LAN MAN VỀ NGƯỜI TÀNG TẬT

LAN MAN VỀ NGƯỜI TÀNG TẬT

Hôm rồi đi tầu xuống München chơi với bạn. Lâu lâu đi tầu, cái văn hóa này chứa đựng bao niềm vui mà chỉ người... lâu không được đi tầu mới biết. Này nhé, chả lo đổ xăng căn tốc độ. Đường xa lộ từ Berlin xuống Müchen, thủ phủ của Bayen cứ gọi là êm ro, ngứa chân ga thế nào cũng phi quá tốc độ. Kinh nghiệm cho thấy những chuyến đi xa về thế nào cũng nhận vài cái giấy phạt. Đó là chưa kể, cái lồng sắt ấy (Ô- tô) nó làm người ta đau lưng và cuồng chân ghê gớm. Nhưng đi tầu hả, thỏa sức mà duỗi chân vươn vai, chưa kể ngồi cà kê phóng mắt hai bên đường ngắm cảnh. Sẽ là vô số hồi ức được tái diễn trong cái đầu già nua bắt đầu ưa hoài niệm... Ấy là nhớ lại thời Đông Đức khi mà phương tiện đi lại duy nhất hồi đó chỉ là tầu hỏa, mấy ai có Ô-tô mà đi đâu?

Nhưng thôi cái văn hóa đi tầu ấy để viết hầu vào một dịp khác. Điều mà mình muốn nói ở đây là chuyện về người tàng tật và các phương tiện giao thông công cộng ở Đức.

Hôm đó, vì mới đổi giờ, mình suýt nữa nhỡ tầu. May ông xã gọi điện về hỏi em chuẩn bị đi chưa? Mình còn đang tắm, nhìn đồng hồ còn nửa tiếng nữa tầu chạy.
Thế là tóc ướt sũng, hai me con lao ra khỏi nhà. May mà tầu khởi hành ở cái bến cách nhà mình có chục phút đồng hồ. Đến nơi, còn chờ thêm ít phút nữa tầu mới đến. Trông mình tái dại và xác xơ như tổ chim vì cái vụ suýt nhỡ tầu.

Lúc xếp hàng lên tầu, ngay phía trước mặt mình là một cái xe lăn. Một bà già cồng kềnh với đủ thử túi xách đang được hai người đàn ông tìm cách đưa lên tầu. Mình và cô bạn cùng hai đứa trẻ kiên nhẫn chờ đằng sau. Đến khi lên được tầu, cái xe lăn ấy còn gây tắc nghẽn cả một toa tầu, khiến không ai đi qua đi lại được. Nhưng tất cả mọi người, cả hành khách lẫn người giúp bà cụ, ai nấy đều kiên nhẫn đợi, không một lời phàn nàn. Cho đến khi bà đã ngồi yên vị, tầu bắt đầu đóng cửa để chuẩn bị khởi hành, một trong số hai người đàn ông phụ giúp bà lúc ấy mới tìm cách xuống tầu thì đã muộn. Hóa ra ông ta là nhân viên của nhà ga, chỉ có nhiệm vụ đưa người tàng tật lên tầu chứ không phải người nhà của bà ấy.

Tầu chạy, người nhân viên ấy bất đắc dĩ bị đi cùng chuyến tầu. Mình cứ băn khoăn, ông có bị khiển trách không? Tất nhiên, ông sẽ quay về khi tầu đến bến đỗ sau đó, nhưng thế là coi như ông đã không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như ông chỉ đưa bà ấy lên tầu, không lấn bấn đưa bà vào chỗ, dọn đồ dọn túi cho bà ân cần đến thế, thì ông đã không bị nhốt lại trên tầu. Một việc làm rất chu đáo tận tình như thế, lại có thể khiến ông bị rầy rà.
Và nếu nhân viên nào cũng cố tình nấn ná trên tầu để được hưởng mấy tiếng nghỉ ngơi bất khả kháng, thì  ngành xe lửa sẽ ra sao?

Cái gì là ranh giới ở đây, giữa nhiệm vụ, trách nhiệm và tình người?

*
Suốt mấy hôm nay, ồn ào trên mạng chuyện cô Vân tàng tật bị nhân viên hàng không từ chối giúp đỡ và hãng hàng không Việt nam từ chối cho lên máy bay.

Tò mò, mình vào mạng xem. Qua video, mình ngạc nhiên thấy cô ấy xinh xắn, cá tính, nói năng nhẹ nhàng có trình độ chứ không phải người tầm thường.

Tra trên mạng những thông tin về cô ấy, mình càng ngạc nhiên hơn, báo giới đã tốn quá nhiều giấy mực về cô gái này, cô gái mắc bệnh hiểm nghèo, với nghị lực phi thường đã học hành thành tài, có thu nhập và chuyên môn khá. Một nhân vật mà lẽ ra, sự di chuyển của cô ở bất cứ hãng nào đều là "vinh dự" và đó là dịp may để hãng đó quảng bá hình ảnh của mình đến với công chúng.

Bỏ qua việc nhân viên vô cảm khi tiếp chuyện cô gái đáng yêu này (vô cảm thì có gì lạ, cả xã hội vô cảm, khác gì đâu nếu thêm hay bớt một kẻ, dù kẻ đó là nhân viên hàng không hẳn hoi?), mình chỉ ngạc nhiên là, đã sang thế kỷ nào, mà nhà hàng (không), vẫn chỉ có cái tầm nhìn tà tà đít trâu thế nhỉ?

Giống Tân Hiệp Phát, sự vô cảm, thiếu đạo đức, coi thường khách hàng của 2 tập đoàn kinh doanh lớn này một lần nữa tự làm xấu đi hình ảnh của mình trong lòng khách hàng.

Sự vô cảm của một cá nhân chỉ làm ta bất bình, phẫn uẫn, thì sự vô cảm của cả một tập đoàn, một xã hội... khiến ta mất lòng tin và hoang mang vô cùng.

Người Việt chúng ta, tự mình không biết nhìn về đâu, tin vào điều gì, khi đa số đám đông không thấy được rằng, ở một xã hội văn minh, chính những người như tàng tật như Thảo Vân, càng được xa hội ưu tiên và nâng đỡ.
*
Mình chưa bao giờ đi máy bay cùng với một người tàng tật, nhưng chắc chắn, hãng hàng không sẽ được thông báo để cử nhân viên đón tiếp chu đáo ở tất cả mọi chặng đường. Sự nhường nhịn, chăm sóc và giúp đỡ người tàng tật ở Đức chẳng hạn, không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là ý thức của cả xã hội. Ngay cả bọn trẻ nhà mình cũng chưa bao giờ tỏ ra chế giễu họ, đơn giản là chúng được dậy dỗ ở trường.

Ở Đức, người tàng tật được ưu tiên số một, rồi mới đến phụ nữ và trẻ em.

Gia đình có một đứa con tàng tật, ít nhất một người (cha hoặc mẹ) được hưởng lương chăm sóc của nhà nước đến suốt đời. Có bãi đỗ xe ưu tiên, thậm chí xe đưa đón miễn phí đến trường.... Tất cả các phương tiện đi lại, đều ưu tiên riêng cho người tàng tật, từ bãi đỗ xe, cầu thang máy, xe Bus, tầu điện ngầm, thậm chí chỗ đi vệ sinh trong các quán ăn lớn, siêu thị... đều được thiết kế riêng cho họ.

Thế mới biết, làm một người tàng tật không phải khi nào cũng bất hạnh.

Nên chăng, hãy nhìn vào chế độ đối xử và phân biệt với người tàng tật, để nhận biết sự văn minh của một đất nước?
---
Ka
07.05.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
=))
:((
=D>
*-:)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang