TẤN TRÒ ĐỜI MANG TÊN ÔNG



TẤN TRÒ ĐỜI MANG TÊN ÔNG
===
Những ngày cuối năm, cái tên NGẠN bỗng dưng gây sóng gió trên mạng.

Ngạn của Mắt Biếc gây xôn xao thương nhớ cho những kẻ từng có một miền thơ ấu, mơ một tấm vé đi tuổi thơ.

Ngạn của Thúy Nga Paris báo động về tình trạng khan hiếm gạch đá, cạn kiệt tình người.

Cá nhân tôi thích một ông Ngạn chừng mực trên sân khấu, tỉ mỉ đến nhẫn nại khi viết văn, và điêu luyện đến mẫu mực khi đọc văn của chính mình phục vụ miễn phí cho hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Từ ông già be bé đến các em tre trẻ, từ cô nàng vui vẻ đến các dư luận viên, có thể nói không ai chưa từng một lần nghe nhắc đến tên ông. Thậm chí, tận hưởng thành quả sáng tạo của ông.

Những người hân hoan khênh đá ném giập đầu ông già hơn 70 có khi lại là những kẻ đã từng hau háu chờ từng truyện ma mới nhất của ông. Những người lên mặt dạy dỗ ông lòng tri ân và kính trọng tổng thống Mỹ, có khi cũng là những người tìm xem cho bằng được mỗi cuốn Thúy Nga Paris mà không nghi ngờ gì nữa, ông chính là linh hồn. Tôi chắc chắn sẽ không theo Paris by night lâu đến thế nếu không có Nguyễn Ngọc Ngạn. Tôi cũng không hình dung Thúy Nga Paris trong hình hài như thế nào nếu vắng bóng MC độc đáo có ba chữ N. Ông là người tìm và mang cô Kỳ Duyên về cho Thúy Nga. Dù trước ông, người ta đã tổng kết: mỗi gia đình Vn ở hải ngoại đều có hai thứ không thể thiếu đó là chai nước mắm và cuốn băng Thúy Nga Paris.

Nước mắm thì phải có mùi
Thúy Nga có Ngạn cuộc vui mới tròn.

Người viết những vở hài kịch cho Thúy Nga không ai khác chính là Nguyễn Ngọc Ngạn. Kịch của ông vừa hài hước sâu cay, lại có nốt trầm nhân văn và đẫm triết lý răn đời. Chính vì thế, nó là cái đinh của từng đêm diễn. Có vở, lượng wiew lên đến gần trăm triệu tính đến thời điểm này. Mỗi vở, ông đều đo ni đóng giầy cho từng nhân vật. Ông biết tìm người, dùng người và tạo ra người. Từ Chí Tài chuyên vai ngu đến Bằng Kiều vừa ngây ngô vừa tinh quái, ông còn khai sinh ra cái tên cho nhóm kịch Thúy Nga. Trong số những người được ông bồi da đắp thịt và dựng lên đó phải kể đến cô Bé Tý mới vừa đăng đàn mạt sát ông: "Có thể ăn bậy nhưng không được nói bậy".

Hơn 20 năm đứng trên sân khấu, ông thổi hồn vào từng cuốn băng với chủ thức "hữu chiêu thắng vô chiêu". Chiêu ở đây là kiến thức. Ông mang văn hóa Việt đến cho người Việt bằng con đường văn nghệ. Nhiều điều ông nói là mực thước. Ông chịu tra tài liệu, giỏi sưu tầm, khảo cứu, hòng mang đến cho khán thính độc giả Việt khắp năm châu những lý giải chuẩn xác nhất.

Nguyên là một nhà giáo, sĩ quan tâm lý chiến, nhà văn, MC, biên kịch, trợ lý văn hóa văn nghệ... của một sân khấu lớn nhất không chỉ riêng Hải Ngoại (nhiều chương trình chi phí hàng triệu US $, thuê cả đạo diễn vũ công người ngoại quốc dựng vũ đạo....)- không thể nói ông không am tường chính trị. Vụ việc gần đây chỉ có thể nói là một tai nạn nghề nghiệp.

Sểnh chân khó đỡ. Sểnh miệng khó lường. Tôi luôn nghĩ một lúc nào đó phải viết đôi dòng về ông vì lòng biết ơn. Một nhà văn có lẽ là duy nhất mà tôi đã nghe đến thuộc lòng tất cả các bản Audio có giọng đọc của chính ông. Nếu có một cái tên nào đó đáng tri ân nhất ở hải ngoại trong công cuộc truyền bá và giữ gìn văn hóa Việt, tôi chọn ông Nguyễn Ngọc Ngạn.

Nhưng tôi không ngờ lại viết về ông trong hoàn cảnh này, một ngày cuối cùng của năm 2019. Là nhà văn, trái tim ông hẳn nhạy cảm. Tôi biết, ông đau. Đau vì ông tưởng, ông có nhiều kẻ thù. Nhưng hóa ra, bây giờ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông mới biết, ông có nhiều kẻ thù thật.

Có lẽ tôi và ông không có duyên gặp mặt. Hôm vừa rồi, ông đến Berlin với vai trò MC, tôi đã không có mặt, dù chỉ để gửi đến ông một lời cám ơn.

Ông là người rành rẽ, khiêm cung, như tính cách của nhiều trí thức phía Nam tôi đã biết. Biết nhiều nhưng không huênh hoang vỗ ngực, luôn tự lấy mình ra giễu cợt và để cho người ta giễu cợt, ông thấu hiểu cái hài bình dân của người Việt nhưng dù vậy, ông có đôi chút nhầm lẫn ở đây. Ông lầm, vì ông tưởng người Việt ưa đùa và biết cách đùa. Có lẽ, ông sẽ phải học lại sự hài hước mà ông là cha đẻ. Ở vở bi hài kịch lớn nhất này, ông bị đóng vai nạn nhân.

Có lẽ ông sẽ chọn cách im lặng. Để viết về một vở bi kịch đầu tiên của nghiệp sáng tác.

Biết đâu, đó lại là tác phẩm suất sắc nhất trong nghề cầm bút mang tên: tấn trò đời
....
Ka
31.12.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang