TUYẾT

 

TUYẾT

===
Có những mùa Đông rất, rất buồn
Nắng trèo lên mái trốn biệt luôn
Quạ đói từng đàn bay rợp nóc
Lòng cứ như pin đã cạn nguồn


Có những mùa Đông rất. Rất kỳ
Tuyết dầy như thể Siberia
Dân tình ngán tuyết thi nhau chửi
Cào tuyết tê tay, lãng mạn gì?


Có những mùa Đông. Những mùa Đông
Cuộn tròn như một đống chăn bông
Ngoài trời tuyết phủ trông ghê quá
Nghe tiếng còi xe cũng nhão lòng


Chỉ có mùa Đông. Với mùa Đông
Sống còn được mất cứ như không
Sờ lên nhan sắc trong như tuyết
Cạo mãi không ra vụn má hồng.
---
Ka
9.2.21
#KiềuthịAnGiang
#ThymiankaThảoNguyên
Berlin ngập ngụa, giãy giụa trong tuyết. Trần đời chưa thấy thành phố này bị tra tấn thế bao giờ. Ngoài trời đang âm 12.









83Bopha Lang, Khúc Thụy Du và 81 người khác
17 bình luận

3 lượt chia sẻ

Thích




Bình luận


Chia sẻ

ĐIỂM MẶT



ĐIỂM MẶT

====
Ta cứ nhớ ta ngày tháng cũ
Nhớ ta buồn. Và nhớ cả ta vui
Ta bỗng thấy ta thương ta quá đỗi
Ta là ai mà gọi chẳng thưa lời?

Ta úp mặt vào gương trần lạnh ngắt
Soi bóng mình lặng lẽ lúc cô phòng
Đời vui thế mà ta đành vội vã
Chớp một ngày trăng đã lặn bên song

Có đôi lúc ta ngỡ thành trẻ nhỏ
Tách bóng mình nhuộm hồn cốt đa mang
Mong manh quá vô tình như sắp khóc
Bọc hoài nghi che đậy chút tâm vàng

Đến ngọn gió cũng làm trăng hoảng sợ
Sợi mây hồng thảng thốt đắp ngang mày
Khi duyên nợ chất đầy như bã giấy
Kiếp sau đòi, hay trả hết nhau đây?

Cạn nốt ly này thôi. Đừng rót nữa!
Chỉ say suông sao biết gạn nỗi buồn
Vui đã trọn. Giờ cuối cùng điểm mặt
Chuyến phù sinh bỏ lại. Ở sau lưng.
----
Ka
25.2.2020
#ThymiankaThảoNguyên #KiềuthịAnGiang










Chuyến xe ma

 

Chuyến xe ma

Có những chuyến xe buồn như nghĩa địa
Ghế không người chỉ thấy những linh hồn
Người hàng xóm đêm qua vừa mới chết
Trong căn nhà vầng trăng đến trao hôn


Những thành phố chưa lên đèn đã đóng cửa ngủ yên
Ai cũng sập trái tim sợ ái tình lên tiếng
Khi không còn tương lai thì yêu là điều hoang tưởng
Ta sợ chạm thân quen
Sợ gương mặt loài người


Chuyến xe đêm nay chật cứng tiếng thở dài
Nhân loại ngủ vùi đợi ngày mai
Một ngày mai không còn khẩu trang che kín mặt
Khi đang sống mà loài người như người nấm mồ đang lấp
Lockdown nào đào huyệt được trái tim?
---
Ka
Photo chụp đêm qua. Cả chuyến xe hai tầng chỉ mỗi mình và bác tài. Mới 8 h tối.









59Bopha Lang, Khúc Thụy Du và 57 người khác
8 bình luận

3 lượt chia sẻ

Thích




Bình luận


Chia sẻ

Tháng Ba



Tháng Ba
----
Thật ra, thời tiết cũng như thói quen, lâu lâu không đụng chạm, ta sẽ xóa dần khỏi bộ nhớ, như xóa đi một ký ức. 

Lần đầu tiên từ Đức về lại Vn, nhiều người kêu thời tiết tồi tệ, nhà cửa sao nhỏ và bẩn thế, phố xá sao chật chội đông đúc thế. 

Thật ra mọi cái vẫn thế thôi. Có điều, xa nhà lâu, trí nhớ của ta chỉ còn lưu giữ lại hình ảnh đẹp đẽ. Phố xá ngày càng đông hơn, đường xá vẫn đầy bụi, cây cối ngày càng thưa thớt, mặt ai cũng che kín bằng khẩu trang, 

Tôi tả cho con gái nghe cái nóng kinh khủng của Vn nhưng chính tôi cũng gần như quên hết mùa hè ở đấy nóng đến mức nào. Để rồi phì cười khi con bé nhận xét về cái nóng nhiệt đới lúc vừa xuống sân bay: Mama, có cái gì rất nóng cứ chạm vào lông tay con, đuổi nó không đi.

Ôi chao là cái thứ đuổi không đi!

Tôi cũng quên cái lạnh dấm dứt rất không đàng hoàng của mùa đông Bắc Việt. Lạnh một đợt rền rĩ trêu ngươi, kèm theo mưa phùn nhớp nháp, nếu thập thò tý nắng còn tệ hơn, nắng hanh hanh làm cho da dẻ người ta nẻ tuếch nẻ toác và mốc ra như da rắn. Tường nhà ẩm mốc, bám đầy bụi. Lọ đường không đậy nắp thế nào cũng chảy nước. Đó là một dấu ấn không dễ chịu gì.

Nhưng có một lần tôi về Hn vào tháng Ba. Nắng đã mây mẩy từ sáng, vỡ òa lúc non trưa và điều hòa đã hoạt động trở lại gần như cả ngày. Còn chưa biết thích nghi với cái nóng thế nào thì ào một cái, sau một đêm, người Hà nội đã vội lôi áo ấm và chăn bông ra đùm nhau lại một cục. Vừa co ro rét mướt, vừa nghe ngóng xem hôm nào ông trời giở mặt với nàng Bân.

Chỉ có một lần vấp phải cái tháng Ba dấm dớ ấy thôi. Mà nhớ đến tận bây giờ. Mùi hoa nhài cong cớn thơm suốt đêm trên sân thượng ở góc bể nước mưa đậy tấm ngói xi măng bị nứt một mảnh. Sáng ra, nhìn rõ những bông hoa trắng như ngô rang rắc đầy trên lớp lá xanh, đẫm nước. Cây hồng cuả mẹ lúc lỉu hoa. Không hiểu sao mẹ thích thắp hương hồng vàng, tỷ mỉ bẻ hết gai, mà ban thờ thì cao cao là, muốn ngắm ké hoa của mẹ mà chỉ thấy những đốm hương li ti tự đốt cạn mình và khói hương la đà, rất đậm. Giờ lưng mẹ còng, thắp hương phải bắc ghế. Bát hương cũng đâu có cao gì, nhìn rõ mấy bông hồng mẹ mới hái. Mình cũng già rồi, trách gì mẹ không bé lại còn một nhúm thế kia...

Tháng Ba. Lá bàng đú đởn phun đầy lộc non. Hoa Sưa vung vãi ân tình cho người thành phố. Đã trắng nhễ trắng nhại lại còn thơm. Thơm thế thôi, hoang đàng, xa xỉ và từ ái, đâu cần ta trả lại chút gì. Và người ta đốn nó đi, tham lam, độc ác, vô học như những kẻ sống vội. Chúng đâu biết yêu một mùi hương, cũng không biết tự yêu lấy mình. Uổng phí một lần được làm Người trên thế gian.
Trong một bài thơ duy nhất nói về hoa Sấu, tôi viết rằng hoa Sấu có màu trắng và một chị nhà văn nói rằng hoa Sấu có màu vàng.

Từ đấy đến nay, tôi vẫn chưa có dịp nhìn lại hoa sấu, không biết thật sự là trắng hay vàng. Nhưng trong những tấm ảnh mà người ta chất đầy trên mạng, quả thật, hoa sấu có màu vàng, lấm tấm một thứ vàng mơ hồ như không có thật. Ký ức cũng sai lầm nhưng có thể sửa chữa.

Cái gì cũng có thể sửa chữa, dẫu là ký ức hay lỗi lầm. Trừ tình yêu.

Khi ta đã cho đi, vào cái khoảnh khắc ấy, ta đã sống rất thật, rất người. Còn gì thảm họa bằng kẻ sinh ra trên đời không biết yêu, càng không biết cách yêu?

Tháng Ba. Đất trời rục rịch vào xuân. Tất cả các dòng sông đều chảy. Hết thảy cây cỏ đều ứ mầm. Mọi tâm hồn đều tái sinh.

Trừ tội lỗi.
...
Ka
032019

Sinh nhật

 

Sinh nhật

Vào lần sinh nhật thứ 25 của mình, tôi làm party lần cuối cùng. Lần cuối, bởi tôi cảm nhận, từ đây, mình sẽ già.


Đêm hôm ấy, đông lắm. Cả một tầng ký túc xá ào đến, chật cứng cả căn phòng 70 mét vuông. Toàn nam thanh nữ tú, thơm lừng mùi xịt Fa, nữ sơ mi cắm thùng, nam giầy lười áo trắng, ai nấy tóc tai rặt một kiểu tung tóe như súp lơ xoăn tít có tên gọi là chiến hạm nổ tung. Hầu hết đi tay không đến góp vui. Không ai mang hoa. Hoa là cái gì đó xa xỉ, dù tôi đã có lần tự mua cho mình một chục tuy lip của một người làm vườn, vào một ngày đầu tháng Năm lạnh buốt.


Sau đêm sinh nhật, cả phòng dùng xà phòng Fa mệt nghỉ. Xà phòng Fa hồi ấy mua trong Intershop giá 1DM, hình như đổi 20 Mark thì được một bánh xà phòng, là thứ rẻ nhất thì phải.


Rượu bia tưng bừng, mặt mũi phừng phừng, nhạc Modern Talking tuôn ra ầm ầm từ cái Sharp 9999, khách khứa vừa bập bùng nhảy disko như giã gạo, vừa đảo mắt như đảo lạc canh giờ. Đúng giao thừa, sẽ khui vang nổ, chúc mừng năm mới, quên xừ nó chủ nhân của bữa tiệc, xong tất cả nhắm mắt nhăn mặt uống những ly Sekt hiệu Cô Bé Quàng Khăn Đỏ chua loét, một thứ Champagne Đức bình dân, vẫn còn bán đến tận bây giờ.


Tôi cầm cái thiệp chúc mừng của một người bạn tặng, có con số 25 to tướng. Lâu rồi không nhớ bạn viết gì, chỉ nhớ cái con số 25 ai oán. Tôi hiểu rằng, chả mấy chốc, mọi cái sẽ đảo ngược, 25 thành 52, đó chính là một chặng đường, một cuộc đời. Bao buồn vui, biến trải, thăng trầm và định đoạt trong những con số vô tri ấy. Một kiếp người.


Ai vui mừng khi được người ta chúc mừng sinh nhật, tôi thì không. Một lần già đi, dịch chuyển về phía bên kia. Thêm một tuổi, thêm một bồ kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm ấy, tiếc thay, chả ai cần đến, dù có viết trăm cuốn sách, chế tạo cả núi danh ngôn. Người đi sau vẫn lần lượt thực hiện đúng sai lầm của họ, cái đó, gọi là tuổi trẻ, là sống.


Ngày sinh nhật của tôi trùng với ngày tết. Ngày xưa có đôi chút tủi thân vì hầu như người ta mải đón tết mà quên đi người có sinh nhật. Ngày nay, lại thấy mừng vì sự lãng quên ấy. 


Mẹ tôi đẻ năm đứa con. Cụ không ghi chép gì mà nhớ như in ngày giờ sinh từng đứa. Bố tôi thì nhớ ngày sinh nhật của các con chỉ vì ông mê sách. Ngày bé, sinh nhật tôi, bao giờ ông cũng tặng sách và ép tôi phải đọc hết. Đến khi tôi nghiện sách rồi, ông không tặng sách nữa. Ông cũng dừng chúc chiếc tặng quà, y như lớn thì không có quyền được yêu thương. Ông có lẽ không biết những món quà nhỏ bé cùng lời đề tặng từ bút tích của ông là những món quà đẹp nhất tôi từng nhận được trong đời. Nó là những hạt mầm thành hoa trong tâm hồn cằn cỗi quê kệch của con gái ông sau này.


Khi có con, chồng tôi không mua quà cho vợ nữa, dù thoạt đầu, tôi đã cưỡng bức anh làm điều đó. Tặng quà không phải chỉ là thói quen. Đó là một phần của nghệ thuật sống mà ai cũng cần phải học. Sau này, mấy bố con họ lập ra danh sách những thứ mẹ còn thiếu, hay thích, rồi bố chi tiền, con đi mua, âm thầm hợp đồng tác chiến lừa bà già suốt cả thập kỷ, khiến hai bên đều hỷ hả. Thôi thì niềm vui ấy cũng an ủi được nỗi buồn già thêm một tuổi, mỗi độ xuân về.


Bố mẹ tôi là người không có sinh nhật. Và các cụ bằng lòng với điều đó đã gần thế kỷ nay, bất chấp các con phản đối. Thời loạn lạc, khai sinh còn chả có, lấy đâu ngày sinh? Các cụ lý luận thế, mặc nhiên chối bỏ ngày sinh nhật, coi đó như một thứ đua đòi tiểu tư sản.


Giờ, mới thấy các cụ khôn ngoan. Những người không có sinh nhật, là những người không bao giờ sợ già. Chỉ lớn lên và nhìn con cái quanh mình trưởng thành, đong cho đầy niềm vui, chẳng phải là một cách sống thiền hay sao?


Những người không có sinh nhật, vốn không có tuổi. Họ là những triết nhân.
---
Ka
Photo: hoa rơi trên đất vẫn là hoa.
Thơ cổ Nhật bản.









98Bopha Lang, Khúc Thụy Du và 96 người khác
26 bình luận

Thích




Bình luận


Chia sẻ

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang