HƠI ẤM ĐÀN BÀ


 HƠI ẤM ĐÀN BÀ

===

Đến cùng tận nỗi đau đàn bà sẽ biết thương nhau

Sẽ biết tựa vai nhau (dẫu muộn màng) để tìm hơi ấm 

Sẽ biết nâng niu chính mình vì cuộc đời quá ngắn

Tát cạn nỗi đau mình để chạm nỗi đau người...


Đàn bà không yêu mình là đàn bà nông nổi, thiệt thòi

Chỉ biết dâng trái cấm cho người để nhận về quả đắng

Khi cây đời cắm chân vào bùn lắng

Say đắm trao rồi

Ngửa nắng đợi trời giông


Đàn bà phải yêu mình để yêu nồng nàn hơn

Không so đo ngắn dài hoài nghi toan tính

Dám sống đến tận cùng dám ngẩng đầu kiêu hãnh

Phải biết cho đi. Và phải biết nhận về!


Là đàn bà dù đã cũ mèm như cây trổ trái mùa

Vẫn là đàn bà đến tận cùng chân tơ kẽ tóc

Biết mỉm cười nhẹ tênh vượt lên bao khó nhọc

Vẫn cho ai chờ, đâu đó,

Một bàn tay.

---

Ka

12.7.2017

#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên


Sáng nay có người "trả lại" mình một trong số hàng trăm bài thơ đã "lưu trữ trên đám mây điện toán" (lưu để họa cho bõ ghét). Cám ơn sự "đáng ghét" của Tất Toàn Nguyễn. 


Mình bị mất nick cách đây nửa năm, theo hình thức thời thượng là add vào nhóm ất ơ rồi đăng ảnh nhạy cảm. Và anh Mark thông thái tất nhiên không trả lại bất chấp mọi kiện cáo. 


Mình có thói quen rất dở là toàn viết thơ bằng di động vì tranh thủ lúc giải lao hay di chuyển ngoài đường. Cho nên rất ít bản được lưu lại.

May ăn ở không hiền mà vẫn gặp lành, bạn đọc đã lưu lại khá nhiều. Nhạc sĩ Tri Nguyen, ông bạn Quan Le Anh, cô Mai Mùa Xuân, nhạc sĩ Du Thụy Khúc... đã cứu nguy hàng trăm bài thơ của Ka như thế. Riêng tên Du, lưu cả trăm bài, khi cần, tìm được đúng một bài. ;)


Cám ơn thơ. Cám ơn những tấm lòng.


Bạn nào share thơ Ka làm ơn coppi cất đi hộ nhé. Rất có thể một hôm nào đó Ka sẽ hậu tạ. ;)

ĐỪNG LÀM PHIỀN!



ĐỪNG LÀM PHIỀN!

Có lần ra nghĩa trang Đức, tôi thấy một tấm bia đơn giản trên ngôi mộ quây bằng đá sơ sài: Đừng làm phiền!

Người Đức sống kỷ luật, kín đáo, kiên cường và vị tha. Ngày thôi nôi không đình đám, sinh nhật long trọng nhưng vừa đủ vui. Sự kiện quan trọng nhất đời người là nhập trường, lễ trưởng thành và đám cưới vàng. Nhưng dù là đám cưới giấy, vàng bạc hay kim cương gì thì luôn chỉ diễn ra với một nhóm người, không vì thế mà kém vui. Khi chết cũng vậy. Sống đã không ầm ĩ, chết cần gì phô trương?

Gần đây, dân Việt lại nức nở truyền nhau cái thông điệp được cho là lạ lùng của nhà văn ngôn tình Quỳnh Dao: "Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ... Mẹ chẳng có gì cả lúc chào đời thì lúc đi cũng mong được đơn giản gọn ghẽ, sau này, tiết Thanh Minh cũng không cần cúng bái mẹ, vì mẹ đã không còn tồn tại. Huống hồ trái đất ngày một ấm lên, đốt giấy đốt hương đều đang phá hoại địa cầu. Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời".
Đúng vậy, chết là việc hết sức riêng tư, chỉ liên quan đến thân quyến. Người ngoài biết gì mà can dự? Mà can dự hay thật ra là làm phiền người vừa nằm xuống?

Tự nhiên nhớ đến những cáo phó rầm rộ trên fb, những cái chết ồn ào, những bài viết nóng hôi hổi hối hả tri ân người vừa qua đời... Y một cú sốc điện khi mà tấm thân kia đã được cấp phép yên nghỉ.
Chết là sự chuyển tiếp vĩ đại nhất của vật chất. Vẫn còn một đời sống khác bên kia thế giới, đời sống ấy vô cùng vô tận để ta không phải bon chen giành giật, phải đeo mặt nạ, phải nghe lời thị phi, phải chứa đầy lỗ tai những thứ rác thô lậu của ngôn từ. Một đời sống huyền ảo và vô định nhưng chắc chắn viên mãn hơn hiện tại, vì có ai đi mà trở về đâu? Nếu có, chỉ để sống an nhiên và tỉnh thức hơn mà thôi.
Với tôi, bất kỳ một người nào đã đi qua đời tôi, khi họ ra đi, tôi đều không hề cảm thấy một khoảng trống nào hết. Có chăng, chỉ là như người lâu ngày không gặp. Họ vẫn còn đó, trong trí nhớ, trong tâm thức, không vì sự ra đi ấy mà lãng quên hay cách biệt.

Cái chết cần được hiểu như kết thúc một quá trình, vậy thôi. Và ở giai đoạn nào, ta cũng nên dùng hết năng lượng tích cực được trao. Điều đó mới thật đáng kể. Dài ngắn quan trọng gì. Chết như nào, ầm ĩ hay lặng lẽ, không đáng nói. Đáng nói là người ra đi cần thanh thản và ấm áp trong sự thấu hiểu của những người thân.

Sống không cần nhiều. Chết càng cần tối giản. Gào rú rầm rĩ chỉ làm bận lòng người đi xa.
Hãy để người chết lưu trú trong tình cảm tự nhiên của người đang sống. Thứ tình ấy tự nhiên, vô nhiễm, không cần trang kim lấp lánh, không loạn ngôn lộng chữ và không thể mua được bằng tiền.
~~~~~
Ka

17.11.2019

Nhân nghĩ về những cái chết, dịp lễ tảo mộ của người Đức.








105Khúc Thụy Du, Bopha Lang và 103 người khác
33 bình luận

8 lượt chia sẻ

Chào để chết


 Chào để chết

Tôi thấy ông từ xa, xiêu vẹo đi lại phía tôi như sắp đổ trên hè phố. Khi nhận ra tôi, ông cố rảo bước lại gần, lẩy bẩy và hổn hển như sợ chậm hơn thì tôi sẽ biến mất.
Ông bảo, tôi cứ sợ không gặp lại cháu nữa. Tôi cần chào cháu một câu trước khi chết. Cháu biến đi đâu cả tháng nay thế hả?
Mấy hôm nay hầu như ngày nào tôi cũng ngóng ông. Vì hôm trước, chồng tôi đã nói, nhìn ông rất yếu. Tôi đã trách, sao anh không gọi em. Em phải gặp ông ấy.
Như có linh tính, hôm nay, tôi có mặt đúng lúc ông đi qua. Người đàn ông một nửa cuộc đời mang căn bệnh tiểu đường, lần lượt chôn bốn đứa con vì bốn lý do khác nhau, luôn nở nụ cười và không bao giờ đánh mất sự hài hước, người luôn gọi tôi là Lotus Flower, người luôn coi tôi vừa là bạn, vừa là con gái, người đã cho tôi những lời khuyên quý báu nhất làm thay đổi cuộc đời tôi...
Tôi phải đi chạy thận lọc máu tuần ba buổi rồi cháu ạ. Bác sĩ họ bảo tôi phải nhập viện vì tim và phổi đều hư hỏng hết rồi. Nhưng nằm viện ít nhất cũng phải ba tuần, không ai được thăm nom, để làm gì. Thôi tôi ở nhà, rồi từ đó vào nghĩa địa gần hơn.
Ông cười.
Vợ ông đâu? Tôi hỏi. Bà ấy đang nằm massage bên kia. Ông chỉ sang bên kia đường. Bả đau lưng. Tôi phải đưa đón bà ấy chứ. Đàn ông mà. Ông lại cười, nháy mắt hóm hỉnh.
Khi nói chuyện, ông phải nhìn vào miệng người đối diện để đoán, vì ông bị điếc đã lâu. Tiểu đường nhưng kiêng khem rất kỹ, ông không hề bị biến chứng. Nhưng ông điếc nặng. Và mấy năm nay, có lúc ông đã phải dùng xe đẩy. Cái xe giúp ông vịn tay và ngồi thở khi cần. Hôm nay, tôi thấy ông đi tay không, vác theo một túm cà rốt tươi vừa mua ngoài chợ nông sản. Cái túm cà rốt trông bạc nhược và lủng lẳng trên tay ông.
Xe của ông đâu? Tôi gắt. Ông lại cười, vẻ hối lỗi vì bị bắt quả tang. Tôi vứt nó đi rồi. Nó chả giúp gì đâu. Rồi ông khoe: dạo này tuần nào tôi cũng bị ngã đến mấy lần. Tất nhiên là người ta phải kéo tôi dậy. Có hôm họ gọi xe cấp cứu. Ở đây tôi quen biết tất cả. Đến con chó nó cũng biết tôi là ai. Họ đưa tôi về nhà. Chết ở đâu cũng thế thôi. Nhưng tôi không thích nằm nhà thương và đợi chết. Tôi là bạn rất thân với thần chết, chúng tôi thân đến mức sẽ không cần gửi giấy triệu tập làm gì. Tôi cứ sống, và anh ta cứ thi hành phận sự.
Tôi không thể an ủi gì ông. Tôi cười, miệng méo xệch. Chết mà vui như hội và lại còn đi khắp nơi chào hỏi như này thật hoan lạc quá nhỉ. Tôi ôm chặt lấy ông, mặc kệ con corona có thể đang rúc rích cười hăm dọa ngay bên cạnh.
Tôi sẽ rất nhớ ông. Tôi bảo. Ông không nghe thấy. Tôi cũng yêu ông. Tất nhiên là ông cũng không nghe. Ông điếc mà.
Cám ơn ông vì tất cả. Tôi nói. Lần này thì ông nghe vì ông nhìn vào miệng tôi. Ông gật gật.
Tôi không ân hận gì nữa. Cháu là người cuối cùng tôi cần chào trước khi chết. Ông bảo. Mặt vẫn hớn hở, dù vừa nói ông vừa thở phì phò như kéo bễ.
Cháu phải tận hưởng cuộc sống từng giây từng phút và phải luôn làm cho mình hạnh phúc nhé, Lotus! Ông dặn tôi. Lần này thì tôi gật cật lực. Tôi đã làm theo lời khuyên ấy dễ có đến gần 20 năm...
Ông nói: Chủ nhật nào tôi cũng đi lễ nhà thờ. Tôi rất ngoan đạo dù tôi chẳng cần đến chúa. Nếu có chúa, ngài đã chẳng mang các con tôi đi như thế. Với tôi thì không sao, bà nhà tôi mới là vấn đề. Bà ấy phải chôn đến 4 đứa con, giờ lại chôn thêm cả tôi nữa, quá bận rộn với cuộc đời một người phụ nữ. Ông tỏ ra giận dỗi.
Tôi đi rồi sẽ không ai đưa bà ấy đi massage mỗi ngày. Bà ấy sẽ không ra khỏi nhà nữa, vì không có ai gọi dậy, bả vốn lười. Giọng ông thoắt buồn, và lần này như có ngấn nước trong đôi mắt mờ đục.
Chưa thấy ai chuẩn bị cho sự chết hân hoan và minh triết như ông. Cũng chưa có buổi nói chuyện nào kỳ lạ và đầy cung bậc cảm xúc như buổi nói chuyện với người đàn ông đi chào mọi người để chết. Ông càng đón đợi, thần chết càng đỏng đảnh. Có lẽ ông đã chào đến mấy vòng, nhưng bông hoa Sen của ông có lẽ là người cuối cùng.
Tôi biết, ông sắp toại nguyện. Xung quanh ông, người ta chết cả rồi. Ông đi đám ma tất cả mọi người, trông chừng lũ trẻ hàng xóm và không nhầm một ai. Ông luôn thấu hiểu như một nhà tiên tri.
Nhớ ngày các con còn nhỏ, ông đã bảo tôi: con gái của cháu có tố chất một nghệ sĩ. Tôi thấy nó đứng dưới vườn hoa, chắp tay sau đít, ngước nhìn hàng giờ lên bức tượng. Tôi khi ấy còn chưa nhận ra con gái mình có tố chất nghệ sĩ ngoài việc thấy con bé rất nhút nhát. Con bé bây giờ là nhà thiết kế đồ họa và mẫu ảnh của nhiều tạp chí.
Lần khác, ông khen thằng Cua đĩnh đạc và rất ngoan, luôn chào hỏi hàng xóm. Tôi ngờ ngợ vì sự ngoan và đĩnh đạc của chính con mình. Ở nhà, Cua chây lười và ương ngạnh. Nhưng rồi, hóa ra ông đã đúng.
Ông luôn khen tặng tôi rất hào phóng. Cháu như một bông hoa Sen ấy, nhìn cháu người ta cũng muốn nở hoa. Tất nhiên tôi biết ông thiên vị. Nhưng lời khen quả là tàn độc. Nó làm tôi luôn phải phấn đấu, để được là một bông hoa sen mỗi khi ông gọi tên, cho đỡ xấu hổ vì chả liên quan gì đến Sen 😉
Ông luôn trò chuyện, lắng nghe bằng giác quan thứ sáu, và bằng sự gần gũi của người cha. Dù ông với tôi vốn chỉ là hai người hàng xóm.
Ông năm nay dễ đến 80 rồi nhỉ. Tôi giả vờ, như mọi khi. Và ông luôn bị mắc bẫy, sung sướng được đính chính lại: 86 rồi đấy cô ạ.
Lần này ông chẳng có vẻ vui khi có người đoán ông trẻ đến 6 tuổi. Một trò rất trẻ con mà tôi học được từ người Đức.
Tôi biết, ông sẽ không có sinh nhật thứ 87 của đời mình.
Không bao giờ nữa.
Chuông nhà thờ vừa gióng lên những hồi chuông rền rĩ. Tôi biết, tôi sẽ mãi mãi nhớ về ông.
~~~~
Thứ 6. 13.11.2020
Hình ảnh có thể có: đêm và trong nhà
Khúc Thụy Du, Đào Diệu Nhật và 115 người khác
50 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

THÌ LÀ ĐEN. PHƯƠNG THUỐC CỦA NHỮNG NHÀ TIÊN TRI


 THÌ LÀ ĐEN. PHƯƠNG THUỐC CỦA NHỮNG NHÀ TIÊN TRI

====

Thì là đen. Black cumin. Schwarzkümmel. Bạn nghe gì về nó chưa? Nếu có, bạn đã biết gì về loại hạt này?


Trên tay mình là chai dầu ép từ hạt thì là đen, một phẩm vật đến từ Ai Cập. Xưa thật là xưa, thứ đồ uống huyền bí này đã được nữ hoàng Ai Cập dùng để xức tóc, bôi da, làm đẹp, bùa chú ái tình, còn các Pharaoh cách đây 3 ngàn năm đã để vào trong quan tài như một chất bảo quản tuyệt hảo nhất chống lại sự tàn phá của thời gian. Hiện những xác ướp này cùng hạt thì là đen còn trưng bày tại viện bảo tàng Cairo. Thứ hạt mà khi còn sống, các thầy thuốc cổ đại đã dùng để trị bệnh cho cả thường dân lẫn vương quyền, từ trẻ con đến ông già bà lão. 


Còn ngày nay, chỉ cần ngồi nhà, nhích chuột, anh Amazon sẽ mang đến tận nhà thứ đồ uống thời thượng này. Giá cả rất khác nhau tùy chất lượng và nguồn gốc. Từ Ai cập đến Hy lạp, từ Trung đông đến Ấn độ... Bạn chỉ cần có một chút can đảm. Nó không quá tệ đâu. Tất nhiên, nếu muốn, bạn có thể mua viên nén, hoặc dùng loại hạt rắc lên đồ ăn như một thứ gia vị. Trông chúng giống như vừng đen, nhưng có mùi vị đặc trưng, và đắt hơn chục lần. Nếu nó chỉ là một thứ gia vị, mình chẳng nhọc công ngồi gõ những chữ này đâu. Thì là đen, thứ mới được y học hiện đại phát hiện lại cỡ chục năm nay và được y giới công nhận là phương thuốc thành công nhất đến từ thiên nhiên.


Câu chuyện bắt đầu từ khi một chị bạn đến chơi. Thấy mình phàn nàn về những khó chịu của những vết thâm nơi bắp tay, chị bảo, sao không thử dùng thì là đen? Chị đã từng bị nứt hai bàn tay do một căn bệnh về da, các bác sĩ Đức đều bó tay với đủ thứ thuốc trong uống ngoài xoa. Rồi một bà tây ở cửa hàng thuốc thảo mộc khuyên chị thử dùng thì là đen. Sự thần kỳ đến ngay sau đó ít hôm. Tay chị se lại, mềm và dần khỏi hẳn. Sự kỳ diệu chưa đến với mình ngay. Nhưng sau khi uống nửa lít dầu này mình nhận ra, da mình mềm và đàn hồi hơn rất nhiều. Nó rất khó uống, nhưng nếu mình uống được thì bạn cũng uống được thôi. Và khi đọc hết bài viết này, bạn sẽ hiểu tại sao mình lại viết về nó. 


Một bà hàng xóm kể, bà đã chữa bệnh corona với thì là đen.  Tại sao không? Thì là đen là thứ rẻ nhất tăng cường hệ miễn dịch. Cháu bà, bị bệnh tăng động, và bà đã giải quyết nó bằng cách trộn vào cháo mỗi ngày một thìa thay vì dùng thuốc tây. Bác sĩ cũng khuyên với trẻ bị tăng động, nên dùng dầu thì là đen vĩnh viễn. Con gái bà bị tắc sữa- thì là đen. Chồng bà đau dạ dầy co thắt, thì là đen. Bà là người Thổ, dân tộc này dùng thì là đen như ta dùng hạt vừng vậy. Họ ăn mỗi ngày. Bạn hãy nhìn da họ mà xem. Trắng mịn, rất ít vết nám và trứng cá. Thì là đen khiến các bác sĩ da liễu thất nghiệp.


Một thời gian rất dài, thì là đen bị y học hiện đại làm cho thất truyền. Sự trở lại của thứ hạt huyền bí này rất tình cờ. Con ngựa đua của con gái ông bác sĩ Peter Schleiche bị khó thở. Mọi liệu pháp chữa trị đều bị cấm do luật thi đấu. Một túi hạt thì là đen từ Ai cập trộn vào thức ăn đã giúp cho chú ngựa hết hen và giành chiến thắng. Chưa hết, bệnh nhân tiếp theo là một nhân vật... to hơn ngựa. Đó là cựu bộ trưởng y tế Đức, ông Zimmermann thuộc đảng CSU . Ông này bị lên cơn hen và phải thở ô xy, sau khi được chữa khỏi bằng thì là đen thì mê đến nỗi lên truyền hình lăng xê cho nó rầm rầm. Nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc về thì là đen đã trả lại ngôi vị cho nó, môn thuốc của những nhà tiên tri. Chỉ trong 10 năm trời đổ lại đây, thì là đen đã trở thành thứ thuốc được săn lùng đến nỗi ngày nay người ta phải tăng sản lượng lên gấp bội để cung cấp cho toàn thế giới.


Vậy trong thì là đen có gì mà ghê gớm thế? Xin thưa, trong cái hạt bé xíu ấy chứa hơn 100 tinh chất khác nhau. Toàn những thứ quý giá có ích cho cơ thể mà mình sẽ không liệt kê ra đây vì nó rất khô khan và mất thời gian gõ chữ. Đại loại dùng lâu dài nó triệt tiêu được hàng tỷ thứ bệnh. Nhớ là dùng lâu dài, và nó có tác dụng từ từ, nhất là với những bệnh lưu niên. Chứ đau ruột thừa mà uống thì là đen thì chả ăn thua đâu. 


Đầu tiên phải kể đến căn bệnh hàng đầu là ung thư, cao huyết áp, mỡ máu, sỏi thận, hỗ trợ chức năng và bảo vệ gan, chống ô xy hóa, chống bức xạ từ hệ tiêu hóa, giảm viêm và cứng khớp, tim mạch... Nhưng thành tích đáng nể nhất là thì là đen chữa khỏi bệnh hen suyễn và dị ứng như dị ứng thời tiết, bụi, phấn hoa- căn bệnh kinh khủng của dân châu Âu. Chưa hết, chàm, nấm, đau dạ dày, đau bụng kinh, táo bón, rụng tóc, khô da, trứng cá, đau đầu, cảm cúm, sốt, nhức răng... thứ gì thì là đen cũng giải quyết được. Giảm đau tiêu viêm, nào bôi, nào uống, nào rắc lên bánh mỳ, trộn salad, xào nấu, ăn sống nuốt tươi... Ôi trời ơi, chừng đó đủ để ông thì là đen xứng đáng ngạo nghễ ngự trị trong mỗi ngôi nhà của bạn, từ phòng khách đến nhà bếp, từ toilet đến tủ thuốc. Một cách trang trọng. 


Thôi để kết thúc màn trao vương miện cho thì là đen, xin trích dẫn lời của nhà tiên tri Mohamet vĩ đại của người Hồi giáo: "thì là đen chữa được mọi bệnh tật, trừ cái chết". Còn người Thổ nhĩ kỳ thì nói, câu chuyện về thì là đen là câu chuyện ngàn lẻ một đêm- tức  không bao giờ có hồi kết.


Bạn có thể dùng thì là đen dưới dạng gia vị. Nhưng món ăn của người Việt mình không thích hợp với mùi này, nên kinh nghiệm là hãy dùng dưới dạng uống. Nếu khó uống trực tiếp, bạn có thể dùng viên nén, nhưng đắt hơn và cũng không tốt bằng. Với mình, mùi thì là đen không dễ chịu gì, nhưng mình đã dùng nửa lít và chắc sẽ dùng nó suốt đời. Chồng mình đã ngậm nó trong một lần viêm họng như người ta ngậm thuốc, sau đó quả quyết, đã hết viêm họng. Chỉ sau đúng một lần!


Dầu nhất định phải được ép lạnh để đảm bảo không bị phân hủy. Mỗi lần không quá một thìa canh, dùng sau bữa ăn, đừng uống lúc đói sẽ bị nôn hoặc rất khó chịu. Phụ nữ có thai dùng được nhưng không được lạm dụng, dễ gây chuyển dạ sớm. Ở liều nhỏ, nó có tác dụng chống co thắt do đó có tác dụng đẩy lùi các cơn đau đẻ sớm.


Dầu thì là đen trộn với dầu oliu bôi lên tóc chống rụng tóc nữa nhé. Mình chưa thử vì mình không ưa mùi này, huhu.


Nếu nhà nuôi chó, bạn có thể trộn dầu thì là đen vào thức ăn hoặc bôi vào lông để chống ve chó. Nhưng đừng làm thế với mèo, chúng sẽ chết đấy.


Nào, bạn còn chần chừ gì mà không vác một chai về để tăng cường hệ miễn dịch cho cả nhà mùa covy đi. Đó là thứ tốt nhất mình từng biết và vì thế, bớt chút thời gian giới thiệu cho các bạn.


Nhớ là kiến thức dùng để chia sẻ, không phải để bán hàng online. Mình không bán dầu hay bất kỳ thứ gì liên quan đến thì là đen.


Được biết ở Việt nam hiện đã có bán thì là đen. Theo mình biết, nó chỉ đắt hơn dầu Oliver chút ít. Các bạn lên mạng tìm, họ bán cả hạt giống. Cây thì là đen  có hoa rất đẹp, màu xanh biếc, vàng hoặc trắng, có thể trồng làm cảnh. 


Chúc các bạn khỏe để kiên cường mùa covy.

...

Ka 

#KiềuthịAnGiang #ThymiankaThảoNguyên

Die Mauer im Kopf- Bức tường trong đầu



Die Mauer im Kopf- Bức tường trong đầu

Một phóng viên báo người Việt ở Mỹ hỏi mình, hồi đó Đông Đức (DDR) khổ lắm đúng không? Phải phân phát tem phiếu nên đời sống thiếu thốn lắm?

Chắc người dân sống ở tư bản cho rằng đã là xhcn thì ở đâu cũng đói khổ và sở dĩ nước Đức thống nhất thuần túy là vì lý do kinh tế.

Mình ngơ ngác. Đến phóng viên còn hiểu về chế độ Đông Đức thời xhcn sai lệch thế, thì người dân bình thường hiểu như thế nào?

Hồi đó, đồ ăn thiết yếu ở Đông Đức bán ê hề và rất rẻ vì được nhà nước trợ giá. Có nhiều cửa hàng còn bán cả bánh đa nem Vn. Quần áo trẻ em cũng trợ giá, cho nên cỡ như Oskar, em bé còi cọc trong tác phẩm Cái Trống Thiếc của Guenter Grass nếu còn sống ở thời này sẽ viên mãn vì được hưởng chế độ quần áo trẻ em đến hết đời. Đông Đức chỉ không có tv màu, xe BMW, chuối nhập khẩu và quần bò levis mỏ đỏ made in usa nên mấy ông cộng mới phất lên nhờ gạ bọn tây may quần bò gọi bằng từ chuyên môn là "bắt số đo". May xong, bò ra sàn nhà tắm vảy axit và thuốc tẩy bí truyền cho nó loang lổ gọi là bò mốc. Trên đường phố hồi đó, có những công dân Đức chơi cả cây bò mốc hãnh diện trông như vừa ngã vào thùng vôi bột. Những thùng hàng đầy xe môkích, mifa, áo lông, xà phòng hoa hồng, xú chiêng màu da người và xích líp phụ tùng các thứ ... gửi về Vn cũng là từ những thâu đêm may quần bò, rảy hóa chất chế tác ra bò mốc. Có lẽ danh từ "cộng mốc" dùng để chỉ người Việt sang Đức lâu năm là từ đây chăng?

Lại cũng phóng viên hỏi, hồi đó chị có vượt tường sang bên tây không? Có. 

Những ngày ấy tất cả các cửa biên giới lúc nào cũng như thùng thuốc súng. Dân đứng tụ tập đông kinh khủng. Trong khi các ông nhớn còn đang bàn thảo nên mở hay không mở tường và khi nào mở thì dân Đức tụ họp khắp nơi bắt đầu từ Leipzig rồi bùng nổ ở Berlin với một khẩu hiệu vĩnh viễn đi vào lịch sử: Chúng tôi là nhân dân! 

Sau câu nói được coi là "nhỡ miệng" của Guenter Schabowki trong buổi truyền hình trực tiếp ngày 9.11, hàng ngàn người Đức đã tràn qua bức tường. Mình không có mặt trong dòng người lịch sử đó bởi đang làm ca đêm. Cả xưởng tây ta gần như chả làm ăn gì. 

Sau đêm 9.11.1989 định mệnh, dân Đông Đức chỉ cần trình hộ chiếu Đức là được qua, lãnh mỗi người 100 DM coi như quà herzlich willkommen của người anh em phía tây. Mình chui bên dưới chân họ, lừa lúc cảnh sát đang bận kiểm tra người Đức, dọt qua. Rét run. Đêm tháng 11 không một mẩu trăng sao. Đứng uống cốc cà phê đen ngòm ngay dưới chân nhà thờ cụt, giá gấp 20 lần do đổi ngoại tệ và không được trợ giá, mà lơ mơ hiểu rằng, tự do có thể mua được bằng tiền, nhưng nó quá đắt và cũng không ngon như ta tưởng.

Sao đã sang Tây Đức mà quay lại? Ủa, cái gì đợi tôi ở phía trước? Không công ăn việc làm, không nhà ở. Chẳng lẽ vào trại tỵ nạn kiếm cái ăn qua ngày? Đâu có bị thúc ép hay đảng phái nào trù dập mà phải đánh đổi tất cả? Ở bên Đông Berlin tôi cũng đang có tất cả mà? Có nhà ở, có việc làm và có đầy đủ các chế độ. Đâu phải cứ thấy người ta nhà cao cửa rộng xe đẹp, thế là mình chỉ cần đạp bỏ bức tường, chả cần tích lũy phấn đầu gì, trong chớp mắt đã được ngang bằng như họ?

Đông Berlin hồi đó yên bình đến lạ. Vắng. Nhiều công viên, nhiều tượng Lenin với Karl Marx, còn có cả một con phố mang tên Ho Chi Minh ở quận Hohenschoenhausen. Cả nước xếp hàng chờ mua xe ô tô Trabbi hay Wartburg làm bằng bìa carton. Không có ăn xin, ai cũng có việc làm và nhà ở. Giờ, chỉ riêng Berlin đã có gần chục ngàn người vô gia cư và cả triệu người thất nghiệp. Sáng sáng, những người vô gia cư mắt hoen dử bày cái cốc nhựa xin tiền, xin được xu nào lại đổ vào cồn, say xỉn lại nằm vật ra nằm cả đống ngay nhà ga. Cảnh sát chán chả buồn hót. Mà hót đi đâu? Đến có tiền có việc làm còn không kiếm được nhà mà thuê, nữa là.

30 năm sau khi thống nhất. Báo chí ầm ầm khoét sâu sự thật là người dân Đông Đức vẫn cảm thấy mình là công dân hạng hai. Cái thứ hạng ấy phải hiểu như thế nào. 

Tây Đức giàu cực. 60 tỷ DM là cái giá mà ông thủ tướng Helmut Kohl khi đó đã rót cho nước Nga vĩ đại để đổi lấy cái câu hỏi định mệnh của ngài Gorbachev: bao nhiêu?
Bao nhiêu? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xhcn. Câu đó nghe nhiều đến mức thuộc nằm lòng. Những con người luôn được bao cấp đến tận chân răng, làm sao bơi nổi trong nền kinh tế thị trường. Công dân hạng nhất thế nào được khi bản thân họ, từ trong sâu thẳm, vẫn là những đứa trẻ nằm ngửa bú những bình sữa khổng lồ của ông liên bang. Những kẻ trưởng thành thực sự, họ đã tự vận động và ra đi từ lâu rồi. Đi để cống hiến, tìm cho mình chỗ đứng thích hợp, để thay đổi và gột rửa cái tư duy bú mớm đã ăn sâu nhiều thế hệ. Tận bây giờ, khi làm chung với cả đồng nghiệp Ossi (Đông Đức) lẫn Wessi (Tây Đức), mình hiểu rõ sự khác biệt lớn lao nằm ở chính con người. Mà cái chính sách cào bằng, đổ đồng rồi chia đều, đã có đảng và nhà nước lo, nó kéo lùi tất cả từ tư duy đến sự cống hiến với sức nặng khủng khiếp. Bức tường chưa phải là vấn đề. 30 năm chưa gột hết được đâu.

Có lẽ 30 năm nữa? Mà đời người, được mấy cái 30?

P/s Nhân dịp kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin phá bỏ, kênh truyền hình ZDF có đưa ra kết quả thăm dò ý kiến. Trong khi có tới 46% người dân phía đông cho rằng họ bị đối xử như công dân hạng hai, thì chỉ có 17% bên tây thừa nhận điều này. 

Die Mauer im Kopf. Bức tường trong đầu có lẽ là một khái niệm hiện hữu. Nó tồn tại dai dẳng ngay cả khi bức tường thật sự đã bị dỡ bỏ.
---
Ka
(Bài năm ngoái, post lại)
Photo: bức tranh tường lịch sử, hiện vẫn tồn tại trên bức tường Berlin, gần cầu Jannowitz chia đôi hai thể chế suốt 28 năm.



MỘT NÕI NHỚ KHÁC

 MỘT NỖI NHỚ KHÁC


Nhớ nhà là một nỗi nhớ hết sức diệu vợi, trang trọng và... bản năng nhất của thuộc tính người. Ai cũng có một căn nhà để nhớ, một nơi chốn để đi về. Nếu không có gì để nhớ, sự bất thường ấy chỉ có thể gọi là bất hạnh.


Từ lâu tôi không còn cảm giác nhớ nhung bất cứ điều gì. Mọi cái tôi cần, mọi điều tôi có, đều nằm ở ngay trái tim.


Chưa quen múi giờ, nửa đêm tỉnh dậy nhớ... đường tàu. Đó là nơi duy nhất tôi muốn quay trở lại bởi tôi tin, đó là nơi người ta không thể phá bỏ.


Vớ vẩn. Bao lâu nay vẫn thế. Ăn uống sinh hoạt yêu đương và đẻ đái ngay bên đường ray. Những kiếp sống nghèo và tận cùng của cơ cực trong lòng thành phố phồn hoa, như xóm liều, bãi tạm vậy thôi.  Bỗng một ngày đẹp trời tây ba lô kháo nhau về một nơi check in coffe rất độc. Thế là đánh. Mất mỹ quan à? Hay phạm luật? Có luật nào cấm một người dân mở quán ngay trong hiên nhà của họ? 


Nếu đã không thể cấm họ xây nhà ngay đường tàu, thì còn lâu mới cấm được họ lập quán. Có khi còn cám ơn họ, nhờ những bốt cà phê có 102 này Hà nội sẽ nặng lòng du khách hơn. Không phải hồ gươm lờ đờ tăm cá hay tây hồ bị bê tông hóa cứng ngắc cả tầm nhìn.


Chú bán hàng bảo,  chúng em bán cà phê lâu lắm rồi chị ạ. Tây đến uống và ta cũng uống. Không sợ tai nạn đâu chị. Một ngày chỉ có hai chuyến tầm 7 h và 7h 45 tối. Họ kéo còi từ rất xa. Quen rồi ạ.


Hai bên đường tàu, trong những quán cà phê cực cá tính, đông oặc khách. Đó là nơi duy nhất tôi nhìn thấy những gương mặt thư giãn, thảnh thơi, những nụ cười nhẹ nhõm và điệu bộ nhàn tản- vâng, gần như duy nhất, trong suốt 21 ngày ở Vn.


Hà nội chật như nêm, ồn ào và chen chúc điên cuồng đến mức cảm tưởng chỉ thở thôi cũng là một việc cần phải giành giật. Ở giữa những nơi này, hai bên đường ray, là một cuộc sống rất khác. Khác với tôi, với bạn, với đa phần người Hn.


Quán nào cũng kín người. Mọi ánh mắt đều dõi ra đường tàu ngóng chờ và quan sát. Mà ngóng chờ gì nhỉ, tàu còn lâu mới đến. Mới 10 h sáng. Họa sĩ đua nhau khua chổi. Nam nữ hối hả tự sướng, tràn lên, bò ra đường tàu. Tây ta hớn hở như nhau. Một bà xoe xóe mắng con vì dựng xe máy chắn lối đi. Bên cạnh, bếp than tổ ong xình xịch nồi thức ăn nghèo cho bữa cơm trưa. Hai cô gái quê hai hộp cơm bụi ngồi phệt ngay trên đường ray, nón ngửa ra trễ nải, hai thúng bánh rán tơ hơ quẳng ngay bên cạnh. Con chó nhỏ nằm phủ phục dưới chân hai du khách tây, trong cái chòi cà phê bé chỉ bằng bụi chuối, hai người ngồi còn chật.


Bên ngoài là một thế giới khác. Ở đây trên đường ray xe lửa là một thế giới khác. Không bụi, không xe cộ, không lưu thông, không cảnh sát. Một thế giới biệt lập dường như không luật pháp.


Các vị rảnh đi mà cấm xả rác, đái bậy, chó chạy rông, đỗ xe vô tội vạ lấn chiếm lòng đường. Còn ty tỷ việc phải làm cho một thành phố tử tế hơn trong mắt du khách. Sao bỗng dưng đi đập bể nồi cơm của những mảnh đời vốn chẳng có gì để mất?


Ơn trời, đất ở đây rồi lên giá. Mong cư dân đường tàu đổi đời nhờ những lệnh cấm giời ơi mà giời thì, bị vi bụi che xừ nó mất rồi!

---

Ka.

Viết ở Berlin, đêm đầu tiên quay trở lại.


MÂY



MÂY

===
Mây rỗ mặt. Tôi chưa thấy ai mặt rỗ mà xinh. Nhưng chị xinh thật. Ngăm ngăm da dâu, tóc xoăn và răng khểnh, Mây, nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ trâu bây giờ là "đốn tim" khối anh, trong đó có tôi.

Mây rất thích chụp ảnh. Trong gia tài thủa học trò của chị, những tập album đủ cả cắp cặp trèo cây, chống tay vuốt má mơ màng, nhưng nhiều nhất vẫn là những tấm ảnh chị đeo tràng hạt, bận nâu sồng, chít khăn, chắp tay buồn rười rượi không biết giống Lan hay thị Kính. Tôi rất ám ảnh bởi những tấm ảnh ấy, một thiếu nữ mới 16 tuổi thích vào vai chú tiểu trong chùa, trong khi ngoài đời chị lúc nào cũng cười. Tóc xoăn, răng khểnh, min tu mà vẫn xinh và quyến rũ.

Thế mà Mây chọn anh Trâu. Trước hôm chị đi Đức học nghề 7 năm, Trâu về ra mắt nhà chị, kết thúc chuỗi ngày hẹn hò thậm thụt cấm đoán của phụ huynh. Anh Sửu, mà bọn trẻ con chúng tôi gọi là Trâu, hiên ngang đi ra đi vào, cố ưỡn tấm lưng hơi gù, trông đỡ bé nhỏ và đen đúa hẳn. Anh đóng quân ngay gần đó, cuỗm được cô gái ngoại thành vừa mới lớn, nhẽ phải gọi anh là chú. Bác Xuân mẹ chị khoe, hai bên hẹn hò chờ đợi nhau dững 7 năm. 7 năm, nghe như một truyền thuyết, tôi nhìn chị, thầm hỏi, chị có người yêu, sao lại thích chụp ảnh đi tu. Chắc vì buồn nên chụp ảnh càng xinh. 

Ba năm sau, chị đã về, không phải 7 năm như dự định. Chị ngồi giặt ở sân, bọt xà phòng tây ngập đến khuỷu tay, thơm lừng cả khu tập thể. Xa xa, đàn trâu nhà ai đang thũng thẵng gặm cỏ. Gió đồng thổi lồng lộng tung cả bọt xà phòng, vương lên tóc chị.

Chị hát véo von. Long lanh mắt. Mòng mọng môi. Ong óng đáy lưng ong, chỉ mái tóc xoăn vẫn xoăn như cũ. Chị gọi tôi vào nhà, cho kẹo. Cái kẹo thơm như không thể thơm hơn được nữa. Cả căn phòng sực mức mùi tư bản, mùi tây, mùi Mây.

Trong cái vali vương giả của một người vừa trở về từ thiên đường XHCN, tôi nhìn thấy tấm ảnh Suzi Quatro cài trên nắp, như mốt thời bấy giờ. Suzi mặc bộ đồ da đen bó sát người, ôm cây đàn guitar, mái tóc tém chiến hạm nổ tung đầy ấn tượng.Tôi xin chị tấm ảnh. Chị gật cái rụp. Tôi ngước nhìn chị đầy ngưỡng mộ, không hiểu sao chị cho tôi một món quà vô giá như thế mà không đắn đo. Thằng Bắc, em chị, mồm ngậm hẳn hai cái kẹo, khoe, chị tao sắp làm đám cưới. 

Chị Mây cho tôi xem ảnh người yêu của chị. Những bài thơ mê đắm họ dành cho nhau. Nhớ nhất chi tiết anh tả người yêu, cái gì mà "lông mày đen như một vệt than". Không một lời nhắc anh Trâu và lời hẹn 7 năm chờ đợi. Làm sao người đang yêu hiểu được, cái giá phải trả cho 7 năm đằng đẵng nó lớn đến mức nào. Anh Trâu nghe tin người yêu về, lặng lẽ bê nguyên quán rượu về nhà. Anh say từ đó. 

Lần này thì chị đợi anh Ngọ đủ ba năm. Cùng với hòm, mô kích và xà phòng hoa hồng. Chị về làm dâu phố cổ, bán cơm bụi, và góa chồng rất sớm. Anh Trâu thì mất vì tai nạn sau đó ít lâu. Tận lúc chết, anh vẫn là trai tân.

Có lần chị nhắn tin, thằng Bắc em chị cũng đi Đức. Tôi không gặp Bắc từ lâu và sẽ không bao giờ gặp nữa. Bắc chết khi tuổi chưa đầy 30. Chết rất buồn.

Hôm lên chùa, tôi gặp một người đàn bà nâu xồng quét sân chùa. Hóa ra Mây. Chị nói đưa chồng, mẹ và Bắc lên chùa. Chị bỏ quán cơm, bỏ phố cổ, tìm câu kinh tiếng kệ cho khuây khỏa.

Tôi theo chị vào chỗ đặt bài vị thắp cho bác Xuân nén nhang. Ngoài ảnh bác Xuân, ảnh Bắc, tôi còn thấy hai tấm ảnh của hai người đàn ông. Trong đó, một người, tôi nhận ra là anh Trâu.
...
Những ký ức thời thơ ấu.
Hình ảnh có thể có: 1 người, đang chơi nhạc cụ, trên sân khấu và đàn ghi ta
Nghia le Thanh, Le Anh Quan và 59 người khác
30 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang