BỐ MẸ ƠI, TỰ LẬP ĐI !



BỐ MẸ ƠI, TỰ LẬP ĐI !
======
Cách đây không lâu, người anh họ của mình bị tai nạn giao thông chết. Ngay lập tức, chỉ chờ có thế, cô con dâu đuổi bố mẹ chồng đã gần 90 ra đường vì ông bà đã sang tên toàn bộ tài sản cho con trai khi họ vẫn đang sống. Theo luật, chồng chết, vợ được hưởng gia tài. Ông bà thành người ăn nhờ ở đậu vô tích sự ngay chính trong ngôi nhà mà cả đời đã tích cóp gầy dựng. Người già, cần nhất là an toàn phòng thân, hai bác đã làm ngược lại, đưa mình vào thế bị động, trao hết tài sản cho người khác, dù đó chính là con ruột mình thì cũng là một sự đặt cược đầy rủi ro. Vô gia cư do con cái bạc đãi, có lẽ chuyện xảy ra như cơm bữa ở xứ mình.

Một người bạn ở Vn quen qua fb nhờ mình tìm nhà cho con gái cô, con bé đang học đại học ở Berlin. Trong tin nhắn, cô khẩn khoản đến tội nghiệp vẽ ra một hoàn cảnh bi đát nào là con không có nhà, sắp trở thành vô gia cư, nào là con bé nhút nhát, ít giao tiếp, y như một thảm họa khiến mình cũng phát hoảng. Sau khi chờ mãi mới liên lạc được với cô nàng, vì sợ nó đang ôm túi ngủ ngoài gầm cầu, mới biết nàng đang vi vu tận Spanien với bạn trai, còn nhà sở dĩ chưa thuê vì nhà cũ vẫn chưa cắt hợp đồng và cô nàng còn đang kén chọn. Khi mình phản hồi, bà mẹ mới nhỏn nhẻn rằng mẹ lo cho con nên mới thế. Vâng. Lo nên mới điều khiển từ xa, mới cầm đèn chạy trước máy bay, mới tưởng tượng ra những bi kịch trong khi con gái đã trưởng thành và đi du học được những 8 năm rồi! Người mẹ trẻ ấy không hề biết cách buông con, cũng không biết cách sống cho mình. Cô tâm sự, cô là mẹ đơn thân, cô sống cuộc sống của con gái, không có quan hệ nào khác ngoài quan hệ mẹ con, cho con đi du học, tám năm đối với cô là cơn ác mộng. Cô chới với.

Một người bạn khác khoe vừa tặng quà sinh nhật cho con gái, làm ruốc cho cháu ngoại, chi tiền cho mẹ con nó đi taxi về thăm ông bà. Hỏi sao phải chi tiền, chúng nó không có tiền sao? Chúng nó có tiền. Nhưng tao nhớ cháu quá, không làm thế chúng nó không về. Lại hỏi thế sinh nhật mày chúng nó tặng gì? Chưa bao giờ tặng gì. Lại còn vay tiền thường xuyên không bao giờ giả. Hôm rồi tao mua cái xe, mơ ước tích cóp cả đời tao. Thế là nó tị, nó bảo, mẹ ích kỷ, mẹ chỉ biết lo cho mẹ, con xin tiền thì mẹ không cho. Mày dạy lại con đi. Mình bảo. Làm mẹ sai rồi bạn ơi! Biến con thành một thứ tầm gửi, nhỏ thì ăn hại, lớn thì ăn bám, vô ơn, chỉ lo bòn rút và trách móc là lỗi ở cha mẹ đã không dạy dỗ đến nơi đến chốn. Dạy con biết quan tâm, tặng quà cha mẹ dù chỉ là một món quà tinh thần chính là dạy con làm người tự lập, sống biết ơn và có trách nhiệm. Lúc bé đã không dạy, đến khi con đã làm cha làm mẹ vẫn y nguyên sự vô trách nhiệm và vô ơn như thế. Mày biết sao không sửa. Không cắt viện trợ? Tao biết nó hư nhưng tao không làm được. Mà chúng nó có nghèo đâu. Có tiền mang con đi du lịch khắp nơi, trong khi mẹ chẳng dám đi đâu vì xót của.

Những câu chuyện trên đây chỉ là những ví dụ trong muôn vàn câu chuyện về công cuộc làm cha mẹ của người Việt ở trong nước. Người thì thì trao hết tài sản cho con rồi bị đuổi ra đường. Kẻ khác lại quá phụ thuộc vào quan hệ mẫu tử đến mức rời con ra là chới với không nơi nương tựa, chỉ còn biết ngóng theo con héo hắt qua ngày. Người khác lại răm rắp tuân theo mọi đòi hỏi của con kể từ hầu hạ đến tiền bạc, dù bị con cái thờ ơ vô tâm vô trách nhiệm cũng nghiến răng chịu tổn thương chứ quyết không thay đổi. Bởi họ tưởng rằng như thế mới là yêu con. Thế đã bao giờ bạn tự hỏi, còn mình, ai sẽ chăm sóc yêu thương mình? Đến mình còn không biết tự yêu và lo cho mình thì sẽ là ai?

Những gia đình người Đức họ không như vậy. Họ tự lập về kinh tế, chỉ chăm sóc con cháu chứ không hầu hạ. Con cái ngược lại cũng không ai biến cha mẹ thành ô sin của mình, như thế là bóc lột, bạc đãi. Ông bà có thể giúp đưa đón trẻ con, trông cháu những khi bố mẹ chúng có việc bận, nhưng chỉ làm với sự vui thích và như là một sự trợ giúp. Nuôi dưỡng con cái là bổn phận của cha mẹ, không phải việc của ông bà.

Người Đức chuẩn bị rất tốt cho tuổi già. Họ thảnh thơi chăm sóc nhau, đi du lịch khắp nơi, tận hưởng mọi dịch vụ y tế để được trường thọ. Đức là quốc gia thuộc top tuổi thọ cao nhất thế giới.

Người Đức phân minh về tiền bạc, không ai sang tên toàn bộ gia tài cho con khi mình còn đang sống. Ngược lại, họ viết di chúc từ rất sớm. Một người bạn học của mình trong ví luôn có tấm thẻ hiến tạng đã nhàu nhĩ. Đấy cũng là một dạng di chúc.

Người Đức cũng chuẩn bị tốt kỹ năng sống cho con, để khi chúng trưởng thành là tự lập, không phải dựa vào cha mẹ. Tuy là dạy con tự lập nhưng chính là một cách để bố mẹ tự lập. Không dựa vào con cái, không trở thành gánh nặng của con cái, bắt chúng phải phụng dưỡng, cũng là một cách giúp cho tuổi già của người Đức thanh thản đúng nghĩa nghỉ hưu sau cả một đời cống hiến. Khi quá già không thể tự chăm sóc cho mình thì vào viện dưỡng lão, chấp nhận cô đơn nhưng không nhờ vả làm phiền bố con thằng nào. Mà khi đã vào đây rồi, tức là đã gần đất xa trời, thì cũng vui vẻ và thanh thản chấp nhận vì đã được sống một cuộc đời trọn vẹn, viên mãn.

Tất nhiên cũng còn tùy hoàn cảnh, nhiều gia đình không có điều kiện ra ở riêng, vài ba thế hệ quần tụ trong một mái nhà. Nhưng ngay cả như thế cũng cần rạch ròi, nhất là đừng sang tên nhà đất cho con ngay khi mình còn đang sống, để rồi biến thành ô sin đứa ở trong nhà. Luôn phải dành cho mình một chỗ lùi cũng như tích cóp ít nhiều phòng thân.

Để có một tuổi già yên ấm, người Việt cần học cách dạy con tự lập và lòng biết ơn. Có được hai điều ấy, mọi đứa trẻ đều vào đời tự tin và ít vấp ngã. Ngược lại, cũng nhờ đó, cha mẹ học được cách tự lập cho chính mình, không bấu víu và phụ thuộc con cái, điều ngăn cản cả hai bên cùng được hạnh phúc, thay vì làm khổ nhau.

Có quá khó không, các bạn?
----
Ka
17.01.2020
2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang