Die Mauer im Kopf- Bức tường trong đầu



Die Mauer im Kopf- Bức tường trong đầu

Một phóng viên báo người Việt ở Mỹ hỏi mình, hồi đó Đông Đức (DDR) khổ lắm đúng không? Phải phân phát tem phiếu nên đời sống thiếu thốn lắm?

Chắc người dân sống ở tư bản cho rằng đã là xhcn thì ở đâu cũng đói khổ và sở dĩ nước Đức thống nhất thuần túy là vì lý do kinh tế.

Mình ngơ ngác. Đến phóng viên còn hiểu về chế độ Đông Đức thời xhcn sai lệch thế, thì người dân bình thường hiểu như thế nào?

Hồi đó, đồ ăn thiết yếu ở Đông Đức bán ê hề và rất rẻ vì được nhà nước trợ giá. Có nhiều cửa hàng còn bán cả bánh đa nem Vn. Quần áo trẻ em cũng trợ giá, cho nên cỡ như Oskar, em bé còi cọc trong tác phẩm Cái Trống Thiếc của Guenter Grass nếu còn sống ở thời này sẽ viên mãn vì được hưởng chế độ quần áo trẻ em đến hết đời. Đông Đức chỉ không có tv màu, xe BMW, chuối nhập khẩu và quần bò levis mỏ đỏ made in usa nên mấy ông cộng mới phất lên nhờ gạ bọn tây may quần bò gọi bằng từ chuyên môn là "bắt số đo". May xong, bò ra sàn nhà tắm vảy axit và thuốc tẩy bí truyền cho nó loang lổ gọi là bò mốc. Trên đường phố hồi đó, có những công dân Đức chơi cả cây bò mốc hãnh diện trông như vừa ngã vào thùng vôi bột. Những thùng hàng đầy xe môkích, mifa, áo lông, xà phòng hoa hồng, xú chiêng màu da người và xích líp phụ tùng các thứ ... gửi về Vn cũng là từ những thâu đêm may quần bò, rảy hóa chất chế tác ra bò mốc. Có lẽ danh từ "cộng mốc" dùng để chỉ người Việt sang Đức lâu năm là từ đây chăng?

Lại cũng phóng viên hỏi, hồi đó chị có vượt tường sang bên tây không? Có. 

Những ngày ấy tất cả các cửa biên giới lúc nào cũng như thùng thuốc súng. Dân đứng tụ tập đông kinh khủng. Trong khi các ông nhớn còn đang bàn thảo nên mở hay không mở tường và khi nào mở thì dân Đức tụ họp khắp nơi bắt đầu từ Leipzig rồi bùng nổ ở Berlin với một khẩu hiệu vĩnh viễn đi vào lịch sử: Chúng tôi là nhân dân! 

Sau câu nói được coi là "nhỡ miệng" của Guenter Schabowki trong buổi truyền hình trực tiếp ngày 9.11, hàng ngàn người Đức đã tràn qua bức tường. Mình không có mặt trong dòng người lịch sử đó bởi đang làm ca đêm. Cả xưởng tây ta gần như chả làm ăn gì. 

Sau đêm 9.11.1989 định mệnh, dân Đông Đức chỉ cần trình hộ chiếu Đức là được qua, lãnh mỗi người 100 DM coi như quà herzlich willkommen của người anh em phía tây. Mình chui bên dưới chân họ, lừa lúc cảnh sát đang bận kiểm tra người Đức, dọt qua. Rét run. Đêm tháng 11 không một mẩu trăng sao. Đứng uống cốc cà phê đen ngòm ngay dưới chân nhà thờ cụt, giá gấp 20 lần do đổi ngoại tệ và không được trợ giá, mà lơ mơ hiểu rằng, tự do có thể mua được bằng tiền, nhưng nó quá đắt và cũng không ngon như ta tưởng.

Sao đã sang Tây Đức mà quay lại? Ủa, cái gì đợi tôi ở phía trước? Không công ăn việc làm, không nhà ở. Chẳng lẽ vào trại tỵ nạn kiếm cái ăn qua ngày? Đâu có bị thúc ép hay đảng phái nào trù dập mà phải đánh đổi tất cả? Ở bên Đông Berlin tôi cũng đang có tất cả mà? Có nhà ở, có việc làm và có đầy đủ các chế độ. Đâu phải cứ thấy người ta nhà cao cửa rộng xe đẹp, thế là mình chỉ cần đạp bỏ bức tường, chả cần tích lũy phấn đầu gì, trong chớp mắt đã được ngang bằng như họ?

Đông Berlin hồi đó yên bình đến lạ. Vắng. Nhiều công viên, nhiều tượng Lenin với Karl Marx, còn có cả một con phố mang tên Ho Chi Minh ở quận Hohenschoenhausen. Cả nước xếp hàng chờ mua xe ô tô Trabbi hay Wartburg làm bằng bìa carton. Không có ăn xin, ai cũng có việc làm và nhà ở. Giờ, chỉ riêng Berlin đã có gần chục ngàn người vô gia cư và cả triệu người thất nghiệp. Sáng sáng, những người vô gia cư mắt hoen dử bày cái cốc nhựa xin tiền, xin được xu nào lại đổ vào cồn, say xỉn lại nằm vật ra nằm cả đống ngay nhà ga. Cảnh sát chán chả buồn hót. Mà hót đi đâu? Đến có tiền có việc làm còn không kiếm được nhà mà thuê, nữa là.

30 năm sau khi thống nhất. Báo chí ầm ầm khoét sâu sự thật là người dân Đông Đức vẫn cảm thấy mình là công dân hạng hai. Cái thứ hạng ấy phải hiểu như thế nào. 

Tây Đức giàu cực. 60 tỷ DM là cái giá mà ông thủ tướng Helmut Kohl khi đó đã rót cho nước Nga vĩ đại để đổi lấy cái câu hỏi định mệnh của ngài Gorbachev: bao nhiêu?
Bao nhiêu? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xhcn. Câu đó nghe nhiều đến mức thuộc nằm lòng. Những con người luôn được bao cấp đến tận chân răng, làm sao bơi nổi trong nền kinh tế thị trường. Công dân hạng nhất thế nào được khi bản thân họ, từ trong sâu thẳm, vẫn là những đứa trẻ nằm ngửa bú những bình sữa khổng lồ của ông liên bang. Những kẻ trưởng thành thực sự, họ đã tự vận động và ra đi từ lâu rồi. Đi để cống hiến, tìm cho mình chỗ đứng thích hợp, để thay đổi và gột rửa cái tư duy bú mớm đã ăn sâu nhiều thế hệ. Tận bây giờ, khi làm chung với cả đồng nghiệp Ossi (Đông Đức) lẫn Wessi (Tây Đức), mình hiểu rõ sự khác biệt lớn lao nằm ở chính con người. Mà cái chính sách cào bằng, đổ đồng rồi chia đều, đã có đảng và nhà nước lo, nó kéo lùi tất cả từ tư duy đến sự cống hiến với sức nặng khủng khiếp. Bức tường chưa phải là vấn đề. 30 năm chưa gột hết được đâu.

Có lẽ 30 năm nữa? Mà đời người, được mấy cái 30?

P/s Nhân dịp kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin phá bỏ, kênh truyền hình ZDF có đưa ra kết quả thăm dò ý kiến. Trong khi có tới 46% người dân phía đông cho rằng họ bị đối xử như công dân hạng hai, thì chỉ có 17% bên tây thừa nhận điều này. 

Die Mauer im Kopf. Bức tường trong đầu có lẽ là một khái niệm hiện hữu. Nó tồn tại dai dẳng ngay cả khi bức tường thật sự đã bị dỡ bỏ.
---
Ka
(Bài năm ngoái, post lại)
Photo: bức tranh tường lịch sử, hiện vẫn tồn tại trên bức tường Berlin, gần cầu Jannowitz chia đôi hai thể chế suốt 28 năm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang