Chào để chết
Tôi thấy ông từ xa, xiêu vẹo đi lại phía tôi như sắp đổ trên hè phố. Khi nhận ra tôi, ông cố rảo bước lại gần, lẩy bẩy và hổn hển như sợ chậm hơn thì tôi sẽ biến mất.
Ông bảo, tôi cứ sợ không gặp lại cháu nữa. Tôi cần chào cháu một câu trước khi chết. Cháu biến đi đâu cả tháng nay thế hả?
Mấy hôm nay hầu như ngày nào tôi cũng ngóng ông. Vì hôm trước, chồng tôi đã nói, nhìn ông rất yếu. Tôi đã trách, sao anh không gọi em. Em phải gặp ông ấy.
Như có linh tính, hôm nay, tôi có mặt đúng lúc ông đi qua. Người đàn ông một nửa cuộc đời mang căn bệnh tiểu đường, lần lượt chôn bốn đứa con vì bốn lý do khác nhau, luôn nở nụ cười và không bao giờ đánh mất sự hài hước, người luôn gọi tôi là Lotus Flower, người luôn coi tôi vừa là bạn, vừa là con gái, người đã cho tôi những lời khuyên quý báu nhất làm thay đổi cuộc đời tôi...
Tôi phải đi chạy thận lọc máu tuần ba buổi rồi cháu ạ. Bác sĩ họ bảo tôi phải nhập viện vì tim và phổi đều hư hỏng hết rồi. Nhưng nằm viện ít nhất cũng phải ba tuần, không ai được thăm nom, để làm gì. Thôi tôi ở nhà, rồi từ đó vào nghĩa địa gần hơn.
Ông cười.
Vợ ông đâu? Tôi hỏi. Bà ấy đang nằm massage bên kia. Ông chỉ sang bên kia đường. Bả đau lưng. Tôi phải đưa đón bà ấy chứ. Đàn ông mà. Ông lại cười, nháy mắt hóm hỉnh.
Khi nói chuyện, ông phải nhìn vào miệng người đối diện để đoán, vì ông bị điếc đã lâu. Tiểu đường nhưng kiêng khem rất kỹ, ông không hề bị biến chứng. Nhưng ông điếc nặng. Và mấy năm nay, có lúc ông đã phải dùng xe đẩy. Cái xe giúp ông vịn tay và ngồi thở khi cần. Hôm nay, tôi thấy ông đi tay không, vác theo một túm cà rốt tươi vừa mua ngoài chợ nông sản. Cái túm cà rốt trông bạc nhược và lủng lẳng trên tay ông.
Xe của ông đâu? Tôi gắt. Ông lại cười, vẻ hối lỗi vì bị bắt quả tang. Tôi vứt nó đi rồi. Nó chả giúp gì đâu. Rồi ông khoe: dạo này tuần nào tôi cũng bị ngã đến mấy lần. Tất nhiên là người ta phải kéo tôi dậy. Có hôm họ gọi xe cấp cứu. Ở đây tôi quen biết tất cả. Đến con chó nó cũng biết tôi là ai. Họ đưa tôi về nhà. Chết ở đâu cũng thế thôi. Nhưng tôi không thích nằm nhà thương và đợi chết. Tôi là bạn rất thân với thần chết, chúng tôi thân đến mức sẽ không cần gửi giấy triệu tập làm gì. Tôi cứ sống, và anh ta cứ thi hành phận sự.
Tôi không thể an ủi gì ông. Tôi cười, miệng méo xệch. Chết mà vui như hội và lại còn đi khắp nơi chào hỏi như này thật hoan lạc quá nhỉ. Tôi ôm chặt lấy ông, mặc kệ con corona có thể đang rúc rích cười hăm dọa ngay bên cạnh.
Tôi sẽ rất nhớ ông. Tôi bảo. Ông không nghe thấy. Tôi cũng yêu ông. Tất nhiên là ông cũng không nghe. Ông điếc mà.
Cám ơn ông vì tất cả. Tôi nói. Lần này thì ông nghe vì ông nhìn vào miệng tôi. Ông gật gật.
Tôi không ân hận gì nữa. Cháu là người cuối cùng tôi cần chào trước khi chết. Ông bảo. Mặt vẫn hớn hở, dù vừa nói ông vừa thở phì phò như kéo bễ.
Cháu phải tận hưởng cuộc sống từng giây từng phút và phải luôn làm cho mình hạnh phúc nhé, Lotus! Ông dặn tôi. Lần này thì tôi gật cật lực. Tôi đã làm theo lời khuyên ấy dễ có đến gần 20 năm...
Ông nói: Chủ nhật nào tôi cũng đi lễ nhà thờ. Tôi rất ngoan đạo dù tôi chẳng cần đến chúa. Nếu có chúa, ngài đã chẳng mang các con tôi đi như thế. Với tôi thì không sao, bà nhà tôi mới là vấn đề. Bà ấy phải chôn đến 4 đứa con, giờ lại chôn thêm cả tôi nữa, quá bận rộn với cuộc đời một người phụ nữ. Ông tỏ ra giận dỗi.
Tôi đi rồi sẽ không ai đưa bà ấy đi massage mỗi ngày. Bà ấy sẽ không ra khỏi nhà nữa, vì không có ai gọi dậy, bả vốn lười. Giọng ông thoắt buồn, và lần này như có ngấn nước trong đôi mắt mờ đục.
Chưa thấy ai chuẩn bị cho sự chết hân hoan và minh triết như ông. Cũng chưa có buổi nói chuyện nào kỳ lạ và đầy cung bậc cảm xúc như buổi nói chuyện với người đàn ông đi chào mọi người để chết. Ông càng đón đợi, thần chết càng đỏng đảnh. Có lẽ ông đã chào đến mấy vòng, nhưng bông hoa Sen của ông có lẽ là người cuối cùng.
Tôi biết, ông sắp toại nguyện. Xung quanh ông, người ta chết cả rồi. Ông đi đám ma tất cả mọi người, trông chừng lũ trẻ hàng xóm và không nhầm một ai. Ông luôn thấu hiểu như một nhà tiên tri.
Nhớ ngày các con còn nhỏ, ông đã bảo tôi: con gái của cháu có tố chất một nghệ sĩ. Tôi thấy nó đứng dưới vườn hoa, chắp tay sau đít, ngước nhìn hàng giờ lên bức tượng. Tôi khi ấy còn chưa nhận ra con gái mình có tố chất nghệ sĩ ngoài việc thấy con bé rất nhút nhát. Con bé bây giờ là nhà thiết kế đồ họa và mẫu ảnh của nhiều tạp chí.
Lần khác, ông khen thằng Cua đĩnh đạc và rất ngoan, luôn chào hỏi hàng xóm. Tôi ngờ ngợ vì sự ngoan và đĩnh đạc của chính con mình. Ở nhà, Cua chây lười và ương ngạnh. Nhưng rồi, hóa ra ông đã đúng.
Ông luôn khen tặng tôi rất hào phóng. Cháu như một bông hoa Sen ấy, nhìn cháu người ta cũng muốn nở hoa. Tất nhiên tôi biết ông thiên vị. Nhưng lời khen quả là tàn độc. Nó làm tôi luôn phải phấn đấu, để được là một bông hoa sen mỗi khi ông gọi tên, cho đỡ xấu hổ vì chả liên quan gì đến Sen
Ông luôn trò chuyện, lắng nghe bằng giác quan thứ sáu, và bằng sự gần gũi của người cha. Dù ông với tôi vốn chỉ là hai người hàng xóm.
Ông năm nay dễ đến 80 rồi nhỉ. Tôi giả vờ, như mọi khi. Và ông luôn bị mắc bẫy, sung sướng được đính chính lại: 86 rồi đấy cô ạ.
Lần này ông chẳng có vẻ vui khi có người đoán ông trẻ đến 6 tuổi. Một trò rất trẻ con mà tôi học được từ người Đức.
Tôi biết, ông sẽ không có sinh nhật thứ 87 của đời mình.
Không bao giờ nữa.
Chuông nhà thờ vừa gióng lên những hồi chuông rền rĩ. Tôi biết, tôi sẽ mãi mãi nhớ về ông.
~~~~
Thứ 6. 13.11.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú Ý: Bạn có thể
Chèn Emoticonsdán link video (từ trang youtube), link nhac (từ trang nhccuatui) hay link hình (tận cùng có đuôi .gif, .jpg, .jpeg, .png, .bmp) mà không cần dùng thẻ
- viết <b>chữ đậm</b> <i>chữ nghiêng</i>
- đổi cỡ, màu chữ: [size="30"][color="gold"] Chữ cỡ 30 màu vàng [/color][/size]
(Màu : blue, green, gold, violet, red, pink ..)
- giới thiệu trang web: <a href= link_trang_web > Tên_trang_web </a>
- chèn một số yahoo emoticons (click Chèn emoticons để xem cách gõ)