MÃI MÃI TUỔI 20


Thương mến tặng chị Như Anh và Thạc của chị với "Mãi mãi tuổi 20"

Cách đây đúng 7 năm vào những ngày hè nóng bỏng nhất của mùa World Cup 2006 tại Berlin, tôi đã cầm trên tay cuốn "Mãi mãi tuổi 20". Và những trang sách, hay đúng ra, những trang nhật ký của người đã nằm xuống đột ngột thắp lên trong tôi một ngọn lửa còn nóng hơn cả ngọn lửa đang làm cả Berlin cháy lên rừng rực suốt mùa hè đó.

Tôi có thể quên mùa WCp, quên đi những ngày sôi sục với những đêm không ngủ, với đường phố đầy ắp 3 màu đen- đỏ -vàng kiêu hãnh của đất nước chủ nhà, với những âm thanh cuồng điên trong mùa thi đấu lịch sử. Nhưng thật sự là tôi không thể quên cảm giác mà cuốn sách đã mang lại. Tôi run lên với từng con chữ, với từng tiếng chim trên ngọn đồi bạch đàn, với những sớm mai thức giấc mà bàn chân người lính trẻ dẫn dắt. Mối tình trác tuyệt và vĩnh cửu của Thạc - Như Anh như một bản nhạc đầy ắp lời ca cứ ngân lên trong lòng tôi day dứt đến vỡ òa. Tôi đã thổn thức đến thế nào trong thế giới cảm nhận của riêng mình. Nó như một cái kho nhốt lại cảm xúc và bây giờ, khi nghe giọng đọc của Chu Nghị, tất cả lại ùa ra như con chim buông cánh không thể nào ngăn lại được.





Ngày 27/7/2013. 

Berlin đột ngột nóng đến 38 độ C. Một ngày nóng hầm hập thật hiếm hoi ở đất nước này. Thế nhưng trung tâm thương mại Đồng Xuân còn hot  hơn nữa bởi lễ cầu siêu cho các linh hồn liệt sĩ. Ờ, đã lâu, người ta mải mê cơm áo mà không biết đến một ngày như thế. Một ngày trong mọi ngày, ta lắng lại để tưởng nhớ đến những máu xương đã đổ cho mảnh đất chưa một ngày bình yên. Mảnh đất mang tên Heimat, quê hương tôi, đất nước tôi...

Vẫn thế, những tòa nhà được ngăn thành từng ngăn nhỏ là nơi buôn bán của hàng ngàn người Việt mình ở thành phố Berlin. Những bãi đỗ xe lại chật kín vào dịp cuối tuần. Các hàng ăn và dịch vụ hối hả đón khách thập phương.

Nhưng chợt tôi sững lại khi nhìn thấy bóng áo xanh của những bộ quân phục bộ đội. Phải mất một lúc tôi mới hiểu đó là những người chiến binh một thời nay khoác lại màu xanh áo lính cho ngày hội của chính họ. Và cũng vì thế mà hôm nay tôi có mặt tại đây, dù tôi không phải là cựu chiến binh như tôi đùa với các anh các chị, cũng không hề có thân nhân là liệt sĩ hay thương binh. 

Tôi, một đại diện của lớp người sinh sau, nhìn về cuộc chiến như những kẻ bàng quan có lúc đến thờ ơ như người ngoài cuộc. Chiến tranh đâu phải trò đùa, nhưng chiến tranh tàn khốc và trần trụi đến thế nào, tôi chỉ được biết đến qua những trang sách mà đến nay, người ta vẫn viết về nó như những điều chưa bao giờ cũ.

Bạn tôi, Hồng Liên mang đến một mâm lễ gồm những món mà cô tự tay làm để thắp hương. Tôi đã vô tâm quá khi từng quên rằng cha Liên cũng đã ra đi khi cô mới được hai ngày tuổi. Phải đến khi thấy bạn nghẹn ngào khóc trước micro tôi mới hiểu nỗi đau của đứa con mồ côi là hết sức cụ thể và đớn đau thế nào trong nỗi đau chung của cả một dân tộc đầy thương tích.

Buổi cầu siêu rất dài với quá nhiều thủ tục rườm rà của ban tổ chức và vì thế tôi đã không đủ kiên nhẫn ngồi lại dù tôi rất muốn nhìn thấy những người lính trên sân khấu hát cho nhau nghe, hát cho tôi nghe và tôi cùng hát với họ. Nhưng đó chưa phải là điều đáng tiếc nhất. 

Tôi đã ngẩn ngơ khi biết rằng Như Anh đã có mặt ở nơi đây. Chị đến với Thạc. Còn tôi, tôi đã không có được cơ duyên gặp chị. Một người phụ nữ đặc biệt mà báo giới và truyền thông của cả hai nước luôn nhắc đến như một doanh nhân thành đạt, một tiến sĩ người Việt, người đã xây dựng cả một công viên mang tên "Cửu Long" ("Chín con Rồng") ở Hanover. Nhưng với riêng tôi, chị luôn là một biểu tượng ngời sáng, một thiên thần quá đỗi xa vời kể từ ngày đọc " Mãi mãi tuổi 20" của Thạc.

Tôi mất cả ngày tự trách mình khi nghe Hoài Phương kể, cô đã ngồi nói chuyện với chị. Lẽ ra tôi đã được gặp chị, Như Anh bằng xương bằng thịt của Thạc bước ra từ trang sách cách đây đã 40 năm, với một tình yêu như huyền thoại, như định mệnh dù đó là định mệnh quá ư nghiệt ngã.

Mà nếu được gặp chị rồi, tôi sẽ nói gì đây? 

Biết nói gì với Như Anh của Thạc, bởi những trang nhật ký lóng lánh hồn thơ của anh đã rung lên trong tôi một cảm xúc đến nghẹt thở. Tôi đã không thể cưỡng lại được sự ngưỡng mộ trước tình yêu và lý tưởng sống cao đẹp đến vĩ đại của anh, cũng như ngưỡng mộ tình yêu của họ. Tôi không tôn thờ những lý tưởng cao siêu, nhưng qua cuộc đời ngắn ngủi như ánh sao băng ấy, qua những trang viết tuyệt vời ấy, tôi đã biết đến một điều thiêng liêng mà thế hệ chúng tôi sau này không bao giờ có được.

Tôi đã nghe lại mấy hôm nay những dòng tâm tình của anh lính binh nhì. Những cảm xúc cứ cộm lên, cuộn lên, nhoi nhói trong lồng ngực. Tôi gần như chả viết được gì dù bao nhiêu việc cần làm, bao điều cần viết.

Nhưng may mắn làm sao, Hoài Phương nói, chị đang có một dự án văn hóa cho cộng đồng ở Berlin mà chị muốn những người có tâm huyết cùng tham gia. 

Cho đến nay tôi bao giờ cũng dị ứng với những sinh hoạt cộng đồng và từ chối tất cả những cơ hội đó. Có lẽ bởi chưa có ai có đủ sức mạnh để trái tim tôi cháy lên và hướng đam mê của mình tới đó.

Nhưng bây giờ thì tôi biết, tôi sẽ làm gì để gần chị. Bởi người như chị, tâm hồn ấy, trái tim ấy, tri thức ấy, chắc chắn sẽ hướng tới những điều đẹp đẽ nhất và biết gọi mọi người cùng đi theo chị. 

Như Thạc, anh lính binh nhì và tuổi 20 mãi mãi thanh xuân bất tử của anh.

Thymianka Thảo nguyên
01/Augut/2013

Mời các bạn xem lá thư của chị Như Anh viết cho Thạc của chị nhân ngày 27/7 định mệnh. 
Lá thư đã được chị đọc trong lễ cầu siêu ngày 27/7 vừa qua.
Nguồn: Người việt.de

KA KHÚC CỦA KA

de l'imagination et des mots



Còn có điều gì trong đôi mắt sâu
Thảng thốt để quên trong hồ thu lặng sóng
Vai gồng gánh. 
Tóc xoãi tung như nắng
Búp môi cong
em chờ đợi điều gì?


Mà gió chiều ủ nắng nhuốm hàng mi
Căng mắt bão ngả nghiêng nhan sắc.
Em mỏi mệt.
Mười ngón dài tiền kiếp
Vẫn trơ trơ ôm ấp nụ hoa đời...

Cháy khô lòng chớp lửa đỏ tinh khôi
Như dấu hỏi để quên trên ngực nóng.

Cho Ka





Em có vui không em khi một ngày mới bắt đầu
Có vui không em đêm dài tăm tối đã qua
Trong nắng mai tươi vui có nụ cười rất yêu đời
Có bàn tay thân ái dìu em suốt những đường xa

Em lòng hãy vui như chim trời hót vang xôn xao một ngày
Bên trời nắng lên nghe bao cuộc đời vui mà lòng rất mới
Khi tình đã trao môi hôn là phấn son hương hoa cuộc đời
Ô lòng như giấy thơm ai vừa tô lên một nét mực xanh

Em có nghe mưa bay trong vườn rộn lá xuân thì
Có mong nắng lên cho lòng thiếu nữ ước mơ
Em có hay thanh xuân ươm nụ đời giữa đất trời
Ta nhờ em giữ lấy tình ta những lúc gần xa  ...


Sáng tác: Hoàng Xuân Giang

BIỂN NHẠT



NỖI BUỒN THÀNH XA XỈ KHÔNG EM?




Khi ta quen nhau
Trời không mưa mà trời mưa bất chợt
Vì mắt em ướt một dòng sông đẫm nước
lá bên đường đẫm sương
Giọng nói em như tự thiên đường
Nhỏ xuống đời anh
Một giọt châu tình ái.

Nỗi buồn có xa xỉ không em ơi, mà nỗi buồn ở mãi

Trong trái tim anh đến nát cả vầng trăng
Ngày không em
Đêm không em
Nỗi buồn cũ nát
Trong tiếng đêm buông
Trong tiếng ru êm
Nỗi buồn như giọt sương
Rơi xuống nỗi muộn phiền
Tan ra thành sóng.

Giấc mơ em nỗi buồn long lanh như buổi sớm

Đậu trên môi em chùm đợi cuối hiên nhà.

Giấc mơ anh nỗi buồn đi qua

Nhói đau như cung đàn buông thảng thốt
Anh gọi tên em
Lời hát ru da diết
Thơm hồng đôi môi
Cỏ Thơm môi trong câu hát xa vời...

Nỗi buồn của anh ơi...

Nỗi nhớ của anh ơi!

Có nhau rồi mà xa nhau vời vợi
Nên nỗi buồn thành mưa khi nỗi nhớ lại quay về...

Thym
25/7/2013

CỎ HỒNG






Từ Công Phụng ngọt ngào, lãng mạn bao nhiêu với Như ngọn buồn rơi, bức thi họa bằng nhạc mô tả đôi uyên ương lần đầu hiến dâng nhau trái cấm, thì Phạm Duy (như lời Thế Ngữ Vĩnh Lạc) - nhạc sĩ hư hỏng nhất làng nhạc Việt, lại vẽ một bức tranh tả thực cảnh hoan lạc mê đắm của đôi tình nhân. Lời thơ mềm mại mà trần trụi, nét nhạc vui tươi hoan hỉ đúng như lời Vĩnh Lạc: Đó là cuộc chơi của anh chàng lão luyện tình trường.

Mọi người nhắc nhiều đến Cỏ hồng mà chưa thật sự có ai viết về nó ngoài Thế Ngữ, có lẽ...ngại,  tôi đưa bài hát này lên và thiết nghĩ, tán gì thêm nữa cũng bằng thừa. Ca từ bản thân nó đã bộc lộ tất cả. 

Cũng là Cỏ. 
Nhưng Cỏ Hồng thật sự là một bản hoan ca...


THƠ HÀNH

Thân tặng HP và nàng thơ của nàng.


Dù có ghét nàng đến đâu thì cứ tối đa 6 tuần tôi phải đến thăm nàng một lần. Vì móng tay không thể không mọc dài. 6 tuần là thời hạn tối đa cho một bộ móng tay cần được cắt tỉa, đắp gel, vẽ kiểu, sơn mầu... 

Mất gần hai tiếng cho mười đầu ngón tay và cả ngón chân nếu bạn muốn đi những đôi săng đan mỹ miều trong mùa hè tuyệt diệu và ngắn ngủi ở Châu Âu. Đó là một quỹ thời gian không nhỏ cho người bận rộn nhưng với tôi, nó là hai tiếng chờ mong bởi tôi và nàng sẽ chan vào tai nhau đủ thứ chuyện dù ngày nào chẳng gẫu với nhau trên fb. Do vậy, đôi khi tôi kiếm cớ đi làm Nail để ghé thăm nàng. 



Nhất là những buổi chiều hạ vàng sau khi tan sở. Kiếm cớ qua nàng để hẹn với nhau một tách cà phê. Hay đơn giản hơn, chỉ để khen nhau một câu cho đỡ cảm giác là mình đang rỉ mòn cũ rích vì thời gian.

Hết bào móng, rũa form, đắp bột, phết mầu... tôi cứ ậm ừ một mình nói chuyện với Hà, anh thợ và cũng là bạn quen. Cuối cùng, bực quá, tôi phải quay sang nàng, giận dỗi:


- Nè tui đố bà, hôm nay tui mặc áo mầu gì? 


Nàng cười cầu hòa, mắt vẫn không rời cái Ipat, tay gõ gõ, mồm lẩm bẩm. Thay vì nhận xét cái quần sooc ngắn và sơ mi kẻ buộc túm vạt mùa hè của tôi, nàng lại than đang bị phạt mấy hôm nay. Tôi tỉnh cả ẩm ức, tưởng nàng mới bị phạt xe hay ngân hàng xiết món nợ cần trả. Nhưng không!


VÌ ĐÓ LÀ EM




Không cần biết em là ai
Không cần biết em từ đâu
Không cần biết em ngày sau
Ta yêu em bằng mấy ngàn biển rộng
Ta yêu em qua đông tàn ngày tận
Yêu em như yêu vùng trời mênh mông 


Một bài tình ca của nhạc sỹ Diệu Hương, nữ nhạc sỹ đầu tiên tôi yêu thích. 
Tôi yêu nàng bởi trước hết, nhạc cảm của nàng chạm vào trái tim tôi. Nỗi khao khát muôn thủa của kẻ trót mang đam mê như định mệnh. 

Tôi yêu nàng bởi cách nàng yêu như trong câm lặng mỏi mòn và vì thế, tình ca của nàng được viết lên như một cứu rỗi cho trái tim nặng nỗi si tình.

Tôi yêu nàng bởi vì một sự thật dịu dàng: nàng rất đẹp! Mà cái đẹp bản thân nó, đã là một chân lý. 

Ngay từ phút đầu tiên được biết nàng, tôi đã dự cảm, rồi đây nỗi ám ảnh như một duyên nợ này sẽ còn làm thao thức trái tim tôi. Một điều gì gần giống với tình yêu. Dù nó chẳng thể có tên gọi, nếu muốn cầu toàn đặt cho nó một cái tên.

Tình ca của nàng say đắm, da diết với một tình yêu vời vợi như nỗi khát khao khắc khoải của người đàn bà trong tình yêu.

Yêu em vì chỉ biết đó là em

Có ai từng yêu bằng tình yêu như thế, như lời ca trong bài ca người sẽ hát cho người nghe.


Yêu, về căn bản vốn là điều không thể biết.

Không thể biết cho đến ngày ta sẽ gặp người. Như một mảnh tim đi lạc tìm về nhau. Như miếng ghép suốt đời tưởng chừng không tìm thấy. Như bài ca bất chợt vỡ òa ngày ta gặp nhau.

 Bên đường. Giữa hai chiều đón đưa. Giữa biển đời vời xa và mênh mông đến hút xa tầm tay với...

Để khi ôm vào lòng đêm, nghe mặn mòi cả nỗi ngọt ngào run rẩy lẫn nhằn nhặn vị đắng xa...

Để im lặng thay vạn lời sẽ nói. Để được nói một lần cho ngàn sau bởi ngay cả ngàn sau cũng không đủ ngôn từ khi với lại ngày qua.... 

Chỉ để rung lên lời hát thấm qua run rẩy làn da....

Cái bỏ lửng như nhịp hẫng của con tim ngập ngừng khi chưa biết nói. Bởi nói gì khi tất cả giống một sự điên rồ.

Không cần biết đêm dài sâu
Không cần biết bao gầy hao
Ta ngồi đếm tên thời gian 


Cả thế giới ngập tràn những người thông minh hoặc vô cùng, ngược lại, nhàn nhạt giữa nhân gian. Chỉ có hai ta gặp nhau ở giữa. 
Hai kẻ điên rồ. Hai ta sẽ hóa câm giữa biển tình quá lớn ngày ta nhận ra nhau...

EM ĐI



Em đi.

Cỏ nát triền đê
Con chim sẻ nhỏ 
ngủ mê
cuối ngày

Em đi, 
gió vít vai gầy
Dòng sông nước cạn 
trơ đầy 
đá trơn

Em đi, 
dẫm vũng dỗi hờn
Vạt xưa vụng vá 
thương mòn 
đường kim

Em đi, 
đá cứng chân mềm

Lúa non
lại vẫn lúa non 
nghẹn đòng. 

Thym
23/7/2013

DÒNG SÔNG NHƯ DÒNG ĐỜI




Xuôi xuống cánh tay gầy
Xương chìa ra nhánh củi
Bao nhiêu việc trong ngày
Tôi bỏ đi lầm lũi,

Đường về đâu, chiều nay
Gió lay từng chiếc lá
Tôi vẫn người khách lạ
Đi giữa cuộc đời này.

Từng chiếc lá bay bay
Có bao giờ trở lại
Cành cho cây lá sai
Khi gió nguồn nắng dãi.

Tôi bỗng thấy lòng tôi
Hóa ngày mai mất rồi
Có con chim dang cánh
Theo dòng sông đang trôi.

Dòng sông như dòng đời
Cuốn trôi về biển cả
Mộ buồn, tôi nằm đó
Ngao ngán, sầu chơi vơi!

Trả hết lại trần gian
Những ảnh hình vay mượn
Trả hết lại trần gian
Những tâm tình cao thượng.

Trong cuộc đời hữu hạn
Tôi, hạt cát mong manh

Nghe khô dòng tim cạn
Nên khao khát màu xanh.

Tôi đi đường chiều nay
Lòng mơ hồ trong vắng
Gánh đời chừng nghe nặng
Môi dài khói thuốc bay...

Thơ Nguyên Sa






Tôi biết bài thơ này do một cậu bạn chép tặng hồi còn đang đi học.
Bài thơ chép tay nằm ngoan trong cuốn sổ của bạn. Cho đến khi nó rơi vào đời tôi.

Những vần thơ ngay lập tức, như những cơn sóng định mệnh găm vào dòng đời. Dòng sông của một dòng Sông.

Tôi mang tên một dòng sông. Hay nói đúng hơn, tên tôi là Sông. Con sông yên ả, thanh bình như cuộc đời an phận mà người ta ai ai cũng mơ ước. Còn gì an bằng hơn một dòng sông êm đềm, phải không Người?

HÃY MẶC EM ĐI





Hãy mặc em đi! 
Mặc kệ em ra đi! 
Xin đừng giữ lại
Nỗi buồn rồi sẽ phai như dòng sông chẩy mãi
Chẳng còn gì lưu luyến 
Chẳng có gì gửi trao!

Nỗi buồn rụng như mưa trên ghềnh đá hôm nào
Bước chân hoang ngủ tạm
Cơn mưa ướt ngực ghềnh đá nhám
Áng mây hồng sương sớm cũng trôi vèo.

Mặc kệ em!
Đừng động vào em!
Đừng ủi an em nữa
Nỗi buồn như mưa, nỗi buồn  rơi vỡ
Những mảnh long lanh rờn rợn gót trần.

Em trở về nơi không có ngọn nguồn
Sông đứng yên. Lặng câm. Không thở than. Không trôi. Không còn sự sống

Có sao đâu. 
Sóng vẫn dâng ngầm.





TỰ TÌNH SÔNG




Úp mặt vào lòng sông
Để ôm từng ngọn sóng
Vồng búp môi đa tình
Hứng giọt đời say động.

Úp mặt vào nỗi buồn
Biển đời xô gió lộng
Uống một ngụm niềm yêu
Để trào sôi mạch sống.

Úp mặt vào ngực ấm
Môi chạm vầng trăng hoang
Đại dương òa sóng đánh
Giữa đôi bờ cỏ loang...

Thym
 23/7/2013


VỀ VỚI CỎ




Khi ta chưa sinh ra, thế gian đã có cỏ. Cỏ có đó tự ngàn xưa, gội gió tắm mưa, thi gan cùng năm tháng. 

Cỏ ở bên ta, lặng lẽ im lìm có lúc như hư vô. Chính cái im lìm ấy, khiến cỏ chỉ là cỏ hoang bên lề đường. Chỉ là cỏ dại trong vườn. Chỉ là thứ lắt lay âm thầm tự mình bám đất, tự mình dành lấy chút màu xanh.Ta quên mất, ở đâu có cỏ, ở đó có sự sống.

Cỏ không mọc trên hoang mạc khô cằn. Nhưng ở đâu có ốc đảo, ở đó có cỏ. Chân cỏ cắm sâu vào đất, len qua ngóc ngách để nhận về phần mình ít ỏi. Cỏ tranh giành trong câm lặng. Theo cách riêng, của loài cỏ.

Người ta gọi cỏ là cỏ dại. Nhưng có ai khôn ngoan như cỏ? Tự mình vươn qua nắng mưa, bền bỉ chịu mọi dầy vò xéo đạp.  Cỏ muôn đời đứng đó. Đâu cần ai ngoái trông. Chẳng cần người nâng niu chằm bẵm. Cỏ kiên nhẫn đến dai dẳng tự mình làm nên một mầu xanh.

Chẳng có một định nghĩa nào đủ đầy dành cho cỏ. Người ghét nhổ hết cỏ bỏ đi. Người yêu lại kỳ công trồng cho được thảm cỏ lấy màu xanh rồi chăm chăm vun bón. Kẻ khác lại thờ ơ như thể cỏ muôn đời chỉ là loài ăn bám.

Tôi đã lớn lên như thế, trên cánh đồng đầy hoa cỏ. Những cỏ năn cỏ nác ram ráp chân non. Cỏ gấu hăng nồng dai dẳng bám sâu trên cánh đồng đã bạc màu thương khó. Cỏ lồng vực len chân lúa non. Cỏ may bám đầy vạt áo những chiều hoang trên bờ đê lộng gió. Cỏ gà ôm ấp cả một con sâu bé tí ti mải chơi trong cái mào xanh biêng biếc. 

Cỏ, với tuổi thơ đâu chỉ là cỏ dại. Cỏ là cả một triền ký ức nhức xanh ngày ta đã lớn, vẫn mơ về những tháng ngày ngủ quên trên cỏ...
.
Cỏ, ngày ta vươn vai, là những bình yên khi mỏi mệt, lăn mình trên lớp cỏ mềm tin cậy. Nghe mơn man vào lòng hơi đất ngoan lành và mùi cỏ ngái tươi dưới làn da con gái...

KHÁT



Buồn như chiếc lá non
Nhuộm mãi màu chẳng biếc
Buồn thêu tàn nắng rớt
Trong chiều vàng quắt quay.

Buồn đậu trên mắt ai
Một cơn mưa vừa ướt
Buồn như con diều khát
Vòng dây nối không vừa.

Buồn, ai cho mà nặng
Buồn, ai chuốc mà say
Buồn, người tình không tuổi
Dõi trông theo mỗi ngày....

20/Jul/2013
Thym

BIỆT PHỐ



Khi xa tôi, phố buồn như phố cũ
Lá rơi nhiều....Phố thoắt hóa rêu phong...
Khi xa tôi, trời đột nhiên tắt nắng
Lổ loang chiều...Hoang vắng. Phố xưa ơi...

Phố chiều phơi long lở những mạch đời
Viên gạch vỡ ai vừa ghim vết nứt
Thời gian trôi lõm lồi viên đá sứt
Bước chân nào lần lữa tiễn đưa nhau.

Phố mốc meo khô khốc tự thủa nào
Hàng liễu cũ lặng câm ngày vắng gió
Bao thế hệ đến đi. Bao trầm luân vần vũ.
Phố vẫn chờ...Mưa ướt. Nỗi thương nhau....

Phố giấu trong lòng khắc khoải nỗi khát khao
Như vết nứt thời gian trên tường loang lở
Giọt nước nhỏ giọt nhớ trên mạch vữa
Ngoằn nghoèo trôi sông lũ cuốn theo dòng...

Thym 
Cho một dòng trôi...
23/Juli/2013

HÃY NGỒI XUỐNG ĐÂY




Hãy ngồi xuống đây...!

Có khi nào, đôi chân đã mỏi đường xa. Đôi vai cũng trĩu gánh đời nằng nặng. Chợt nghe lòng chùng lại khi ân cần bên tai một lời giản dị: 

Hãy ngồi xuống đây!

Trên thảm cỏ xanh như thì con gái, xanh như thể không bao giờ còn xanh hơn, ngày ấy...
Trên ghế gỗ bên đường giữa một khoảng dừng chân.
Hay trong quán chiều đợi cà phê đếm từng giọt đắng thả vào quỹ đời chút ưu tư nhìn lại....
Đâu cần nhiều lời, đôi khi im lặng cũng là sự sẻ chia...

Ngồi xuống đi người!...

Để chân thôi đừng mỏi. Lòng thôi đừng vắng xa. Hồn thôi đừng chơi vơi. Buồn thôi đừng đến ngậm ngùi....
Và em, ngọn gió, đừng bay đi quá xa... 

 như làn gió mỏng manh trong vẻ ngoài cứng cỏi...

Dẫu biết rằng chỉ thế thôi, cũng đã là một cơn mưa bóng mây trên nền trời tưởng còn đang ươm màu nắng...

Chỉ thế thôi, biết đường còn xa lắm, hỡi người...

và đôi khi, để có được một nụ cười, cần lắm phút để lệ rơi...

Em chỉ là ngọn gió mong manh trong vẻ ngoài cứng cỏi. 

Bởi không ai người biết em, như người
Biết đến bên em kịp thời...

Thym
21/7/2013



Hãy ngồi xuống đây.
Hãy ngồi xuống đây xa cơn buồn phiền
Dẫu biết chia phôi nhưng trong cuộc đời vẫn có đôi ta.

Hãy ngồi xuống đây như trong lần đầu
Bối rối bên nhau vai rung thẹn lời
Mắt sáng môi trinh da thơm tình ngời.

Trên trời có mây sau cành lá xanh
Mây bay từng đàn lá thắm hoa tươi
Em ơi ngày buồn sẽ chóng qua đi.

Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này.
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này.
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này.

Hãy ngồi xuống đây
Như loài cỏ tranh chen nhau từng hàng
Xoắn xít bên nhau vui chơi cuộc đời; cỏ rác hôm nay.
Hãy ngồi xuống đây trên lưng cuộc đời ,thách đố thương đau.

Vuốt ve cuộc đời từ mùi son phấn trên mặt người
Trong đau đớn điên cuồng đó. Vun kiếp sống không ngơi.
Cách xa vời vợi. Một ngày qua giấc mơ vùi dần.
Rồi mùa Đông đến. Rồi mùa Xuấn đến. Cuộc đời vẫn quay đều.

Hãy ngồi xuống đây
Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
Duới nắng ban mai phô thân trần truồng
Kiếp sống hoang sơ.

Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này.
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này.
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này.

Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai cho da thịt này
Đốt cháy thương đau cho cơn buồn này
Rót nóng truy hoan cho thiên đường này
Bốc cháy trong cơn chia phôi chia phôi tràn trề.

Hãy ngồi xuống đây bên con vực này ngó xuống thương đau

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ


Hbf-Leipzig. Nội thất hoàn toàn không thay đổi.
Leipzig vẫn thưa vắng tiêu điều như ngày ấy... 

Buổi trưa, thành phố thiếp ngủ. Buổi sáng, trễ nải lười biếng trên giường. Buổi tối, ngại cả rong chơi...
Thành phố già nua như con sư tử hết thời nằm gậm hờn trong cũi sắt.**

Nhà ga giờ xây thành một trong những nhà ga có Einkaufscenter lớn nhất các nhà ga nhưng vẫn là nơi đưa đón những con tầu. Cảnh xưa còn đó, người cũ đâu rồi...


Chỗ này là nơi bọn mình vẫn thường ngồi cà phê cà pháo với nhau đợi tầu vào ga. Chỗ này, ngày ấy gặp bọn Tuấn Dresden lên, Thái và Quảng Halle xuống. Hội chợ sách thường niên bây giờ vẫn còn đó. Những người muôn năm cũ, hồn bây giờ ở đâu...

Chỗ này...và nữa, chỗ này...

 Chỉ có đến chưa đầy hai tiếng chạy Auto Bahn, mà phải đến tận bây giờ mới gặp lại cảnh xưa. Mới tìm về người cũ. Rưng rưng ngồi ngắm lại những tấm ảnh xa lắc xa lơ, ôn lại cùng nhau bao nhiêu vụn vặt giữa dòng đời xoay đổi. 

Khi xưa đứa nào cũng căng tròn ngô ngố, giờ nhà nào cũng đầy nhóc trẻ con ngô ngố căng tròn. Nhấm nháy nhận thông gia, hẹn hò nhau ngày gặp lại trong nỗi rưng rưng ngùi ngẫm. Mà đâu biết, khi dòng đời mải trôi, lại phải đợi đến cơn bất chợt vứt túi lên vai ngẫu hứng với con ngựa sắt trung thành.

NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG



Ảnh minh họa: Con gái HM (S)




Lần đầu nghe bài hát này, tự nhiên thấy mình như có gì lạ lắm.

Lần sau, sau nữa, lần nào cũng ấm lòng vì nơi mình ở còn có ít nhất một mùa đông.
Để thương về nơi không có mùa đông. 




Biết đâu Người cũng diết da một nỗi nhớ. Chỉ chạm vào là ùa ra...

Đó là cái se lạnh của những ngày phùn lây phây ướt má. Mắt môi ngời lên trong tê buốt giá băng...

Đó là những sớm mù dăng như sương mờ trên mái phố... Nắng âm thầm về muộn ngơ ngác nhìn mùa đi hanh hanh trên mầu hồng con gái. Muộn mà đâu biết, chỉ một bước thôi, đã là quá muộn...

Là những tối lê thê rét mướt vẫn nghe bồng lên mùi hoa sữa gây gây, ngầy ngậy, và hoàng lan nhà ai kiêu sa đầu phố cổ. Mùi ngô nướng râm ran góc đường khuya líu ríu chân người...

Là những trắng xóa tuyết rơi ngoài trời và hàng dương oằn mình trong tuyết trắng...

Sao tôi lại nhớ mùa đông, khi đang đi giữa mùa hè rực rỡ.

Có phải, vì ngang cửa không có gì ngoài một tiếng lá rơi...

MƯA TRÊN NGÀY THÁNG ĐÓ

Cho tôi xin một lần chân em lại gần....



Một bài hát của Từ Công Phụng mà tôi đã thích từ lần đầu tiên được nghe một cách tình cờ.

Từ đó, những giai điệu chơi vơi của những giọt mưa trên ngày tháng đó cứ thánh thót trong đầu mỗi khi bất chợt có điều gợi nhớ...

Mà gợi nhớ, đâu cứ gì phải cần đến một cơn mưa...

Đêm nay, tôi lại nghe bài này bằng một Volume rất nhỏ, nhỏ đến mức tưởng như được phát ra từ chính nhịp đập của trái tim tôi...

ĐẶC SẢN CHÂN DÀI

Cô gái xinh đẹp cổ động ĐT Croatia 2014



Bạn hỏi tôi, vậy thì nói tóm lại, đặc sản của vùng biển  Adriatic... là gì? Ngêu sò ốc hến, hay dầu Olive, thậm chí là nắng vàng, biển xanh?

Tôi đang sống ở đất nước sản sinh cho thế giới hai chân dài đình đám. Claudia Schiffe mà Karl Lagerfeld đã từng phải thốt lên: "Lâu lắm chúng ta mới có được một cơ thể hoàn hảo đến từng milimet như thế này!".

Và chân dài thứ hai là Heidi Klum mà tôi đã từng nhắc đến trong bài viết: "Đàn bà, nhất định phải đẹp!". 

Phải, họ đều là những cô gái Đức chính thống không pha trộn. Vẻ đẹp của gái Đức bốc lửa, nóng bỏng, kiêu ngạo và đầy chủ động. Họ cao lớn với cặp giò tấn công, vòng hông chắc nịch mênh mang cùng vẻ tự tin thách thức khiến người ta chỉ dám đứng từ xa mà liếc nhìn. Ngay cả những cô gái không biểu diễn Ballet cũng mang dáng vẻ của những vũ công. Mùa hè, đường phố Berlin lúc nào cũng bừng bừng sức sống của những cặp chân dài.

Nhưng đến Croatia, tôi thật sự ấn tượng bởi những Ladys vùng biển. 

Các cô đều thon thả với làn da rám nắng mịn màng như thoa phấn. Không lòe loẹt, không tân trang quá nhiều, nhưng họ vẫn toát ra vẻ rợi rợi xuân thì. Cô nào cũng có cặp chân dài bất tận, khoe ra đầy thẩm mỹ dưới chiếc Sooc ngắn mùa hè hay những chân váy ngắn mềm mại. Họ như những thiên thần với gương mặt trong sáng dịu dàng và điều ngạc nhiên nhất là, ở bất cứ đâu cũng có thể gặp những cô gái như thể họ được thửa cho sàn diễn. 


Hoa hậu Croatia năm 2013


Họ đẹp ngây thơ, hở hang vừa phải, không bốc lửa quyết liệt, cũng không cao lớn hiên ngang như gái Đức. Vẻ đẹp nhuần nhụy của những chân dài hết sức kín đáo nhưng làm người ta phải ngắm nhìn không chán mắt. 

Ngay cả những cô thợ phụ trên tầu cũng như những pho tượng rám nắng, căng tràn và mềm mại. Những đôi tay rắn rỏi thoăn thoắt buông tời, thu neo, tính tiền với nụ cười tươi như không hề biết là mình rất đẹp. 

Hôm cuối cùng trên vùng biển này, chúng tôi đi xe buyt đường dài để đến trung tâm thành phố Split. Chưa bao giờ tôi được thấy ở đâu nhiều gái đẹp đến thế. Trên những trạm dừng xe, từng tốp các cô gái rạng rỡ với cặp chân dài trong những chiếc váy nhẹ nhàng, uyển chuyển làm cả đoạn đường trở nên thơm ngát, mát dịu dù trời rất nóng. Hình như không có ai xấu, ít nhất là thế. 

Họ cũng dân Châu Âu mà không béo phì, không ngồn ngộn và cũng không lòe lẹt nhức mắt. Các nàng rất biết cách ăn mặc dù tôi không thấy nhiều những thương hiệu mốt nổi tiếng. 

Họ vẫn nghèo và do vậy, ăn mặc cũng đúng như quan niệm: Y phục xứng tùy đức. 

Nhưng óc thẩm mỹ của các cô gái miền biển này tôi thấy vượt trên gái Đức hẳn một cái đầu. Gái Đức cũng như người Đức, thực dụng, nên ăn mặc thiếu hẳn sự trau chuốt mà thiên về trình diễn. 

Gái Pháp xa vắng bí ẩn. Gái Ý nồng nhiệt. Gái Đức kiêu hãnh dạn dĩ. Gái Nga tròn trịa bảo thủ. Và gái Croatia, theo tôi, dịu dàng trong vẻ quyến rũ hết sức ngọt ngào và kín đáo. Sự gợi cảm thân thiện của những cô gái con nhà. Không se sua mà vẫn phô diễn được vẻ thanh xuân rạng rỡ.

Đường phố rất hiếm người béo. Hiếm cả những Fast Food đầy dầu mỡ như Pommes frites, xúc xích nướng. Cả thành phố chỉ thấy có một tiệm Mcdonald. Có lẽ thói quen ăn uống đã ảnh hưởng không nhỏ đến dân tộc này.

Không phải là một cái nôi "sản xuất" người đẹp như Venezuela, nhưng theo tôi, nếu có điều gì được coi là đặc sản ở Croatia, thì chân dài, cũng chính là một trong những niềm kiêu hãnh chính đáng của một dân tộc vốn đã có quá nhiều điều đáng kiêu hãnh.
----
Berlin
Thym
19/Juli/2013

ĐỂ QUÊN BÊN BỜ CÁT



Em buồn như thung sâu thiếu nắng
Em buồn như cà phê đắng thiếu đường
Em buồn như dòng nước thiếu đại dương
Em buồn như ngọn  gió bên đường
mồ côi...

Viết ở phi trường Split,
vài giây trước khi máy hết pin...
Thym
18/Jul/2013

NHƯ NGỌN BUỒN RƠI





Không hiểu sao tôi lại nghe bài hát ấy vào lúc này, khi nắng còn đang rơi như vãi vàng bên bờ biển ào ạt gió.

"Em như ngọn buồn rơi....". 

Giọng ấm trầm của ca nhạc sĩ họ Từ phả đến như một ngọn gió rớt xuống thung sâu. Rớt xuống như chim ngàn mỏi cánh. Như một sư hóa thân. Thăng hoa và tràn ra như không thể còn nén được. 

Một người bạn, hát rất hay các nhạc phẩm của Từ Công Phụng nhận xét, ông mới là người thể hiện thành công nhất bài này. Phải rất lâu sau, khi đã xay nát bét cả trăm lần giọng hát ông, tôi mới nhận ra điều đó. Cảm nhận về âm nhạc cũng cần chín đến độ và trải nghiệm nhất định thật ư? Trước đây, tôi thích "Như ngọn buồn rơi" qua giọng ca "Riêng một góc trời". 

Nhưng ngay từ lần đâu, tôi đã nhận ra chỉ có Từ Công Phụng mới đổ câu "Em như ngọn buồn rơi" đẹp đến thế. Ông đã rót được ngọn buồn ngọt đắm bằng ca từ, với nét nhạc và với giọng nói thủ thỉ như thể đang ngồi bên người tình nhỏ bé vào lòng người nghe. Như thể ông đang bế nàng trên tay. Như thể nàng rơi vào đời ông. Ôi, cái thứ tình của người đàn ông chung tình có thể làm lòng kiêu hãnh của đàn bà ít nhiều bị tổn thương, Từ Công Phụng là một nhạc sĩ hiếm hoi không cần đến nàng thơ để vay mượn cảm xúc trong sáng tác. Nên ông hát như ông viết nhạc, như ông yêu và sống. Nàng, hay ông, hay cả hai đã dìu nhau vào cõi mộng vừa cập bến thiên thai. Để người nghe đó mà mơ đó, về những điều dường như chỉ vụt qua trong đời một lần thôi, không bao giờ chạm đến.

Tôi chẳng muốn tranh lời Thế Ngữ khi ông đã bình quá trác tuyệt một bản nhạc với những lời thơ mĩ diệu càng nghe càng thấm thía. 

DƯỚI BÓNG CÂY OLIVE



Thành phố biển thiêm thiếp giấc trưa nhu mì như người đàn bà bất chợt dịu dàng sau phút nồng nàn. Biển lăn tăn sóng mơ màng ngủ mệt. Nắng liêu xiêu trên gió đùa. Và những hàng cây lịm đi trong mầu xanh bàng bạc của những rặng Olive.

Không nhiều loài cây sống được ở nơi đây. Nhưng vẫn bạt ngàn mầu xanh phủ ngang những đỉnh đồi đầy đá xám. Nho vươn tay bám lấy đất cằn để vặn mình ra trái. Hoa giấy bạc mầu chờ đợi dưới bóng những hiên nhà, lặng lẽ trổ đầy hoa tím ngắt trĩu cả màu nắng biển.

Thành phố biển chói lên những đốm lửa ngày tôi đến, giờ níu chân ngày tôi sẽ rời đi.

Sân nhà phủ đầy hoa giấy chao rơi sau một thời rực cháy. Và những bông hoa râm bụt ưỡn cánh no tròn lập lòe theo gió nhè nhẹ đưa.

Lão ông Mille sáng nay hái tặng tôi một bông hoa râm bụt đỏ. Tôi đã đặt nó lên bàn, trên cái Laptop màu nhũ bạc. Màu đỏ như một lời chia ly chưa nói đã nhói lên câu giã biệt.  Bông hoa như đốm lửa sẽ không bao giờ tàn - chỉ cần trời còn chút nắng rơi.

Ngoài kia, và xa, xa nữa, những um tùm của tầng tầng lớp lớp rặng Olive đang tỏa bóng bên những sườn đồi còn bạc phếch nắng chan. Những chùm quả khô cằn như những viên đá màu ngọc bích găm đầy tán lá oằn mình níu kéo chút màu xanh.

Đất cằn sỏi đá, biển không lắm cá nhiều tôm. Nhưng sao họ phong lưu thư thái như tự ngàn xưa đã vậy. Và ngàn sau, sau nữa, còn bao điều ta còn nhặt được dưới bóng những cây Olive?

Người ta không xây thiên đường thì có được thiên đường.

Còn chúng ta háo hức xây thiên đường thì lại sống trong địa ngục.

Tôi nhớ đến câu nói của một người bạn và bất giác, thấy ran rát nắng như vừa đi qua chỗ không còn bóng che.


BIỂN BẠC MẦU....






Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ....


Có ai không từng một lần nghe câu hát này, bài thơ bất hủ này của đôi nhân tình bất hủ, Xuân Quỳnh và  người tình trăm năm LQV.

Biển của những ngày ký ức, sóng chồm lên lớp lớp vờn trên nhau, bạc một mầu trắng xóa. Biển, của một vùng thương khó quanh dải đất hình chữ S.

Biển, nơi tôi biết ôm vào lòng yêu thương và tiếc nuối nơi đây, chẳng mấy khi có sóng. Chẳng biết đến màu bạc nơi chân mây tận cùng mắt với.

Biển chỉ là biển. Xanh đến tê người.

Và rộng dài những cơn gió bình yên nghiêng cánh đỗ trên từng ngọn sóng thanh bình.

Nhưng sáng nay, đứng ngắm biển vỗ bờ ngoài chân đảo, mới thật biết đến một mặt biển bạc mầu trong nắng mai.

Ấy là khi bình minh đang lên. 

Những ngọn nắng non rơi như lụa mềm trên thân biển còn ngái ngủ trong sương. Như một nụ hôn "French Kiss", biển òa ra tan biến như những giọt tình dưới nụ hôn của nắng trời. 

Biển bạc đi trong mầu nâu tím dịu dàng như mầu tình yêu thủa còn tự mình chưa biết. Màu biển không xanh trong. Nắng biển chưa nhuốm vàng. Sao trong gió đã nghe mơn man tiếng ngày đi không kịp trao nhau một lời hò hẹn.

Và đằng xa, ngơ ngác một cánh buồn no gió đợi ngày lên...

Biển có những ngày bạc màu như ai quên nhuộm mầu xanh.

Thuyền có những lần không xa khơi vì chưa uống đến căng mình từng ngụm gió.

Nhưng biển sẽ xanh, như biển.

Thuyền sẽ xa khơi, trên biển....

Dẫu ngoài kia không có nổi một đường trời....
----
18/Jul/2013
Thym
Viết nhanh ở Okrug, 
buổi sáng bên bờ biển đã thắm lại mầu trời xanh.



THÀNH PHỐ ĐÊM KHÔNG NGỦ

Trogir nhìn từ ngoài khơi.
Chụp đêm ngày 17/Jul/13.



Người ta nói nhiều đến Madrid, Barcelona, Ma cao, hay Las Vegas... là những thành phố đêm không ngủ. Nhưng sẽ là rất không công bằng nếu quên mất Trogir của đất nước một ngàn hòn đảo này.

Nếu ban ngày, Trogir yên ả với những bước chân thư thả của du khách đi khám phá những góc khuất bất ngờ của nền văn minh thể kỷ trước, thì ban đêm, người ta ùa ra hối hả để hưởng thụ và nhám nháp. Thành phố thay đổi đến chóng mặt trong diện mạo mới. 

Chỗ nào cũng chật cứng người là người. Bến cảng trở nên đầy ắp và chật chội vì những con  tầu từ các nước đổ về, vừa để vãn cảnh, vừa để ăn tối. Các quán ăn với hàng vài trăm ghế ngoài trời san sát lúc này đông nghẹt thực khách. Ban ngày, chỗ nào cũng thấy rộng rãi yên bình. Giờ mới thấy, tất cả mới thật sự bắt đầu.

Trong ánh điện và gió biển lành lạnh, cuộc sống của thành phố cổ có một hơi thở mới. Đó là sự pha trộn giữa cổ xưa và hiện đại trong một nhịp điệu từ tốn đặc trưng như người dân xứ này. Không ầm ào sôi động như Madrid, không bừng bừng sát phạt như Ma cao, Trogir vẫn giữ được vẻ duyên dáng như một cô thiếu nữ đang thì. Không đua đòi mà vẫn hấp dẫn bởi vẻ rạng ngời xuân sắc.

Trong khi mấy con chị sà vào đồ nữ trang và bưu ảnh để gửi cho bạn bè, thì thằng em chỉ một hai đòi mua một cái đèn pin loại  nhỏ xíu. Cuối cùng tôi đành nhượng bộ nó như mọi bà mẹ nhu nhược khác trong trường hợp này. Dù không biết đây là cái đèn thứ bao nhiêu đã mua cho cậu ấm.

Nhưng lúc về, đi ngang qua bãi biển, thấy chúng nó say mê rọi đèn vào những con tôm, con cua bám trên ghềnh đá, tôi mới hiểu chúng nó làm gì đến mê mải cả đêm. Trong khi con chị ra bãi ngồi nghe nhạc với mấy đứa bạn từ München mới quen và mấy đứa bản xứ nói tiếng Anh, thì hai đứa em hì hục đi vớt tôm cua suốt đêm với lũ lau nhau. Và đèn pin là thứ tuyệt vời nhất cho cuộc thám hiểm trong bóng tối.

Chúng tụ tập, hẹn hò nhau râm ran đầu ngõ. Rồi, dân du lịch, dân địa phương, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp... òa ra như chim suốt đầu ngõ. Chúng mang về một xô đầy nhóc cua là cua để khoe với mẹ. 

- Mama không được ăn nhé. Nhỡ chết thì sao? -  Con Bơ dặn mẹ đầy nghi hoặc.

Trời ạ, bên Đức người ta vẫn bán đầy thứ tám cẳng hai càng này cho người Việt để làm món canh cua. Nhưng ở đây biết lấy gì để chế biến đây? Người Việt nam mình nhìn con gì cũng chỉ nghĩ đến mỗi một việc ăn thịt nó! Tôi nghĩ lại lời càu nhàu mặc định của lũ trẻ những lần về Việt nam, khi thấy ngoài chợ người ta bán đủ thứ để mang về cho vào bụng. Từ mèo, chó đến cóc nhái, rắn rết... Ôi, người Việt. Tôi cũng đang nghĩ đến món canh cua đây...

Muốn theo chân lũ trẻ ra biển tham gia vớt cua. Muốn ôm cả đại dương vào lòng cùng những đêm hồn nhiên con trẻ. Muốn... Và muốn...!

Ngoài bếp, lũ trẻ véo von tiếng Anh với nhau. Tôi không phân biệt nổi đâu là giọng con mình, đâu là giọng con người ta. Chỉ thấy chúng xoắn lại từng cụm, cười như nắc nẻ, giòn tan. Tự nhiên thấy buồn cho lũ trẻ. Chúng sắp chia tay nhau rồi...

Chúng trao nhau địa chỉ và fb, hẹn nhau liên lạc...

Đêm biển yên bình quá. Tiếng chân những con cua biển lạo xạo cả đêm trong cái xô nhựa không tài nào dỗ được giấc êm. Tôi mang nó ra Balkon. Có lẽ mai sẽ lặng lẽ thả nó xuống lòng biển khơi. Trả nó về nơi nó đã sinh ra, nơi nó thuộc về.

Không còn tiếng lạo xạo, mà giấc ngủ vẫn còn ở đâu rất xa.

Có lẽ, thành phố đêm nào cũng thao thức...
----
Thym
17/7/2013
Okrug

ẨM THỰC VIỆT BÊN BỜ BIỂN DALMATIA



Hôm nay, theo như đã hẹn, chúng tôi được mời tham dự buổi thịt nướng ngoài trời cùng chủ nhà nhân dịp có khách từ Germany sang. Đó là gia đình người bạn đã giới thiệu chúng tôi sang đây. Cũng là em trai út của ông già.

Gia chủ từ chối yêu cầu đóng góp của khách nhưng tôi vẫn góp món cơm rang và đồ uống.

Người Việt mình đi bất cứ đâu trên thế giới cũng mang theo món quốc hồn là mì gói để chống đói và nếu có bếp thì nhất định không thể thiếu được món "bí quyết nấu ăn gia truyền" tức là...mì chính. Tôi còn không quên mang theo đũa và nhờ vậy mọi người, nhất là lũ trẻ, lần đầu tiên được tiếp xúc với nền văn minh Á Đông thông qua đôi đũa và món cơm rang.

Anna và Dominic hớn hở đến hồi hộp ngồi học cách cầm đũa. Dominic, mới 5 tuổi, mặt méo xệch vì đói quá mà không gắp được miếng nào. Sau bà nội bảo cậu không cần phải cố, nếu không thể làm được, cậu ta mới hoàn hồn. Còn Anna thì cần mẫn suốt bữa với đôi đũa tre như thể say mê món đồ chơi lạ. Tôi hứa sẽ để lại cả mấy đôi đũa mang theo. Nhưng tiếc nhất là chẳng có dịp trổ tài nấu món phở hoặc món nem rán để cho gia chủ biết thế nào là đồ ăn của người Việt.


Nắng lên

Biết làm sao được. Khi mà đường phố gần như không có bóng dáng người Á Châu nào, siêu thị không có một chai nước mắm nào, và quán ăn nhà hàng cũng tuyệt nhiên không có món "Chinapfanne", (một món mì xào nổi tiếng ở Đức do người châu Á khởi xướng), thì đồ ăn Việt vẫn là thứ quá ư xa lạ với dân cư nơi đây.


Một góc phố cổ. Buổi trưa...

Nhưng công cuộc khai hóa ẩm thực Việt xem chừng cũng khả quan. Vì con dâu chủ nhà chăm chăm hỏi cách làm món chả quế mà tôi đã thái nhỏ trộn vào cơm cùng với trứng, ngô non và cà rốt. Thật khó mà phổ biến cho người phụ nữ châu Âu cách thức xay thịt lúc còn đông đá để làm ra món chả quế rất ngon lành mà tôi đã học được từ chị bạn, cùng đủ thứ gia vị lỉnh kỉnh, trừ hàn the. Nhưng ẩm thực hòa hợp cũng là con đường ngắn nhất gắn kết tình thân.

Sau bữa ăn, chúng tôi chụp ảnh, tán chuyện ầm ĩ cả góc phố biển. Ông lão Mille quên hẳn cơn huyết áp hành hạ suốt nửa ngày. Ông pha trò có duyên và thông thái như một thanh niên đang độ sung mãn. 

Ông bảo trong đầu ông có cả một giàn Computer, loại hiện đại nhất.Tôi biết ông chẳng biết gì về Internet nhưng quả thật sự hóm hỉnh của ông làm tôi chỉ biết cười bò ra. 

Tôi thường hay quen miệng nói với ông: "Các con của tôi". 

Ông chỉnh: "Phải là các con của chúng tôi chứ. Ta luôn nói: "Các con của chúng tôi và tiền của tôi. Hay là mày in chúng ra từ máy in hả con gái?".

Rồi ông  còn giảng giải:

- Ta tự làm mọi thứ không cần nhờ đến hàng xóm. Kể cả việc làm ra trẻ con. 

- Ông có chắc không? - Tôi bẫy ông.

- Chắc. Ta tin là về Berlin mày sẽ nằm mơ thấy ta, con gái ạ! - Vẻ tự tin hài hước của ông lão làm tôi phì cười. 


Đất vườn toàn đá cục. Nhưng bất chấp.
Từ đây người ta vẫn trồng trọt và thu hoạch

Ngồi cùng xe với ông, bên cạnh chân ga hăng như ngựa và tay lái rừng rú tự tin trên vùng đồi núi, tôi chẳng biết ông bao nhiêu tuổi. 

Giờ nghe ông pha trò, linh mẫn, nhanh nhạy và láu cá hơn cả thanh niên, tôi không biết là ông còn mang trong mình bao nhiêu thứ bệnh nữa.

Ông đã sống một cuộc đời thật sảng khoái, tràn đầy đam mê, bằng bàn tay lao động cần cù và cả bằng một trái tim đầy ấm áp. 

Ông đã gây dựng một cơ ngơi thật đáng tự hào, một gia đình đông đúc và nền nếp bằng chính sự hào sảng và thậm chí, cả cách áp đặt gia trưởng với người thân. Ông là người biết sống đến tận cùng ngõ ngách của cuộc đời.

Ông dắt cả đoàn người sang bên đường, chụp ảnh dưới dàn nho và Kiwi đang đậu quả. Bên cạnh cái xe Merc cũng cổ kính như ông. Đằng sau là giàn hoa giấy trổ bông tím ngát trên nền vàng của nắng chiều.

Chúng tôi tặng ông tấm chân dung ký họa mới vẽ hôm trước bằng than. Ông tỏ ý buồn vì sao không vẽ ông còn nguyên cả hàm răng cho nó trẻ trung. Tôi mất tự tin đến nỗi phải ngó lại tấm ký họa. Răng vẫn nguyên trong miệng và ông lão khoái chí cười khà khà vì lại lừa được đứa chỉ đáng tuổi con gái ông.


Mille. Ký họa của LT.

Tôi biết, tôi sẽ còn quay lại nơi đây. Để được cười và để nghe ông triết lý về cuộc sống như một người bạn già.
Để được sống những ngày thanh bình yên ả trong dòng sông đời vốn đã rất đỗi yên bình...
---
Thym
Split 17/Jul/2013


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang