NGƯỜI CÂU ĐÊM




NGƯỜI CÂU ĐÊM (1)
===
Bệnh nhân đầu tiên của tôi là Cheng, một người đồng hương. 

Bác sĩ trưởng bộ phận Hospiz, nơi giành riêng cho những người đợi chết, gọi là chăm sóc người cận tử, bảo tôi:

- Cheng thật ra không có bệnh. Anh ta chỉ không muốn sống nữa. Chị có thể nhận anh ta không?

Một người không muốn sống dù sao cũng đỡ tệ hơn một người cố níu kéo cuộc sống mà không nổi. Tôi nhận lời.

Hospitz là nhà ga cuối cùng trên chuyến tàu định mệnh một đời người. Họ đến đây để đợi chết. Và nhiệm vụ của nhân viên ở đây là giúp bệnh nhân chết một cách vui vẻ hạnh phúc nhất như có thể. Trong 30 năm trong nghề, bác sĩ trưởng Ledermann cho biết, chưa ai đến đây mà quay trở lại. Có chăng chỉ là do bệnh viện chuẩn đoán nhầm. Nhưng thậm chí việc đó cũng chưa bao giờ xảy ra.

Cheng gầy như cây sậy mùa đông nằm trên giường. Mỏng tang và trắng bệch, đầu trọc lốc. Cheng không hóa xạ trị, tóc rụng từ trước, hoàn toàn tự nhiên. Sau này tôi biết thế. Căn phòng rất đẹp, có phần sang trọng, với rèm cửa màu vàng nhạt, đồ gỗ nâu sáng, thậm chí còn có bình hoa tươi, loại hoa rẻ tiền thôi, thứ 1.99 € một chục, bán đầy trong siêu thị, và một đống thú nhồi bông trên hộc tủ đầu giường. Trong khoảnh khắc, tôi quên đây là trạm đỗ cuối cùng của một người hấp hối.

Tôi đọc hồ sơ của Cheng. 58 tuổi. Không tôn giáo. Vợ và hai con. Kỹ sư điện toán tốt nghiệp tại Đức. Sở thích: đàn guitar, câu cá. Hoàn toàn khỏe mạnh cho đến hai năm gần đây. Cheng được xác nhận là mắc bệnh hoang tưởng và chuyển thẳng từ nhà đến Hospiz. Bệnh lý: không ăn, từ chối nói chuyện và điều trị. Đơn yêu cầu không hỗ trợ y tế đã được viết cách đây nửa năm.

Cheng ở một mình. Nghĩa là không có bất kỳ người thân nào chăm sóc hay thăm viếng. Cái đầu bóng nhãy chìm trong đống gối chăn bất động. Bác sĩ đến gần, đặt tay lên mũi Cheng, ra hiệu, chưa đâu.Tức là chưa chết. Ít nhất tôi cũng không cảm thấy sự chết.

Một đồng nghiệp trong đoàn trợ niệm ngồi xuống bên cạnh Cheng, phía gần cửa sổ, tìm trong di động phần audio đã thu sẵn, dài ba tiếng. Ba tiếng, gồm chỉ toàn một câu Nam mô a di đà Phật. Trên nền nhạc là tiếng mõ nghe như ở cảnh giới nào xa lắc. 

Một lát sau thì có thêm ba người cộng sự và một vị sư áo vàng nữa đến. Họ lặng lẽ làm phận sự, không ai trao đổi với ai một lời nào. Đấy là những thiên thần sống hoặc các vị Bồ Tát. Họ mang trái tim đi trợ niệm, gọi nôm na là giúp những người sắp chết ra đi được nhẹ nhõm, ít nhất về mặt tinh thần. 

Vì đây là bệnh nhân đầu tiên của tôi, nên tôi khá căng thẳng. Nhưng rồi chính tôi cũng nhận ra, người sắp chết cũng chỉ là con người, một sinh linh như ta vậy. Từ bỏ cuộc sống không có gì quá ghê gớm, không có trận động đất hay tiếng sét nào xảy ra cả. Đang mùa hè, trời rất ấm. Căn phòng đầy mùi long não, ngoài vườn tím biếc hoa oải hương, ong và bướm. Sự chết vốn bắt đầu ngay khi sự sống vừa mới bắt đầu, chỉ có điều là nó xảy ra khi nào và ở đâu, ta không được quyền chọn lựa. Cheng hẳn có lý do chối bỏ cuộc sống, chắc gì do anh chán sống, mà do phía bên kia có một thế giới khác ý nghĩa hơn chăng?

Tiếng tụng kinh vẫn rền rĩ bền bỉ như không bao giờ ngưng. Tôi bắt đầu nản, lan man đặt câu hỏi. Vợ con Cheng đâu? Và tại sao Cheng lại không muốn sống nữa? Mới 58 tuổi, mọi cái còn dang dở. Còn bao việc cần làm. Điều gì khiến một người đàn ông từ bỏ tất cả để ra đi?

Đến xế chiều thì những người trợ niệm ra về. Chăm sóc thân xác của bệnh nhân là việc của y tá. Chúng tôi chỉ là một trong những thiện nguyện viên chăm sóc tinh thần cho Cheng, ít nhất để người sắp chết không phải ra đi một mình. 

Ba ngày tiếp theo, nhóm trợ niệm liên tục thay phiên nhau tụng kinh bất cứ khi nào có thể. Tôi chỉ thu xếp đến thăm Cheng vào ngày cuối tuần, vô cùng ngạc nhiên thấy da Cheng hình như hồng lên. Cheng đã đòi uống nước và gọi bác sĩ. Quanh người Cheng giờ đây đầy dây nhợ và dịch truyền. Bà bác sĩ Ledermann bảo đấy là do sự thức tỉnh hay nỗi sợ chết bản năng. Nhưng chúng tôi thì cho rằng, đó là do tác dụng của trợ niệm, của kinh Phật. Dù lý do gì đi nữa thì Cheng tạm thời vượt qua lằn ranh của sự chết, nhưng sự sống cũng chưa có gì khả quan. Cheng đã suy kiệt đến mức mạch rất yếu, nội tạng bị tổn thương nặng. 

Trợ tử bị cấm ở Đức. Không tử tử, Cheng chọn cách nhịn ăn để chết. Nhưng rốt cuộc, Cheng đã đổi ý. Bác sĩ nói, có lẽ Cheng chỉ muốn tỉnh lại để làm một điều gì đó. Cheng từ chối chữa trị, chỉ đồng ý tiếp nước và thức ăn.

Vào một buổi trưa, Cheng bỗng nói. Giọng rất khẽ, nhưng rành rọt:

- Chị bảo cô ấy đi đi. Tôi còn có ít chuyện phải làm.

Tất nhiên là Cheng mê sảng. Trong phòng chỉ có mình tôi. Những người khác đang đi ăn trưa.

- Anh muốn nói ai?

- Charlotten. Cô ấy đấy.

Cheng chỉ tay vào cuối giường. Tự nhiên tôi lạnh toát sống lưng. Trong phòng dường như không chỉ có hai chúng tôi.

- Cheng. Anh thấy trong người thế nào? Anh có muốn làm vài giọt an thần không? 

Cheng lắc đầu. Mắt sáng rực.

- Anh có khao khát điều gì không? Thật khao khát ấy...

- Tôi muốn đi câu. Chị đã đi câu bao giờ chưa?

- Câu à? Tôi chưa. À mà có... Lâu lắm rồi.

- Câu đêm cơ. Câu đêm. Dưới ánh trăng. Bên một tòa lâu đài.

Cheng lại mê sảng. Có lẽ bệnh hoang tưởng lại hoành hành chăng?

Nhưng sau này tôi biết Cheng không mê sảng. Đó là câu chuyện mà Cheng kể lại trong cố gắng cuối cùng trước khi từ giã cuộc sống.

Câu chuyện của một người câu đêm.

NGƯỜI CÂU ĐÊM (2)
==
Chị chưa câu đêm bao giờ à? Tôi thích câu đêm, phần vì ban ngày thường phải đi làm, phần vì tôi thích yên tĩnh. Làm gì cho hết đêm ấy à, đâu phải lúc nào cũng lăm lăm cầm cái cần đâu. Cứ đặt đấy, thấy nháy thì giật. Có khi giật xong, lại gỡ cá thả xuống hồ. Ăn mãi cũng chán. Cho mãi cũng nhàm. Nhưng vẫn câu. Có khi là thú vui, có khi chỉ là thói quen. Với tôi, là cả một câu chuyện dài...

Tôi hay câu ở loanh quanh ngoại ô. Đi xa xa như thế mới thú. Một mình một nơi vắng vẻ, nào bánh mỳ kẹp, nào bia lạnh, buồn ngủ thì đánh một giấc. Cũng có lúc rủ thêm hội nọ hội kia, hay cả đàn bà các cô, nhưng bọn ấy quẩn chân lắm. Câu gì. Thiết gì cá. Chỉ tổ xua cho cá nó sợ, mà ôm một em rồi thì cá cắn sập cần cũng chả biết.

Nói để chị hiểu, câu đêm thật sự là một thú vui, một đam mê. Nó vượt lên mọi đam mê khác. Nó tiết ra hormone nam tính, cái thú của kẻ đi săn vớ được con mồi. Câu được cụ chép nữa thì nhất. Rong được nó xong mình cũng mệt phờ râu, nhưng cái sướng nó toát ra đầy cả lỗ chân lông. Kích thích lắm. Cô không hiểu được đâu. Con chép đến mấy chục ký, lên lão đấy. Thịt nó dai và chắc như thịt gà nước, nhưng mà chả dám ăn. Chép ấy mỗi năm cho cả vạn trứng. Mới lại, nó sống lâu quá, nhiễm đầy kim loại nặng. Nói không phải để chị sợ, chứ cá sống lâu cũng thành tinh. Biết đâu truyện nàng tiên cá đêm đêm hát dụ các đoàn tàu là có thật? Một lần, câu được con chép dễ đến ba chục ký, da nó bóng nhày bóng nhụa, như mặc áo gấm hoa. Nhìn sướng cả mắt. Lúc hứng lên, gọi cho người ta làm thịt, sau cứ ăn năn mãi. Y như mình là đồ tể ấy. Cảm giác rờn rợn ấy là có thật.

Tôi bất giác nhìn về cuối giường, nơi hôm trước Cheng đã gọi tên một người đàn bà. Charlotte. Có liên quan gì đến câu chuyện câu đêm và cá chép thành tinh này không?
Cheng mệt nhọc thở dốc, bảo tôi: Cho xin mấy giọt naloxone. Cái chai vàng vàng ấy ở góc tủ ấy. 

Naloxone là thuốc giảm đau có morphin. Tôi đưa cho anh cốc nước, nhỏ vào đấy đúng năm giọt như chỉ dẫn. Uống cả chai có thể tử vong. Nhưng Cheng chưa muốn chết. Câu chuyện còn dang dở. Ở trạm trung chuyển của thần chết này, yêu cầu của bệnh nhân là tối thượng.
Cheng đã khá hơn, hơi thở đều hơn. Tôi bỗng thấy ái ngại. Lẽ ra người nói phải là chúng tôi, những người trợ niệm, an ủi và giúp đỡ người cận tử. Cheng rất yếu, nói cũng là một việc quá sức. Dường như đọc được ý nghĩ ấy của tôi, Cheng ra hiệu, ý nói, tôi ổn. 

Cheng kể tiếp:

Nhưng tôi đến con hồ ấy không phải để câu. Cái biển cấm câu lù lù bên hồ, câu mà lấm lét lo phạt thì mất sướng. Rồi lơ mơ mất bằng như chơi. Buổi trưa, nắng đọng im phăng phắc trên mặt hồ, vắng đến nỗi mấy con ngỗng trời, sâm cầm, vịt giời cũng vón lại cả đống, chả thèm nhúc nhích. Tôi và bà xã có việc đi qua đấy, đi loăng quăng thôi, thấy khu rừng đẹp như rừng nguyên sinh thì ghé vào. Tìm chỗ nghỉ chân và ăn trưa. Đồ ăn làm sẵn mang đi. Ăn xong, bà xã nằm nghỉ trên tấm chăn dưới tán cây, còn tôi, tranh thủ lướt fb. Và rồi tôi nhìn thấy cô ấy.

Đầu tiên tôi tưởng mắt bị lóa, vì cô ấy như rơi thẳng từ quầng sáng trên mặt hồ xuống. Váy trắng như sương, lẫn với ánh nắng. Giữa hồ có cái mảng gỗ nhỏ, trên mọc đầy cỏ dại và rêu um tùm. Chả biết để làm gì và khi nào, nhưng đã cũ kỹ lắm. Mấy con vịt giời đang nằm phơi nắng giật mình lao xuống nước. Cô ấy đứng đó, vươn vai, ưỡn căng bộ ngực, rồi nhẹ nhàng cởi váy, vứt qua đầu. Thân thể cô ấy chói lòa trong ánh nắng. Nắng như từ bên trong hắt ra, làm da cô ấy trong suốt, có màu trắng như men ngọc. Tôi còn chưa kịp định thần thì vút cái, cô ấy biến mất dưới nước. Nhanh đến nỗi tôi không kịp chụp tấm ảnh nào.

Con hồ ấy nhỏ thôi. Sau này tôi biết đó là một nhánh của một con sông cạn đã thổ hóa. Nó nằm trong rừng, cạnh tòa lâu đài bỏ hoang. Nếu không có lũ chạy bộ và bọn dắt chó đi qua, thì đây chả khác gì một khu rừng chết. Nên cô ấy tắm táp trần truồng cũng là lẽ bình thường và chắc không phải lần đầu tiên.

Tôi cứ căng mắt ra tìm nhưng chẳng thấy cô ấy đâu. Chỉ một thoáng thôi, con đực trong tôi đã trỗi dậy từ bao giờ. Tôi không thích vòng vèo hay giả vờ. Cũng có lúc tôi thích một người đàn bà chỉ vì IQ của cô ta cao, hay khoái một nàng biết thọc bi za chẳng hạn. Nhưng thích và ham muốn nó khác nhau. Với cô ấy, tôi lập tức muốn chiếm đoạt. Muốn làm tình ngay tắp lự. Thật. Tôi cương hết cả lên. Người nhức căng, nóng bừng như đống củi đang cháy. Còn cô ấy biến mất. Pho tượng trắng muốt căng phồng chứa đầy nắng biến mất như rái cá dưới lòng hồ. Tôi chỉ chụp được cái váy cô ấy bỏ lại trên mảng.

Lần đầu tiên gặp cô ấy chỉ có vậy. 

Tuần sau, tôi quay lại một mình. Cũng mồi cũng cần, sandwich và bia lạnh, nhưng tôi không đi câu. Tôi rình cô ấy. Không, ban ngày chứ cô. Tôi đi ban ngày, cuối tuần. Bà xã tất nhiên là không đi theo. Bà ấy ghét cả cá lẫn câu cá. Điều đó trước đây làm tôi không vui thì bây giờ lại là cơ may. Bả mà biết tôi không săn cá mà lại săn người, thì bả tước ngay cần của tôi. Cần dài cần ngắn gì cũng tước. 

Cheng cười. Nụ cười méo mó nhưng rõ là cười. Lần đầu tiên tôi thấy một người sắp chết cười. Nó ớn lạnh và hơn thế, đáng thương đến hẫng hụt.


NGƯỜI CÂU ĐÊM (3)
===
Chị đã thấy Thường Xuân nở hoa bao giờ chưa? Chưa à. Người ta nói, khi Thường Xuân nở hoa, các linh hồn sẽ bay về. Hoa Thường xuân được trồng ở nghĩa địa, vì nó xanh tốt quanh năm, bất chấp băng tuyết. Không phải khi nào nó cũng ra hoa, nhưng một khi đã một lần nở hoa, thì chắc chắn sẽ nở hoa suốt đời. Thường xuân là thứ dây buộc linh hồn người chết với cõi tạm. Nó có thể làm vỡ cả những tảng đá, quật đổ cả những pho tượng bằng sự lỳ lợm trắng trợn. Tôi yêu Thường Xuân. Nó chính là sức mạnh của sự dẻo dai và ý chí. Kìa, Thường Xuân đấy. Nó đang ra hoa.

Tôi nhìn ra cửa sổ. Một bụi Thường Xuân quấn quýt leo kín gốc cây Sồi. Lá xanh thẫm như những trái tim. Hoa đang bung nở từng chùm như mật phủ, bông nào bông nấy lấm tấm phấn vàng. Một thứ hoa rẻ tiền và vô vị. Tôi chưa bao giờ thích Thường xuân. Cái thứ cây ma muội, luẩn khuất đeo bám các linh hồn ấy, có gì đáng lưu tâm trong muôn hồng nghìn tía. Nhưng mắt Cheng thì sáng rực lên, nhìn đám Thường xuân như thể đó là kỳ hoa dị thảo.
Cheng lại lạc vào câu chuyện của chính mình. Anh tiếp tục kể, như thể hồi tưởng là một chiếc phao neo anh vào cõi sống.

"Chúng tôi đã ở cùng nhau trong tòa lâu đài ấy. Suốt cả mùa Thu năm ấy.

Vâng. Lúc yấy đã là mùa Thu. Dọc hai bên cổng, trên bậc đá, đã xếp đầy đèn lồng, bí đỏ, rồi ngô tía, ngô đen các loại, trồng xen kẽ với những giỏ hoa thạch thảo và cúc vàng. Lá trong vườn vẫn còn xanh như giãy lên. Chỗ nào cũng hoa nở, ong bay. Lâu đài đầy vẻ đài các, bí hiểm và thâm u. Nhưng cách trang hoàng kiểu mùa Thu đã làm nó trở nên ấm áp và lãng mạn. Vô cùng lãng mạn. Tôi đã sống biết bao nhiêu mùa Thu cuộc đời. Vui có. Buồn có. Vô vị có. Nhưng mùa Thu ấy thì đóng đinh vĩnh viễn vào ký ức tôi. Như là tất cả quá khứ lẫn tương lai đều xóa trắng, chỉ còn lại thời khắc ấy, khung cảnh ấy. Vĩnh viễn không bao giờ có thể xóa mờ đi được. Cô ạ.

Nàng đã hẹn tôi đến đấy. Cái giờ khắc thần tiên mà định mệnh ấy cuối cùng rồi cũng đến.
Nàng đi chân trần, mặc chiếc váy trắng dài quét đất trông vô cùng thanh xuân và giản dị. Chiếc váy có viền đăng ten ở chân ngực và dưới gấu váy. Loại vải lạ lắm, tôi chưa thấy bao giờ. Nó mỏng và mịn như gân lá, gần như trong suốt, ánh lên như ánh trăng đêm rằm. Tôi chạm vào nàng, như không dám tin đấy là một người bằng da bằng thịt. Nàng gần như bung hết, tràn căng, tuân phục, hiến dâng và mời gọi. Chúng tôi như hai mảnh ghép lạc loài đã thuộc về nhau từ kiếp nào. Như hai mảnh tim đi lạc đã tìm thấy nhau. Chúng tôi lập tức bị hút chặt vào nhau.

Tôi vội bế nàng trên tay. Y như đón một cọng lông ngỗng từ một đám mây nào rơi xuống. Hay tôi sợ nàng lạnh, sợ đôi chân trần của nàng bị xước. Nhưng tôi đã bế nàng trên tay như thế. Tôi, một lão già bất tài, cũ kỹ, mục nát và vô vị nếu không gặp nàng.

Nàng trong như ngọc, y như như ánh sáng mặt trời xuyên qua vải, xuyên qua cả làn da nàng. Tấm thân ấy rừng rực, thon mịn, và tỏa mùi thơm kỳ lạ. Mùi thơm của da thịt trinh nữ. Mùi thơm của hoa, của cỏ, của những hội hè thôn dã nhưng thuần chất, chứ chả có chút gì trụy lạc như bọn gái non bây giờ. Tôi lập tức mụ mị cả người. Như trôi vào bãi sương mù. Như bị một cú đánh nhà nghề. Nhưng tôi vẫn tỉnh táo, để mà biết ngoài trời đang đầy nắng vàng và ong. Thứ ong mật bâu kín cả đám hoa Tường Xuân trên bao lơn nhà nàng. Ong kêu vù vù đinh tai nhức óc, hoa thơm sũng mũi. Chúng tôi ngày nào cũng ngồi ăn sáng ở đấy, dưới dàn hoa Tầm xuân và một rừng ong bay rào rào. Có hôm tôi còn cắn cả vào một con ong.
Phòng của nàng nằm tầng trên cùng, có bao lơn trông ra vườn. Dưới ấy, táo chín đỏ rụng xếp đầy trên cỏ. Hoa dã quỳ vàng kín đầy lối đi. Đẹp lắm cô ạ. Tôi vẫn hình dung rõ ràng tất cả. Hình như đấy chính là thiên đường. Tôi ngỡ ngàng hỏi nàng:

- Cha mẹ em đâu? Đây là nhà ở hay khách sạn? Sao nó rộng quá vậy? Bao nhiêu phòng, ở làm sao hết?

- Cha mẹ em đi vắng rồi. Hôm nay bắt đầu lễ hội mùa Thu ở bang Mecklenburg, anh không biết sao?

- Không, anh không để ý. Tòa lâu đài này của gia đình em?

- Của dòng họ Bá tước William. Em là người thừa kế duy nhất. Nhưng hôm nay không có ai là bá tước. Chỉ có mỗi hai chúng ta thôi.

Một bà già da đen ăn mặc kiểu nô tỳ, tạp dề trắng và mũ trắng hồ bột, đính đầy đăng ten, nhìn tôi vẻ nghiêm khắc. Rồi bà nói với nàng:

- Cô Charlotten, đồ ăn đã chuẩn bị xong trong phòng ăn. Ngoài trời rất ấm. Cô có thể ra vườn sưởi nắng. Quý ông đây...?

- Tôi là Cheng. Tôi giơ tay định bắt tay bà.

Bà làm như không thấy cử chỉ ấy của tôi, giơ lên chùm chìa khóa. 

- Tôi cũng sẽ đi ngay bây giờ. Ông có toàn quyền sử dụng một phòng. Tôi có thể tin ông chứ?

- Toàn quyền?

- Chả phải ông là khách thuê phòng sao? Đồ ăn tính vào tiền phòng. 50€ một đêm. Ông có thể ở bao lâu cũng được. Cô Charlotten đã đảm bảo cho ông.

Tôi liếc nhìn nàng. Gương mặt trắng như mỡ đông, những lọn tóc óng vàng thả xuống vai giống một thiên sứ. Nhưng lúc này nàng lại đầy vẻ ranh mãnh và đồng lõa. Ra tôi là khách thuê phòng. Đấy là cách nàng thu xếp để tôi có thể đến ở cùng nàng. Trong tòa lâu đài ngay bên con hồ bỏ hoang.

Đó là những đêm thần tiên nhất trong đời. Nó đã hút cạn sức sống của tôi. Charlotten như một sa mạc hun hút mà nước trong tôi trút vào bao nhiêu cũng không đủ.

Một người đàn ông thành đạt, còn đang tràn đầy khao khát nhưng đã hết tình yêu với vợ, và một cô thiếu nữ căng mọng xuân thì. Trong một tòa lâu đài khổng lồ tuyệt không có lấy một ai. Không cả chó mèo. Cô biết chúng tôi còn biết làm gì, ngoài làm một thứ?

- Trò chuyện? - Tôi giả vờ đánh trống lảng.

Cheng liếc tôi một cái đầy ý nghĩa rồi không nhịn được, anh phì cười mà như nấc lên, mất kiểm soát. Nụ cười đột ngột và quá sức khiến anh bị sặc. Tôi hốt hoảng dúi cho anh ly nước pha á phiện. Bảo bối của người sắp chết.

Uống xong, Cheng thũng thẵng nói một câu khiến mấy cô trợ niệm vừa đến để tụng kinh phải giật mình:

- Làm tình.




NGƯỜI CÂU ĐÊM (4)
===
Cô chưa đi câu đêm bao giờ à? Hoài của. Cô không biết cái hồi hộp khi cá cắn câu nó kích thich thế nào đâu. Một mình một cõi giữa hoang vắng mênh mông, chỉ có côn trùng nỉ non, đôi khi có thú hoang, và cá. Tôi biết rõ chỗ nào có cây óc chó, chỗ nào có hạt dẻ, Chỗ nào có thảm hoa xuyến chi, chỗ nào lại toàn quả việt quất hay dâu rừng. Nhưng tôi thạo hơn cả là hồ nào có cá hồi, cá chép, hồ nào toàn diếc, chỉ béo bọn câu vặt với lũ lười đi, gà què ấy mà. Rồi mang cả yến đi bán trộm. Phạt đấy, đừng đùa. 

Tôi thích đi xa. Căng lều giữa cánh đồng, hay ở bìa rừng, uống nước trong bi đông, gặm bánh mỳ. Nó là một cuộc sống khác với cuộc sống bình thường cô ạ. Nó còn hơn cả sự đam mê. 

Hôm ấy, cá cắn câu. Tôi đang nằm trong lều thì nghe tiếng bíp báo hiệu. Định bụng mặc kệ, đang bận đong đưa trên phây búc. Coi đừng cười. Tôi nhiều cô theo lắm. Có tý tài chém gió, lợi lắm. Vợ thì mặc vợ chứ. Bả có biết đâu. Mà mình cũng có làm gì tệ đâu. Có tý gái vào thì cuộc chơi nó mới vui, cô nhỉ?

Tôi chăm chú nhìn Cheng. Tự nhiên thấy vui. Cheng đã hồi phục thật ư?

Thế, đang đong gái, định bỏ cá đấy. Nhưng con chó nó sủa ghê quá. Y như bị ai bắt nạt. Không, là con chó của thằng đi cùng. Thằng ấy chưa có bằng câu cá, muốn đi cùng kiếm tý về cải thiện. Nó mang con chó đi. May không mang vợ. Chứ mang bọn ấy đi thì cá nào dám cắn. 

Cheng cười. Nụ cười méo mó, nhưng gương mặt bừng sáng. Chúng tôi nhìn nhau. Hôm nay có thêm một chị trợ niệm bay từ Hà Lan sang. Chị bấu tay tôi, thì thào. "Lạ thật. Bao nhiêu năm trợ niệm người chết, chị chưa thấy ai như anh này. Không biết là đang chọn sống hay chọn chết." Tôi bóp tay chị, ra hiệu im lặng. Với người hấp hối, được nói và nói được là một ân sủng cuối cùng mà chúng tôi cần tôn trọng.

Đoàn trợ niệm rút ra ban công. Họ niệm Phật ở đó. Mình tôi ngồi trong nhà với Cheng và câu chuyện của người câu đêm lại tiếp tục lẫn trong tiếng kinh cầu. Cảnh tượng chỉ có ở Hospiz.

Con chó sủa dữ dội như bị ai bóp cổ. Tôi chạy ra soi đèn pin, cần câu vẫn im lìm, mồi vẫn nguyên. Chắc nó sủa con thỏ rừng nào đấy thôi. Đêm ấy trăng đã già, nhìn cái gì cũng như sương ấy. Nhưng chắc chó sủa thú, không phải sủa trăng.

Suốt đêm, chó sủa mấy lần, cần cũng bíp mấy lần. Tuyệt không có con cá nào cắn. Tôi chưa bao giờ lặn lội câu đêm mà chịu về không. Thế mà đêm ấy thì đúng là không có cá. Rất lạ cô ạ. Lạ hơn là thằng mang chó đi ngủ say như chết, nó bảo, nó chả nghe thấy chó sủa lần nào. Đi câu hay trốn vợ đi ngủ bù, không biết!

Tôi rụt rè: 

- Anh câu ở đâu? Chỗ lâu đài họ cấm câu mà?

- Ừ tôi quên nói. Là câu phía sau lâu đài. Chỗ đó thì họ không cấm. Nhưng tôi biết không có cá. Biết không có mà vẫn đi. Tại tôi muốn gặp cô ấy. Mà cái thằng kia cứ đòi theo. Lại mang cả chó. 

- Chó sủa thế cá nó sợ. - Tôi phỏng đoán kiểu đàn bà.

Cheng im lặng như để hồi tưởng. Anh mệt. Quá nhiều với một người đã chối từ sự sống.
Cuối cùng thì tôi cũng gặp cô ấy. Vào một đêm trăng khác, khi tôi chỉ có một mình với cái cần lâu lắm chẳng được giật lên con cá nào. Lâu lắm rồi, câu với tôi chỉ là một thói quen, không còn là niềm vui. Có lần, tôi còn phải đi mua cá về tặng một đứa bạn, vì cái danh sát cá bây giờ chẳng còn sát cá, mà chỉ là sát gái. 

Đêm ấy, là đêm đầu tiên của chúng tôi. Trời vào thu, hơi se lạnh. Cô ấy lại mặc mỗi cái váy ngủ mỏng như tơ nhện tháng Mười, thân thể cũng ngấm sương, lạnh như một ôm hoa đồng thảo trong đêm. Tôi ôm cô ấy, hôn mãi lên những ngón chân trần giá lạnh, hôn đến rã rời. Rồi chúng tôi yêu nhau đến kiệt sức. Dưới trăng, trên cỏ, trên những bụi thạch thảo thơm rợn người. Không ai nói một lời nào. Yêu thì cần gì nói, hả cô. Tôi như ngất đi vì hạnh phúc. Cô biết thế nào là yêu đến chết, là chết vì yêu chưa?

Cheng hỏi. Câu hỏi như rơi thõng vào hư vô. Rồi anh tự trả lời: tôi đã!

Mãi tới sáng, lúc chia tay, tôi mới biết tên cô ấy là Charlotten.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang