Thương mến tặng chị Như Anh và Thạc của chị với "Mãi mãi tuổi 20"
Cách đây đúng 7 năm vào những ngày hè nóng bỏng nhất của mùa World Cup 2006 tại Berlin, tôi đã cầm trên tay cuốn "Mãi mãi tuổi 20". Và những trang sách, hay đúng ra, những trang nhật ký của người đã nằm xuống đột ngột thắp lên trong tôi một ngọn lửa còn nóng hơn cả ngọn lửa đang làm cả Berlin cháy lên rừng rực suốt mùa hè đó.
Tôi có thể quên mùa WCp, quên đi những ngày sôi sục với những đêm không ngủ, với đường phố đầy ắp 3 màu đen- đỏ -vàng kiêu hãnh của đất nước chủ nhà, với những âm thanh cuồng điên trong mùa thi đấu lịch sử. Nhưng thật sự là tôi không thể quên cảm giác mà cuốn sách đã mang lại. Tôi run lên với từng con chữ, với từng tiếng chim trên ngọn đồi bạch đàn, với những sớm mai thức giấc mà bàn chân người lính trẻ dẫn dắt. Mối tình trác tuyệt và vĩnh cửu của Thạc - Như Anh như một bản nhạc đầy ắp lời ca cứ ngân lên trong lòng tôi day dứt đến vỡ òa. Tôi đã thổn thức đến thế nào trong thế giới cảm nhận của riêng mình. Nó như một cái kho nhốt lại cảm xúc và bây giờ, khi nghe giọng đọc của Chu Nghị, tất cả lại ùa ra như con chim buông cánh không thể nào ngăn lại được.
Ngày 27/7/2013.
Berlin đột ngột nóng đến 38 độ C. Một ngày nóng hầm hập thật hiếm hoi ở đất nước này. Thế nhưng trung tâm thương mại Đồng Xuân còn hot hơn nữa bởi lễ cầu siêu cho các linh hồn liệt sĩ. Ờ, đã lâu, người ta mải mê cơm áo mà không biết đến một ngày như thế. Một ngày trong mọi ngày, ta lắng lại để tưởng nhớ đến những máu xương đã đổ cho mảnh đất chưa một ngày bình yên. Mảnh đất mang tên Heimat, quê hương tôi, đất nước tôi...
Vẫn thế, những tòa nhà được ngăn thành từng ngăn nhỏ là nơi buôn bán của hàng ngàn người Việt mình ở thành phố Berlin. Những bãi đỗ xe lại chật kín vào dịp cuối tuần. Các hàng ăn và dịch vụ hối hả đón khách thập phương.
Nhưng chợt tôi sững lại khi nhìn thấy bóng áo xanh của những bộ quân phục bộ đội. Phải mất một lúc tôi mới hiểu đó là những người chiến binh một thời nay khoác lại màu xanh áo lính cho ngày hội của chính họ. Và cũng vì thế mà hôm nay tôi có mặt tại đây, dù tôi không phải là cựu chiến binh như tôi đùa với các anh các chị, cũng không hề có thân nhân là liệt sĩ hay thương binh.
Tôi, một đại diện của lớp người sinh sau, nhìn về cuộc chiến như những kẻ bàng quan có lúc đến thờ ơ như người ngoài cuộc. Chiến tranh đâu phải trò đùa, nhưng chiến tranh tàn khốc và trần trụi đến thế nào, tôi chỉ được biết đến qua những trang sách mà đến nay, người ta vẫn viết về nó như những điều chưa bao giờ cũ.
Bạn tôi, Hồng Liên mang đến một mâm lễ gồm những món mà cô tự tay làm để thắp hương. Tôi đã vô tâm quá khi từng quên rằng cha Liên cũng đã ra đi khi cô mới được hai ngày tuổi. Phải đến khi thấy bạn nghẹn ngào khóc trước micro tôi mới hiểu nỗi đau của đứa con mồ côi là hết sức cụ thể và đớn đau thế nào trong nỗi đau chung của cả một dân tộc đầy thương tích.
Buổi cầu siêu rất dài với quá nhiều thủ tục rườm rà của ban tổ chức và vì thế tôi đã không đủ kiên nhẫn ngồi lại dù tôi rất muốn nhìn thấy những người lính trên sân khấu hát cho nhau nghe, hát cho tôi nghe và tôi cùng hát với họ. Nhưng đó chưa phải là điều đáng tiếc nhất.
Tôi đã ngẩn ngơ khi biết rằng Như Anh đã có mặt ở nơi đây. Chị đến với Thạc. Còn tôi, tôi đã không có được cơ duyên gặp chị. Một người phụ nữ đặc biệt mà báo giới và truyền thông của cả hai nước luôn nhắc đến như một doanh nhân thành đạt, một tiến sĩ người Việt, người đã xây dựng cả một công viên mang tên "Cửu Long" ("Chín con Rồng") ở Hanover. Nhưng với riêng tôi, chị luôn là một biểu tượng ngời sáng, một thiên thần quá đỗi xa vời kể từ ngày đọc " Mãi mãi tuổi 20" của Thạc.
Tôi mất cả ngày tự trách mình khi nghe Hoài Phương kể, cô đã ngồi nói chuyện với chị. Lẽ ra tôi đã được gặp chị, Như Anh bằng xương bằng thịt của Thạc bước ra từ trang sách cách đây đã 40 năm, với một tình yêu như huyền thoại, như định mệnh dù đó là định mệnh quá ư nghiệt ngã.
Mà nếu được gặp chị rồi, tôi sẽ nói gì đây?
Biết nói gì với Như Anh của Thạc, bởi những trang nhật ký lóng lánh hồn thơ của anh đã rung lên trong tôi một cảm xúc đến nghẹt thở. Tôi đã không thể cưỡng lại được sự ngưỡng mộ trước tình yêu và lý tưởng sống cao đẹp đến vĩ đại của anh, cũng như ngưỡng mộ tình yêu của họ. Tôi không tôn thờ những lý tưởng cao siêu, nhưng qua cuộc đời ngắn ngủi như ánh sao băng ấy, qua những trang viết tuyệt vời ấy, tôi đã biết đến một điều thiêng liêng mà thế hệ chúng tôi sau này không bao giờ có được.
Tôi đã nghe lại mấy hôm nay những dòng tâm tình của anh lính binh nhì. Những cảm xúc cứ cộm lên, cuộn lên, nhoi nhói trong lồng ngực. Tôi gần như chả viết được gì dù bao nhiêu việc cần làm, bao điều cần viết.
Nhưng may mắn làm sao, Hoài Phương nói, chị đang có một dự án văn hóa cho cộng đồng ở Berlin mà chị muốn những người có tâm huyết cùng tham gia.
Cho đến nay tôi bao giờ cũng dị ứng với những sinh hoạt cộng đồng và từ chối tất cả những cơ hội đó. Có lẽ bởi chưa có ai có đủ sức mạnh để trái tim tôi cháy lên và hướng đam mê của mình tới đó.
Nhưng bây giờ thì tôi biết, tôi sẽ làm gì để gần chị. Bởi người như chị, tâm hồn ấy, trái tim ấy, tri thức ấy, chắc chắn sẽ hướng tới những điều đẹp đẽ nhất và biết gọi mọi người cùng đi theo chị.
Như Thạc, anh lính binh nhì và tuổi 20 mãi mãi thanh xuân bất tử của anh.
Thymianka Thảo nguyên
01/Augut/2013
Mời các bạn xem lá thư của chị Như Anh viết cho Thạc của chị nhân ngày 27/7 định mệnh.
Lá thư đã được chị đọc trong lễ cầu siêu ngày 27/7 vừa qua.
Nguồn: Người việt.de