NGỒI RÌNH VÀ CHỈ TRÍCH, VĂN HÓA CỦA CHÚNG TA!

"Văn hóa Tây thiên về khuyến khích còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích".



Cô bạn tôi có cửa hàng bán hoa tươi. Nghề của cô thật thích, ít nhất cũng được ngắm hoa, tiếp xúc với toàn khách hàng tử tế, tôi bảo vậy. Hoa mà lị. Chẳng có ai vác cái mặt như khỉ ăn trầu thuốc đi mua hoa, ngay cả nếu đó là hoa tang. Nghề của bà là nhất, tôi bảo bạn.

Tôi qua cửa hàng nó chơi, vừa ngửi hoa, vừa hóng hớt tý cho qua ngày buồn sướt mướt của mùa thu. Gặp đúng lúc nó đông khách, tôi trổ tài tiếp khách hộ. 

Khách hàng là áo xanh còn rất trẻ, dắt theo một đứa bé lẫm chẫm biết đi.
- Cô mua gì, tôi có thể giúp được không?
- Con gái tôi muốn mua hoa tặng bố nó nhân ngay sinh nhật. - Áo xanh trình bầy, tay chỉ vào đứa trẻ đi còn chưa vững.
Vị khách tý hon chắc đã quen với màn mua hoa này rồi, nó chỉ tay vào bó hoa đỏ chót lòe loẹt trên quầy, mồm bập bẹ: Hoa, hoa.
- Lisa, bó hoa này to quá. Hay là mình lấy bó này? Mẹ nó chỉ tay vào bó hoa bên cạnh. Bó hoa rất đẹp, màu không sặc sỡ bằng, bù lại, giá rất phải chăng. Áo xanh tỏ ra rất sành về hoa.


- Không, không thích!- Con Lisa lắc đầu quầy quậy, tay vẫn trỏ vào bó hoa lòe loẹt mà nó thích.
- Lisa, con thật thấy bó hoa ấy đẹp à? -Mẹ nó cố nài.
Con bé gật cái rụp, quả quyết. 
- Thôi được, nếu con thấy đẹp thì chúng ta sẽ mua. 

Áo xanh nhượng bộ. Lisa kiêu hãnh đi theo mẹ tới quầy tính tiền. Tôi tủm tỉm cười với màn đấu trí của hai mẹ con. Con bé đĩnh đạc, tự tin đến ngạc nhiên ở độ tuổi này. Điều đáng nói là mẹ nó khuyến khích con tự tin, và tôn trọng tuyệt đối quyết định của nó.

Tôi chỉ cho con bé khay kẹo, sau khi nháy mắt như có ý hỏi áo xanh, có được phép cho con bé ăn kẹo không? Mẹ nó gật đầu.
- Chỉ một cái thôi nhé! -Mẹ nó dặn.
 Con bé kiễng chân, nhón một cái kẹo, vẻ tiếc rẻ thèm thuồng lộ rõ. Nhưng mẹ nó kiên quyết: "Một cái thôi, Lisa!" 
- Mẹ chưa nghe con nói câu nào. - Áo xanh nhắc con.
- Cám ơn! -Lisa dõng dạc, mắt vẫn liếc đĩa kẹo. Nhưng nó không mè nheo, mà ngoan ngoãn với định mức chỉ một cái như mẹ nó cho phép. 

Hai mẹ con lõn chõn kéo nhau đi. Tôi thấy lòng ấm áp lạ. Khuyến khích và nguyên tắc, phải chăng điều đó đã hình thành một xu hướng giáo dục cho con trẻ? 

Vừa lúc đó, áo tím cùng con vào. Nói đúng ra, mẹ nó đi thủng thẳng, còn thằng bé lao vào như tên, tay giật lá, miệng tía lia, chân sục sạo khắp nơi khiến quầy hàng nhộn nhạo hẳn lên. 

 -Nhà chị có hoa nào đẹp không?
Tôi đang định tiếp thị một cách cẩn thận, hoa nào đẹp, hoa nào thơm, loại nào rẻ, mua để làm gì, vv và vv, thì cô nàng áo tím đã ỏng eo chê bai. Hết hoa cũ, lại đến hoa xấu. Cô liếc từ cẩm tú cầu sang Lys, với tay sang chậu cúc, lật mớ hoa đồng nội, cặp kính cận dí vào từng cánh hồng như thể vạch lá tìm sâu. 

Tôi còn chưa xong màn tiếp thị thì xoảng, thằng con đã làm rơi cái lọ hoa, nước lênh láng, hoa văng tung tóe. Áo tím bỏ tôi đấy, chạy ra chỗ thằng con đang trố mắt nhìn thành quả của sự phá hoại, miệng rền rĩ:
- Thằng hậu đậu. Đúng là hậu đậu. Mau xin lỗi cô ngay.  
Thằng bé trân trân nhìn tôi, cãi: 
- Tại cái lọ tự rơi chứ!
- Thằng này hư quá. Áo tím làu bàu, kiểu như muốn xí xóa. Miệng mắng át, tay đẩy thằng con ra, coi như xong một việc. 

Tôi ngán ngẩm bảo thằng bé:
- Cháu làm hỏng thì cháu nên nhận. Cô không mắng cháu hậu đậu cũng không bắt đền cháu. Nhưng làm hỏng mà không nhận thì rất không nên. 
- Thằng này nó thế đấy chị ạ. Toàn chối. Giống ai thế không biết! -Mẹ nó lại xoe xóe. Miệng nói, tay vẫn lật mấy bông hoa như người ta chọn cá ươn. 
- Em mua nhiều không? Để chị lấy cho. Hoa mà làm thế nó nát mất em ạ.
-Hoa nhà chị cứ tầu tầu thế nào. -Áo tím vẫn dè bỉu. Ở rất nhiều người, với họ, dè bỉu là một cách chứng tỏ đẳng cấp. Có vẻ điều đó tuyệt đối đúng ở Áo tím.

Cuối cùng, cô nàng rút nhõn một bông hồng bé nhất, mang đến cho tôi. Trong khi đó, thằng bé đã tay bốc lấy một cái kẹo, đút ngay vào túi, tay kia nhón thêm cái nữa.

- Hỏi xin cô chưa? -Mẹ nó nhắc.
- Rồi ạ? -Nó cãi. Tay bóc kẹo, vứt giấy ngay xuống chân. Tay còn lại tranh thủ nhặt thêm cái nữa.
-Nhà mình thiếu gì đâu con. Cứ như chết thèm. Thôi đi về nào. -Mẹ nó kẻ cả.

Tôi nhìn hai mẹ con. Định nói gì nhưng lại thôi.
Tự nhiên thấy hoa không còn đẹp như tôi nghĩ lúc ban đầu nữa.

Hai cách dậy con trong hai gia đình một Đức, một Việt. 
Áo xanh khuyến khích con tự tin, tôn trọng con trong một nguyên tắc nhất định. 
Áo tím không hề có nguyên tắc. Thay vì giáo dục, cô ta chỉ trích, lấp liếm và hợm hĩnh. Cô ta sẽ tạo ra một đứa con như thế.
Nhiều người như cô ta sẽ tạo ra những đứa trẻ giống như thế. Hoặc vô cùng tự ti, hoặc ngược lại.

Tôi nghĩ đến bài viết của NCKD đang hot trên mạng mấy ngày gần đây.

"Văn hóa Tây thiên về khuyến khích còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích".

Chúng ta đang chỉ trích NCKD, phải chăng, chúng ta tự mình dẫm vào vòng xoáy của tâm điểm này, văn hóa chỉ trích.

Tôi chỉ viết lại câu chuyện sáng nay ở một cửa hàng hoa. Với hai bà mẹ. 
Áo xanh, người Đức.
Áo tím, người Việt.

Cô là một trong những người Việt nam sống ở Đức, có lẽ đã không ít năm. Và thằng bé mặc dù được sinh ra ở Đức, vẫn chịu ảnh hưởng của lối giáo dục rất Việt.

Người Việt là...
Chết nỗi, tôi cũng lại bắt đầu đang chỉ trích...

Thym 
02112013

18 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay và chuẩn ko cần chỉnh luôn...
    Em đã đọc về NCKD và rất hiểu với nhg gì cô ấy muốn nói, em cũng bị "sụp hố" mấy lần rồi cũng vì sự khác biệt của 2 nền văn hóa. Rất nhiều lần, bị suy ra theo kiểu ng trong nước khi mình thật tình ko phải vậy:( Buồn chị ah!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta ở nước ngoài tánh tình thẳng thắn và luôn khuyến khích-ủng hộ người khác , vì tôn trọng nhân quyền, tôn trọng con người, ko có thói quen chê bai chỉ trích, âu đó cũng là một văn hóa tốt!

      Xóa
    2. Sự khác biệt của hai nền văn hóa Đông- Tây là rất lớn.
      Sự khác biệt của nhận thức giữa người Việt trong nước và ngoài nước cũng lớn, nhiều khi là rất lớn.

      Nhưng nhiều khi chị cũng ngạc nhiên, đó là:
      1- Gặp những người Việt sống ở nước ngoài mà nhận thức và cư xử y như ...Người Việt.
      2- Gặp những người Việt sống ở trong nước mà văn hóa, nhận thức lại y như ...Tây.

      Cả hai trường hợp, đều ....đáng tiếc!

      Xóa
    3. Có trường hợp không đáng tiếc không Thym? Bói xem Tre thuộc trường hợp nào? Hehe, chơi khó Thym để thử thách văn hóa của người Việt ở nước ngoài :))

      Xóa
    4. Con người ta có thể vươn lên vì một lời khuyến khích-khen ngợi, hoặc rớt xuống suy sụp vì một lời khích bát chà đạp, đối xử giữa con người với nhau tùy vào ý thức hóa, văn hóa và bik tôn trọng người khác để được ngta tôn trọng lại mình!

      Xóa
    5. Có câu chuyện ngụ ngôn về con ếch. Vì cố phồng mang trợn mắt để biến thành con voi, kết quả là vỡ bụng, bục da mà chết! :(
      Suy cho cùng, những kẻ chuyên chỉ trích, ngồi rình một chỗ.... chẳng qua là hành động tự kỷ ám thị của con ếch mà thôi.

      Xóa
    6. @ CT:
      Người Việt sống ở nước ngoài, vẫn mang nặng cách hành xử của người Việt, thích nhòm ngó chỉ trích, kèn cựa chê bai, thay vì tiếp thu văn minh, tận hưởng cs, vô ưu, chẳng phải đáng thương là gì?
      Người Việt trong nước, ngược lại, không ít người mang tư tưởng phương Tây, ngột ngạt với thể chế xã hội, đặc biệt là với tư duy, hành xử của chính người mình. Họ dường như đã vượt lên được cái tầm thường xung quanh... Vì họ sẽ cô đơn, trăn trở, dù chưa chắc đã chỉ cần có mỗi cơm áo gạo tiền? Điều ấy thật chẩng phải đáng tiếc cho họ là gì?
      Tre như nào ư?
      Thym thấy từ lâu, Tre cũng đã nằm trong cái nhóm Đáng tiếc ...

      Xóa
  2. Cả 2 trường kg hợp. .
    Hehe tui có thằng em hình như rớt vô trường hợp 2 sống dở chết dở hehe
    Cầu Tre ơi! có thấy tội nghiệp cho con chồn kg?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao lại gọi Tre ơi? :D Bộ T không bit kêu.... Trời ơi hả?

      Xóa
    2. ** Trâu: Không tội, không tội. Đó chỉ là mỗi bộ da thui. Chết để da, lại còn được treo ngược cành cây, lại còn được thờ cùng một ống thức ăn, lại còn được mang tận vào trong rừng trúc để thờ, rồi lại còn được người ta đến xem (người xem được tạo điều kiện đi lại thuận tiện bằng con đường nhựa mới tinh). Vậy thì có đáng thương không ạ?

      Xóa
    3. **Thym: để im cho bạn Trâu bạn í đứng gốc Tre một tẹo cho mát. Chứ suốt ngày tắm sông bạn í hổng có cái chi để nhai, rét chit! :D
      **Thym bói giỏi thiệt đó!
      Theo Tre, cái đáng tiếc nhất của người Việt là không thể được tận hưởng niềm tự hào, thanh thản, thoải mái ngay trên chính mảnh đất của mình- như người Mỹ, người Anh, người Úc, người Nhật... Thym ạ. Những đứa con bị mất mẹ và những bà mẹ đang mất dần những đứa con ngoan. Đó, nỗi thiệt thòi không gì có thể bù đắp...
      Hì hì, hình như Tre đã đi quá xa chủ đề của Thym rồi, theo đúng lối tư duy văn hóa"ngồi rình và chỉ trích..." của người Việt...:))

      Xóa
    4. Sory, phải là "bà mẹ" chứ không phải là "những bà mẹ" Thym nhỉ! Mỗi đất nước là một bà mẹ lớn của mỗi con dân mà. Bà mẹ cho con cảm giác Hạnh phúc vì được che chở, chăm sóc, yêu thương- cái bến đỗ bình yên...:(

      Xóa
    5. Cái ảnh...nhìn xót hết cả lòng...

      Xóa
    6. Con đó là con gì vậy Thym???

      Xóa
    7. Thym nghĩ là con sóc, nhưng mọi người đều bảo là con chồn. Vì sóc bé hơn, dù trông cái đuôi giống nhau (Quanh nhà Thym nhiều sóc nâu lắm! ). Thym nghĩ đúng là con chồn!

      Mà cũng không loại trừ, đó là con người. :D :(

      Xóa
    8. Tre thấy nó giống con ... chuột, Thym ạ. :D

      Xóa
    9. Con chuột mà như ri....Chắc con mèo phải bằng cỡ...Trâu Sứt mũi! :D

      Xóa
    10. :)))))))))
      Bắt chước Thym cười dài nè.

      Xóa
Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang