CHỊ PHẠM THỊ HOÀI



Ngày 31.12.2014, khi mọi người đang bồi hồi và tất tả níu kéo những khoảnh khắc cuối cùng của một năm nhiều biến động, bất ngờ có một lời từ giã trong giới truyền thông khiến hàng triệu người phải ngậm ngùi. Lời chia tay của chị Phạm thị Hoài, chủ biên của Blog pro&contra.

Sống chung ở cả hai thành phố (Hà nội và Berlin) với người phụ nữ quá nổi tiếng này, thế nhưng hầu như mình chưa bao giờ được gặp chị. Những ngày mình mới đặt chân đến Đức cũng là thời kỳ cái tên rất giản dị Phạm thị Hoài đã bắt đầu gây sóng gió với tác phẩm Thiên Sứ. Mình đã đọc nó, một cách may mắn như thế, trước khi nó bị cấm ở chính ngay nơi sinh ra nó, trong khi lại được dịch ra nhiều thứ tiếng khác trên thế giới và được tổ chức Frankfurter LiBeraturpreis trao tặng giải thưởng hàng năm cho "Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất" (bằng tiếng Đức).


Trong một lần về phép, bạn mình, một họa sĩ ẩn dật đã kể một câu chuyện mà mình vẫn còn nhớ đến tận bây giờ. Anh bảo, một lần anh đi trên phố Ngô Quyền và nhìn thấy một người phụ nữ bé nhỏ, ăn mặc rất khác người (so với hình thái chung của dân Hà nội đầu thập niên 90). Người phụ nữ nhỏ nhắn lúc sà vào chỗ này, lúc tạt vào chỗ kia, với một vẻ hết sức tò mò và lạ lẫm, trong một trang phục và thần thái rất ấn tượng. "Người ăn mày nào mà ngộ nghĩnh thế kia", (nguyên văn câu của anh bạn), "nhìn kỹ, hóa ra đó là... Phạm thị Hoài!".

Mình nhớ mãi câu chuyện ấy, vì lúc đó, mình không hề biết mặt nhà văn Thiên sứ, và cái hình dung từ "Người ăn mày ngộ nghĩnh" mà anh ấy dùng để miêu tả trang phục của một nữ nhà văn cứ ám ảnh mình. Từ đó, mình luôn có ấn tượng rằng, Phạm thị Hoài là một người cổ kính, như một dòng tu kín, với những trang phục bằng vải thô, lụng thụng hay bó sát, huyền bí và lạnh lùng xa cách.

Ngay cả khi ông xã mình đã gặp Phạm Thị Hoài tại tư gia, đã được ăn bánh chưng do chính tay chị rán, và đưa ra nhận xét rằng "Hoài rất tinh tế, nữ tính, nhẹ nhàng, thông minh và mến khách" thì mình cũng chẳng có một hình dung nào cụ thể về chị. Dù sống cùng với nhau trong một thành phố, có vô số người quen chung, đọc báo chùa của chị suốt từ thời talawas sang đến pro&contra, mình vẫn không được gặp chị, cho đến tận mùa hè năm ngoái.


Vào đêm thơ Trần Trung Đạo tổ chức tại Berlin, mình được chị Hoài Thu rủ đi nghe thơ. Chị Hoài Thu và mình đều mê thơ và đó là lý do để hai chị em có mặt tại buổi thơ ấy. Họ tổ chức ở một nhà thờ, có lẽ là mượn địa điểm, và khi mấy chị em đến thì hình như đã bắt đầu khai mạc. Mình và chị Thu đang đứng xớ rớ thì có mấy anh có vẻ trong BTC đến chào, bắt tay và nhìn mình đầy thiện chí khiến mình... hí hửng. Các anh hỏi tên mình, mình đáp một cái tên, rõ ràng là nghe có vẻ... vô danh, nhưng mặt mũi người nghe vẫn chưa thỏa mãn. Các anh vẫn đứng quanh mình, bối rối rất khó hiểu. Rồi, một anh hỏi:

- Chị là Phạm thị Hoài?

Hóa ra mọi người nhầm mình với chị Hoài, chỉ vì cả hai cùng có... mái tóc ngắn.

Cuối cùng chị Hoài cũng đến. Chị mặc gam mầu đỏ đen trong một sự nữ tính mềm dịu và hiện đại. Tóc chị rất ngắn với cặp kính bất ly thân nghiêm nghị, nhưng giọng nói trong, nhỏ nhẹ và từ tốn. Phong thái của chị toát ra sự thông minh và cách biệt nhưng không hề cao ngạo. Người phụ nữ của vương quốc talawas 13 năm sừng sững trong lòng độc giả yêu chuộng tri thức và sự thật, chủ nhân của Blog pro&contra đã từ lâu vượt ra khuôn khổ một Blog cá nhân (chữ của nhà văn Võ thị Hảo), là một người như thế. Mình bảo chị, sao chị xinh đẹp thế này, mà người ta lại nhầm em sang chị được nhỉ. Chị cười nhẹ, mà chị còn bé nhỏ hơn em nữa chứ!

Chị đến lặng lẽ, trao đổi với mấy chị em vài câu vui vẻ như thế và khi BTC chưa kịp nhận ra chị là ai để đón tiếp thì chị đã ra về đột ngột, để lại một sự nuối tiếc và áy náy ngơ ngác cho những ai đã từng biết đến cái tên Phạm thị Hoài.

Pro&contra đã đóng cửa. Như chị trải lòng:

"Bây giờ, sau mười ba năm tiếp theo, 2001-2014, giai đoạn làm báo của tôi với talawas và pro&contra cũng khép lại. Nó để lại trong cuộc đời tôi dấu ấn quá sâu đậm, khiến một lời kết như thế nào cũng thành bất lực."


Talawas và pro&contra có ảnh hưởng như thế nào đối với bạn đọc, đã quá nhiều người viết, nói về nó, không phải chỉ hôm nay, mà trong suốt hơn mười năm qua. Mình tin, ảnh hưởng của nó sẽ còn ăn sâu và bắt rễ xa hơn, xa hơn nữa. Bởi cái tầm và cái tâm của chị đã vượt qua mọi bức tường dù vô hình hay hiện hữu.

- Anh đánh giá thế nào về chị Hoài?

Có lần, mình hỏi một dịch giả nổi tiếng đã có hơn hai mươi đầu sách cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức, là người quen và cũng là độc giả của Phạm thị Hoài. Là người hoạt ngôn, lúc ấy, anh đã lúng túng tìm từ rồi nói:

- Hoài à? Anh chưa từng quen biết hay gặp gỡ một người phụ nữ nào như vậy. Không thể xếp thứ hạng cho Hoài. Cô ấy là... duy nhất.

Berlin vẫn thanh bình như thế. Mùa đông đang ấm dần lên khi những tảng tuyết đã tan hết trên đường phố. Mỗi lần đi qua Prenzlauerberg, thế nào ông xã cũng chỉ tay, đấy, nhà Hoài ở đấy. Xinh xắn, nhẹ nhàng, ấm áp và mến khách. Dù câu ấy không biết là nói về căn hộ hay chính chủ nhân của nó, thì cả mình và ông xã, đều có một cảm giác gần gũi với người phụ nữ vô cùng đặc biệt này.

Vâng, duy nhất.

Chị đã đóng pro&contra, nhưng cũng như talawas, trong lòng bạn đọc, mọi cái không hề khép lại. Chúng ta chờ đợi ở chị một nấc thang khác, cách đi khác, như nhà văn Võ thị Hảo đã viết:

"Chia tay pro&contra, trong làn khói cay bốc lên từ mắt, trong thâm tâm những người biết Phạm Thị Hoài không tắt hy vọng: người đàn bà ấy, nhà văn và nhà báo siêu việt trong chúng ta ấy, dù đã có nhiều lần tự nổi giận với chính mình và thề thốt rằng sẽ chẳng làm gì liên quan đến báo chí nữa và tập trung vào những cuốn sách của chị, nhưng rồi xem, cách gì rồi chị cũng trở lại. Hoài nói rằng Hoài không yêu nước,nhưng rồi xem, trong những kẻ dai dẳng đồng hành cùng nỗi đau của người VN, trong số những kẻ cuối cùng, „đuổi không đi dời không chuyển“, chỉ bởi nô lệ cho căn tính thiện của chính mình, có người đàn bà mảnh mai, bé nhỏ với ánh nhìn qua đôi mắt kính vừa tình cảm, vừa giễu cợt, vừa minh triết. Đó là PhạmThị Hoài."
Và, chúng ta chờ đợi, như chị đã bật mí:

"Song từ ngày mai, mở đầu một năm mới, tôi đã bồn chồn cho một giai đoạn mới."
....
03012015
Ka

Blog của nhà văn Thế Phong đăng lại bài này, xem ở đây

2 nhận xét:

  1. Người Việt Nam nào chẳng yêu nước,mong muốn cho dân tộc mình bớt khổ ải vì chiến tranh và nghèo đói.Nhất là những người sống ở nước ngoài luôn có truyền thống nguồn cội. Thấy đất nước người ta văn minh giàu có,còn dân tộc mình! Ai mà không xót xa?

    Trả lờiXóa
  2. Người Việt Nam nào chẳng yêu nước,mong muốn cho dân tộc mình bớt khổ ải vì chiến tranh và nghèo đói.Nhất là những người sống ở nước ngoài luôn có truyền thống nguồn cội. Thấy đất nước người ta văn minh giàu có,còn dân tộc mình! Ai mà không xót xa?

    Trả lờiXóa
Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang