Sinh nhật

 

Sinh nhật

Vào lần sinh nhật thứ 25 của mình, tôi làm party lần cuối cùng. Lần cuối, bởi tôi cảm nhận, từ đây, mình sẽ già.


Đêm hôm ấy, đông lắm. Cả một tầng ký túc xá ào đến, chật cứng cả căn phòng 70 mét vuông. Toàn nam thanh nữ tú, thơm lừng mùi xịt Fa, nữ sơ mi cắm thùng, nam giầy lười áo trắng, ai nấy tóc tai rặt một kiểu tung tóe như súp lơ xoăn tít có tên gọi là chiến hạm nổ tung. Hầu hết đi tay không đến góp vui. Không ai mang hoa. Hoa là cái gì đó xa xỉ, dù tôi đã có lần tự mua cho mình một chục tuy lip của một người làm vườn, vào một ngày đầu tháng Năm lạnh buốt.


Sau đêm sinh nhật, cả phòng dùng xà phòng Fa mệt nghỉ. Xà phòng Fa hồi ấy mua trong Intershop giá 1DM, hình như đổi 20 Mark thì được một bánh xà phòng, là thứ rẻ nhất thì phải.


Rượu bia tưng bừng, mặt mũi phừng phừng, nhạc Modern Talking tuôn ra ầm ầm từ cái Sharp 9999, khách khứa vừa bập bùng nhảy disko như giã gạo, vừa đảo mắt như đảo lạc canh giờ. Đúng giao thừa, sẽ khui vang nổ, chúc mừng năm mới, quên xừ nó chủ nhân của bữa tiệc, xong tất cả nhắm mắt nhăn mặt uống những ly Sekt hiệu Cô Bé Quàng Khăn Đỏ chua loét, một thứ Champagne Đức bình dân, vẫn còn bán đến tận bây giờ.


Tôi cầm cái thiệp chúc mừng của một người bạn tặng, có con số 25 to tướng. Lâu rồi không nhớ bạn viết gì, chỉ nhớ cái con số 25 ai oán. Tôi hiểu rằng, chả mấy chốc, mọi cái sẽ đảo ngược, 25 thành 52, đó chính là một chặng đường, một cuộc đời. Bao buồn vui, biến trải, thăng trầm và định đoạt trong những con số vô tri ấy. Một kiếp người.


Ai vui mừng khi được người ta chúc mừng sinh nhật, tôi thì không. Một lần già đi, dịch chuyển về phía bên kia. Thêm một tuổi, thêm một bồ kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm ấy, tiếc thay, chả ai cần đến, dù có viết trăm cuốn sách, chế tạo cả núi danh ngôn. Người đi sau vẫn lần lượt thực hiện đúng sai lầm của họ, cái đó, gọi là tuổi trẻ, là sống.


Ngày sinh nhật của tôi trùng với ngày tết. Ngày xưa có đôi chút tủi thân vì hầu như người ta mải đón tết mà quên đi người có sinh nhật. Ngày nay, lại thấy mừng vì sự lãng quên ấy. 


Mẹ tôi đẻ năm đứa con. Cụ không ghi chép gì mà nhớ như in ngày giờ sinh từng đứa. Bố tôi thì nhớ ngày sinh nhật của các con chỉ vì ông mê sách. Ngày bé, sinh nhật tôi, bao giờ ông cũng tặng sách và ép tôi phải đọc hết. Đến khi tôi nghiện sách rồi, ông không tặng sách nữa. Ông cũng dừng chúc chiếc tặng quà, y như lớn thì không có quyền được yêu thương. Ông có lẽ không biết những món quà nhỏ bé cùng lời đề tặng từ bút tích của ông là những món quà đẹp nhất tôi từng nhận được trong đời. Nó là những hạt mầm thành hoa trong tâm hồn cằn cỗi quê kệch của con gái ông sau này.


Khi có con, chồng tôi không mua quà cho vợ nữa, dù thoạt đầu, tôi đã cưỡng bức anh làm điều đó. Tặng quà không phải chỉ là thói quen. Đó là một phần của nghệ thuật sống mà ai cũng cần phải học. Sau này, mấy bố con họ lập ra danh sách những thứ mẹ còn thiếu, hay thích, rồi bố chi tiền, con đi mua, âm thầm hợp đồng tác chiến lừa bà già suốt cả thập kỷ, khiến hai bên đều hỷ hả. Thôi thì niềm vui ấy cũng an ủi được nỗi buồn già thêm một tuổi, mỗi độ xuân về.


Bố mẹ tôi là người không có sinh nhật. Và các cụ bằng lòng với điều đó đã gần thế kỷ nay, bất chấp các con phản đối. Thời loạn lạc, khai sinh còn chả có, lấy đâu ngày sinh? Các cụ lý luận thế, mặc nhiên chối bỏ ngày sinh nhật, coi đó như một thứ đua đòi tiểu tư sản.


Giờ, mới thấy các cụ khôn ngoan. Những người không có sinh nhật, là những người không bao giờ sợ già. Chỉ lớn lên và nhìn con cái quanh mình trưởng thành, đong cho đầy niềm vui, chẳng phải là một cách sống thiền hay sao?


Những người không có sinh nhật, vốn không có tuổi. Họ là những triết nhân.
---
Ka
Photo: hoa rơi trên đất vẫn là hoa.
Thơ cổ Nhật bản.









98Bopha Lang, Khúc Thụy Du và 96 người khác
26 bình luận

Thích




Bình luận


Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang