MẸ CỦA CHÀNG
Nhãn:
Gia Đình
Tất nhiên bà không đẻ ra tôi. Bà là người mà các con tôi gọi là Bà Nội.
Lần đầu tiên con Sữa gặp bà là khi nó ba tuổi.
Bà sung sướng ôm cháu vào lòng, máu thịt của cục cưng con trai bà thì nghiễm nhiên là máu thịt của bà. Sữa ta cứ chằm nhìn bà một lúc rồi bỗng mếu máo. Một lúc sau thì nó thổn thức. Thổn thức rồi òa lên.
- Răng bà sợ lắm. Hà My sợ lắm.
Cả nhà cười òa ra. Bà cũng cười. Nhưng nụ cười như mêu mếu...
Bà cứ loanh quanh bên Sữa. Khi thì cái kẹo đã ướt vì để dành từ bao giở bao giờ, có lẽ từ lúc nghe tin mẹ con nó bồng bế nhau về. (Bà nghĩ bọn tư bản nó dẫy chết không có kẹo đấy, mọi người trêu bà thế!) Khi là cái bánh, bắp ngô. Bà tất bật từ sáng đến tối mua mua bán bán, ninh ninh nấu nấu, đủ thứ bà nghĩ ra. Hết chân giò khoa tây lại đến đậu trắng hầm. Bà còn mua cá rô về, cặm cụi nhặt xương nấu xôi cho cháu. Bà tự hào với món xôi cá rô này lắm. Mắt bà kém, nhưng bà cố gắng đến bướng bỉnh quyết tâm tự mình nhặt bằng sạch đống xương răm của mẻ cá rô. Bà không thèm nhờ đứa nào. Rồi xào xào nấu nấu thơm phức...
Con bé như dãi khoai. Ba tuổi còn nôn vọt và sợ đến khóc thét vì ăn. Nhìn thấy món nào nó cũng diễn màn lắc đầu quầy quầy. Tệ hơn, là nó cứ oà khóc mỗi khi bà đến gần. Nó sợ hàm răng của bà. Hàm răng nhưng nhức của một thời hoa khôi, hoa hậu....
Nhưng sau đó chẳng biết tự bao giờ, mọi sự dần khác hẳn. Nó sà vào lòng bà, cứ như thể bà đã gắn bó với nó tự bao giờ. Nó theo bà đi khắp nơi, bi bô làm đủ trò. Nó như con cá gặp nước. Vùng vẫy, hiên ngang trong căn nhà của bà. Vẻ nhút nhát biến mất. Nó bắt nạt cả cu Minh, cu Bống không những lớn hơn nó, lại là con trai hẳn hoi, đít nhôm pha vàng của hai bên nội bên ngoại. Dường như nó biết đây chính là cội nguồn của máu thịt. Cội nguồn của yêu thương. Đây là nhà của bà nội, người sinh ra ba nó.
Thật kỳ lạ cái gọi là huyết thống gia đình. Nó khiến người ta nhận ra nhau, yêu thương nhau mà không cần có bất cứ điều kiện nào.
Rồi đến những lần sau, khi có thêm Bơ và Cua, đưa các con về, tôi thật sự được khai thông nhãn quang rất nhiều.Không khó khăn gì, tôi phải thừa nhận một điều, các con tôi đều yêu quý mẹ của ba chúng lắm.
Bà năm nay đã gần 90. Răng không còn đen mỗi khi cười, vì làm gì còn răng nữa đâu! Chúng nó khúc khích bảo nhau, tóc bà trắng như ...ma.
Bà thích con cháu ngồi nhà để tự tay bà hầu hạ miếng ăn, miếng uống. Bà than chúng gầy, bà chê mẹ nó không biết nuôi con. Suốt ngày bà ép ăn, bắt uống "Cho nó mát, cho nó bổ"- chúng nó vẫn thường trại câu của miệng của bà rồi khanh khách cười sung sướng với nhau. Lũ trẻ thì thầm bà nấu ăn không ngon, nhưng đến bữa vẫn răm rắp ngồi vào mân, ăn kỳ hết những thứ bà đưa. Hình như lũ trẻ hiểu, vâng lời là cách để làm bà vui...
Buồn cười nhất là mấy mẹ con thèm ăn bánh mỳ paste nhưng sợ bà mắng, vì bà chê món ấy mất vệ sinh, nên đành phải giấu mua về rồi ra balkon ăn vụng với nhau.
Phải, bà nấu ăn không ngon. Ai cũng chê bà. Nhưng bà có sức mạnh tự thân. Bà tỏa ra sự ôn hòa, linh mẫn. Gần một thế kỷ đến dương gian, bà vẫn tự tay chèo lái cuộc đời. Ông mất đã lâu, bà một mình hương khói, ăn chay niệm Phật, an nhiên và ung dung tự tại để làm chỗ dựa tinh thần cho con cho cháu. Mái nhà của bà lúc nào cũng ấm áp, tràn đầy tình thương yêu...
Hai năm rồi tôi không được gặp lại bà. Có đôi lúc vẫn giật mình, mai mốt, một ngày nào đó không còn được nghe giọng nói sang sảng của bà nữa- Quê nhà có còn bình an mỗi khi về lại?
Nhớ những lúc bà cặm cụi mua ốc về ngâm rồi luộc đợi con dâu. Nhớ món lươn bung bà trổ tài cầu kỳ đãi dâu mà tôi không dám đụng đũa vì sợ mắm tôm... Nhớ nồi nước tắm bà ân cần giục tôi những hôm đi chơi về khuya... Giản dị lắm, nhưng mấy ai làm được? Mấy ai được hưởng như tôi? Rất đời thường nhưng tôi rưng rưng mãi vì đó là tấm lòng của người Mẹ.
Mẹ chồng nàng dâu, làm sao tránh khỏi những hiểu lầm, va chạm, nhất là tôi ra đi từ rất sớm. Giữa tôi với bà còn là hai thế hệ cách nhau quá xa về sinh hoạt, nếp nghĩ. Nhưng khi tôi làm mẹ, hiểu được tấm lòng người mẹ, và đủ đằm thắm để nhận ra tình cảm của mẹ đằng sau đó, tôi đã biết nâng niu tình cảm của mẹ từ bao giờ chẳng biết.
Mấy hôm nay mưa nhiều. Trời sẽ ẩm thấp, mẹ có khó thở nhiều không? Mẹ có tất bật mấy chục bậc cầu thang để khi thì con cá mớ rau, lúc chăm mấy cây hoa nhài hoa giấy. Mẹ chưa từng bắt con cháu hầu hạ một ngày nào. Âu cũng là phúc đức để lại cho nhà ta vậy.
"Chúng con nhớ bà, chúng con muốn về với bà". Lũ trẻ lại mè nheo. Tôi bồi hồi tự hỏi: Vì bà chiều chuộng, chằm bẵm nâng niu các cháu. Vì đó là tình máu mủ. Hay vì cả hai...?
Tôi không trả lời được. Chúng mới được gặp bà có 3 lần.
Còn tôi, tôi thú nhận với lòng mình, tự bao giờ, tôi nhớ bà, mẹ của chàng, người không từng sinh ra mình.
Mẹ đâu còn là mẹ của riêng chàng...
4 nhận xét:
Mẹo Comment
Chú Ý: Bạn có thể
dán link video (từ trang youtube), link nhac (từ trang nhccuatui) hay link hình (tận cùng có đuôi .gif, .jpg, .jpeg, .png, .bmp) mà không cần dùng thẻ
- viết <b>chữ đậm</b> <i>chữ nghiêng</i>
- đổi cỡ, màu chữ: [size="30"][color="gold"] Chữ cỡ 30 màu vàng [/color][/size]
(Màu : blue, green, gold, violet, red, pink ..)
- giới thiệu trang web: <a href= link_trang_web > Tên_trang_web </a>
- chèn một số yahoo emoticons (click Chèn emoticons để xem cách gõ)
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cả hai Thym ạ. Còn tỉ lệ mấy➖mấy thì tùy. Đứa ích kỷ nhiều, đứa bản năng huyết thống mạnh...
Trả lờiXóaNhưng vấn đề ở đây không phải đi tìm câu trả lời vì sao mà là đáp lại lời mè nheo thế nào nhỉ!?
Tre cũng quan tâm đến vế sau...
Mẹ đã quá xa tuổi cổ lai hy rồi...
Có cho đi mới mong nhận lại được chứ? :)
XóaChị viết về mẹ chồng mà sâu sắc tình cảm quá, làm mắt em rưng rưng rồi ạ... "khi tôi làm mẹ, hiểu được tấm lòng người mẹ, và đủ đằm thắm để nhận ra tình cảm của mẹ đằng sau đó, tôi đã biết nâng niu tình cảm của mẹ từ bao giờ chẳng biết..." Chồng chị hẳn là hạnh phúc lắm, bây giờ không có nhiều người yêu quý người không từng sinh ra mình như chị đâu ạ.
Trả lờiXóa"Hãy làm với người khác điều mà mình cũng mong nhận lại"
XóaKinh Thánh