền Trung, đựng trong cái bát bé xíu như mấy lóng tay nhưng bù lại, rất nhiều rau sống. Một mẹt đầy tú hụ đủ cả cải xanh, kinh giới, tía tô, mùi và húng bạc hà. 

Khi mẹt bánh được bưng ra, nước miếng bắt đầu tứa ra chào đón món ăn trứ danh quen thuộc của nhà hàng thì tôi nhìn thấy em.

Trên người em, chỗ nào cần phồng đều phồng căng hết cỡ. Mắt em xếch, răng em chắc, khỏe, đầy sinh lực. Tóc uốn thành búp xoăn, bóng nhờn một thứ dầu gì trông nhễ nhại. Lông em cũng bóng như thế, ý tôi muốn nói là lông trên mi em. Và phủ lên trên căng phồng, bóng mượt ấy, là một chiếc đầm màu vàng. Vải satin không hiểu sao cũng bóng nhãy nhụa. Màu vàng chói gần như ngả sang cam chín. Nó ngắn dưới khoang đùi một tý, ngăn cách với tất lưới màu da người bởi một đôi bốt đen, cao quá gối. Ngoài trời tuyết đang rơi. Không khí lập tức nóng lên. 

Tôi nhúng cả miếng rau cải cuộn bánh xèo vào bát nước chấm. Nước dây vào đầu ngón tay. Cuộn bánh khá to. Đủ cả giòn, cay, mặn và ngọt. Tôi nhìn em, nhìn xuống cặp đùi tròn, lướt lên quầng tóc nhễ nhại và đôi mắt xếch ngây thơ vô số tội. Nước chấm rịn ra đầu ngón tay. Tôi mút ngon lành, chậm rãi. Mẹt rau vơi đi trông thấy.

Chủ nhà giới thiệu tôi với mọi người, không quên kèm theo chức danh. Em nhìn tôi, vô tình ngồi xuống bên cạnh, như một tình cờ.

- Anh đi một mình?- Em hỏi. Giọng Bắc kỳ chênh vênh.

- Ừ, vì anh không thích chia sẻ bánh xèo cho ai.

- Em giống anh. Nhưng em lúc nào cũng chỉ một mình- Em nhấn nhá từng chữ một: "lúc nào cũng một mình."

Em nheo mắt, hiêng hiếng nhìn tôi. Cái nhìn không biên giới, đầy hứa hẹn và rồi em cúi xuống rất nhanh, như chợt e thẹn vì sự dạn dĩ của mình. Xung quanh, thực khách ồn ào nâng cốc. Những bàn xa xa, bọn Tây khẽ khàng gắp gắp như sợ làm đau những ngọn rau.

Những lọn tóc xoăn nhũng nhĩnh tuột khỏi vai như văng cả dầu bóng ra ngoài màng tai khi em cúi xuống. Tôi cũng nhìn xuống em, sâu vào những chỗ căng phồng, ít vải, bất giác muốn cắn vào ngón tay. Sống một mình. Căng phồng và bóng nhẫy. Đàn bà không tình yêu họ xơ xác khô héo lắm cơ. Đôi mắt em xếch nhưng trông em ngây thơ, thật thà. Cái ngây thơ vô số tội làm đàn ông muốn phạm tội y như Ngọc Trinh. Bất giác tôi nén tiếng thở dài.

Vợ tôi không ươn ướt không ngây thơ như thế. Nàng bị cắt toàn bộ buồng trứng và hơn ai hết, tôi biết, sự khác nhau giữa người còn và không còn buồng trứng là một khoảng cách rất xa. Tôi chậm rãi cuốn một miếng bánh xèo, dúi vào bát nước chấm, suýt cắn vào ngón tay lần nữa.

Đến cuối buổi thì em đứng lên, vô tình làm rơi trước mặt tôi mảnh giấy, trong khi vội vã băng qua bàn để lên xe của một thằng cha nào đó đang rồ máy bên ngoài. Tình nhân? Chồng? Kệ. Tôi nhét mẩu giấy vào túi. 

Tôi thích phụ nữ chủ động trên giường. Nhưng một cuộc hẹn thuần túy toàn tình dục thì phải cần cả lòng dũng cảm lẫn cơn khát tình. Tôi mới đang chỉ có một nửa.

Tôi không cho em cái quyền được đong đưa ỡm ờ. Cuộc hẹn của chúng tôi sớm hơn cả dự đoán. Em cho một địa chỉ. Đấy là đâu vậy, khách sạn? Không, đấy là nhà em. Em trầm giọng, khàn đến mức tôi tưởng trong cổ họng em có hẳn một đàn mèo.

Thế rồi bà chị nhờ tôi mang hoa đến viếng một đám tang khi mà bà đang du hý ở Paris. "Cậu giúp chị, chỉ một vòng hoa thôi. Đấy là một người bà con bên chồng. Anh ta chết rất thảm". Ai chết mà chả thảm. Tôi làu bàu, tay mân mê mẩu giấy của người đàn bà màu da cam. Em có hẹn rồi. Cậu đừng quên đấy. Nghĩa tử là nghĩa tận. Vòng hoa chị đặt rồi, cậu chỉ việc đến lấy.

Chết tiệt. Vòng hoa tang và ái tình. Không có chút can hệ gì. Tôi nhắn tin cho em: "Anh có thể hình dung ra em thế nào? Hôm nay em mặc màu gì?". Tít tít. "Em là thứ mà anh đang hình dung. Nhưng nóng hơn nhiều". Mẹ kiếp. Ngôn với chả ngữ. Anh làm gì còn hình dung nào ngoài chuyện em không mặc gì. Nghĩ vậy, tôi viết: "Em mặc màu cam chín đúng không?". "Em không nói đâu. Anh tưởng tượng đi".

Vòng hoa tang bà chị đặt trông rất buồn. Chết mà buồn thế thì thà đừng chết. Đó là một mớ hoa cúc trộn với cành thông thành mớ hổ lốn rẻ tiền movegu. Một dòng chữ màu nhũ bạc chạy trên dải nơ đen vắt ngang. Không kính viếng hương hồn, vô cùng thương tiếc, thành kính phân ưu gì hết, mà là "An nghỉ trong vĩnh hằng" bằng tiếng Đức. Một sự nghỉ ngơi vô nhiễm. "Anh đang chuẩn bị hoa cho hội nghị. Thế nếu anh đoán trúng thì sao? Em thưởng gì nào?". "Em cũng đang hội thảo. Anh đoán trúng thì muốn gì em cũng chiều". Em hứa hẹn, kèm một cái đá lông nheo rất đĩ. "21 h có muộn quá không anh?". "Ôi, anh sẽ cầu nguyện để mình sống đến lúc ấy". Giờ ấy, vợ tôi bắt đầu lên giường. Không sao, tôi luôn có hẹn bất thường với khách. "Được chứ em yêu, chỉ là anh sẽ cháy thành tro trước khi gặp em". "Em cũng thế." Lạy chúa. Tôi ước gì mình đừng gặp em. Nhanh đến mức chính tôi cũng thấy có gì đó tiêng tiếc. Lúc vờn nhau mới là lúc cái máu chinh chiến của con đực nó rộn ràng. Nhưng hoãn làm sao được nữa. Cỗ máy phưu lưu đã kích hoạt và chỉ có chúa mới biết cách làm thế nào để dừng lại.
Tôi mua thêm bông bông hồng đỏ. Không phải để tiễn đưa người chết, mà để cho người đàn bà lúc nửa đêm. Đến nhà một người đàn bà tay không là khiếm nhã. Hoa tang đưa đến nhà tang lễ là xong nợ, rồi kiếm chỗ làm cốc cà phê, có khi phải làm nửa con gà quay cho lại sức, trong lúc đợi nộp mạng cho cam chín.

"Anh đang chủ trì cuộc họp cổ đông. Sẽ xong sớm thôi." "Em cũng đang thảo luận về business với nhân viên. Trí tưởng tượng của anh đến đâu rồi?" 

"Bọn trẻ nhà em thế nào, anh muốn làm quen với chúng". Tôi đưa đẩy, đóng vai người đàn ông gia đình, thăm dò gia cảnh. Tôi thường không thích những chỗ lạ. "Giờ ấy thì chúng ngủ hết rồi. Để lần sau nhé." kèm theo là icon trái tim to tướng, đập thình thịch. Tôi lặng người.

Hóa ra là em đang sống với con thật. Và cuộc hẹn 21 giờ là để canh me cho lũ trẻ đi ngủ. 

Tôi hình dung ra nàng. Nếu nàng cũng đưa một thằng đàn ông về nhà vào lúc nửa đêm, sau khi lùa thằng Bi và thằng Bin vào phòng trẻ con, vặn cho chúng một bản nhạc thánh thót cho yên chuyện. Tự nhiên tôi muốn quăng mẹ nó bông hồng vào thùng rác.

Tôi bê vòng hoa thảm hại vào nhà tang lễ. Không khí nằng nặng, tanh tanh mùi tử khí. Nguyễn văn Hiền, tôi xướng tên. Người gác cổng cho tôi một địa chỉ, kèm cái trỏ tay vô nghĩa.

Toàn người Việt, độ hai chục người. Mặt ai cũng buồn như đưa đám. Tôi bê vòng hoa đến bên quan tài và giật mình, nhận ra người quen.

Anh ta đóng bảo hiểm nhân thọ kèm rủi ro ở văn phòng tôi. Làm quán ăn, một vợ, ba con, nhưng tài sản và bảo hiểm không để lại cho con, cho vợ, mà cho một người đàn bà tên Anje Hà. Toàn bộ bảo hiểm, nghe đâu lên đến gần nửa triệu €.

Anh ta chết rồi ư? Bao giờ? Sao tôi không biết gì về vụ này. Ít nhất là chưa nghe nhân viên của tôi báo cáo.

Người đàn ông nằm trong quan tài có bộ mặt rất đau khổ, y như chết là một tai họa, dù sống, chắc gì đã vui. Trông anh gầy và già đến cả chục tuổi so với cách đây mới ba năm, lúc đến làm bảo hiểm. Gặp lại một người quen trong hoàn cảnh này, thật không mấy dễ chịu gì. Tôi tìm cách đặt vòng hoa lên quan tài, hỏi một bà đứng cạnh xem ai là người thân của người chết, để gửi lời chia buồn.

- Đã đến đâu?

- Ý chị là...?

- Là bà vợ.

- Vợ con gì. Đâm đầu vào đấy, hầu hạ dạ vâng hàng chục năm trời. Chết có khi còn đỡ khổ.
Một bà bên cạnh tiếp lời. Giọng khẽ khàng nhưng vẫn đầy chì chiết.

- Con này đi với giai ngang nhiên, dẫn cả về nhà. Ông này cứ một thân một mình lùi lũi lắc chảo, đảo mỳ, cung phụng cho cả mẹ lẫn con nhà nó. Nghe bảo chết gục ngay cửa quán, tuyết vùi cả đêm, sáng ra người ta đi rải sỏi mới biết.

- Đang yên đang lành, bỏ vợ bỏ con, đâm đầu vào con này. Mê gái trẻ cho lắm vào. Nó bòn cho không còn cái lông dái.

Tôi bắt đầu hiểu ra. Họ nói về Anje Hà chăng? Người đàn bà mà anh ta đã ký thác tài sản?

"Anh yêu. Trí tưởng tượng của anh đến đâu rồi? Có cần em hâm nóng lên không?". Tin nhắn tít tít. Tôi vội thò tay vào túi áo để tắt chuông. Nghĩ thế nào, nhắn lại. "Em mặc màu cam đêm nay nhé". "Bí mật. Em chờ đợi một sự sáng tạo hơn nữa kìa". "Đồ lót cũng màu cam, đúng không?". Đáp lại, là ba trái tim bay phấp phới. Trong lòng tôi đang có cả ngàn bong bóng bay.

Đám đông đang xì xào bỗng lặng đi và tôi biết nhân vật quan trọng, tai tiếng nhất của sự kiện đã đến. Lần này trí tưởng tượng của tôi thảm bại thê thảm. Có chết tôi cũng không hình dung được, Anje Hà, người đang nhắn tin từ cuộc hội thảo Business lại là người đàn bà đến muộn trong chính đám tang của "chồng" mình. 

Anje mở to mắt nhìn tôi, ngây thơ, vô tội, và ngay lập tức đôi mắt ấy kịp phủ một màn khói đau thương cùng cực như cách một quả phụ đoan chính cần làm. Nhưng bộ đầm màu da cam như một cái tát giáng thẳng vào đám người đưa tang. Có ai đó rít lên, rồi tiếng xô xát. Tiếng khóc. Những người đàn bà cùng khóc rất to. Trong quan tài, người đàn ông vẫn nằm bất động. Anh chết vì đắm đuối, chết vì lao lực hay chết cho đỡ buồn tủi phận người?

- Cô muốn gì? Làm sao cô có thể hẹn hò với giai khi mà chồng cô vừa nằm xuống?

- Ông ta không phải là chồng em.

- Người đàn ông ở với cô, phục vụ cô, làm đến chết gục để cho cô sung sướng, không gọi là chồng thì gọi là gì?

Em khóc, một người đàn bà đẹp khóc càng thêm đẹp. Nhìn Anje khóc, tôi chợt nhớ đến những cái gai hồng đang móc vào đùi đau nhức. Tôi đã nhét bông hồng vào túi quần.

- Cô biết chồng cô làm bảo hiểm chỗ công ty luật của tôi, nên cô mồi chài tôi đúng không? 

- Không, chính là em xui ông ấy đến chỗ anh. 

- Cám ơn ân huệ của cô. Business của cô thật đáng sợ. Nó có mùi tử khí.
 
- Trí tưởng tượng của anh quả thật rất tệ nhưng em vẫn là người thua cuộc. 

Em kéo váy. Màu da cam mịn như nhung trên nền da đùi trắng nhễ nhại. Tôi chợt nhớ đến Harold Robbins, người đã viết cuốn tiểu thuyết Người Lữ Hành Kỳ Dị mà tôi đọc năm 16 tuổi. Tôi đã kích thích đến tột cùng khi đọc đến đoạn Jonart Cord hãm hiếp người tình ngay bên xác cha mình khi ông vừa nằm xuống. Anh ta đã giật lại người yêu từ tay cha, người đã nẫng tay trên người yêu của con trai khi nó mang cô ta về ra mắt. Ông cưới con dâu tương lai làm vợ để con trai khỏi sa đà vào yêu đương mụ mị hỏng mất sự nghiệp. 

Nhưng tôi không phải là nhà văn, càng không còn là cậu trai 16 tuổi.

- Khi anh chọn chị ấy, em biết em không còn hy vọng gì. Nhưng giờ thì em có tiền. Em tự do. Và chị ấy thì bị cắt hết như đàn ông rồi. Em yêu anh. Anh không biết là khi nào em cũng yêu anh.
Anje thầm thì.

Tôi cố nhớ. Nhưng không thể biết mình đã gặp cô ở đâu. Cô thay đổi, hay tôi tự mình không dung nạp nổi?

- Cô biết về tôi rõ quá nhỉ. Nhưng xin lỗi, cô nhầm rồi. Tôi không thể ngủ với người đàn bà dám mặc màu da cam đi dự đám tang của chồng mình. Càng không thể chạm vào người cô, hẹn hò hân hoan trong lúc xác người cũ còn chưa kịp nguội.

Mai cô lên văn phòng làm thủ tục. Chúc mừng cô. Anh ta để lại cho cô rất nhiều. 

Mà này. Tôi nói thật, cô đừng đánh tráo khái niệm. Cái anh ấy dành cho cô dù rất nô lệ và ngu muội nhưng đấy mới là chính là tình yêu. Mẹ kiếp. Làm đến kiệt sức chỉ để cho người tình được trơn lông. Tiền ấy đủ mua cả tá con đực cho cô đấy.

Tôi gọi điện về nhà cho nàng. Sung sướng khi lại nghe thấy tiếng nàng. Em không biết anh cần em đến thế nào đâu.

Vì sao, nàng dịu dàng hỏi. 

Vì em chưa bao giờ mặc đồ lót màu da cam.
...
Ka
(Ghi theo lời kể của Kh., luật gia, kiêm chủ công ty tư vấn và dịch vụ cộng đồng.)

ĐÀN BÀ ĐỘC THÂN

 


ĐÀN BÀ ĐỘC THÂN

====
Xấu đẹp, sang hèn... Có khác gì nhau đâu
Khi đêm về em chong đèn mượn vách tường gửi bóng
Bốn bức trống trơn như da êm. Câm vắng
Nhan sắc đắp màn đợi ai đến kéo chăn
Đàn bà độc thân có thể qua đò đến mấy lần
Thương con sóng ngầm mà giận người vụng chèo cầm lái
Đời rộng lắm nhưng bể cồn làm sao em cố với
Bơi một mình.
Đêm đêm
Đấy là những canh thâu nghe gió vò nát mái hiên
Úp mặt vào đêm chỉ thấy ngực trần phập phồng hơi thở gấp
Ôi da thịt mười ngón tay như ngọc
Tự vuốt ve mình
Đàn bà độc thân thay chồng gánh cả giang sơn
Đôi khi giật mình vì đôi vai gầy trở nên mạnh mẽ
Quên cả giận hờn và hờn ghen, có thể
Còn ai đâu để gạn nỗi đau lòng
Em là đàn bà độc thân đã quen cảnh cô phòng
Làm mẹ. Làm chồng. Làm tình nhân được hết
Nhưng khi cần bờ vai cho em tựa vào dịu đi cơn xoáy lốc
Chỉ thấy bóng mình
Sao không là anh?
------
17.12.2020
Ka
Mùa lockdown hạnh phúc nhất trên đời. 😉
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang khiêu vũ, giày và trong nhà
Bopha Lang, Le Anh Quan và 67 người khác
7 bình luận
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang