VÌ SAO TÔI KHÔNG THỂ TRỞ THÀNH NHÀ VĂN?

(Tặng cậu)

Tôi không nhớ tôi bắt đầu viết văn khi nào. Nhưng sớm nhất nhẽ cũng từ năm học lớp 3, lúc cô giáo ra đề làm văn tả bà nội. Tôi nhớ rõ thế vì nhà tôi không có bà nội, chỉ có bà ngoại. Mà nội hay ngoại là hai điều khác hẳn nhau, dù bà nào cũng là bà. Tôi rất lúng túng với điều này nên đã nhờ ông cậu tư vấn.

Cậu tôi, lúc đó đang học lớp 7, vẫn mặc chung quần đùi với cháu, kẻ cả bảo:

- Mày cứ tả y như bà mình, nhưng thay chữ ngoại bằng nội là xong. Ngu thế mà cũng đòi.

Tôi chả đòi gì sất. Nhưng sau lần đó, tôi hiểu là sự gian dối là hoàn toàn có thể và tối cần thiết khi ta muốn làm một bài văn. Bài văn được điểm 7, cô giáo phê tả sinh động. Cô hoàn toàn không biết bà ngoại áo dài tân thời đã được chuyển hộ khẩu về quê chít khăn áo tứ thân. Tôi lấy làm áy náy vì tiết học đạo đức vẫn ra rả gào: Thật thà dũng cảm.

- Mày không thấy người ta lừa dối đủ thứ hả cháu, mà có đứa nào ăn năn mẹ gì đâu. Nhét xương xuống hố, đổi lợn lấy người, dối trên lừa dưới. Súc vật biến thành người được thì ngoại biến thành nội là cái đinh!

Rồi cậu cập nhật:

- Làm văn phải biết phăng te di (fantaisie) đi cháu ạ. Nó mới sinh động và sáng tạo. Mày thấy cậu đây, cậu chả biết nói dối bao giờ, nên văn cậu mày chỉ cỡ trung bình là hỉ hả lắm. Mày có khiếu, mới mô đi phê (modify) có tý đã ngon lành. Cố lên, cứ đà này mày sắp thành nhà văn!


Xong bài thuyết trình, cậu chúi mũi vào bể cá chọi. Tôi thề là từ lúc đó, tôi thấy mình cao quý vĩ đại hẳn, ít nhất trong mắt ông cậu mặc chung quần.

Thế rồi bẵng đi ít lâu, lâu đủ đến mức tôi thành người nhớn, lang bạt kỳ hồ sang xứ người. Chả biết nghiệp chướng tiền oan thế nào, tôi cũng có viết một tý, lách một tỵ. Gãi chỗ này chỗ nọ, xoa mông đập bụi. Xáo xào, gia giảm, bát nháo chi khươn, thêm tý dấm chấm tý ớt....

Có đứa thấy tôi suốt ngày can can chép chép lọ mọ trên mạng, nó xấu bụng gán cho tôi cái chức nhà văn. Tôi dị ứng đến nỗi lúc đầu thậm chí còn nổi cả da gà. Nghe nó to tát quá, vĩ đại quá! Nhà văn! Tôi hình dung mấy vị ấy trông nó phải cao cả, xa vời, đầu hói trán bóng đạo mạo và nhất định mắt phải đeo kính. Tôi còn lâu mới đạt tiêu chuẩn cao quý ấy. Nghĩa là tôi hoàn toàn không có kính và dung nhan thì... quá đỗi tầm thường.

Nhưng của đáng tội, nghe mọi người gọi mình thế, lâu dần, tôi cứ tưởng mình cũng là nhà văn thật. Bỏ mẹ, cái bệnh tưởng này ban đầu nó thậm chí còn vô hại. Nhưng là thứ bệnh nghe đâu còn biến chứng, lây lan và di căn. Tôi tự dưng nho nhe muốn in sách. Chứ không à, không có tác phẩm không thể thành tác giả. Không là tác giả sao thành tác gia?

Cái ý tưởng ấy chợt lóe lên như một tia chớp rồi bám ngay vào đầu khiến tôi ngầy ngật như tâm thần. Nhịn không nổi, mới bàn với mấy đứa bạn cũng ngầy ngật văn lăn tăn thơ phú như tôi. Tưởng chúng nó phản đối, hóa ra đứa nào cũng đang di căn y như mình.

Hôm ấy, bọn tôi sau một chuyến công cán vặt kéo nhau vào quán. Quán thịt nướng Argentina nằm ngay bên đường. Lúc này quán đông, người ăn xong kẻ đợi đến lượt cứ lao xao một góc. Nhưng khi chúng tôi bước vào thì mọi sự khác hẳn.

Quán ăn của người ta, u trầm một cách lãng mạn hay rủ rỉ một cách lặng lẽ, thì hễ cứ có dân ngoại quốc vào là y như trật tự sẽ thay đổi.

Nghĩa là chúng tôi rất thoải mái. Cười và nói. Tranh và luận. Bàn và cãi. Hỉ hả đến độ mấy bàn bên cạnh cũng phải quay ra cười góp. Gì chứ cái cười góp ở quán nó dễ lắm. Chỉ cần có một nhóm vui vẻ là y như rằng xung quanh sẽ cười theo. Y như thể nếu không cười thì bị lạc lõng.

Một nhà thơ, một nhà văn. Một nhà sản xuất phim. Một nhiếp ảnh. Một họa sĩ. Một luật sư. Một nhà báo. Một thám tử.... Một con chó, và mấy đứa trẻ. Tần ấy nhân vật. Và chúng tôi đang nói đến sự ra đời của một tác phẩm.

Chúng tôi uống, không nhiều. Nhưng đủ để biến đám đông thành bạn bè. Chúng tôi bàn chuyện xuất bản sách. Đứa góp thơ. Đứa viết truyện. Đứa vẽ bìa. Đứa viết bài lăng xê. Cuốn sách dự định sẽ làm lên một tên tuổi lớn của những đồng tác giả trên xứ người. Nó sẽ to nhớn, vĩ đại. Nhất định phải hoành tráng và ấn tượng. Nhưng hoành tráng và ấn tượng như nào thì còn chưa ai hình dung ra. Ngay cả tựa đề cho một cuốn sách cũng còn đang phải nghĩ. Hóa ra, viết không khó. Khó nhất lại là đặt tên cho em.

Chợt bàn bên cạnh có một đôi trai gái, ý chừng là cặp nhân tình, ngó sang bàn chúng tôi với vẻ thông cảm, nụ cười nở rộng. Thật hiếm có một sự thân thiện nào ấm áp đến thế. Trong khi chúng tôi ngại làm phiền, thì họ, trái lại, vẻ như muốn làm quen.  

Thì làm quen. Đôi bên nhờ nhau chụp ảnh. Đèn chớp lia lịa. Những nụ cười thân thiện bừng nở trên môi. 

- Các ngài từ đâu đến? 

- Chúng tôi là người Việt nam. -Tôi kiêu hãnh thông báo, lờ đi sự có mặt của một lão mắt xanh mũi lõ trong đoàn. Kệ, lão là thứ yếu trong nhóm toàn người Việt. Dù đây là đất nước quê hương lão.

Bất ngờ, gã đàn ông rút từ cái túi to tổ bố đeo bên sườn ra một cuốn sách đưa cho tôi.

- Ủa, gì thế này?

- Ngài đọc đi. Đây là sách tôi viết.

- Ngài là nhà văn? -Tôi ngỡ ngàng.

- Tôi là nhà văn và là tác giả của cuốn sách này. -Gã bảo, giọng rất nhỏ.

Tôi lặng người. Niềm vui quá lớn. Thật là hữu duyên. Đang bàn chuyện viết sách lại gặp nhà văn. Lại còn được tặng sách. Buồn ngủ gặp chiếu manh.

Không chỉ mình tôi, mà tất cả nhóm chúng tôi đều được tặng sách. Ký tên, điểm chỉ, hẹn hò, chớp ảnh ríu ran. Giao lưu văn hóa đúng là không biên giới. Cả chục cuốn sách với hai đầu sách được trao tặng ồn ào, cảm động và thân ái. Tôi hỏi xin gã cái Card, âm mưu hỏi han kinh nghiệm in ấn, phát hành...

Nhưng có điều khiến tôi băn khoăn. Gã đã là nhà văn, đã có sách in hẳn hoi, mà sao trông gã không có vẻ hãnh diện mà cứ ặt ẹo, khúm núm thế nào. Cứ y như việc chúng tôi nhận sách là một sự chiếu cố cho gã.

Chợt nhà sản xuất phim đang đứng cạnh tôi, quay ra hỏi người phụ nữ nãy giờ vẫn bẽn lẽn đi cùng gã nhà văn Đức:

- Thế còn chị, chị làm gì?

-Tôi là biên tập và phát hành sách. Tôi là bạn gái của anh ấy... -Chị nhỏ nhẹ.

Chúng tôi chợt lặng đi. Nhà văn, biên tập và nhà phát hành sách phải mang sách của mình đi rao tặng, gọi nôm na là tiếp thị. Họ đeo một tải sách bên người vào quán. Giá mỗi cuốn sách là...Vị chi là... Mới thoáng qua, tôi đã hình dung một con số. Tôi nhìn họ. Cái túi to như cái bao tải. Vóc ấy, dáng ấy, tâm huyết ấy, đầu tư ấy...

Tôi chợt thấy mắt mình cay cay...

Nhớ lại lời ông cậu thủa hàn vi: Mày cứ nghe cậu. Khéo rồi thành nhà văn đấy. Chỉ cần có năng khiếu, chịu viết, biết mô đi phê. 

Nhưng cậu tôi còn chưa biết, để trở thành nhà văn, nhất thiết phải in sách và phải có tiền để làm cái việc cao cả đó. Tôi bị vẹo xương sống, chắc chắn không thể vác sách của chính mình đi tặng và để cò kéo độc giả. 

May quá. Tôi chưa thành nhà văn. 

Nếu không...

P/s. Hai cuốn sách của gã nhà văn vẫn để trên giá, với bút ký, với một kỷ niệm... Tôi trân trọng nó như một kỷ vật. Nhờ nó, mà tôi không bao giờ dám trở thành nhà văn.

( Kỷ niệm về cuốn sách
Phantom des Gewissens
von Bernard Gesinas)
Thym
14112013

20 nhận xét:

  1. bài viết dí dỏm hay đấy chứ... dựa theo bài này cũng thành nhà văn HIỆN THỰC rồi đó... có không muốn nhận nhà văn cũng ko dc ... hiiiiiiii........ CHÚC BẠN MAU CHÓNG TRỞ THÀNH NHÀ VĂN LỚN...

    Trả lờiXóa
  2. Thế mà bất lâu nay em cứ ngờ chị là nhà văn ấy chứ, viết hay thế mà :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không dám, may quá, lưng chị đang còng, vác nặng hổng có nổi! :D

      Xóa
  3. Đọc xong cái Ẻn này của Thym, Tre bỗng nảy ra ý nghĩ rằng từ giờ mình sẽ chăm chỉ viết, rồi chăm chỉ tập Iôga mấy động tác tốt cho cột sống, rồi cố gắng in (tự in) một tập mỏng mỏng. Và mang tặng Thym. Nhận không nào để còn lên lịch? (Lặng im gõ móng tay xuống bàn)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, nhận, không dám từ chối. :D

      Xóa
    2. Rồi...nhà Thym có chuồng gà đâu? :D
      Đi lang thang, nhặt được câu này của Thym ở nhà người, không nghĩ Thym có lúc lại thiếu tin vào mình đến vậy... :))
      "chúng ta chỉ NÓI VỀ TÌNH YÊU mà CHƯA THỰC SỰ YÊU..."

      Xóa
    3. Không, đấy là Thym hết sức...tự tin. :)

      Xóa
  4. Nhưng viết như thế này thì Thymianka đã là một nhà văn giỏi không như người ta phải: :" Nhà văn, biên tập và nhà phát hành sách phải mang sách của mình đi rao tặng, gọi nôm na là tiếp thị". Đúng ko nào?. Heee!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. . Thym đang buồn, đừng ...trù úm thêm nữa.... :)

      Xóa
  5. Hê hê! chứ kg phải nghe người xưa. . .hù: "Lập thân tối hạ thị văn chương ". . ".Văn chương vô mệnh lụy phần dư" nên Thym sợ hả? Nhưng theo bài mà bói thi Thym đã trót mang nghiệp vào thân rùi hehe

    Hồi nhỏ tui cũng zậy: Nghe bài "văn mẫu" của thằng bạn ,được cô khen rồi đọc giữa lớp, tã con chó, có cái kết luận rất chi là tình cảm, sinh động :". . Hằng ngày em đi học về', nó mừng rỡ, rối rít ve vẫy cái đuôi chạy ra "hôn" chân đón em tận cổng. .".Vài hôm sau có đề bài tã ông nội, tui chớp thời cơ cải tạo một cách sàng tạo liền : "Nhà em có nuôi một ông nội. . .hằng ngày em đi học về, ông nội lăng xăng chạy ra ve vẫy cái gậy đón em. . .

    Chuyện tưởng hết, kg ngờ đến tai mẹ tui, thế là bà sa sã: Này thằng ôn con! nuôi con heo, cám lên giá. . lỗ! nuôi con gà thì dich hát năm,e rờ mười là toi, nuôi con mèo chỉ toàn bắt chuột hàng xóm, cứ theo kinh tế học mà tư duy thì kg nuôi con gì lãi suất cao bằng nuôi. . ông nội mày đâu nhé! mày liệu thần hồn đấy! ổng mà buồn, lỡ lên máu. . .thì tiêu luôn cái sổ hưu, mày lấy gì ăn hoc hả ? hehehe

    Đùa tí cho vui chứ bài này Thym viết hấp dẫn đấy! Hình như có ứng dụng thủ pháp biên kịch, nên dẫn dắt ,gài bẫy nghề lắm. . .Bộ đang viết kịch bản phim hả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra bài này Thym tả thực, có hơi lộng trào một tý nhưng vì nó thực nên rất sinh động.
      Có lẽ Thym bớt dần cái "TÔI" khi viết, để vì cái nhân sinh hơn. Ai khi mới viết đều lấy mình làm khuôn mẫu, đơn giản bởi họ cần giải thoát cho chính tư tưởng, cảm xúc của mình.

      Thym may quá không phải là nhà văn, phúc thế là to lắm :)
      Nhưng đúng như T nói, nghiệp chướng tiền oan hậu...kiết thế nào, mà tự nhiên lại cứ ... phải viết, rồi bây giờ chẳng núp bóng blog được nữa..
      ...
      Thym thử sức mình ở lối văn tưng tửng pha chút bi hài, để xem nhu cầu của bạn đọc thế nào. T thấy sao?

      Xóa
    2. Trâu chưa trả lời thì Tre láu táu vậy!
      Cứ thử đi Thym, Thym chả bảo Tre sống thì phải nên thử là gì. Cí món này của Thym cũng hấp dẫn Tre lắm, tuy là Tre mê "cái tôi" của Thym hơn. hì. Vừa lạ vừa quen. Mà Tre thì "rất ham sự lạ :))"
      Thym không thấy là Tre đọc Thym như một độc giả ư??? :)

      Xóa
    3. Ưà! Nhịp sống công nghiệp hiện đại, căng thẳng, dễ xì choét. . nên dọn món gì nhẹ nhàng, dễ tiêu là ăn . . khách thui, chứ chứa nhiều dưỡng chất mà kg ăn hoặc ăn mà kg tiêu hoá được thì cũng phí . .

      Ngày xưa 2 ông HThanh với HTriều chém chữ, cắt nghĩa, chia phe: vị nhân sinh, vị nghệ thuật, rồi bút chiến tốn giấy mực tui thấy cũng. . . phí.Theo tui, hiệu ứng con chữ dẫn dắt được cảm xúc người đọc là ok rùi.
      Làm ng ta buồn há chẳng phài vị nghệ thuật? khiến ng ta vui há chẳng phải vị nhân sinh? hehe

      Tui luôn ủng hộ Thym 2 tay.
      Dòng Em chảy xiết văn thơ
      Hồn anh xé xác đôi bờ tương tư
      hư hư hư hư hư hư hehe

      Xóa
    4. Có lý, có lý, thực tế mà thực là...tế liền.
      Bắt chước T nói như rứa có đúng k?

      Xóa
  6. Hehe! Viết ẩu sai chính tả từa lưa, sorry một cái!

    Trả lờiXóa
Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang