HIỀN



HIỀN 1 



Hiền buồn.

Đàn bà đẹp mà buồn càng đẹp. Nhưng Hiền không đẹp. Hiền xấu mà vẫn buồn.
Sư Thày bảo, nghiệp con nặng lắm. Thằng cùng đoàn thì phán, số em bơi trong nước mắt. Nó cầm tay Hiền mân mê, mân mê, lại còn gại gại vào lòng bàn tay làm như bị ghẻ. Hiền không nói gì, gật gật. Thì lúc lào em chả Chế Linh. Nghe cứ nhũn cả người ra thích lắm anh ạ. Hiền nói, giọng dáo hoảnh, mắt nhìn đây chết cây chỗ khác.

Hiền sang Nga, tạt qua Ba Lan, hai năm sau đến Đức.

HIỀN 2 (Bã Đậu)

Đời Hiền không có chuyến đi nào xa và lâu đến thế. Hai năm, ba quốc gia. Toàn rừng và lội suối. Không bị giết là may. Hiếp còn được sướng. Con cùng đoàn bảo thế. Hiền cấu nó. Ngu gì, ai khảo mà xưng. Hiền im. Nhiều người cũng im. Cuộc di dân vô tiền khoáng hậu mang tên xuất ngoại của dân tộc phần lớn được tử tế hóa bằng im lặng nửa vời như thế.

Đức đón Hiền bằng trại tỵ nạn Postdam. Thấy gái, mấy anh háo tình chạy ùa ra làm thân. Thằng Thuấn tỏ ra chủ quyền, chị tôi đấy. Ông nào muốn thì điếu đóm.

Lọt vào vòng chung kết là Bã, làm nghề đậu phụ dạo nên gọi là Bã Đậu.

Người đàn bà xấu nào cũng có quyền kiêu và biết kiêu. Hiền cầm bông hồng đỏ Bã Đậu dúi cho ở cổng trại, nở nụ cười bao dung ân cần khiến Bã Đậu tê người mất 5 giây. Tối hôm ấy cả trại được bữa đậu phụ bét nhè. Coi như cái lễ chạm ngõ của đằng giai.

Hôm sau hai đứa ngồi ở cổng trại, nhìn thẳng ra bãi chăn bò. Hoa dã quỳ nở vàng chóe cả hàng rào. Mùi cứt bò xộc thẳng vào mũi. Bã Đậu say sưa:

- Hai đứa mình tối làm đậu phụ. Sáng đi bán dạo. Mỗi ngày cũng được vài chục. Trừ tiền ăn vé tàu xe lãi chia đôi. 

Hiền cười. Mắt nhìn đây chết cây chỗ nọ.

Bã Đậu dạn dĩ, bàn tay bủng beo vì nước bã đậu nắm tay Hiền.

- Anh đi nhiều. Tìm cho em chỗ nào trông trẻ. 

- Thế còn đậu phụ?

- Anh cứ làm đậu phụ. Có mấy bìa đậu hai nhà bám vào ăn gì.

Tiếng bò rống đầy lãng mạn cắt ngang giấc mơ uyên ương. Bã Đậu liếc nhìn Hiền oán hận. Bông hồng đỏ ai đã vứt tênh hênh ở thùng rác. Thế là mất toi hai bìa đậu phụ.


HIỀN 3 (Hiền)

Sang Nga, ngực áo Hiền vẫn căng phồng, đẫm sữa. 16 năm sau, cái cục thơm tho mềm mại ấm áp ám ảnh đầy giấc mơ mẫu tử lại thành một thứ phế phẩm. Nhưng đó là chuyện sau này. 

Ngực dần khô sữa, nhưng mắt Hiền ướt lắm. Sư Thày bảo bơi trong bể khổ. Nhưng bọn đàn ông không phải là sư. 

Hiền chồng sớm. 15 tuổi, Hiền biết bê khung thêu ra cửa ngồi, một mình một khoảnh để thu hút một ánh nhìn. Đó là chàng trai xóm đạo làm thợ mộc ở tổ nghề hợp tác xã.

Hiền trắng xanh, thư sinh, nói không quá ba từ một lần mà xiêu lòng cả đám thợ thêu đang tuổi phập phồng. 

Hiền da đen, biết mình yếu thế, kiên quyết tách mình ra khỏi đám đông để làm nên sự khác biệt.

Hiền, chồng Hiền, cũng tên là Hiền.

Đám cưới hai Hiền không có nhà trai. Cưới được chàng trai đẹp nhất xã mà ảnh cưới Hiền buồn như vãi nước. Chú rể nhớ mẹ, tủi thân ra vườn khóc vụng.

Cùng tuổi thì lấy cùng tên thì đừng. Các cụ dặn thế. Kệ, Hiền cứ lấy và lấy cho bằng được. Vợ chồng cùng tuổi ngồi duỗi mà ăn. Hiền bán thịt lợn. Học hết lớp 4, không vốn liếng ở đất Trung du này cào gì ra ăn?

Hiền chăm chồng, càng đẹp trai càng chăm, như người ta chăm thú cưng cây cảnh. Chồng Hiền phụ xe, thu vé xếp chỗ, tên như người, ngày nào cũng sơvin trắng cắm thùng trông như sinh viên trường tài chính. Thơm mùi xà phòng và nắng mới.

Hiền ngày ngày mua lợn hơi quanh xóm, về tự cắt tiết cạo lông, vật con lợn ngon như người hàng phố mổ con gà. Rồi thoăn thoắt chia lòng xẻ thịt, chỗ nào đến hàng cháo lòng tiết canh, chỗ nào về nhà giò chả, còn ế mới ra chợ bán lẻ. Hiền không chào mời không co kéo khách mà đắt hàng. Mấy bà nội trợ bảo cứ ra nhà cô Hiền lợn đẹp, nửa cân đúng 4 lạng rưỡi.

Quen khách, Hiền không mấy khi phải ngồi trông phản thịt nữa. Sáng nào cũng xoèn xoẹt ba cái là dao săc như nước, mấy con lợn ngả đầy sân, khách đến lấy hàng râm ran sương sớm. Lắm khi chưa bỏ mối xong, tay còn chưa sạch máu đã đon đả miếng gan miếng tiết nóng hôi hổi cho chồng. Tối chồng đi xe về đến ngõ, ùa vào nhà hét inh một góc. Cơm trắng ăn với thịt kho thôi, chứ chồng Hiền không hay rượu. Hiền ngắm chồng cũng đủ no. 

Một hôm, Hiền đang là cho chồng cái áo trắng thì chồng nói: Em cho cái Mơ về ở với mình nhé. Hiền hỏi ở làm gì, chồng run run bảo, thì cho nó làm vợ hai. 

Hiền vẫn là, vừa là vừa thủng thẳng:

- Anh cứ đưa hết tiền cho em nuôi con. Rồi anh đi đâu thì đi. Nhà này không ở được.
Chồng Hiền không đưa Mơ về nữa. Nhưng hay đi. Có khi mấy ngày mới về.

Hôm ấy Mơ đi xe của Hiền lên phố huyện thi tốt nghiệp phổ thông. Không có Hiền thì khỏi thi. Chàng lơ xe bỏ xe về nhà Mơ lấy giùm cái thẻ học sinh. Vụ ấy Hiền về kể với vợ ngay. Hiền còn bảo, anh cứ thương người thế có ngày bị đuổi..

18 tuổi bị vợ lấy. Chàng trai ấy chắc còn chưa biết yêu.

Tết năm ấy, chồng tự nhiên ôm Hiền, anh thề không đến thăm Mơ nữa. Anh mà sai lời thì trời phạt anh chết không nhắm mắt. Hiền vội bịt miệng chồng. Chồng Hiền lại hát véo von, rồi đêm đêm anh hiện về, thăm người vợ hiền và đàn con thơ. Ngoài trời mưa xuân lã chã trên gốc hoa đào. 

Mùng 2 tết, mấy thằng bạn rủ chồng đi chơi. Hiền là áo cho chồng, còn dúi thêm tiền. Nghèo nhưng đừng để bạn nó chê vợ ky, Hiền bảo. Tối về cả nhà lên nhà ngoại ăn cơm.
Cả hội đi, chỉ có một người về báo tin. Chồng Hiền ngồi sau xe máy, chui vào gầm ô tô. Cậu lái xe đèo Hiền chỉ xây xát nhẹ.

Bác sĩ bảo: Lúc hấp hối, cậu ấy cứ van vỉ: Bác sĩ ơi, em tên Hiền, vợ em cũng tên Hiền. Bác sĩ làm ơn cứu em. Tôi lại tưởng cậu ấy mê sảng.

Vụ tai nạn ngay gần nhà Mơ.

Đêm ấy Hiền sinh non. Nhiễm trùng nhau, phải cắt toàn bộ buồng trứng và dạ con.
Thằng Tú nặng có 2kg. Không biết mặt cha.


HIỀN 4 (Nong)

Long là rồng. Hiền gọi là Nong.

Long đón Hiền ở Balan. Trả cho bọn dẫn đường 800 đô. Thêm 500 tiền Hiền vay nợ vật vã dọc đường. Bọn đưa người rao, không tiền tươi thóc thật ngay và luôn thì chúng mang bán. Bọn trẻ chả cần rao. Có đứa đi hàng tháng không sang được đến nơi vì phục vụ dọc đường, như một thứ tình phí tủi nhục mang tên đặc ân. Chả biết may hay rủi, Hiền thoát cái ân huệ ấy vì chuyến này có nhiều em trẻ đi cùng. Hiền không được bọn ăn thịt sống ấy sủng hạnh. Xấu không phải khi nào cũng bất hạnh.

Hàng hóa thì phải có giá. Long trả 1300 đô để chuộc Hiền. Ngoài bộ quần áo đi đường te tua vượt suối băng rừng, Hiền chả còn gì. 

Long bảo, bà cứ ở đây, chơi cho lại sức. Mọi chuyện tính sau.

Hôm sau Long mang về cho Hiền một di động, một sim, dặn hết tiền lại bơm. Mấy cái thẻ cào gọi về Vn, mấy bộ quần áo Made in China và một ít tiền tiêu vặt. Hiền chỉ việc ngủ, nấu cơm và dọn nhà đợi Long về. Như một đôi vợ chồng son. 

Ngày đi học, Long lùn lại đen, Hiền không để ý. Sau này lúc Hiền thịt lợn và ôm ba thằng con trai bề bề thì Long vẫn phòng không bóng chiếc. Việt kiều Balan cũng có giá như ai. Nhưng Long mải mê đánh hàng, dịch vụ này nọ, mê tiền hơn lấy vợ.

Một hôm Long cầm tay Hiền, run run bảo:

- Cám ơn anh Hiền. Những ngày qua mình vui quá. Vui nhất kể từ khi sang đây. 

Hiền không hỏi tại sao lại cám ơn anh Hiền. Nhưng Hiền buột miệng:

- Em cũng vui lắm anh Nong ạ.

Long đỏ mặt, định nói gì lại thôi. Hiền đi chợ mua thức ăn tươi đợi Long về. Hôm ấy Hiền không nghe Chế Linh, không buôn điện thoại cháy máy như mọi khi. Hiền sẽ ở lại cùng Long. Bằng tuổi ngồi duỗi mà ăn. Lại còn bạn học từ ngày xưa. Long đánh hàng, Hiền ra chợ Sân vận động bán, vợ chồng chăm chỉ kiểu gì chả tích cóp ít vốn. Rồi đón hai thằng Tuấn thằng Tú sang. Long xấu trai, nhưng Long bao bọc Hiền quá, tốt quá. Hiền sao chối từ được ân tình. Là Hiền chịu ơn mà lấy Long thôi. Chả gì cũng gái góa trai tân .

Tối, cơm xong, Long đưa cho Hiền mấy trăm Zloty và một sấp thẻ cào. Hiền ngả đầu vào ngực Long thay lời cám ơn. 

Long bảo:

- Mai Long bay về ít ngày. 

- Sao gấp thế anh?

- Về cưới vợ Hiền ạ. Cụ thèm cháu bế lắm rồi. Con bé gần nhà, bà cụ giấm cho...

Hiền ngồi thẳng người dậy. Sấp thẻ cào vãi tung trên sàn. Mai, mà không, lát nữa, đêm nay, Hiền sẽ buôn hết đống thẻ này. Hiền đâu có yêu Nong, đã nùn nại còn xấu. Chẳng qua là thương.

Mà ai thương ai đây? Hiền chợt nhớ ra, ở Ba Lan đã 4 tháng chỉ ăn và đo giường đợi Long đánh hàng về. 

Đêm ấy Hiền lại Chế Linh. Nghe như cấu vào tim đã không chịu được. Lâu lắm kể từ khi sang Ba Lan mới lại Chế Linh. Sang Ba Lan là gần đến miền đất hứa thêm một đoạn, Chế Linh lại ru Hiền đếm mộng từng đêm.

Khi Long sang lại, đưa Hiền sang Đức bằng hộ chiếu giả. Lần vượt biên này quý tộc hơn, không phải lội suối băng rừng nơm nớp lo bị sủng hạnh.

Trại tỵ nạn Postdam nằm giữa cánh đồng, nguyên là một trại lính Nga từ thời DDR. Trông xa như một nông trại cũ kỹ điểm những đốm vàng của lông bò nằm la liệt ánh lên đầy sức sống .

Hiền cám ơn Long, không khóc, không cười, mắt nhìn Long mà không thấy Long. Chỉ thấy hàng cây phía rất xa đang vào mùa rụng lá.


HIỀN 5 (Ninh)

Hiền sang Nga vì cả xóm Hiền rủ nhau đi Nga. Năm 90, chỉ cần có 15 vé là vù cái sang Mát. Người làng đi đông như hội.

Con Na con Hồng bạn thịt lợn đi trước, Hiền đi sau. Đêm đầu tiên xa xứ Hiền vẫn nằm mơ tiếng lợn kêu eng éc. Tỉnh dậy sữa chảy đầm một vạt ga giường, ngoài sân tuyết lã chã rơi mới biết mình đã vượt biên.

Na bảo, mày phải cặp. Không cặp, không biết nhét nhe gì, có mà ăn cám.

Hiền không biết nhét nhe gì thật. Học lớp 4 đã bỏ học lên rừng hái lá làm thuốc cho bố. Nông thôn, học lắm để tổ cãi chồng, tốn cơm, báu gì. Mẹ bảo thế và Hiền cũng thấy thế. Vừa mở mắt đã lấy chồng. Tuyệt nhiên không biết thế nào là sinh ngữ.

Ninh có quầy bán đồ lót trong chợ trời. Xú chiêng treo lủng lẳng cái nào cái nấy trông như lều cắm trại. Bọn Nga ngố bà nào cũng đeo hai trái bóng chày thay vì hai trái nho cuối vụ như gái Á. Hiền không dám hỏi sao cái gì mà to thế?

Ninh không nhìn Hiền, mà nhìn vệt sữa loang trên ngực, buột miệng: cúp C đấy nhỉ. Hiền ngây ngô cười, miệng lệch đi. 

Na gắt, C xiếc gì. Bạn em, chồng chết, con chết, anh đối xử tử tế vào. Ninh thuỗn mặt ra, hỏi, em có bao nhiêu? Hiền quay nhìn Na cầu cứu. Na lại bảo, chả có gì mới phải nhờ anh. Có thì không đến lượt. Nỡm vừa thôi.

Ninh nuốt nước bọt. Mùi sữa thơm quá, lâu lắm rồi, ký ức xa xôi hay bản năng đánh thức. Ninh gật gật. Mắt vẫn gắn chặt vào cái khoảng trắng đục đã bết lại ở ngực áo Hiền.

Đêm ấy, trao thân cho người ta, Hiền không khóc, mắt nhìn trân trân lên trần nhà. Không khóc nhưng sáng dậy hai mắt sưng húp. Ninh ân cần nấu cho Hiền nồi cháo ăn với thịt lợn rim rồi mới ra quầy. Dặn cứ ở nhà như thế như thế, lúc đi còn háo hức như trẻ con ăn quà vặt khiến cái áo Hiền vừa thay lại giây đầy sữa. 

Hiền tựa cửa nhìn theo Ninh, cái nhìn muốn nắm muốn kéo mà vẫn tuột ra đằng sau vai, vô định và bất động.

Mát đang vào mùa tuyết rơi đẹp thê lương. Ninh ôm một đống xú chiêng ra chợ, dáng đi không thẳng mà nghiêng nghiêng. Chưa bao giờ, ngủ với giai xong sáng dậy mới ngắm người. Tự nhiên nước mắt Hiền lại chão choẹt, Hiền ơi, sao anh làm khổ em?


HIỀN 6 (THƯ TÌNH VIẾT CHO NGƯỜI CÕI ÂM)

Người ta bảo con đầu dại hơn con thứ. Thằng Toàn không dại. Nó bụ sữa, nần nẫn những ngấn là ngấn. Hàng xóm khen sữa Hiền thơm. Con bú, chồng ngồi bên chép miệng. Hiền bện hơi vợ như con bện hơi mẹ. Chiều chiều đi xe về, khệ nệ công kênh thằng Toàn ngồi trên cổ, loanh quanh nhìn vợ, hít hà. Đàn ông là giống lạ. Chỉ ít lâu sau, mùi sữa chưa kịp phai trên gối chăn, Hiền đã dan díu với Mơ. Con gái con lứa nhà người ta, nào đã biết gì để mà có sữa, như Hiền.

Thằng Toàn được 3 tuổi thì có thêm em. Thằng Tuấn da đen giống mẹ, đầu bẹp cá trê, duy có cái môi trề thì không biết giống ai. Cũng không có ngấn sữa nần nẫn như thằng anh. Hiền không mấy khi công kênh thằng em lên cổ như xưa. Và bắt đầu hay đi nhiều hơn trước.
Trước cửa nhà Hiền có cái sân kho hợp tác xã, bọn trẻ vẫn ra đó đá bóng. Chiều đến, nhà nào nhà nấy gọi con về ăn cơm rộn rã một góc làng.

Toàn trắng như cục bột, bêu nắng sà sã vẫn trắng. Đang rê quả bóng về gôn dựng bằng hai cái sào tre phơi quần áo mượn tạm của mẹ vẫn còn mắc cái khăn mặt chưa kịp gỡ ra, chợt hô to: "Thôi chúng mày ơi. Mẹ tao gọi về ăn cơm". Miệng nói, chân nó băng qua đường.
Sau này, Hiền quả quyết hôm đó không hề gọi con. Nông thôn, nhọ mặt người mới cơm tối. Nhưng lúc đó trời vẫn còn sáng lắm.

Khi người ta gọi Hiền ra nhận con thì thằng bé người vẫn ấm, không xây xát gì, nhưng chân nó gập quặt ra đằng sau, hai cánh tay dang ra như cánh chim non, mép rịn ra vài giọt máu. Hiền hực lên một tiếng như con thú trúng đạn, điên dại ôm xác con, cuống cuồng tìm lại sự sống đã rời khỏi thân thể thằng con mới 6 tuổi.

Hòn đất thì còn hòn vàng thì mất. Mỗi khi ngắm ảnh thằng bé mờ mịt sau làn khói hương, Hiền cay đắng thừa nhận. Thằng Tuấn càng lớn càng đen nhẻm, lầm lì, môi càng trề ra. Hiền thì có khi đi mấy hôm không về.

Ba năm sau, sang cát cho con xong, Hiền lại chôn chồng. Cũng tai nạn ô tô. Chồng Hiền vật vã mấy tiếng trong bệnh viện mới chịu đi. Cùng tuổi thì lấy cùng tên thì đừng. Chồng Hiền, vợ Hiền, mà sao đời không hiền.

Đó là một ngày mùa đông gió bấc thổi tái cả vườn chuối sau nhà. Hiền lê từ viện về, vết mổ chưa lành, ngất lên ngất xuống, gọi chồng chảy cả máu mắt. Thằng Tú khát sữa khóc ngằn ngặt mà mẹ nó không dỗ, mắt cứ mở trừng trừng, tóc rũ ra như hóa dại. Hiền đốt hết quần áo mang ra mộ chồng, rồi từ đấy, cứ mỗi ngày một lá thư, nét chữ chạy lên trèo xuống, xiêu vẹo, lẫn lộn lung tung lờ dài nờ ngắn. Viết xong, lại mang ra mộ đốt. Mộ chồng một bên, mộ con một bên, ngày nào cũng đỏ lòe những hương là hương. Tro giấy viết thư, tro áo tro quần cứ chiều đến bay lả tả trong gió bấc. Phản thịt lợn ngoài chợ nhặng bám xanh cả tháng không động đến. 

Xong cái giỗ đầu chồng, Hiền nghiến răng vắt nốt hai bầu sữa lần cuối cùng, ấn thằng Tú vào tay ông anh trai. Thằng Tuấn còn mải chạy sang hàng xóm xem chọi cá, không về tiễn mẹ. Anh trai bảo: Cô cứ đi, đi cho nó khuây khỏa. Buôn bán không được thì về, rau cháo còn có gia đình. Chứ cô sống cũng như chết thế này, anh không đành lòng. Chị dâu, giáo viên văn cấp 2, dúi vào tay cô bọc tiền, có cả tờ trăm ngàn nhàu nát, chắc học sinh đóng học phí, nghèn nghẹn: Hổ dữ còn chẳng bỏ con, cô càng chạy trốn, nợ đời càng khó trả. Nhà đã hai đứa, giờ thêm hai đứa nữa, khác gì trại trẻ.

Lên máy bay, sữa cương tức ngực. Hiền nôn ra mật xanh mật vàng, tay vẫn nắm chặt lá thư viết cho chồng chưa kịp đốt.
----

Hiền 7 (Thục Anh)

Thục Anh bán hàng ngoài chợ Sân vận động, mắt dài dại nhưng mà không dại. Môi tươi cắn chỉ, răng đều như ngô nếp Mỹ mới luộc, mòng mọng nhìn muốn cắn.

Lúc vắng khách, Thục Anh thường căng toan ra vẽ. Không vẽ chàng vẽ nàng mà vẽ cái góc chợ, góc phố, hay toàn màu sắc chẳng ra hình thù gì. Nhưng có người bảo đấy là trường phái trìu tượng, dân Yết Kiêu mà. Kiêu thì rõ, Thục Anh có cái vẻ gì xa vời, cách biệt, nhưng Yết Kiêu là cha nào thì Hiền chịu. 

Hiền biết Thục Anh từ một lần theo chân Long đi đổ hàng. Long nhìn Thục Anh, con mắt tít lại, còn cho nợ tiền, bảo, chị ấy hoàn cảnh.

Ai chả hoàn cảnh, Hiền nghĩ bụng, sán ngay gần Thục Anh, nhìn cái váy sợi bông mịn màng không xanh không đỏ mà rõ ra người Hà Nội. Tối ấy, về nhà, Hiền soi gương, tô thêm tý son, lại bôi thêm tý nước thơm trong phòng tắm mà không biết đấy là nước cạo râu của Long. Từ đấy, ngày nào Hiền cũng ra sân vận động, chỉ để gần Thục Anh. 

Trong lúc Thục Anh vẽ, Hiền ngồi cạnh, ngắm cái gáy cao cao mịn màng thầm mong một ngày tóc mình cũng ngắn, để Long nhìn mà tít mắt, mà bối rối đỏ cả mặt, rằng chị ấy hoàn cảnh. Rằng chị ấy là họa sĩ, người ta kiêu kỳ bắc bậc chứ đâu như dân chợ búa chúng mình.

Rồi Hiền cũng gặp người đàn ông của Thục Anh. Vạm vỡ như cột nhà, đi con xe BMV cáu cạnh. Nghe đâu là một soái. Nhìn họ, Hiền thoáng thở phào, lại nghe tim mình nhoi nhói không biết lý do gì. Vui vì hoa có chủ, khỏi lo Long bối rối đỏ mặt mỗi lần đổ hàng, hay chạnh lòng vì người đàn ông kia giàu sang quá? Hiền lại mơ, giá mình tóc ngắn.

Hôm ấy, quầy Thục Anh khá ồn ào. Một người đàn ông nhỏ thó, đầu trọc lốc, mặc cái áo lông Đức, đi đôi ghệt cao cổ, đứng trong quầy. Anh ta gằn giọng:

- Tôi tốn bao nhiêu tiền của công sức mới lo được cái này. Cô định thế nào?

Anh ta dằn cuốn hộ chiếu lên mặt quầy. Đám xú chiêng và xi líp nhảy lên, lấp đi một phần cuốn sổ. Thục Anh nhìn anh ta, dáng điệu cam chịu và nhẫn nhục chưa từng thấy ở người đàn bà kiêu hãnh. Không còn đôi môi cắn chỉ rưng rức ôm lấy hàm răng bắp luộc. Hiền hồi hộp đứng nhìn.

-Mới có hai năm, cô đã thay lòng đổi dạ. Trong khi tôi quần quật lo liệu giấy tờ cho cô.
Thục Anh vẫn cúi đầu. Cái gáy nhỏ nhoi chùng xuống.

- Cô có đi không?

Cái gáy càng cúi xuống. Đầu tróc quát lên:

- Lại thằng thày giáo cũ của cô hả? Nó có hàng tỷ bồ, cô định theo làm gái bao à?

Gáy ngắn vẫn nhỏ nhẹ, nhưng lạnh như dao chém đá:

- Em xin lỗi. 

Đầu trọc định giơ tay tát, nghĩ thế nào, lại thõng tay xuống, rũ rượi bỏ đi. Cái áo lông Đức lũn chũn lẫn vào dòng người đã bắt đầu đông dần trong chợ.

Hiền đến gần. Thục Anh không ngẩng lên, giọng bình thản:

- Chồng cũ của chị. Sang Đức trước. 

Rồi, Thục Anh nói thêm, như với chính mình:

- Đàn bà hơn nhau chỉ ở tấm chồng. Đôi khi ta chọn không đúng. Chọn sai thì phải chọn lại, đến khi nào chọn được mới thôi.

Hiền luồn tay vào sạp vải, đè lên cuốn hộ chiếu. Thục Anh vẫn cúi xuống bức vẽ, không để ý. 

Hiền tỉnh queo, hỏi:

- Sao chị không sang Đức? Balan làm sao bằng Đức? Nghe bảo Đức mới là thiên đường mà?

- Ở đâu có người đàn ông yêu thương mình, nơi đó mới chính là thiên đường, em ạ.
Cuốn hộ chiếu đã nằm gọn trong túi áo Hiền.

Vượt biên bằng giấy tờ, dù là giấy tờ đi mượn, từ chuyên môn gọi là có áo quần.
Một tuần sau, Hiền mặc áo quần, đàng hoàng sang Đức cùng Long. Lần vượt biên này không trèo đèo lội suối, không lo bị hãm hiếp phục dịch bọn đưa người, mà sao Hiền không hả hê. Hiền không biết rằng, số phận vẫn buộc Hiền gặp lại Long một lần nữa trên đất Balan, cũng vẫn với thân phận kẻ trần truồng tức không giấy tờ. Nhưng những ngày chỉ ăn với nằm đợi Long về không còn nữa. Mà là một hành trình tủi nhục hơn nhiều.
....
Ka


Hiền 8 (Tóc ngắn)

Không có Thục Anh, không bao giờ Hiền cắt đi mái tóc của mình. Bọn đàn ông chê da Hiền đen, chân Hiền ngắn. Nhưng thằng nào gặp Hiền cũng chằm chằm chỉ nhìn vào một thứ. Ngực. 

Đàn bà ba con, thứ nào thứ đấy cứ vun đầy. Mà Hiền kín cổng cao tường lắm. Chưa bao giờ váy ngắn, hở cổ hở chân se sua như người ta. Cứ như khu vườn bỏ hoang. Mắt thì ẩm ướt sương mù, cái nhìn vừa vô định, vừa yếu đuối, cô độc ngơ ngác như gà con mất mẹ. Cái ngơ ngác giết chết bao gã trai bị sắc đẹp tầm thường ấy làm cho chủ quan khinh suất. 

Duy chỉ có chồng Hiền thích vuốt tóc Hiền. Tay lơ xe mà trắng xanh, mảnh như tay con gái, xỉa xỉa vào mái tóc vợ như người nông dân cần mẫn chăm một đường cày. Vuốt từ trán ra đến màng tai, xuôi xuống cổ, dịu dàng như cánh bướm ăn đêm. Tóc em đẹp. Không được cắt, nghe chưa. Hiền dặn. Dạ, tiếng dạ nhẹ như đám bèo nổi trên sông. Hiền không cắt. Mấy tháng trèo đèo lội suối ngủ rừng vượt biên từ Nga sang Balan, không được gội đầu, tóc rít từng đám, vón lại như mớ chổi cùn. Mấy mẹ cùng đoàn cắt cho nhẹ nợ. Rồi nhuộm để ngụy trang cho giống tây. Mặc. Hiền vẫn lỳ lợm giữ mái tóc đã từng hướm hơi chồng, như giữ một ngọn nến sắp tàn. Sắp tàn, nhưng vẫn giữ. Bởi không thì Hiền biết bấu vào đâu? Víu vào đâu?

Thục Anh tóc ngắn trong cuốn hộ chiếu có sức cuốn hút, hay miền đất hứa có sức cuốn hút, Hiền không biết. Long mượn cho Hiền cái kéo, ý tứ từ chối ân huệ cắt tóc mà Hiền ý tứ trao cho. Cắt tóc cho người đàn bà góa, mà người ấy lại muốn kết tóc se tơ với mình, trách nhiệm ấy lớn quá, Long gánh sao nổi. Đêm chia tay, tóc Hiền xếp lớp dưới chân, đôi mắt như bơi trong nước, nhìn xa xôi gì đâu ngay trước mặt Long. Có những cuộc chia tay nặng nề không phải vì quyến luyến, mà vì những người trong cuộc mong nó diễn ra thật nhanh.
Sang đến biên giới, Long đưa Hiền vào thẳng trại Postdam, nơi thằng em chồng đã là thổ dân ở đó mấy năm. Long phải về ngay cho kịp chuyến hàng, hay Long sợ dùng dằng. Hiền không dám hỏi. Càng không dám nài. Hiền ngước nhìn Long, chờ đợi một lời gì nhiều hơn nữa. Long đưa tay ra.

- Hiền đưa cuốn hộ chiếu đây. 

Thấy Hiền ngơ ngác, Long bảo:

- Để mình trả lại cho người ta. 

Hiền ớ người:

-Chị ấy có biết đâu? 

Ánh mắt Long dữ dội đến nỗi, Hiền đành lục túi, đưa lá bùa hộ mệnh cho Long.
Long muốn nói nhiều với Hiền quá, mà không biết nói thêm gì. Hiền ơi, Hiền có cắt tóc, có lấy tên chị ấy, có dùng danh phận của người khác thì Hiền vẫn là Hiền thôi. Con người ta hơn nhau ở chính lúc này. Nhưng nhìn mặt Hiền, Long không nỡ.

- Long mê người ta đến thế à? Mê thế sao còn về lấy vợ? 

Giọng Hiền nghe như muôn vàn mảnh thủy tinh vừa rơi xuống.

Long cười, gần như mếu:

- Hiền sang đây chịu khó một thời gian nữa cũng có giấy tờ. Thiếu thì Long cho vay. Nhưng ăn trộm của người ta, phải tội. Trả bao giờ cho xong?

Trả bao giờ cho xong. Lời ông Thày chùa hôm nào chợt vẳng đến như một tiếng chuông. Nhưng Hiền đã gạt đi, như gạt một đám mây bay qua vùng mặt trời đang tỏa nắng.
Sang đến Đức, thiên đường tỵ nạn của người Việt những thập niên 90, Hiền còn sợ gì nữa?
Ba hôm sau, Hiền vác ba lô, lũn cũn đi trông trẻ cho nhà người ta, bắt đầu viết những chương đầu của kiếp đàn bà lưu vong trên nước Đức.
...
Ka


HIỀN 9: Khởi nghiệp

Bã Đậu đưa cho Hiền mảnh giấy nguệch ngoạc nét chữ bút chì. Hiền khư khư giữ trong tay, ban cho người đàn ông lêu đêu như cây gậy một nụ cười hào phóng. Vì tờ giấy ấy ghi địa một dòng địa chỉ toàn tiếng Đức. 

Tờ giấy màu hồng nhạt, hoa văn chìm, thơm sực mùi tư bản, thứ mùi mà Hiền vẫn ngửi thấy mỗi khi có khách Việt Kiều đi lướt qua phản thịt lợn ngoài chợ. Thứ mùi phong lưu ấy là có thật, hay do Hiền mừng quá mà tưởng tượng ra?

- Làm cho cẩn thận. Thật thà vào. Không có mang tiếng tôi là không được.

Anh đi bán đậu dạo chứ có gì mà mang tiếng? Nghĩ vậy, nhưng Hiền lại cười cười hào phóng:

- Anh cứ lo. Em thật thà lắm. Nợn em bán ngoài chợ còn chẳng cân điêu nữa là.

- Là cứ dặn thế. Sang đây trần truồng, không đi trông trẻ thì làm gì. Bán thuốc à, công an nó đuổi chạy vãi cứt, đêm nằm toàn mơ Polit nó dí đít. Có đứa còn ôm chăn chạy khắp nhà. Mà cô muốn cũng không có cửa. Berlin này là đất lãnh tụ, muốn có chỗ phải mua, phải bảo kê. Lơ mơ nó bắn cho phòi ruột.

- Đất lãnh tụ là gì hả anh?

- Là Nghệ An Hà Tĩnh đấy. Cô giọng Bắc Kỳ, đi chỗ khác chơi. 

- Vâng, em cám ơn anh. Vụ chạy công an là em vái. Ở nhà dân bán thịt nợn chúng em...

- Quên thịt nợn nhà cô đi. Nợn nợn nợn. Mà tôi bảo, cất cái ní nịch bán mổ giết nợn đi. Con nhà người ta, con vàng con bạc, chứ có phải con rơi con vãi như quê nhà cô đâu mà giao cho bà bán thịt nợn. Cô cứ bảo ở nhà cô làm giáo viên. Gõ đầu trẻ ấy.

Hiền cuống: 

- Anh ơi. Em mới học hết lớp 4.

Bã Đậu nhìn Hiền. Nói một câu chả ăn nhập gì:

- Thôi, ở với anh. Bảo rồi. Làm đậu phụ vất tý nhưng chả phải lụy ai. Ở chật nhưng tiết kiệm. Ăn nhiều ở hết bao nhiêu. Đậu đấy, ăn vã cả tháng chẳng lo chết đói. Bốn thằng một phòng tháng chia nhau mỗi đứa có trăm Đê (DM). Em chịu làm bồ anh, anh thuê hẳn một phòng ở cho sang. Ăn ở anh bao tất. Lãi chia đôi. Tiếng là trông trẻ chứ làm ô sin, hầu hạ dạ vâng, báu gì!

Bã Đậu lại long lanh nhìn Hiền chờ đợi. Vừa cảnh vẻ dạy dỗ, bề trên ban ơn, sang vai tình nhân một cái, thằng đàn ông bỗng hèn ngay được. Cái hèn yếu quỵ lụy của kẻ yếm thế ở đất nước mà đàn bà khan hiếm như thời thập niên 90.

Hiền ỡm ờ:

- Lãi chia đôi là lãi bao nhiêu anh?

- Còn tùy đậu bán được bao nhiêu. Phải đi rao từng nhà. Trong Ring giờ họ không dám nhập vi hàng mình không có kiểm dịch. Anh mà giao được trong ấy như xưa, em chả phải làm gì. Chỉ bắt khuôn đậu mới lỵ ngồi thu tiền. Sướng như vua. Ối bà mơ được như em mà anh chưa gật đấy.

Bã Đậu thấy Hiền yên yên, đã tưởng chịu, lao đến, giật tay Hiền đang hờ hững đặt trên đùi, bóp bóp.

Bàn tay Bã Đậu bủng beo, nhăn nhúm. Thủm mùi gì như mùi đậu chua. Hiền một lần nữa hào phóng để yên tay mình trong tay ấy như để giả ơn, nhẹ nhàng, hồn nhiên:

- Em đi trông trẻ thôi anh ạ. Trông con người cho đỡ nhớ con mình. 

Trông con người cho đỡ nhớ con mình. Triết lý ấy đẩy bao nhiêu đàn bà Việt vào cảnh vứt con cho mẹ ẵm đi ôm con người. So với chị Dậu bán con ngày xưa, không biết bên nào cực hơn.

Bã Đậu lập bập quàng vai Hiền gỡ gạc. Đôi vú rắn đanh sau lần vải quê mùa. Gái quê ba con, nần nẫn, ê chề sung mãn. Hiền để yên cho đôi tay nhăn nhúm ấy đi chu du trên mênh mông cõi đàn bà, xuống đến tận cùng niềm thống khổ, như một sự ban ơn đầy trắc ẩn. Rồi không biết vì chán chường hay ghê tởm, cô đạp người đàn ông ấy ra. 

Bã Đậu thở dốc, mặt trắng bệch như bìa đậu luộc, quát:

- Lãnh cảm à?
...
Ka

HIỀN 10: Vết khứa

Khi những nhát dao đầu tiên cứa trên da thịt Hiền, cô coi đấy chỉ là tai nạn. Nhưng sau mới biết là do ghen. Mỗi vết dao là một cơn ghen. 

Người đàn bà góa mới hôm nào ngồi giữa chợ liếc dao xoèn xoẹt pha thịt, róc xương, giờ hãnh diện ngồi trong công hàng của ông chủ xú chiêng, không nhét cũng không nhe, nhưng bọn tóc vàng tóc hung lẫn tóc đen ai đến lấy hàng một điều bà chủ hai điều bà chủ. Cái oai ấy phải những kẻ tay không vật ngã con lợn như bỡn, một tay cạo lông pha thịt ngoay ngoáy trước con mắt thán phục của bao gã đàn ông, mới thụ hưởng được cái khoái cảm tê người. Khoái cảm của kẻ mạnh.

Hôm ấy trúng mẻ xú chiêng lớn, Ninh phởn, bảo Hiền mua cái gì về cải thiện. Gà ăn mãi chua mồm, bò lại hôi, Hiền gọi đĩa tái dê. Dê đánh cho toát mồ hôi, cắt tiết rồi khò bằng đèn khò, thơm lừng cả chợ. 

Giao hàng là một gã đầu trọc lốc, mắt hụp, bắp tay nổi u nổi cục như cái vồ, rắn đanh. Gã chỉ đạo mấy thằng cửu vạn ngày giết cả chục con dê. Tiếng dê bị đánh bằng bụi tầm xuân be be rền rĩ, lắm hôm xuôi gió vọng cả vào chợ. Nghe bảo gã giết mổ ngay bãi rác của thành phố. Kệ, rác thì rác. Cả chợ nghiện dê của gã. Tiết dê ngâm rượu ấm ran cả mùa đông. Lẩu dê thuốc bắc cải lão hoàn đồng chạy như tôm tươi, bếp ga bê tận nơi, các bà ngồi giãi thẻ húp soàn soạt ngay trên công. Rồi dê lướt mỡ thập cẩm, dê nướng mỡ chài, dê hấp, dê chao... Món nào cũng rực rỡ. Nhưng đáng kể nhất là tái dê của gã. Gã thái thế nào mà lát thịt mỏng như lụa, miếng da trong như giấy bóng kính. Giao cho Hiền lần nào cũng thêm gắp thịt, phủ thêm lát chuối xanh, khế chua với giềng non cũng mỏng tang. Tay gã nhúm thêm nhúm mơ lông, vừa mơ màng, vừa ỡm ờ, ăn gì bổ nấy, lông đấy. Mơ gì cũng thích nữa là mơ lông, em nhỉ.

Hiền hay gọi dê. Hiền ăn ít, nhưng vẫn gọi. Hiền không biết là Ninh theo dõi từ lâu rồi.
Đang cúi xuống lúi húi rút tiền trong áo lót để trả, thì một cái tát như trời giáng khiến Hiền nổ đom đóm mắt. Dê bay đằng dê tiền bay đằng tiền. Ninh túm tóc Hiền, vừa lôi, vừa luôn miệng con đĩ, con đĩ. Con đĩ vừa mới như bà chủ ngồi trên đống xú chiêng, nay đã nguyên hình kẻ làm thuê không danh phận. Hiền vừa nhẫn nhục xin tha, vừa cúi nhặt những đồng Rúp rơi vãi, nước mắt không chảy mà ráo hoảnh. Hình như nó vón lại.

Đêm ấy Ninh sang đôm 5 năn nỉ. Những là anh nóng, anh sai rồi, anh xin. Tại mình phơi ngực ra cho thằng dê già nó ngắm. Thằng ấy một ngày xơi năm đôi ngọc dương hầm thuốc bắc, biết thế còn gọi nó tái dê. Tái gì, ăn sống nuốt tươi thì có. Đĩ long sòng sọc lên. Xí xớn thế làm sao anh chịu nổi. Anh xin. Ai bảo mình cứ thây nảy ra, bố thằng nào nhịn được.
Xin được độ một chặp thì Hiền xuôi, cắp dép theo Ninh về. Mắt vẫn mòng mọng, má vẫn mưng mưng hình 5 ngón tay. Nhưng không về thì đi đâu. Nhà Na có một phòng bé toen hoẻn đã lèn đến sáu bà. Thêm Hiền nữa, thì toilet cũng không còn chỗ đặt lưng. Anh trai vừa nhắn sang, lãi đến hạn phải trả. Không ở với Ninh thì ở với ai. Không về nhà Ninh thì về nhà ai. 

Bà phơi ra mơi cho lắm vào. Chả oan. Tôi nhìn còn nóng mẹ nó cả mắt nữa là. Na chì chiết. Không ven vén cho tùng tiệm vào, thì đời bà còn khổ. Lão Hiền nhà bà nó hiền Thằng này nó cũng hiền nhưng ghen khét tiếng chợ Vòm. Vợ nó bỏ đi cũng vì không chịu nổi đấy. Không thì chả đến lượt bà.

Hiền ngồi nghe Na xỉ vả suốt một buổi tối không cãi một câu. Rồi mừng muốn khóc lúc thấy Ninh sang đón về, chỉ sợ Ninh đổi ý. Đàn ông nó đánh tý cũng không chết. Nhưng không có tiền gửi về nuôi con thì chết ngay và luôn đấy. Na cảnh báo.

Hiền líu ríu theo chân Ninh. Tái dê tương gừng, rượu ngọc dương ngâm Vốt ka. Vừa ăn vừa cấu véo nhau vô cùng đầm ấm. Lại vồ vập cuống quýt y như lần đầu. Sữa tràn cả trên má Ninh, thứ sữa mà lẽ ra không phải nuôi con mọn, đã cạn từ lâu rồi. Móng giò gạo nếp Ninh ép Hiền ăn tối ngày, chỉ để nuôi gã đàn ông to xác mà nghiền sữa tươi đàn bà.

Đang như bão tố mưa sa, bỗng Hiền kêu thét lên như bị thọc tiết. Dưới bầu ngực căng tròn, một vệt gì rịn ra như mồ hôi, chỉ khác là màu này đỏ tươi. Tay Ninh vẫn lăm lăm con dao xén thảm, miệng van xin những tiếng lập bập vô nghĩa. Gã tồng ngồng ôm chặt lấy chân Hiền, khóc tồ tồ như một thằng mất trí.

Vết cứa rất khéo, nhẹ như vệt lúa non xước qua. Ran rát, xon xót. Nhưng là vết dao, ngọt như không. Tưởng không mà đã chích ra cả máu. Ninh bù bằng yêu chiều, bằng van xin quỵ lụy như chưa từng bao giờ quỵ lụy đến thế. Ninh đổi hẳn chục tờ xanh cho Hiền gửi về. Những tờ đô la xanh lè lần đầu tiên trong đời Hiền được cầm trên tay, sao như có mùi gì tanh tanh.

Hai đứa sáng sáng dìu nhau ra chợ Vòm bán xú chiêng, trưa chiều hết tái dê lại móng giò. Hạnh phúc ngờm ngợp. Hiền đã mơ đến việc sinh cho Ninh một đứa con, không đi Đức nữa. Là Hiền mơ thế thôi, dạ con buồng trứng đã cắt cả rồi. Người đàn bà khi được yêu thường mụ mị, ru ngủ mình bằng những ước mơ rất phong tình. 

Nhưng vết dao cũ chưa se, vết sau đã xuất hiện. Lại khóc lóc ôm chân van xin, lại tiền đô đắp lên dịu dàng an ủi. Vết khứa mỗi lúc mỗi sâu hơn, mau hơn, tiền đô cũng ít hơn. Sữa Hiền cũng cạn dần. Nhay không ra sữa, Ninh khứa dường như mạnh hơn. Na nói đúng, đánh không chết. Khứa cũng không chết. Nhưng cái gì đó trong Hiền đã chết. Cái gì thì Hiền không biết, không gọi tên ra được. 

Hiền bớt tiền hàng, thủ tiền chợ, có khi chỉ nhặt nhạnh vài cô pếch, không hơn, rắp tâm cho một âm mưu chạy trốn. Được bao nhiêu đưa cả cho Na.
Một hôm, vợ cũ của Ninh xuất hiện.
....
Ka


Viết tiếp một chương Hiền: 

Hiền vượt biên bằng máy bay sang Nga, sau đó vượt rừng sang Balan, từ đấy nằm kốp xe qua biên giới vào Đức.

Con Na nhất định sang Anh. Đàn bà dũa móng, làm leo, chắc nhưng mà chậm lắm. Dũa bao giờ mới lên đời. Hàng xóm nhà tao có thằng mới đi, không biết làm gì bên ấy mà mấy năm đã xây biệt thự, cả làng lác mắt. Trồng cỏ chứ làm gì. Hiền sẵng, nhói lòng nhớ đến Bã Đậu. Anh chàng giã từ nghề vắt đậu, bỏ sang Anh làm người Rơm. Quê anh biển chết rồi. Cá chết thì người sống sao được. Cả vạn chài phơi thuyền ngắm cát. Đêm đêm nghe biển gào thấu tận trời xanh. Cả làng còn mỗi người già và trẻ con. Nghèo thì ra thủ đô làm cửu vạn, ô sin, có tiền thì vượt biên. Chết cũng đi. Làng anh đi đông lắm. Sang đấy làm đậu phụ bán cho người Rơm cũng được. Muốn nhanh thì trồng cỏ. Vài năm là phất. Cùng lắm là đi tù vài năm, tù ở Tây sướng bỏ mẹ, ra tù họ mua vé đưa về Việt nam. Về lại đi, lo gì. Có chết đâu mà sợ. Nhưng Bã Đậu đi, rồi mất tích từ đó. K
hông ai biết gì về Bã Đậu nữa. Không biết mất tích đâu giữa mênh mông phận người.

Kệ, Na vẫn khăng khăng. Một xanh cỏ hai đỏ ngực. Nguy hiểm lắm, đừng đùa. Hiền cố gàn. May thì chỉ một vụ là trúng cần gì đến vài năm. Nhưng cảnh sát bắt là đi tù. Mọt gông đấy con. Như tao đây, trông trẻ mỗi tháng cũng được 7 trăm oi. Gọi là làm ô sin, nghe thì hãm nhưng mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Cố vài năm là hết nợ. Rồi kiếm thằng tây già nào kết hôn mà ở lại. 

Kệ, Na đã nhất quyết, y như là tiền oan nghiệp chướng gì. Na gom hết vốn liếng, giật của Hiền gần 9 trăm, còn vay nóng thêm mấy ngàn, chỉ đợi ngày đi. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mấy năm cầy cuốc nơi trời Âu dốc vào canh bạc cuối cùng. Canh bạc đổi đời phải trả giá bằng cái chết.

Na nhắn tin, Hiền ơi tao không thở được, tao sắp chết rồi. Hiền gửi cái icon mặt mếu. Cố lên, sắp đến thiên đường rồi. Ngộp thở trong công còn hơn chết vì ngạt thở ở quê nhà. Viết xong, bấm send. Nghĩ thế nào lại gửi thêm quả tim. Bồn chồn y như ai đốt lửa.
Ai ngờ, đấy là tin nhắn cuối cùng của Na


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang