NGƯỜI HÀNG XÓM SỐ NHÀ 69





NGƯỜI HÀNG XÓM SỐ NHÀ 69
===
Hồi mồ ma bà cụ Weiss còn sống, thỉnh thoảng tôi được cụ cho ăn bánh táo. Bánh cụ làm thơm phức, thoảng vị ngọt dịu chứ không ngọt đến nhức đầu kiểu khẩu vị của người Đức. Giống táo Jonagold cụ trồng ở vườn nhà, chua dịu và mọng nước làm bánh rất hợp. Tôi mê đã đành, bạn bè tôi cũng mê, nhất là sau lần triển lãm tranh, cụ mang đến một khay còn đang hôi hổi nóng và nhưng nhức thơm mùi táo, mùi bơ, và nhất là mùi bột quế xay nhỏ mịn phớt trên bề mặt như một làn sương mầu nâu nhạt. Sợ bí quyết bị thất truyền vì cụ đã gần 80, tôi đề nghị cụ dạy làm bánh và thế là tôi được cụ mời đến nhà.

Cụ Weiss sống một mình, như tất cả mọi người già ở Đức. Không chó, không mèo, không đàn ông, không con cái. Nhà cụ sạch phát sợ. Tôi cảm giác một sợi tóc rơi ra cũng là thất lễ nên đi lại rón rén y như khách. Nhưng trái lại, cụ rất thoải mái. Tôi được phép làm tất cả mọi thứ tôi thích, kể cả nằm cuộn tròn trên đi văng xem vô tuyến hay lôi đống ảnh trắng đen cụ vẫn để ở phòng khách ra ngắm nghía, tra hỏi.

Cụ chỉ vào một người sĩ quan SS rất đẹp trai, mặt lành lạnh, bảo, đấy là người đàn ông duy nhất của tôi. Ông ấy đã chết ở Kiev. Chết trận. Cụ ôm tấm ảnh vào lòng, vẻ như hối lỗi vì đã có một ông chồng là phát xít Đức. Bông hồng trắng cắm trong lọ trước tấm ảnh vẫn còn rất mới. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước nỗi uẩn ức của cụ chỉ vì là vợ một phát xít Đức dù đã tử trận. Không biết phải nói gì lúc ấy, tôi đành im lặng rồi lảng sang chuyện khác.

Sau đợt làm bánh ấy, tôi chính thức trở thành bạn của cụ, nghĩa là có thể đến chơi không cần hẹn trước, trêu ghẹo cho cụ cười sằng sặc và nghe cụ tâm sự bập bõm về chuyện đời. Cụ không nhắc đến chồng nữa nhưng ảnh ông bao giờ cũng có hoa tươi.

Một hôm, đang ngồi chén món bánh táo trứ danh với cà phê ở hiên nhà cụ, bỗng thấy cụ đang cười tự nhiên im bặt, rồi gọi tôi vào trong nhà, kéo rèm, vẻ kém vui. Thấy tôi ngơ ngác, cụ bảo, lại thằng cha ấy.

Tôi không biết thằng cha ấy là thằng nào, kiên quyết vạch rèm ngó ra. Chả có ai trên ban công đối diện, ngoài một cụ ông râu bạc, tóc bạc và ngay cả lông mày cũng bạc nốt.

- Có ai đâu cụ? Tôi hỏi.

- Thằng chả đấy. Lão Schwarz.

- Có một ông râu tóc bạc phơ thôi. Ổng này không đen.

- Cháu chả hiểu gì cả. Schwarz là tên lão. Cũng như Weiss là tên bà vậy.

- Ông Đen tóc trắng ông ấy làm gì bà ạ?

- Tuần nào cũng tặng hoa hồng trắng.

Tôi ớ người. Ra tặng hoa cũng là một dạng khủng bố.

Schwarz là người khách thường xuyên chống gậy mua một bông hồng trắng, hóa ra là để tặng bà Weiss. Ông đi còn không vững, có hôm phải có người dìu.

- Ông tặng hoa bà? Là ổng có ý gì với bà? Ổng tán bà?

Bà cụ đỏ mặt, tay vân vê cái tạp dề:

- Rồi bấm chuông, rồi ngồi lại đến nửa đêm. Có hôm còn ngủ gật trên ghế, bà phải lay gọi rồi dìu ông ấy về tận nhà.

Tôi khoái chí nhìn bà cụ bẽn lẽn kể chuyện bị giai tán mà cố không lộ ra nét vừa sững sờ vừa buồn cười.

- Bà ơi, sao bà và ông không dọn về ở cùng nhau? Cho có bầu có bạn. Vừa vui lúc tuổi già vừa đỡ tốn tiền nhà?

- Để làm gì hả cháu? Để hầu lão ấy hay để làm tình? Lại còn nhìn nhau qua ánh nến, mở nhạc Valze nữa chứ. Cháu ơi, bà chỉ có một người đàn ông trong đời thôi. Ông ấy là người đến sau.

Bà cụ đọc một câu thành ngữ, nói theo kiểu ngôn ngữ bọn trẻ trâu bây giờ là "không có cửa".

- Nhưng ông ấy đến với bà không phải để làm tình đâu. (Tôi che miệng cười). Cho đỡ cô đơn thôi.

- Lão sám hối đấy. Chính lão là người đã bắn ông Weiss.

Cả hai chúng tôi đều im bặt. Lần này thấy mắt cụ có nước.

Khoảng một tháng sau, tôi không thấy ông Đen đến mua hồng trắng nữa. Lần này thì bà cụ Weiss mua. Hai bông.

- Họ chết cả rồi cháu ạ. Hai người đàn ông của đời bà.

- Cụ Đen cũng mất rồi ạ?

- Ừ. Mất rồi. Họ chết cả rồi.

Tôi nhìn hai bông hồng trên tay bà.

Bà cụ lại đỏ mặt:

- Ông Đen là mối tình đầu của bà đấy. Nhưng bà lại lấy ông Trắng. Họ là bạn và sau này là kẻ thù của nhau.

Trông cụ thoắt già xọm đi. Không biết gánh nặng trên vai cụ, mối thù của hai người đàn ông, hai người tình, với mối thù bên kia chiến tuyến, mối thù nào nặng hơn. Lúc ấy, tôi biết cụ sẽ không sống được bao lâu nữa.

Tôi nghĩ mình sẽ hỏi chuyện cụ thật nhiều để biết thêm về cuộc tình thế chiến éo le của cụ. Nhưng chưa kịp thì bà cụ Weiss đã mất sau đó không lâu, mang theo cả bí mật về hai người đàn ông trong cuộc đời cô độc của bà.

Ngôi nhà số 69 của cụ có gia đình khác dọn đến, nghe bảo đó là người thừa kế duy nhất của cụ. Hôm họ dọn nhà, tôi thấy họ vứt đi một xe đầy rác, có cả những tấm ảnh trắng đen và những bông hồng trắng đã héo khô.

Sau này tôi không thích ăn bánh táo nữa. Chúng vô hồn, nhạt nhẽo, không bao giờ còn ngon như bánh táo của cụ Weiss, người hàng xóm số nhà 69.
...
Ka
19.01.2020
KiềuthịAnGiang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang