TỔ CHIM
—//—
Ngày trước tôi đã thấy những chiếc tổ bằng lá dong được khâu lại rất khéo thành hình cái bồ đài ở sau nhà. Mỗi lần theo bà chủ nhà ra đó cắt lá dong về gói bánh, thế nào cũng nhìn thấy bà hoan hỉ vạch cái bồ đài xinh xẻo ấy mà nhặt mấy quả trứng chim bé tý. Không hiểu sao nhất thiết phải ăn trứng chim. Chẳng lẽ thiếu thốn đói khổ đến vậy sao?
Dân làng gọi là bà Tư Hiền, chúng tôi gọi là bà Hai vì bà là vợ hai. Bà và con trai ở gian đẹp nhất, chiếm toàn bộ sân vườn và rẻo đất sau nhà toàn mảnh chum vỡ và đám lá dong gói bánh. Vì có con trai, bà nghiễm nhiên thừa hưởng cả gian thờ có bộ ban thờ sơn son thiếp vàng rất huyền bí và rực rỡ. Tôi và cô em họ lúc ấy vừa vào học vỡ lòng, mũi dãi lòng thòng vẫn chui dưới ban thờ trốn ngủ trưa với tất cả sự ma mãnh pha chút rờn rợn trước những hoành phi câu đối và những bức tượng gỗ sơn phết sơn ta, mắt ông bà nào cũng quắc hết cả lên nhìn rất hãi. Hãi thì hãi, gian ban thờ vẫn là nơi đọng nhiều ký ức nhất của một thời sơ tán.
Đã có bà Hai thì phải có bà Cả. Bà cả lầm lì chân giao chỉ nhuộm răng đen, áo bạc màu đầu chít khăn mỏ quạ. Cô Cả con bà Cả cũng khăn mỏ quạ bạc như đất, chả biết cô bao nhiêu tuổi, chỉ thấy đôi mắt cô tối um và nông choèn như cái thau đồng rửa mặt cô vẫn dùng để rửa rau, vo gạo và hứng nước mưa. Có lần tôi cùng cô em tìm cách lẻn vào trái nhà bé tin hỉn là nơi tá túc của mẹ con bà Cả. Một mùi ẩm mục xộc ra từ bóng tối lờ nhờ. Trên đầu là hai cái sào tre treo lên xà nhà bằng sợi dây thừng lắt lẻo mớ quần áo không biết cái nào cũ mới vì tất cả đều nhuộm nâu đã lên màu bạc phếch. Ngoài hai cái chõng che khép nép nơi góc nhà, gia tài người đàn bà chồng chung chỉ có mỗi chiếc chum rất to. “ Mẹ con nó giàu ngầm, mua vàng cất trong đấy. Toàn quân giả nghèo giả khổ ăn mắm mút giòi”. Bà Hai vừa choe choét quệt dãi trầu, vừa chảnh choẹ, y như “ mẹ con nó” không có bất thứ quyền hành gì kể cả đi kể cả thở, trên mảnh đất người chồng mà bà đã lấy tranh của người ta.
Mẹ con bà Cả âm thầm như cái bóng. Sáng chưa tỏ mặt người đã cắp nón vác cày đi. Tối nhọ mặt người mới âm thầm theo nhau về. Âm thầm củi lửa như ăn vụng ăn trộm trong xó bếp, nếu ánh lửa không hắt lên thì không ai biết là họ đã về.
Bà Hai có cái thú đánh tổ tôm, mà đánh là phải thắng. Bà ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ lim, vừa xỉa bài tanh tách, vừa nhai trầu trèo trẹo, vừa nốc rượu nếp cẩm như người ta nốc coca. Càng chơi bà càng thắng, càng đánh càng lên tay. Mắt bà long lanh, da trắng hồng, miệng tươi màu trầu, môi cắn chỉ. Mẹ bảo, bà đẹp, đẹp lồng đẹp lộn, nên làm lẽ mà bà ngang nhiên thâu tóm cả giang sơn. Chồng chết sớm, bao nhiêu tinh lực của người đàn bà ở tuổi đương soan dồn hết vào bài bạc, ăn nhậu. Lúc nhà tôi chạy loạn đến ở nhờ thì gia cảnh bà đã sa sút lắm rồi.
Bà Hai có tật hay nói nhịu. Mà toàn nhịu thứ ác không à. Bà đứng từ đầu hồi bên này, với sang bên kia, dõng dạc cả xóm nghe thấy: ông Lolz, ông lồl, à ông Luân sang đánh Lonz, à đánh tổ tôm. Bà nhịu, rồi bà cười, thẹn đỏ mặt. Ông Luân chắc như vồ đập, có 8 đứa con, nhà có cái sân rộng đến cả đàn bò nằm còn chưa kín. Ông Luân lõn chõn sang hầu tổ tôm người hàng xóm quá chồng còn mơn mởn xuân thì. Ông chơi để mà thua và cốt được thua, để mà cùng nhau xơi trầu, trà đạo, ngầy ngật trong hơi men nếp cẩm tẩm hoa cúc bà hái nơi góc vườn.
Mỗi lần giỗ chồng, bà làm dăm mâm, vật chó, đụng lợn, đều một tay ông Luân cân tất. Bà đứng chỉ huy, bỏm bẻm nhai, nhịu toàn bộ phận sinh đẻ. “tại ngày xưa đẻ bà không kiêng”, mẹ giải thích. Tôi không hiểu sao bà không nhịu cái bàn cái ghế hay con chó con mèo mà cứ nhằm chỗ nhạy cảm và tăm tối nhất của giống cái mà nhịu? Liệu nếu không rờ rỡ xuân thì và chồng không đoản mệnh thì bà có chuyển sang nhịu thứ lành mạnh hơn không?
Bà Hai và ông Luân làm chung hợp tác xã. Sáng bảnh mắt lõng thõng rủ nhau vác cuốc đi. Trưa mới non sào đã ngon ngót rủ nhau về. Hôm nào lỡ muộn hơn, thấy nhà tôi đã đỏ lừa cơm nước, bà giận, mặt như quả táo dầm. Mẹ phải tay đũa tay bát, vừa ấn vừa mời, bà mới chịu, nể chị lắm đấy nhá. Cũng nhờ bà, bố không dám mắng con, “anh đánh mắng con anh thế ngang bằng anh chửi tôi”, bà bảo. Thế là chúng tôi thoát.
Nhà rộng, thu hoạch xong, hợp tác xã hay gửi bà nông phẩm. Lúc thì ngô, khi lại bí ngô, khoai lang. Ngô thì bà cứ hồn nhiên tẽ rang ăn cho ấm bụng. Bí ngô nay bà vật quả ra nấu chè đậu xanh gạp nếp, mai luộc chấm muối vừng. Hợp tác xã đến thì bà bảo chuột tha, thối quả, bà không chịu trách nhiệm. Lần sau đừng gửi lolz, gừi lồl nhà bà nữa. Bà tươi như hoa, líu lo nhịu nhíu nhìu nhìu. Hợp tác cười xoà. Người đàn bà đẹp đầy uy quyền ấy sai khiến được tất cả, dù chẳng bao giờ thấy bà nặng lời với ai. Chẳng hiểu sao, chồng bà, nghe bảo cỡ phú nông địa chủ, lại bỏ tất cả mà đi sớm thế.
Lần giỗ ấy, hết tiền, bà vật ngay con Vện nhà nuôi. Con Vện 2 tuổi, ngữ ấy mà giềng mẻ quạt chả thì phải biết. Nhựa mận thì hơi non, nhưng cứ phải có nồi nhựa mận mới đưa bún. Đêm hôm trước nghe người ta kháo nhau, vừa tổ tôm vừa sôi nổi bàn tán làm thịt con vật hàng ngày mình vẫn cho nó liếm bát liếm tay, vô tư háo hức như ra chợ mua mớ cá cân cà. Con chó cụp đuôi, bỏ ăn, ư ử chúi góc nhà như chó ốm. “Xích nó lại không lại xểnh mất dư lần trước. Bọn này khôn lắm, biết sắp bị thịt đấy”. Bà ra lệnh.
Lúc ông Luân cầm cái chày giã cua đập đánh oẳng một cái vào đầu con vện thì tôi mới hiểu ra cơ sự. Hoá ra họ giết con Vện thật. Tôi thét lên một tiếng, ôm lấy chân ông Luân, lạy van rối rít. Làm sao và ở đâu ra cái sự lạy van ấy tôi không biết, bản năng chăng? Ông Luân hẩy tôi ra, quát: ông lại cho một chày luôn bây giờ. Tha tha cái gì? Tha để chúng ông ăn cám à?
Mẹ kéo tôi ra. Đêm ấy tôi lên cơn sốt. Đêm sau nữa vẫn còn li bì. 4 tuổi tôi biết vét cơm nguội vo gạo đợi mẹ về nấu cơm, nhưng tôi không biết đuổi con Vện đi. Tôi không sao đuổi được. Nên nó khinh tôi ra mặt, ngang nhiên vục cả mõm vào nồi cơm mà ăn cho thoả thích. Rãi chó lòng thòng nhỏ vào đầy trong nồi, tôi cũng không nỡ đuổi. Rồi thì lương tâm bé nhỏ của tôi có vẩn đục không khi cho cả nhà ăn cơm rãi chó, tôi không biết. Giả dụ có, tôi cũng không xua đuổi một con chó chỉ vì nó thèm được ăn cơm.
Bữa thịt chó kinh dị ấy tôi không ăn, có lẽ cũng không ai cho đứa trẻ con ăn thịt chó vì nó nhiều đạm. Mẹ con bà cả không ăn vì không được mời, dẫu là chồng chung.
Đùng cái mẹ con bà cả chuyển đi. Tin ấy làm bà Hai vừa giận tím ruột vừa mừng như vớ được vàng. Giận vì họ dám có tiền mua đất, mừng vì cơ ngơi này từ nay vĩnh viễn thuộc về mẹ con bà. Bà Cả đi rồi, bà Hai vẫn chưa hết tức, không hiểu mẹ con nó có vàng giấu ở đâu mà bà không biết?
Có lần chúng tôi được mẹ cho đến chơi nhà bà Cả. Đất rộng mênh mông, gà lợn chạy toang toác. Nhà tranh vách đất thôi, nhưng đầy nắng. GIàn bầu đang trổ bông, đầu hè lập loè hoa lựu đỏ như tiết. Cô Cả đầu trần cười toe toét, hàm răng chà cau khô trắng như cơm nguội. Lần đầu tôi thấy cô không chít khăn mỏ quạ, lần đầu thấy cô cười. Cô xênh xang đi lại, chân đầy đất, rõ ra người có chủ quyền.
Cô Cả sau đó lấy anh bộ đội đóng quân trong làng, ở rể. Bà Hai suốt ngày tổ tôm, ngày càng nhịu, nhịu toàn thứ bậy kinh lên được. Chú H con bà học trung cấp vỡ lòng xong về dạy lớp 1 trường huyện. Một hôm chú sáng kiến dùng dao găm móc lốp xe bị bắn vào mặt, khoét một mắt. Từ đó chú bị chột.
Mẹ năm nào cũng vào thăm bà Hai, dòng dã đến tận bây giờ. Đêm nằm, năm ở. Người ta đã cho mình tá túc những ngày bom rơi đạn lạc. Mẹ bảo thế. “Con mẹ mày nó thảo lắm. Chỉ quên giỗ ông đúng có một lần thôi, cứ xin lỗi mãi. Năm nào cũng vào thắp hương cho bà tiền ăn trầu”. Bà nói, tay quệt quết trầu, òng ọc nhổ vào lư đồng. Cái lư đồng bé tí tẹo sở dĩ vẫn còn giữ được đến bây giờ chỉ vì bà nghiện trầu. Chứ đất đai bà xà xẻo bán hết, hoành phi câu đối rồi tượng thờ lư hương cũng bán sạch. Chả còn gì.
Trước covid tôi có về qua nơi ấy thăm đứa bạn học vỡ lòng. Hỏi thăm bà Tư Hiền nó không nhớ là ai. Hỏi chú H thì nó biết, nói hình như vợ chồng bỏ nhau, đất bán sạch chỉ giữ lại một góc xưa nuôi lợn để làm chòi ở. Chú có lương hưu nên không làm gì vẫn sống được. Tôi cũng chẳng nỡ vào thắp cho bà nén nhang. Nợ nần mẹ đã trả cả vốn lẫn lãi, còn gì cho tôi?
(Hôm nay nhìn trên mạng mấy cái hình tổ chim này. Ôi có mỗi cái tổ chim thôi mà cả một dĩ vãng ùa về.
---
KA