Starry, Starry Night



Starry, Starry Night
—//—
Đêm trời đầy sao Van Gogh cắt đứt tai
Giữa cánh đồng lúa mì ở miền nam nước Pháp
Trên toan vải gờ lên những đau buồn đẫm tuyệt
Niềm cô đơn gái điếm cũng chối từ

Ngàn đời sau và cho đến bao giờ
Anh vẫn ngắm sao. Vẫn nao lòng trước màu hoa diên vỹ
Vẫn thấy người điên trong buổi chiều mộng mị
Tiếng súng oan khiên rạch nát bầu trời

Danh tài? Điên loạn? Kẻ dở hơi
Là hoạ phẩm hay chỉ là rác củi
Những phân định nhạt nhoà không còn ranh giới
Khi ta điên hà cớ phải tường trình?

Đêm trời đầy sao không có bình minh
Starry, Starry Night chỉ toàn tiếng thét
Van Gogh khóc. Đời sau càng ngấm mặn
Nước mắt thiên tài không dễ nếm đâu em.
—//—
Ka
01012023
Vivicent Van Gogh là danh hoạ người Hà lan thế kỷ thứ 18. Sinh thời ông rất nghèo khổ, làm đủ thứ nghề từ giáo viên, giao hàng đến mục sư. Ông nghèo đến nỗi phải sống chủ yếu nhờ trợ cấp từ người em trai của mình, cũng đồng thời là ân nhân, người cung cấp hoạ phẩm cho ông sáng tác.

Đã nghèo, ông còn điên loạn, cầu hôn và bị một cô gái hành nghề mại dâm chối từ, sau khi ông cắt tai mình còn gói trong tờ giấy gửi cho cô ta. Đây là chi tiết ám ảnh nhất trong tiểu sử bi thảm của ông. Có ý kiến cho rằng, sau khi cắt tai và tan vỡ tình bạn (đồng tính?) với hoạ sĩ Paul Gauquin năm 1888, Van Gogh bị rồi loạn tâm lý. Theo mình, ông đã bị rối loạn từ trước đó, chỉ mất khả năng kiểm soát sau những chấn động kia mà thôi.

Cuối đời, ông điều trị tâm thần tại một ngôi làng ở miền nam nước Pháp. Robert Hughes, nhà phê bình nghệ thuật Úc cho biết thời gian này, Van Gogh tiếp tục “bị những cú trời giáng của sự tuyệt vọng và bệnh ảo giác hành hạ, khiến ông không thể làm việc, tuy vậy, giữa những cú trời giáng do căn bệnh tâm thần gây ra, Van Gogh vẫn có những khoảng thời gian làm việc miệt mài trong trạng thái xuất thần, hưng phấn cực độ”.

Ngày 27/7/1890, ở tuổi 37, người ta tin rằng Van Gogh đã tự tử bằng súng, một phát súng vào ngực, tuy vậy, người ta chẳng bao giờ tìm thấy khẩu súng nào được cho là đã gây ra cái chết của ông. Không có ai chứng kiến sự việc và địa điểm nơi ông tự sát thực tế cũng không rõ ràng. Cũng như có ý kiến cho rằng ông đã lê từ cánh đồng nơi ông tự sát về đến nhà và chết trong cô đơn sau khi bị các bác sĩ bỏ mặc ông.
 
Starry Night là bức hoạ nổi tiếng của hoạ sĩ, mô tả một bầu trời đầy sao lúc bình minh chưa đến. Hoạ sĩ ngồi trong căn phòng bệnh của mình, nhìn qua cửa sổ ra cánh đồng và bầu trời đầy sao đêm buồn bã. Nhiều tác phẩm cuối đời của ông cũng được ra đời từ đây. Trong thư gửi em trai năm 1889, ông kể: "Qua cửa sổ có song sắt, anh nhìn thấy một cánh đồng lúa mỳ", "ở đó, vào buổi sáng, anh có thể thấy mặt trời mọc và ánh hào quang của nó". Trong tranh, ngôi làng Saint-Rémy im lìm giữa bầu trời cuộn xoáy, xa xa góc bên phải là dãy núi Alpilles. Ở góc trái ông vẽ một cây bách hướng lên trời.

Van Gogh đam mê sắc vàng và ám ảnh bới những vì sao. Đa số tác phẩm của ông có màu vàng chủ đạo. Họa sĩ từng nói: "Tôi chỉ có thể nhớ đến màu vàng, vàng nhạt, vàng chanh, vàng kim loại... Chúng mới đẹp làm sao và tôi thấy chúng rõ hơn khi ở miền Nam".

Khi còn sống, Van Gogh không mấy có tên tuổi. Tranh của ông mang tặng thậm chí còn được treo ở … chuồng gà. Ông cũng chỉ bán được đúng một bức tranh suốt cuộc đời mình, đó là bức Vườn Nho Đỏ. Sau khi ông chết, người ta biết đến ông như là một người tiên phong cho trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng tới mỹ thuật hiện đại. Tranh của ông được nằm trong số những bức tranh đắt nhất thế giới. Starry Night hiện được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (Mỹ). Ngoài ra còn phải kể đến Hoa hướng dương, Chân dung Bác sĩ Gachet, Chân dung tự họa, Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì, Hoa diên vĩ...
Ca khúc "Starry, Starry Night" là ca khúc nổi tiếng do Don McLean sáng tác. Với giai điệu trầm buồn như những lời thì thầm giãi bày an ủi, ca từ là một tiếng thở dài bi hùng cho số phận một danh tài mà tâm hồn u quạnh, rối rắm và hỗn loạn như những vòng xoáy đắm chìm trong đêm trời đầy sao. Ca khúc do Lianne La Havas trình bày sau đó được xuất hiện trong bộ phim "Loving Vincent" năm 2017.
Một bài viết khác của mình về đêm trời đấy sao. Không hiểu sao, mỗi khi xem tranh và nghe bài hát này, trái tim mình trĩu nặng đầy xót thương và đồng cảm với người đàn ông cô đơn bị ruồng bỏ. Nhưng nếu không cô đơn, không điên loạn và nghèo khổ đến thế, làm sao có một danh hoạ Van Gogh?Cũng với ý nghĩa ấy, nếu Bùi Giáng tài hoa hiền lành mà không điên loạn thì thơ của ông đã không thể ma mị đến thấu tim người. Tác phẩm của người điên luôn có một nguồn thức đặc biệt, mà nếu không điên, họ bớt siêu phàm đi nhiều , vì khi đó họ chỉ ở trong thế giới bình thường nhạt nhoà như chúng ta mà thôi.

Ngày nay, người ta thưởng thức và mổ xẻ những hoạ phẩm của Van Gogh, một trong những kho tàng vô giá của nghệ thuật. Nhưng còn sự cô độc trong tâm hồn nghệ sĩ, sự đớn đau vì bệnh tật và thân xác, cội nguồn của sáng tạo, có được bao người cảm thông?

Tuy nhiên, gần đây Steven Naifeh và Gregory White Smith, hai nhà văn người Mỹ trong cuốn sách hàng ngàn trang “ the life” sau 10 năm nghiên cứu cuộc đời của Van Gogh cho rằng, hoạ sĩ không tự tử mà bị bắn chết bởi một hoặc hai đứa trẻ nghịch ngợm trong làng. Khẩu súng được bán đấu giá gần 200.000 dolar.

Minh hoạ: hoạ phẩm Starry Night của Van Gogh và các ý tưởng được hậu thế “ăn theo”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang